Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Tin Tức Hoạt Động Của Vĩnh Minh Tự Viện TIỂU SỬ VÀ LỄ CUNG TỐNG KIM QUAN CỐ HÒA THƯỢNG thượng THIỆN hạ HẠNH NHẬP BẢO THÁP

TIỂU SỬ VÀ LỄ CUNG TỐNG KIM QUAN CỐ HÒA THƯỢNG thượng THIỆN hạ HẠNH NHẬP BẢO THÁP

Email In PDF

Vĩnh Minh Tự Viện

Ảnh: Minh Quang - Duy Cường

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.
Ngưỡng bạch Chư tôn Hòa thượng Chứng minh.
Ngưỡng bạch Chư tôn Thiền đức Tăng Ni.
Kính thưa toàn thể quý Đạo hữu Phật tử.

Trước khi cung tống Kim quan Cố hòa thượng nhập Bảo tháp, thay mặt Ban tổ chức Tang lễ, chúng con xin phép được tuyên lại đôi dòng lược sử của Cố hòa thượng, nhắc lại công hạnh một đời thong dong tự tại của bậc xuất trần thượng sĩ, như một án mây đi qua đầm lạnh, dẫu không muốn lưu lại dấu vết, cũng đủ che mát một khoang trời cho đàn hậu học tựa nương.

Hòa thượng pháp húy Nguyên Viên, pháp tự Thiện Hạnh, pháp hiệu Quang Toàn, thế danh Huỳnh Đoàn, sinh năm 1931 tại xã Kỳ Long, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, nay là xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ngài sinh ra trong một gia đình nhiều đời chánh tín Tam bảo, thân phụ là cụ ông Huỳnh Nho, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trả. Lớn lên giữa làng quê hẻo lánh trong thời kỳ chiến tranh ly loạn, người thanh hiên họ Huỳnh chỉ biết an thân lập mệnh với Tứ thư Ngũ kinh, hàng ngày lo việc đồng áng, đến tuổi trưởng thành cũng góp chút công sức của mình trong việc làm dân công tải gạo nuôi quân, làm giao liên giữa hậu phương và chiến khu cách mạng. Nhận thức cuộc đời chỉ là chốn nương thân giả tạm, Ngài không dấn sâu vào việc dựng nghiệp hay thế duyên. Cứ thế cho đến tuổi lập thân, Ngài hầu thân mẫu đến khi qua đời mới hướng đến không môn, quyết xuất trần cát ái.

Năm 1964, Ngài đến chùa Hòa An, thành phố Tam Kỳ đầu Phật. Nhìn thấy Từ dung của trưởng lão Thích Từ Ý, duyên Thầy trò từ nhiều kiếp lại dựng hình, Thầy hòa áo khiêm cung, trò tâm thành khát ngưỡng. Tóc trên đầu rụng xuống một lần từ bàn tay cổ đức, là rụng tất cả lợi danh thế sự, thế thái nhân tình cùng nghiệp chướng đa đoan. Ở tại chùa Hòa An, tối tối Ngài cùng với huynh đệ cùng ra học kinh với Hòa thượng Thiện Duyên. Suốt ba năm vừa hầu Thầy vừa ôn tầm kinh điển, năm 1967, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho tho giới Sa-di tại giới đàn cùa An Phú, Sài Gòn. Bắt đầu từ đây, Ngài tham phương học đạo khắp nơi. Đầu tiên Ngài ở tại chùa Đồng Hiệp, Gò Vấp, đến học Luật với Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Hành Trụ, đi khắp nơi các tỉnh miền Tây tham dự các khóa an cư kiết hạ để học Phật pháp. Năm 1969, Ngài về ở chùa Triều Lợi tại Cam Ranh, phụ giúp với Hòa thượng Thông Phương duyệt đọc, sửa bản in các bản kinh do chùa Hải Tuệ, Sài Gòn ấn tống. Thấy Ngài đã lớn tuổi, Hòa thượng Bổn sư khuyên bảo nên thọ giới Cụ túc, nhưng Ngài vẫn thích hạnh Sa-di, đi đứng nằm ngồi đều hành trì Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Năm 1971, vị cựu Sa-di được Hòa thượng Bổn sư cho phép tấn đàn thọ Cụ túc giới tại giới đàn tổ chức tại  Tu Viện Quảng Đức, quận Thủ Đức, Gia Định. Giới đàn này do Hòa thượng Tâm Như Thích Trí Thủ làm đường đầu, Hòa thượng Phước Bình làm Yết ma A-xà-lê và Hòa thượng Hương Sơn Thích Trí Hữu làm giáo thọ. Sau khi thọ Tỳ-kheo, Ngài xếp việc tham phương học đạo, nhờ sự giới thiệu của Đại sư huynh Thiện Tường, Ngài lên Đại Ninh cất thảo am tịnh trú, vào thọ học pháp môn với Hòa thượng Thiền Tâm.

Đầu thập niên 70, Đại Ninh vẫn còn là khu rừng rậm hoang vu, một mái tranh vách đất cheo leo sườn dốc, dưới những tang cổ thụ thâm u. Thỉnh thoảng Đại bác đêm đêm sáng rực bầu trời binh lửa, Ngài lặng lẽ trì tụng Pháp Hoa và niệm Phật, chim gõ kiến nhịp đều tiếng mõ, thú nhím chồn ngâm hộ âm chuông. Nấm nội rau rừng, nước khe vừng rẫy độ nhật qua ngày. Thỉnh thoảng vào hầu chuyện Sư thúc Tâm Thanh, được cho chồng bánh tráng, vài tai nấm về nấu canh là đủ để an bằng cười vui suốt tháng.

Tháng Tư năm 1975, súng đạn gầm thét, quý Thầy ở Hương Nghiêm đều bỏ đi hết. Hòa thượng Thiền Tâm nhờ Ngài vào giữ Tịnh Viện. Khi quân giải phóng giật sập cầu Đại Ninh, một mình Ngài ở lại Hương Nghiêm với tường loang kính vỡ. Khi hòa bình lập lại, Ngài trở về lại am tranh cốc cuốc sỏi trồng hoa, chẳng màng đến chuyện thế sự, dù đó là chuyện trụ lại Tổ đình do bậc danh đức khai sơn.

Thời kỳ tem phiếu, khi dân thôn bước vào giai đoạn tập đoàn rồi hợp tác xã, Ngài không thể cứ mãi nấm nội rau rừng, nên cũng đi làm vần công cùng với dân thôn xóm. Trên ngọn đồi hoang Ngài trồng một vườn tiêu rất đẹp, gánh nước nơi giếng tự đào tưới tiêu xanh mướt, thỉnh thoảng cùng Sư thúc Tâm Thanh đi ứng phú, kỳ an kỳ siêu, thỉnh Phật an vị cho đồng bào khắp các vùng Di Linh Đức Trọng. Thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, Ngài bắt đầu cắt đứt các duyên, không đi đâu nữa, ở mãi nơi căn chòi gỗ vui thú điền viên. Hai mươi năm chiếc  áo bạc màu, ba mươi năm một đôi dép mỏng. Nhiều người gọi Ngài là ẩn sĩ. Nhưng Ngài có bao giờ đóng kín cửa nhập thất đâu mà bảo là ẩn sĩ. Cánh cổng tre vườn Ngài vẫn khép hờ như thầm bảo “ai muốn vào thì cứ đẩy cửa mà vào”. Ngài ở cách đường quốc lộ không đầy năm phút đi bộ, nhưng có hơn nửa dân trong thôn không biết đến Ngài, kể cả các vị tu sĩ. Cơ ngơi của Ngài cũng chẳng nghèo hèn gì, mảnh vườn rộng nép mình dưới chân đồi, trên bờ ruộng, cổng trước cổng sau như ai. Thất thì dăm ba cái, nơi tĩnh tu, nơi tiếp khách. Tính tình thì chẳng phải im như thóc hay khó khăn gì, vẫn cười nói vui vẻ  và cởi mở khi có ai đến thăm. Vườn Ngài chẳng phải khô cằn sỏi đá đến nỗi trẻ con không thèm đến, cũng mít xoài cốc ổi hoa lá sum suê.

Về giới hạnh, cho đến tuổi Bát tuần, Ngài vẫn luôn miệng tụng kệ Tỳ Ni lúc đi đứng nằm ngồi, vô cùng khiêm cung và từ ái, Khi hầu chuyện với các bậc tôn túc, Ngài luôn bận chiếc áo dài nâu đứng nép một bên chứ không dám ngồi ngang, và luôn tán trợ mọi Phật sự mà các Thầy khác làm được chứ không cực đoan chê bai hay dè bĩu. Cứ như thế, 70 tuổi rồi 80 tuổi. Cuối đời, Ngài có nhận vài đệ tử dạy dỗ học hành, đệ tử thương Thầy xây dựng thêm vài ngôi thất, trang bị thêm cho vài tiện nghi tuổi già và chuẩn bị vài lễ cụ cho hậu sự, Ngài vẫn tùy hỷ, bình thường, như biết rằng có tránh cũng không khỏi.
Sau mùa Vu Lan Kỷ Mùi (2015), Ngài về lại quê hương dự húy nhật Hòa thượng Tôn sư. Trong lễ cung tiến Giác linh, vị đệ tử 85 tuổi vẫn chắp tay quỳ thẳng suốt thời kinh trong khi các Thầy trẻ đều quỵ xuống. Sau lễ lạy Tổ, Ngài đi thăm từng ngôi chùa của các huynh đệ, mỗi chùa ở lại dùng một bữa cơm rồi đi. Sau Tết Bính Thân, Ngài ra Bắc thăm chùa các đệ tử Nguyên Lập, Quảng Thành và chùa của các huynh đệ Vĩnh Minh tại Phú Thọ. Trong lễ húy nhật lần thứ 12 cố Hòa thượng Vĩnh Minh, Ngài bị cảm ho không vào được, sức khỏe có vẻ yếu đi, nhưng vẫn ra vào bình thường. Trưa ngày 18 tháng 02, Ngài vẫn ngồi tiếp chuyện với Bác sĩ Đoan, giám đốc Bệnh viện Đức Trọng, vẫn ăn được một tô bún nhỏ. Ăn xong Ngài từ biệt khách đi vào phòng, vẫn bước chân dài thong thả. Một tiếng đồng hồ sau, đệ tử Nguyên Lập vào phòng, thấy Ngài mệt nên đỡ lên giường. Ngài vẫn mỉm cười đọc kệ Vô thường với đệ tử. Khi Thầy Nguyên Hiền và Thầy Nguyên Tâm đến, mấy huynh đệ trong tông môn quỳ bên Ngài cùng với mấy đệ tử, ấm áp tình Thầy trò trong yên lặng. Đúng lúc chuông chùa điểm giờ Tịnh độ, Ngài trút hơi thở cuối cùng ra đi. Thọ thế 86 tuổi, 45 hạ lạp.

Suốt một đời không danh không tướng, lặng lẽ và an hòa với nụ cười đạt ngộ, rồi ra đi nhẹ nhàng như một bài thơ. Đời Ngài là như thế! Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, nối đời thứ 44 dòng Lâm Tế Chánh Tông, thuộc Từ môn pháp phái. Hàng đệ tử và Phật tử hữu duyên rơi lệ kính thương tiễn Ngài vào cõi vô tung bất diệt.

Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới Đại từ Đại bi Tiếp dẫn Đạo sư A-di-đà Phật.

Sau đây là một số hình ảnh cuối cùng của buổi lễ trước khi cung tống kim quan của cố Hòa Thượng thượng Thiện hạ Hạnh nhập Bảo Tháp:

Bảo Tháp Về Đêm






Lễ Tác Pháp Thỉnh Sư Của Hiếu Đồ

Cung Thỉnh Chư Tôn Hòa Thượng Quang Lâm

Đạo Tràng Thanh Tịnh Và Trang Nghiêm

Đệ Nhất Chấp Lệnh: Hòa Thượng thượng Toại hạ Châu

Đệ Nhị Chấp Lệnh: Hòa Thượng thượng Thanh hạ Thế

Thượng tọa Thích Viên Thắng làm Sám Chủ


Tăng Ni - Phật Tử Thành Kính Tưởng Niệm

Hiếu Đồ Và Môn Đồ Pháp Phái Qùy Trước Di Ảnh Của Cố Hòa Thượng



Hòa Thượng Chứng Minh: thượng Toàn hạ Đức

MC Buổi Lễ. Đại đức Thích Nguyên Hiền



Giây Phút Đầy Xúc Động Của Hiếu Đồ Khi Chuẩn Bị Cung Tống Kim Quan Cố Hòa Thượng Nhập Bảo Tháp


Chư Tôn Hòa Thượng Chứng Minh




Đại Đức Thích Nguyên Tâm Đọc Tiểu Sử Về Hòa Thượng

Đại Đức Thích Nguyên Lập (Trưởng Tử Của Hòa Thượng) Đọc Văn Cảm Niệm Của Môn Đồ Pháp Quyến





Giây Phút Chuẩn Bị Cung Thỉnh Kim Quan Của Cố Hòa Thượng Nhập Bảo Tháp





Nghẹn Ngào Cảm Xúc Của Hiếu Đồ






Rất Đông Tăng Ni Cùng Cung Tống Kim Quan


Những Hình Ảnh Cuối Cùng Của Buổi Lễ


















Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại