Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Apr 20th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Tin Tức Hoạt Động Của Vĩnh Minh Tự Viện Diễn Văn Khai Mạc Lễ Hội Hoa Đăng "Thắp Sáng Đêm Di Đà" Tại Vĩnh Minh Tự Viện

Diễn Văn Khai Mạc Lễ Hội Hoa Đăng "Thắp Sáng Đêm Di Đà" Tại Vĩnh Minh Tự Viện

Email In PDF

Thích Nguyên Hiền

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

Nam mô Tây phương Giáo chủ Cực lạc Thế giới A-di-đà-Phật.

Ngưỡn bạch Hòa thượng chứng minh.

Ngưỡng bạch Chư tôn Thiền đức Tăng Ni.

Kính thưa toàn thể Đạo hữu, Liên hữu, Phật tử đang hiện diện tại Vĩnh Minh Tự Viện.

Đêm nay, hàng ngàn ngọn nến được thắp lên, sáng lên, thắp sáng niềm tin bất tuyệt vào pháp môn Tịnh Độ, của toàn thể Liên hữu dưới trời trăng Tịnh xứ, dưới bóng dáng lồng lộng của Đức Phật A-di-đà, bằng tất cả niềm quy kính và ngưỡng vọng của chúng ta. Trước hết, chúng con xin thành kính đảnh lễ Chư tôn Thiền đức Tăng Ni, hân hoan chào đón tất cả quý vị trong niềm tha thiết, tin yêu và trân trọng nhất. Kính chúc Chư tôn đức cùng toàn thể quý vị an lành trong ánh Từ quang của Đức Điều Ngự Bổn Sư, Đức Từ Phụ A-di-đà và trong sự gia bị của Tam Bảo thiêng liêng.

Ngưỡng bạch Chư tôn đức! Kính thưa toàn thể quý vị.

Thái Hư đại sư đã từng dạy: “Tịnh độ là Tịnh hóa nhân tâm và Tịnh hóa quốc độ”. Khi tâm hồn chúng ta an tĩnh, thanh tịnh thì cõi nước, môi trường xung quanh chúng ta thanh tịnh. Chúng ta đang sống trong một thế giới bất an, một thế giới hư hỏng. Hạt giống tham sân si bùng phát khiến cho nhân loại đắm chìm trong một thế giới rác rưỡi, đầy dãy tội ác, dịch bệnh. Hàng năm, tai nạn tự người và tự trời đã gây ra bao nhiêu chết chóc, đau  khổ, oan khuất. Thiên tai đã khủng khiếp, nhân tai còn ghê rợn hơn, tất cả đều là quả báo kết tụ từ hạt giống tham sân si mà ra. Người tu Tịnh độ không phải là người bi quan yếm thế, không phải là kẻ úp mặt quay lưng với cuộc đời, chạy trốn cuộc đời. Người tu Tịnh độ là người có thái độ tích cực nhất. “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”. Hành giả Tịnh độ nổ lực chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa những hạt giống xấu ác nơi nghiệp dĩ của mình bằng chính câu Thánh hiệu Nam mô A-di-đà-Phật. Pháp môn Tịnh độ dung nhiếp mọi căn, cơ là phương tiện thiện xảo xuất phát từ bi nguyện của chư Phật, các pháp môn khác thiên về trí lực. Bi là thể của chư Phật, còn Trí là Dụng của chư Phật. Tịnh độ chan hòa trong đồng thể Đại bi, như một phương tiện rất linh cảm, rất cận nhân tình, gần gũi với nỗi đau khổ của chúng sanh, nhất là trong thời mạt pháp. Vì thế, quy hướng Tịnh độ là tông chỉ của Giáo môn mà chư Tổ nhiều đời khai thị, kết nguyện vãng sanh là Dị hành đạo mà lịch Đại Cao Tăng đã ân cần phó chúc. Nam mô là Nguyện. A-di-đà là Hạnh, chỉ cần niềm tin thâm thiết thì hành giả có thể thành tựu được cực quả của pháp môn. Một niệm chí thành thì dù biển khổ có vô biên, quay đầu lại là thấy bờ. Ba tâm chí thành thâm thiết và hồi hướng phát nguyện thì cực lạc đã có đường, chỉ cần phát khởi niềm tin thì có thể vãng sanh, đúng như câu đối trước chánh điện Vĩnh Minh Tự Viện mà cố Hòa thượng Viện chủ đã từng ân cần nhắc nhở: “Nhất niệm chí thành, khổ hải vô biên hồi đầu thị ngạn. Tam tâm nguyện vãng, Lạc bang hữu lộ, khởi tín tức sanh”.

Khởi đi từ do Sơ tổ Huệ Viễn đời Đông Tấn kết xã niệm Phật tại Lô Sơn, Đại sư Thiện Đạo phân biệt Định Thiện và Tán Thiện nghĩa, đến Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, tổ thứ 6 của tông Tịnh độ kết hợp giáo nghĩa của 200 nhà để chỉ rõ tông chỉ Tịnh độ nơi toàn bộ kinh điển Đại thừa. Đại sư Liên Trì dạy kỹ đường hướng tu tập, Đại sư Tĩnh Am đặt định lại nền tảng của tâm Bồ đề, đến Ấn Quang, Tổ thứ 13 trong Liên Tông Thập tam tổ đã dạy sự chí thành, tha thiết là điều kiện cần yếu của người tu niệm Phật. Ở Việt Nam, pháp môn Tịnh độ đã được thịnh hành từ hậu bán thế kỷ thứ Tư thông qua những lá thư của Đại sư Đàm Hoằng. Đời Lý, Trần cũng có các Thiền sư ngộ đạo và đắc niệm Phật Tam muội như ngài Đạo Lực. Một trong An Nam Tứ khí là tháp cửu phẩm Liên Hoa của Thiền sư Huyền Quang, một vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tạo dựng từ đời Trần, hiện còn lưu giữ nguyên vẹn tại chùa Bút tháp Bắc Ninh. Tất cả cho thấy Tịnh độ là pháp môn truyền thống tại Việt Nam chứ không phải là một trào lưu thịnh hành tại hải ngoại hiện nay như một số người lầm tưởng. Trong thời cận và hiện đại, Vô Nhất Đại Sư Thích Thiền Tâm và Hân Tịnh Đại Sư Thích Trí Tịnh được xem như nhị vị Tổ sư Tịnh độ của Việt Nam hiện đại. Tịnh xứ Hương Nghiêm hân hạnh là nơi trác tích của Đại lão Hòa thượng thượng Thiền hạ Tâm, tác giả của nhiều tác phẩm Tịnh độ nổi tiếng và làm kim chỉ nam cho người tu niệm Phật khắp thế giới hiện nay. Cố Hòa thượng viện chủ Vĩnh Minh Tự Viện cũng suốt một đời xiển dương Tịnh giáo và đã chứng minh bằng chính cuộc đời sống động của mình. Các bậc thạc đức tại trụ xứ như Ni trưởng Hải Triều Âm, Hòa Thượng Thích Toại Châu cũng luôn nhắc nhở, chỉ dạy cho đàn hậu học bằng chính thâm giáo của mình. Thật là tuyệt vời khi tất cả chúng ta đang được đắm mình trong từ trường an lạc, trong thịnh khí của Chư tôn.

Kính bạch Chư tôn đức! Kính chúc toàn thể quý vị!

Chúng tôi mạo muội xem Vĩnh Minh Đại Phật là linh hồn của trú xứ, bóng dáng lồng lộng của tôn tượng như là chỗ quy hướng cho toàn thể Tăng tín đồ Phật tử địa phương. Mặc dù tổng công trình chưa được hoàn bị, nhưng đặc biệt năm nay, một khoảng sân thoáng rộng giữa muôn ngàn cây lá, trước tôn tượng uy nghiêm cũng vừa mới hoàn thành. Lễ Vía Đức A-di-đà năm nay xem như là ngày lạc thành của mặt sân dưới chân Đại Phật. Chúng tôi hân hoan đón chào Chư tôn đức cùng toàn thể Phật tử, ước mơ đêm 16 tháng 11 hàng năm như là đêm lễ hội của Tịnh xứ tại không gian này. Ứơc mơ mỗi năm mỗi thêm đông đảo, ước mơ tất cả Phật tử địa phương nhớ ngày về tham dự, để cầu A-di-đà-Phật nhiệm màu vang vọng khắp trời trăng Tịnh xứ, vang vọng khắp các cõi lòng quy hướng Lạc Bang.

Thay mặt Ban tổ chức, một lần nữa thành kính đảnh lễ Chư tôn đón chào quý Phật tử. Kính chúc liệt quý vị an lành, an lành và an lành trong biển Đại từ bi của mười phương Chư Phật.

Nam mô A Di Đà Phật.

Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ:





















Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại