Vĩnh Minh Tự Viện

Sunday, May 19th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Khái Luận về Đạo Đức - Phương Diện Thực Tế

Khái Luận về Đạo Đức - Phương Diện Thực Tế

Email In PDF
Mục lục bài viết
Khái Luận về Đạo Đức
Ý Nghĩa Đạo Đức Đối Với Việc Tu Đạo
Căn Cứ Tưởng Lệ Sự Làm Lành, Lành Dữ
Phương Diện Thực Tế
Đạo Đức Xã Hội
Luận Về Chính Trị
Tất cả các trang

 

B.Phương Diện Thực Tế

3.Đạo Đức Gia Đình

Lòng thương yêu bắt đầu từ tình thương yêu giữa vợ chồng, cha con, đó là tình tự nhiên. Phật giáo thường lấy đó làm khởi điểm để đưa ra cái lý hết thẩy chúng sinh phải thương yêu nhau, như thí dụ ở đoạn trên đã nói rất rõ. Nhưng, trên thực tế, đôi khi giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em thường không được hòa mục ái kính, vì thế mà phải giữa đạo đức trong gia đình. Vấn đề này, Phật đã đứng về nhiều phương diện để trình bày nhưng, ở đây, để được tiện lợi, chúng tôi sẽ trình bày về hai phương diện: đó là phương diện kinh tế và phương diện đạo đức gia đình.

Kinh Tế Gia Đình. Muốn duy trì sự kiện toàn gia đình không thể không có một nền kinh tế vững chắc, mọi người trong gia đình, nhất là người gia trưởng phải đặc bệt chú ý đến điều này. Ngày nay cũng thế mà ngày xưa tại Ấn Ðộ cũng vậy. Ở thời đại Phật, vì nên văn minh tại các đô thị phát đạt nên thế lực kinh tế rất rõ rệt. Cứ xem Ca-Chiên-Diên, khi nói với vua Ca-Du-La về sự bình đẳng giữa bốn giai cấp có thêm vào một khoản về thế lực của tiền tài thì đủ thấy đối với các vấn đề gia đình Phật đã cho kinh tế là một yếu tố cần phải đặc biệt lưu ý và cứ nhắc đi nhắc lại về điểm này. Nhưng có điều đáng tiếc là, chiếu theo văn hiến, tất cả các điều trên đây chỉ thấy trong các bả Hán dịch chứ trong Ba-Li ít thấy có. Hoặc giả trong Ba-Li do Thượng Tọa Bộ lưu truyền cho những vấn đề đó là thế tục mà cắt bỏ, không ghi chép, còn Hán dịch thì cứ thế mà truyền bá chăng? Tuy nhiên hiện nay vẫn có chỗ cả Ba-Li lẫn Hán dịch đều nhất trí, chẳng hạn như kinh Thiện Sinh trong Trường-Hàm, 11 (D. 31, Shingalovada), Phật đã thường nói đến sau loại nguyên nhân làm hư hao tiền của, và như vậy thì biết Phật cũng đã từng chú ý đến vấn đề này: đây là một sự thật không thể chối cãi.

Theo Phật, để củng cố cơ sở kinh tế, trước hết phải lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh chính đáng, nếu không, vì lòng tham muốn làm tiền quá độ sẽ đưa đến những hành động phạm tội, điều này, trong kinh Thiện Sinh bản Hán dịch bảo là “trước phải học kỷ thuật rồi sau mới kiếm tiền của”. (1) Về nghề nghiệp nên theo thì Phật thường chỉ bày những nghề sau đây: làm ruộng, buôn bán, chăn nuôi, nhà cho thuê, thợ mộc, mở tiệm ăn, làm công chức, làm thư ký và kế toán, v.v… (2). Tóm lại, nếu mở rộng tinh thần trên đây thì nó bao gồm tất cả mọi chức nghiệp.

Đến cách sử dụng tiền của do theo những nghề nghiệp trên mà kiếm được lại càng phải chú ý. Cách sử dụng ấy, theo Phật, chủ yếu không ngoài việc thu và chi, điểm đặc biệt thú vị là Phật chia thành bốn phần. Kinh Thiện Sinh, bản Hán dịch nói:

(1) Trung-Hàm 33, Thiện Sinh Kinh, cáp bản, p. 162; Trường-Hàm II, Thiện Sinh Kinh, cáp bản, p. 820.


(2) Tạp-Hàm 4’ cáp bản p 504: A. IV, p 281 – 283; Tạp-Hàm 43, cáp bản, 570 p.

“Chia làm bốn phần: một phần để ăn uống hàng ngày, một phần để cày cấy, một phần tích trữ để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra bất thường, còn một phần cho vay để sinh lợi tức” (1)


Tức là một phần chi tiêu hàng ngày, một phần để kinh doanh, một phần để dành trong nhà khi cần đến cấp kỳ, còn một phần nói theo ngôn ngữ ngày nay, là đầu tư vào các xí nghiệp, hoặc cho vay hay ký thác trong các ngân hàng. Vấn đề này không phải chỉ được đề cập đến trong kinh Thiện Sinh, bản Hán dịch, mà ngay trong Tạp-A-Hàm, 48 (cáp bản, trang 750) cũng có nói đến: một phần chi phí hàng ngày, hai phần để kinh doanh, một phần để dành, đủ bốn phần như trên duy có điểm khác là thiếu mất mục sinh lợi tức. Ðây hiển nhiên là nguyên tắc kinh tế gia đình mà Phật thường chỉ dạy cho tín chúng. Hoặc giả, nếu khảo sát sâu hơn, đó là thực dụng học (arthasàstra) đương thời mà Phật đưa ra làm thí dụ thì cũng chưa thể biết được. Tóm lại, nếu ý kiến trên đây là do chính đức Phật nói ra thì, có thể bảo, nền tảng kinh tế gia đình của Phật giáo là phương pháp “bốn phần” vậy.

(1) Trung 33, Thiện Sinh Kinh, Cáp bản, 162, Trường 11 Thiện Sinh, p. 280.

Điều đáng ngăn ngừa nhất trong vấn đề kinh tế gia đình là việc chi tiêu quá độ. Phật thường đưa ra những nguyên nhân làm tiêu hao tiền của để cảnh giới mọi người, đặc biệt Phật nhấn mạnh về sự lười biếng và phóng đãng. Những nguyên nhân ấy, trong kinh Thiện Sinh (Singalovada) kể trên, gồm có sáu ý dưới đây:

1- Say sưa rượu chè (surà-meraya-majja pamàdatthànà-nuyoga)

2- Chơi bời (vikàla-visikhà cariyà-nuyoga = lang thang ngoài đường phố những lúc không thích hợp)

3- Ham mê ca kỹ (samajjàbhicarapa)

4- Mê cờ bạc (jutappamàda tthanànuyoga)

5- Giao du với bạn xấu (àpamittanuyoga)

6- Lười biếng (okàlassanuyoga) (1)

Trên đây là những họa hại (dĩ nhiên là trái với đạo đức) mà Phật đã bảo phải nên tránh để giữ gìn tài sản. Ngoài ra, trong Tạp-A-Hàm, quyển 36 (cáo bản, p. 658) cũng kể ra tám nguyên nhân làm tiêu tán tiền của như: nạn vua quan, nạn giặc cướp, nạn nước, nạn lửa, tự nhiên tiêu hao, cho vay bị giật, oán gia phá hoại, con hư lãng phí v.v… để một mặt cảnh giác người ta phải chú ý đến kinh tế, mặt khác, để nói lên sự bấp bênh của tiền bạc là những thứ mà con người không thể hoàn toàn trông cậy được. Về điểm này, ta thấy thật là khẩn thiết.

(1) Trường II, cáp bản,  p. 819; D, 31, III, 182. Lại trong A. IV, p, 283, đưa ra bốn nguyên nhân làm tiêu hao tiền của như sau: mê đàn bà (itthidhutta), nghiện rượu (suradhutta), cờ bạc (akkhadhutta), chơi với bạn xấu (pàpamitta pàpasampavanka)

Tóm lại, theo Phật thì trước hết phải học tập và lựa chọn những nghề nghiệp chính đáng, sau đó kiếm tiền để cung cấp cho gia đình, nếu còn dư thì để dành phòng khi bất trắc: đó là nền tảng để kiện toàn sinh hoạt gia đình.

Phật tuy khích lệ sự tích trữ, nhưng cực lực chê trách những người vì tích trữ mà trở nên quá hà tiện, sẻn nhặt, thụ hưởng một cách quá thấp so với lợi tức thu được, đó là điểm ta cần ghi nhớ. Ngày xưa, một chàng thanh niên Bà-La-Môn tên là Bạt-xà-ca (Byagghapajja) hỏi Phật làm thế nào để được an vui trong hiện tại. Phật bảo phải làm bốn điều sau đây:

1-       Phương tiện cụ túc (Utthanasampada)

2-       Thủ hộ cụ túc (Arakkhasampada)

3-       Thiện trí thức cụ túc (Kalyana-Ni Mittata)

4-       Chính mệnh cụ túc (Samajivika) (1)

Thứ nhất, phương tiện cụ túc nghĩa là hoàn bị sự học tập chức nghiệp. Thứ hai, Thủ hộ cụ túc nghĩa là phải bảo tồn của cải. Thứ ba, thiện trí thức cụ túc nghĩa là kết thân với bạn tốt để tăng thêm đạo đức. Thứ tu, chính mệnh cụ túc, nghĩa là đừng lãng phí của cải mà cũng đừng quá keo kiệt, thụ hưởng không tương xứng với lợi tức mình thu được, tức sống theo đúng chính mệnh cụ túc, là phải tránh cả lãng phí và bỉ lận (atibina). Ngày xưa Phật thường ví lối sống “bóc ngăn cắn dài” (Ulara) như cái quả ưu-đàm-bát không có một hột (hạt) và lối sống “vắt cổ chày ra nước” như con chó chết đói (ajadhamarka) để răn mọi người. Tóm lại, ở đây, Phật đề xướng lối sống trung đạo là cần thiết.

(1) Tạp 4, cáp bản, p, 504; A. IV, p, 281.

Như vậy là đức Phật đã chú ý đến kế hoạch kinh tế gia đình, và kế hoạch ấy, theo Phật, không phải chỉ để “vinh thân phì gia” mà mục đích của nền kinh tế gia đình là phải khiến cho gia đình có khả năng làm thiện. Tức là ngoài việc nuôi thân và vợ con ra, còn cần phải cung phụng cha mẹ, giúp đỡ họ hàng và cứu trợ những người nghèo khó và cúng dâng các bậc Sa-môn, Bà-La-Môn v.v… Ngày xưa, nhân thấy một người Bà-La-Môn tế lễ một cách vô ý nghĩa, Phật bèn dạy họ cách tế Tam Hỏa để thay cho Tam Hỏa của Bà-La-Môn Giáo như sau: căn bản hỏa, cư gia hỏa và phúc điền hỏa. Căn bản hỏa là dùng của cải để cung phụng cha mẹ; cư gia hỏa là dùng của tiền nuôi vợ con, giúp đỡ bạn bè và thân thuộc; phúc điền hỏa là cúng dàng các vị Sa-Môn, Bà-La-Môn v.v… (1) Trên đây là phương pháp giáo hóa một cách uyển chuyển,  nhưng hoàn toàn lấy việc sử dụng tiền tài cho hợp nghi, trúng cách làm chính, đó là điểm có liên hệ với vấn đề kinh tế gia đình mà người ta cần phải hết sức chú ý. Bốn pháp an vui mà Phật dạy cho Bạt-Xà-Ca để mưu sinh trên đây, đời sau thêm vào một pháp nữa là thí cụ túc (cagasampada), tức dùng tâm vô sở đắc (vigàtamalanacchena cetasa) để làm hạnh thí giải thoát (muttacapa) (1)

(1) Tạp 4, cáp bản, p, 505

Nếu vì kiếm tiền mà làm việc xấu thì, với bất cứ lý do nào, Phật cực lực lên án. Cho nên ngài nói: “Cho dù vì nhà vua, vì cha mẹ, vì vợ con cũng không được làm việc ác”, (2) nghĩa là vì phải nuôi dưỡng cung phụng những người ấy mà làm tiền một cách bất chính thì cũng trái hẳn với tinh thần trong chính sách kinh tế của Phật. Sự vững vàng về kinh tế phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức gia đình, bởi thế, đường lối làm tiền cũng như phương pháp tiêu tiền phải hoàn toàn đặt trên cơ sở đạo đức: đó là tinh thần căn bản của Phật mà ta cần ghi nhận.


Nghĩa vụ của mỗi người trong gia đình

Nền đạo đức gia đình mà Phật cổ xúy và tôn trọng chủ yếu là ở như mọi người trong gia đình phải hiểu và thương yêu nhau, cùng nhau làm điều thiện để gây niềm tin tưởng. Phật thường tùy theo địa vị và nghĩa vụ riêng của mỗi người mà chỉ bày những đức mục nên làm để kiện toàn đạo đức gia đình. Tựu trung điều Phật nhấn mạnh và quý trọng nhất là con gái phải nghĩ đến ân nghĩa sâu dày của cha mẹ, có nhiệm vụ hiếu dưỡng để đền đáp; thứ đến là quan hệ giữa vợ chồng thì Phật đặc biệt tán dương sự trinh tiết của người vợ, và lòng thương yêu vỗ về của người chồng, đó là nền tảng của sự thuận hòa trong gia đình.

(1) Tạp 4, cáp bản, p. 505


(2) Trung 6, Ðà Nhiên Kinh, cáp bản, p. 27; M. 97 Dhananjani 11. p. 188 -189

Tuy nhiên, về bổn phận cũng như nghĩa vũ của mỗi người trong gia đình đối đãi với nhau như thế nào thì vẫn chưa được nói đến một cách đầy đủ, mặc dầu trên kia chúng tôi đã trích dẫn kinh Trường bộ, văn Ba-Li, 33 (Singalovada) và Hán dịch quyển 11, Kinh Thiện Sinh (Trung 33, Thiện Sinh kinh dịch riêng Thi-ca-la-việt lục-phương-lễ kính) nhưng vẫn còn thiếu sót. Bởi thế, ở đây, mặc dầu hơi phiền phức nhưng muốn tránh sự trích dẫn linh tinh, tôi xin dịch trọn bộ phận trọng yếu trong kinh Lục phương văn Ba-Li ra đây để tiện việc theo dõi của độc giả.

Thi-ca-la-việt (Thiện Sinh) là người con Bà-La-Môn, y theo tập quán di truyền của ông cha để lại, cứ mỗi buổi sáng ra lễ sáu phương trời đất, Phật thấy thế bèn đổi ý nghĩa lễ sáu phương thành ý nghĩa luân lý. Hiện nay có ba bản Hán dịch; nó là một trong những kinh điển trứ danh nhất trong A-Hàm-Bộ. Giữa Ba-Li và Hán dịch tuy có một vài chi tiết khác nhau, nhưng trên đại thể thì vẫn nhất trí.


“Lời tựa.

“Này con của trưởng giả kia! Các Thánh đệ tử (ariyasavoka) nên lễ sáu phương như thế nào? Ngươi không thể không biết đến điều này. Hãy nghe ta nói: cha mẹ là phương đông, thầy trò là phương nam, vợ chồng là phương tây, bạn bè là phương bắc, chủ, tớ là phương dưới, sa-môn, Bà-La-Môn là phương trên.

“Quan hệ giữa cha mẹ và con cái”.

“Làm con phải lấy năm điều đối với cha mẹ là phương đông. Thứ nhất, gìn giữ lấy tài sản của cha mẹ: thứ hai, thừa kế gia nghiệp; thứ ba, phải lập phổ hệ của cha mẹ, thứ tư, sinh sản con cháu; thứ năm, truy tiến tổ tiên (1).

(1) Về năm điều này, giữa Ba-li và bản Hán dịch Trường-Hàm có hơi khác. Tức Hán dịch là: (1) Phải cúng dàng đầy đủ; (2) Làm việc gì cũng phải được sự đồng ý của cha mẹ; (3) Không được trả lời cha mẹ; (4) Phải tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ; (5) Không được dứt bỏ chính nghiệp của cha mẹ (Cáp bản, trang 923), trong Thiện Sinh Kinh trong Trung-Hàm là: (1) Tăng thêm của cải của cha mẹ (2) Lo liệu mọi việc; (3) Cúng dàng những vật gì cha mẹ muốn; (4) Không trả lời cha mẹ; (5) Lấy vật riêng của mình cung cấp cha mẹ. Ðến việc cha mẹ muốn con cái giữ gìn tài sản, sinh sản con cháu, chết rồi mong được con cúng bái thì trong Amguttara 111, p. 43 cũng có chép. Y hẳn văn Ba-li cũng gần với cách thuyết pháp nguyên thủy hơn?

Như thế, cha mẹ là phương đông cũng phải lấy năm điều đối đãi với con cái. Thứ nhất, cấm con không được làm việc ác. Thứ hai, dạy con làm thiện. Thứ ba, cho con đi học hành. Thứ tư, hỏi vợ gả chồng cho con. Thứ năm, khi nào đến lúc thì trao quyền làm chủ gia đình cho con … Như vậy thì phương đông sẽ được an ổn, không lo.


“Quan hệ giữa thầy trò”.

“Trò phải lấy năm điều đối đãi với thầy là phương nam. Thứ nhất, thấy thầy đi qua phải đứng dậy. Thứ hai, phải gần gũi hầu thầy. Thứ ba, chú ý nghe thầy nói. Thứ tư, tôn kính thầy. Thứ năm, phải ghi nhớ những lời thầy dạy bảo. Ðáp lại, thầy cũng phải lấy năm việc đối đãi với trò. Thứ nhất, khéo dạy trò. Thứ hai, làm cho trò ghi nhớ những điều mình dạy. Thứ ba, phải dạy trò tất cả những điều mình biết. Thứ tư, dạy bảo trò giao thiệp với bạn hiền. Thứ năm, đi đâu cũng phải bảo vệ trò … như thế thì phương nam an ổn không lo.

“Quan hệ giữa vợ chồng”

“Chồng phải lấy năm điều đối đãi với vợ là phương tây. Thứ nhất, kính trọng vợ (Hán dịch là lấy lễ đối xử với vợ). Thứ hai, không coi thường vợ. Thứ ba, phải giữ trinh tháo. Thứ tư, giao toàn quyền trong nhà cho vợ (issariyo-Vossaggena). Thứ năm, tùy thời may mặc cho vợ. Ðáp lại, vợ cũng phải lấy năm việc đối đãi với chồng. Thứ nhất, phải dọn dẹp nhà cửa cho có ngăn nắp. Thứ hai, phải chăm nom hầu hạ chồng. Thứ ba, phải giữ tiết hạnh. Thứ tư, giữ gìn gia sản. Thứ năm, siêng năng làm việc … Như thế thì phương tây an ổn không lo.

“Quan hệ giữa bạn bè”

“Này con nhà kia (Kullaputta hoặc nói là thân sĩ) Phải lấy năm điều đối xử với bạn bè là phương bắc (mittamacca), Thứ nhất, phải giúp đỡ bạn khi cần (bá thí). Thứ hai, nói lời yêu thương (ái ngữ), Thứ ba, làm lợi ích cho bạn (đồng sự). Thứ năm, không thốt ra những tiếng xấu.

Thế rồi bạn bè cũng phải lấy năm việc mà đối đãi lại. Thứ nhất, bảo vệ khi bạn bị c1m dỗ. Thứ hai, khi bạn bị dụ hoặc thì phải bảo vệ tài sản của bạn. Thứ ba, che chở cho bạn khi bị đe dọa. Thứ tư, khi gặp hoạn nạn quyết không bỏ bạn. Thứ năm, tôn trọng con cháu của bạn … Như thế thì phương bắc được an ổn không lo.

“Quan hệ giữa chủ, tớ.

“Chủ nhà cũng phải lấy năm điều đối đãi với người giúp việc trong nhà là phương dưới và những người làm công (Dosa pamamakara). Thứ nhất, căn cứ theo khả năng mà giao phó công việc, Thứ hai, tùy thời tiết mà may cho áo quần. Thứ ba, khi đau ốm phải cho thuốc thang. Thứ tư, tùy thời thưởng cho ăn ngon (accariyanam-rasanam sam-vibhaya) Thứ năm, đúng giờ giấc cho nghỉ ngơi. Người ở và người làm công cũng phải lấy năm việc đối xử lại với chủ nhà. Thứ nhất, phải dậy sớm. Thứ hai, đi ngủ sau chủ nhà. Thứ ba, chỉ lấy cái gì chủ nhà cho (không cho thì không được lấy). Thứ tư, làm việc chuyên cần. Thứ năm, không được nói xấu chủ. Như thế thì phương dưới được an ổn không lo.

“Quan hệ giữa người xuất gia và tín đồ.

“Người tín đồ phải lấy năm việc đối đãi với các bậc Sa-môn và Bà-La-Môn là phương trên. Thứ nhất, thân làm việc lành. Thứ hai, miệng nói lời lành. Thứ ba, tâm nghĩ việc lành. Thứ tư, miệng nói lời lành. Thứ ba, tâm nghĩ việc lành. Thứ tư, không đóng cửa khi Sa-môn, Bà-La-Môn tới nhà (cho ra vào tự do). Thứ năm, cúng dàng thức ăn uống.

Ðáp lại, Sa-môn, Bà-La-Môn cũng phải lấy sáu điều đối đãi với tín đồ. Thứ nhất, cấm tín đồ làm ác. Thứ hai, khiến làm lành. Thứ ba, lấy thiện tâm thương tín đồ. Thứ tư, dạy cho nghe những điều gì tín đồ chưa được nghe. Thứ năm, làm cho những điều họ nghe rồi được thanh tịnh. Thứ sáu, mở bày cho họ con đường giải thoát … Như thế thì phương trên được an ổn không lo …”

Sự phân loại trên đây tuy quá chặt chẽ, bất lợi cho sự truyền giáo linh họat, nhưng trình bày một cách khái quát thì nó cực bình dị, chất trực, rất hợp với đạo đức gia đình, và rất thân thiết nữa. Ta có thể nói, ngay ngày nay chúng ta cũng có thể dùng nó để kiện toàn nền đạo đức gia đình tại Nhật Bản này.

Ngoài ra, người ta còn thấy những lời thuyết pháp liên quan đến đạo đức gia đình rải rác ở nhiều chỗ, nhưng chủ yếu cũng không ngoài ý nghĩa được trình bày trong một phần của kính Lễ sáu Phương trên đây. Hoặc nếu nói rộng ra thì tức kinh lễ Sáu Phương trên là đại biểu, còn những chỗ khác chỉ là sơ lược mà thôi.