Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Khái Luận về Đạo Đức - Căn Cứ Tưởng Lệ Sự Làm Lành, Lành Dữ

Khái Luận về Đạo Đức - Căn Cứ Tưởng Lệ Sự Làm Lành, Lành Dữ

Email In PDF
Mục lục bài viết
Khái Luận về Đạo Đức
Ý Nghĩa Đạo Đức Đối Với Việc Tu Đạo
Căn Cứ Tưởng Lệ Sự Làm Lành, Lành Dữ
Phương Diện Thực Tế
Đạo Đức Xã Hội
Luận Về Chính Trị
Tất cả các trang

2.Căn Cứ Tưởng Lệ Sự Làm Lành, Lành Dữ
Hết thảy đạo đức, chung cùng, đều hướng tới giải thoát niết-bàn chí cao, chí thiện; nói ngược lại là phải lấy giải thoát niết-bàn chí thiện, chí cao làm căn để thì đạo đức mới có thể được giải thích một cách chân chính: đó là thái độ của Phật đối với đạo đức đệ-nhất-nghĩa. Duy có điều là: nếu hết thảy thế gian đều lấy dục làm căn bản thì trong đó cái gọi là đạo đức cũng không thể giải thoát ra ngoài phạm vi sinh hoạt của dục. Nói theo danh từ chuyên môn thì tức là không thoát khỏi hữu lậu (sassavaka). Vậy thì, giữa thế giới hữu lậu này, cái căn cứ của những hành vi đạo đức lấy sự diệt trừ ngã chấp, ngã dục làm bản chất, nhất là của sự tưởng lệ lòng thương yêu kẻ khác, ở chỗ nào? Vấn đề này, Phật đã đứng về nhiều phương diện để thuyết minh.

Thứ nhất, căn cứ vào pháp tắc thiên nhân thiện quả, ác nhân ác quả. Ðứng trên lập trường công lợi mà nói thì khi làm ác có thể thỏa mãn được ngã chấp, ngã dục hay không thì chưa biết, nhưng hậu quả của nó thì chắc chắn sẽ là cái khổ vĩnh viễn vì thế, rốt cục, sẽ là bất lợi. Còn như khi làm thiện, tuy có phải hy sinh tự kỷ đi nữa nhưng quả báo sẽ là sự sung sướng lâu dài thì điều đó, rốt cục, là lợi ích, bởi thế nếu muốn được thỏa mãn hoàn toàn thì, trước hết, chỉ cần quên mình, thiệt mình là được: đó là quan niệm của Phật và cũng là pháp tưởng lệ sự lánh ác, tu thiện được thấy rải rác trong nhiều kinh điển.

“Lấy thọ cho người (cứu thọ mệnh của người) thì khi sinh vào cõi người, cõi trời được sống lâu; lấy sắc đẹp cho người thì khi sinh vào cõi người, cõi trời sẽ được sung sướng, lấy sức cho người thì thì khi sinh vào cõi người, cõi trời được mạnh khỏe; lấy trí tuệ cho người thì khi sinh vào cõi người, cõi trời được sáng suốt” (1).

Phương pháp dẫn dụ người đời chỉ biết công lợi trên đây là một phương pháp rất hữu hiệu. Cứ theo Phật thì pháp tắc nhân quả này cũng có cái cơ sở của sinh mệnh luận đã trình bày ở trên, ở đây cũng lấy nó làm nền tảng để nói rõ hiệu năng của đạo đức. Tuy nhiên, nếu nói như một số học giả đã phê bình cho rằng đạo đức của Phật chủ yếu không ngoài thuyết công lợi thì thật là vô cùng sai lầm, vì đó hoàn toàn thuộc thế giới luân hồi, đạo đức từ thấp đến cao chứ quyết không phải đạo đức trên lập trường đệ-nhất-nghĩa, đó là điểm ta cần ghi nhận.

Thứ hai, căn cứ vào nguyên tắc đại khái cũng như nguyên tắc trên, nhưng lại khảo sát theo một lập trường bất đồng; nghĩa là, chúng sinh, nếu nói theo nhân quả ba đời, thì hết thảy đều là anh em, do đó, phải thương yêu nhau, đây là thuyết rất phù hợp với nhân tình tự nhiên. Vì, nếu bảo vòng luân hồi là vô cùng tận thì hết thảy chúng sinh trong các kiếp quá khứ có thể đã từng là cha mẹ họ hàng lẫn nhau, mà quá khứ đã thế thì trong vị lai cũng vậy, điều đó rất có thể tin được. Nhận xét theo thuyết này thì tất cả chúng sinh đều có quan hệ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em với nhau cả.

(1) A. III, p. 42.

“Nên nghĩ như thế này: hết thảy chúng sinh trong quá khứ đều đã là cha mẹ, vợ con, anh em, thân thuộc, thầy bạn, trí thức của ta” (1)

Ngày xưa,  Từ Trấn Hòa Thượng có câu: “Nghe thấy tiếng chim hót trên núi lại chợt nhớ đến cha mẹ ngày xưa” thật đã dựa vào lý do trên đây mà bộc lộ tình cảm chân thành nhất. Tức người ta ai ai cũng có bản năng yêu mến cha mẹ, vợ con, nhưng nên mở rộng bản năng ấy để thương yêu tất cả chúng sinh – không những chỉ nhân loại mà cả động vật – đó là cái căn cứ sáng ngời của thuyết này.

(1) Tạp 34, các bản, p, 666; Số-Luận, 10, pp 189 – 190 Therig 489,

Lại nữa, nói theo thuyết nhân duyên thì hết thảy sự vật trong thế giới đều do nhân duyên mà được thành lập, vậy nếu trong nhân duyên bao hàm mối quan hệ giữa mình và người thì thế giới này là nơi cộng đồng trách nhiệm, do đó, nếu chỉ vì thỏa mãn tự kỷ mà tàn hại người khác thì, đứng trên lập trường toàn thể mà nói, tức cũng gián tiếp tàn hại chính mình, và giúp đỡ người khác tức cũng là giúp đỡ chính mình. Bởi vậy Phật đã nói: “Bảo hộ mình cũng tức là bảo hộ người, bảo hộ người cũng tức bảo hộ mình” (1) đó là điều kiện tối cần cho sự cộng đồng sinh tồn. Về sau, Hữu bộ Tôn cho thế giới là do cộng nghiệp chiêu cảm, tức cho cái nghiệp của tất cả chúng sinh là sản vật chung, thật đã nói rõ về tư tưởng trên đây. Và riêng tôi cũng cho đó là căn cứ liên đới quan luân lý (Soli-darity) của Phật giáo.

Thứ ba, căn cứ trên lập trường đồng tình để tưởng lệ lòng thương yêu kẻ khác, tức hễ cái gì mình không muốn thì người khác không muốn, mà cái gì mình muốn thì người khác cũng muốn. Ðiểm này, trong Tăng-Nhất-A-Hàm, 37, (2) gọi là Tự Thông Pháp (attup-ànayiku dhammapariyaya) và cũng nêu lên cái lý do tại sao người ta không nên sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói lời hung ác và nói lưỡi hai chiều như sau:

(1) S. V. p, 168, Attanam rakkhanto param rakkhati, param rakkhanto atta-nam rakkhati,


(2) Tăng, 37, Cáp bản, p, 689 – 690; S. V, p, 353 ff

“Các cư sĩ đệ tử của Phật nên nghĩ như thế này: ta muốn sống, muốn không chết, muốn được sung sướng, muốn tránh khổ đau; nếu có người nào cướp đi sự muốn sống, không muốn chết, muốn tránh khổ đau và sinh mệnh của ta thì ta có vui sướng không? Vậy mà, nếu ta phá hoại sự muốn sống, muốn không chết, muốn được hạnh phúc, muốn tránh khổ đau và sinh mệnh của kẻ khác thì, cũng như ta, kẻ khác đâu có vui sướng? Phàm cái gì mình không ưa, không thích thì người khác cũng không ưa, không thích thì người khác cũng không ưa, không thích; vậy thì tại sao ta lại đem cái mình không ưa, không thích mà tròng vào cổ kẻ khác! Nghĩ như thế rồi thì tự mình không được giết hại, khuyên dụ người khác giữ giới bất sát và luôn luôn tán thán những người không sát sinh (về trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ác khẩu, ỷ ngữ, lưỡng thiệt cũng giống như trên)


Tức theo lập trường “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” để nói lên cai lý do bảy thiện nghiệp của thân và miệng gọi đó là tự thông pháp, có thể nói, từ ngữ này rất xác đáng. Phật còn tóm tắt ý nghĩa của nó trong một bài kệ như sau:

“Tâm rong ruổi tất cả phương hướng

Mà không thấy người nào đáng yêu hơn mình

Như thế, người khác cũng lại cho chính họ là người đáng yêu hơn hết

Bởi vậy, biết yêu mình thì đừng hại người (1)

Ngày xưa vua Ba-Tư-Nặc thường hỏi Mạt-Lợi phu nhân là trên đời có người nào đáng yêu hơn mình không thì phu nhân trả lời là không. Nhà vua cũng tin như thế và đem chuyện ấy thưa với Phật. Phật bèn nói ra bài kệ trên để khuyến dụ hai người. Nghĩa là, Phật đã lấy tâm ích kỷ của con người làm khởi điểm để dạy con người cũng phải đồng tình với tâm ích kỷ của người khác, vì tưởng lệ đạo đức theo phương diện này là một phương pháp khuyến dụ rất thân thiết và thích đáng. Tiếng “đừng” ở đây tuy là lời chỉ ác tiêu cực, nhưng, nếu chuyển đổi đi thì nó biến thành hành thiện “lấy điều mình muốn mà cho người”, tức đạo đức đích thực: điều đó tưởng không cần nói ai cũng rõ.

Như vậy là Phật, trong sự quan hệ hỗ tương, đã đứng trên những lập trường khác nhau để nói rõ cái cơ sở luân lý nhất ban, nhưng tất cả vẫn chưa thoát ly được lập trường ngã chấp, mà là những thuyết cực kỳ thông tục. Duy có điểm là những thuyết ấy, nói theo kiến địa thực hành, ít ra cũng khuyến dụ người đời làm lành lánh dữ một cách vô tri vô thức, thậm chí đến đạo đức vô ngã chân chính, vì chính nó là bước tiến đến đạo đức rất hữu hiệu. Về sau, A-Tỳ-Ðạt-Ma, khi giải thích nghĩa chữ thiện, đã nói:

(1) S. I. p, 75.

“Ðời này thuận theo việc ích, đời khác làm thiện” (1)


Thật đã không ngoài lập trường kể trên.

Tuy nhiên, ở đây có điều ta cần chú ý là: đối với đạo đức thế tục Phật đã đứng trên lập trường công lợi để trình bày, nhưng quyết không phải luận về kết quả mà là luận về động cơ của nó. Ðiểm này cứ xem lại Nghiệp Luận đã trình bày ở trên thì đủ rõ. Vì, thông thường Phật chỉ đặc biệt đối với hành vi hữu ý (sancetanika kamma) để luận về thiện, ác, nếu hành vi vô ý thì sẽ căn cứ vào kết quả của nó như thế nào mà phán định đạo đức. Ðể hiểu nghĩa này hơn, xin đưa ra một thí dụ: ngày xưa một vị Tỷ-Khưu vì đánh con rắn mà đập lầm phải một người đến chết. Khi đưa ra phán quyết, Phật xử phạt về tội giết động vật chứ không xử theo tội giết người. Do đó, ta thấy, về hành vi đạo đức, Phật căn cứ vào tâm là thứ nhất, vào kết quả của hành vi là thứ hai, điều này, so với Kỳ-Na-Giáo cho hành vi là thứ nhất, tâm là thứ hai, là một đặc sắc của đạo đức Phật giáo. Phật thường bảo một ngọn đèn của nhà nghèo bằng muôn ngọn đèn của trưởng giả đặc biệt là một lý do quý trọng vậy (2).

(1) Ðại Tỳ Bà Sa, 51, Vạn bản 213


(2) Ngũ Phần Luật, 28, chương 2, p, 63.