Vĩnh Minh Tự Viện

Tuesday, May 07th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Tổng Quát Về Tu Đạo Luận - Tại Gia Và Xuất Gia

Tổng Quát Về Tu Đạo Luận - Tại Gia Và Xuất Gia

Email In PDF
Mục lục bài viết
Tổng Quát Về Tu Đạo Luận
Phương Pháp Tu Đạo Của Đương Thời Và Của Phật
Không Khổ, Không Vui
Tư Cách Tu Đạo, Bốn Gai Đều Đồng Đẵng
Phụ Nữ Với Việc Tu Đạo
Tại Gia Và Xuất Gia
Tất cả các trang
6.Tại Gia Và Xuất Gia
Phật cho rằng nếu muốn thực hiện lý tưởng chân chính thì không thể không một lần dẹp bỏ tiểu ngã, bởi thế, ngài đã đặc biệt khuyến khích nên xa lìa lối sống tại gia lấy tiểu ngã chấp làm cơ sở để sống cuộc đời xuất gia vô dục. Tuy nhiên, như đã nói ở thiên trước, mặc dầu sống cuộc đời dục vọng, nhưng nếu luôn luôn thanh-tịnh-hóa nó thì rồi dần dần cũng tiến gần đến lý tưởng. Xem thế thì cái yếu lý của việc tu đạo đã lấy quan hệ sinh hoạt đạo đức làm trọng, thì giá trị tu đạo của tại gia cũng rất đáng được tưởng lệ, tức chỉ ác, hành thiện và thanh tâm tuy thuộc tại gia, nhưng cũng có thể hướng đến giải thoát. Như vậy, đức Phật, một mặt nói lên tính cách vô thường nhanh chóng của sự sống chết để khuyên người ta mau tìm cầu giải thoát, mặt khác, đồng thời lại nhận định sự luân hồi lâu dài rồi đưa ra phương pháp giải thoát tiệm tiến mà mở đường cứu độ hết thảy chúng sinh. Vacchagotta đã tán thán Phật như thế này:

“Cũng như nước sông Hằng chảy ra biển, rồi hòa vào biển, y theo Phật thì bất luận tại gia hay xuất gia cũng đều hướng tới niết-bàn mà nhập niết-bàn”(1)

Tức khen ngợi sự giáo hóa của Phật, dù là tại gia hay xuất gia đều được thấm nhuần và hướng tới giải thoát. Cho nên, như Phật nói, hướng tới pháp tức là pháp tắc giải thoát, không phải chỉ là pháp xuất gia, mà ngay tại gia, nếu giữ được chính hạnh, cũng đều là chính pháp, và không trực tiếp thì gián tiếp, cũng là sự chuẩn bị hướng tới giải thoát.

(1) Trong Tăng-Nhất 29, cáp bản, trang 350 có đoạn văn này. Toàn bộ đều tương đương với A.II, pp 197-170. Nhưng đoạn văn này trong văn Ba-Li không có mà chỉ có Hán-Dịch. Có lẽ nó được thành lập sau rồi thêm vào thành một bộ phận của Tăng-Nhất. Dù sao thì nó cũng đã biểu thị rõ cái tinh thần của Phật và tôi trích dẫn ở đây để biết nguồn gốc của nó.

“Cúng dường pháp ấy tức là cúng dường ta, thấy được pháp ấy tức thấy ta, có được pháp ấy tức có ta. Nếu có pháp thì có Tỷ-Khưu-Tăng, nếu có pháp thì có bốn bộ đại chúng.

Nếu có pháp thì có bốn giòng họ, y vào pháp mà trong hiền kiếp có Ðại-Uy-Vương xuất sinh, từ đó có bốn giòng họ ở đời, (bởi thế) nếu ở đời có pháp tức có cõi đời bốn giòng họ Sát-Ðế-Lợi, Bà-La-Môn, công sư và ca sĩ v.v…

Nếu có pháp ở đời sẽ có Tứ Thiên Vương, Ðâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tư Tại Thiên; nếu có pháp ở đời sẽ có Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên, Vô Sắc Giới Thiên, do đó có thế gian. Nếu có pháp ở đời, sẽ có quả Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Tích Chi Phật Và Phật thừa sẽ hiện ở đời. Bởi thế, Tỷ Khưu! Nên phải cúng dường pháp”(1)

Nên biết cái mà Phật gọi là pháp không phải chỉ trực tiếp là pháp niết-bàn mà còn gồm cả pháp thế tục-trật tự chính trị, trật tự chức nghiệp và trật tự vũ trụ. Bảo rằng “thấy pháp tức thấy phật” là ngụ ý cho rằng hễ thực hành đúng theo pháp ấy tức là khế hợp với bản ý của Phật. Theo ý nghĩa ấy, khoáng sung tinh thần đó, thì nếu tận lực làm thiện, lánh ác, làm cho hết nghĩa vụ của mình, thì dù người ấy chẳng biết gì về Phật giáo, tức cũng đã phù hợp với tinh thần của Phật rồi, ở ngay trong trạng thái không hay không biết ấy  mà đạt đến đạo giải thoát. Về sau Ðại Thừa bảo việc đỡ để cũng là Phật pháp chính thực đã căn cứ vào tinh thần trên đây vậy.

Tuy nhiên, theo Phật, giải thoát đích thực vẫn là vấn đề trước mắt, cần phải thực hiện, đó là phương pháp thực hiện lý tưởng theo nghĩa hẹp. Bởi thế, nếu nói theo nghĩa rộng thì “đừng làm các điều ác, làm tất cả việc thiện” là lời chư Phật dạy, nhưng nếu nói theo nghĩa hẹp, thì giải thoát trực tiếp cần phải có sự tu dưỡng đặc biệt cao hơn thế nữa. Ðó chính là điều mà Phật tưởng lệ lối sống xuất gia hơn lối sống tại gia. Duy có điểm ta cần ghi nhận là sự giáo hóa của Phật rất tinh diệu, Ngài nhắm vào hết thảy chúng sinh, từ thấp dần dần đưa đến cao để mở ra con đường giải thoát chân chính tối hậu và trong quá trình đó, tất cả sự hành trì đều thuộc phạm vi tu đạo cả.

Bây giờ ta hãy căn cứ vào những kiến giải kể trên để khảo sát cái phương pháp tu đạo mà Phật đã chỉ bày và chia nó ra làm ba giai đoạn. Thứ nhất, giới hạn trong phạm vi thuần túy đạo đức thế tục; thứ hai, là giai đoạn tu dưỡng của tín đồ từ thế tục de siêu tế tuc; thứ ba, là phương pháp sinh hoạt thuần tuý xuất gia, siêu thế tục. Nếu nói theo kết quả thì giai đoạn một ở trong luân hồi giới, tu từ thấp đến cao. Ở giai đoạn hai thì gồm cả luân hồi và giải thoát. Ðến giai đoạn ba thì ở ngay hiện thân mà được giải thoát. Nếu nói theo thực tế thì bản thân Phật; thuyết pháp chưa hẳn đã chia chẻ ra như thế, nhưng đại yếu đối với những người chưa tin thì Phật nói pháp ở giai đoạn một, đối với những đệ tử tại gia thì nói pháp ở giai đoạn hai, còn đối với các đệ tử xuất gia thì nói pháp ở giai đoạn ba. Cách thuyết pháp của Phật đúng thật như thế. Bởi vậy, sự phân loại trên đây, có thể nói rất xác đáng.