Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Tổng Quát Về Tu Đạo Luận - Phương Pháp Tu Đạo Của Đương Thời Và Của Phật

Tổng Quát Về Tu Đạo Luận - Phương Pháp Tu Đạo Của Đương Thời Và Của Phật

Email In PDF
Mục lục bài viết
Tổng Quát Về Tu Đạo Luận
Phương Pháp Tu Đạo Của Đương Thời Và Của Phật
Không Khổ, Không Vui
Tư Cách Tu Đạo, Bốn Gai Đều Đồng Đẵng
Phụ Nữ Với Việc Tu Đạo
Tại Gia Và Xuất Gia
Tất cả các trang
2.Phương Pháp Tu Đạo Của Đương Thời Và Của Phật
Như đã nói ở thiên đầu, nếu phân tích từng điểm của tu-đạo-quan của Phật có rất nhiều chỗ tương thông với phương pháp tu đạo của xã hội tu hành đương thời cũng như của các thời đại trước đó. Chẳng hạn, về phương pháp thiền định, thì Tứ Thiền và Tứ vô sắc định đều bắt nguồn từ các ông tiên A-La-La và Uất-Ðà-Già; còn ngũ giới thì đại khái cũng giống như những điều đã được những người Bà-La-Môn giáo thái dụng từ trước. Ðến phương pháp an cư trong mùa mưa cũng là phương pháp tu hành cộng thông giữa các đoàn Sa-Môn thời bấy giờ. Tiến lên bước nữa mà nhận xét thì Bát-Chính-Ðạo há đã không được chuyển hóa từ Bát-Ðức của Bà-La-Môn đó sao? Ngoài ra, còn rất nhiều điểm tương tự như thế không thể đề cập hết được. Lại nữa, trong những phương pháp tu dưỡng thông thường được coi như đặc hữu của Phật giáo, nếu nghiên cứu xa hơn ta sẽ thấy cũng có rất nhiều chỗ cộng thông với các phái, hoặc chỉ hơi khác về hình thức mà thôi. Ðiều sẽ khiến cho người ta ngạc nhiên là không những chỉ những phương châm giải thoát ấy mà ngay cả đến phương pháp thực hiện cũng giống nhau nữa. Như vậy, sự thật không thể chối cãi là chính Phật cũng đã thái dụng phương pháp của đương thời không ít, và điều này đôi khi chính đức Phật cũng đã thừa nhận. Trong kinh điển Phật Giáo, người ta thường thấy những câu như “Bà-La-Môn nói thế, và ta cũng nói như thế” chính là ý ấy.

Như vậy, về điểm này, cái đặc sắc của Phật ở chỗ nào? Ðặc sắc của Phật không phải những đức mục biểu hiện bên ngoài mà ở ở như tinh thần thực tế hóa, vì những điểu Phật dạy người ta làm theo đều là những điều do chính đức Phật tự thể hiện bằng nổ lực, chứ không phải do truyền thừa: đó là một trong những đặc sắc lớn nhất của Phật. Từng có người Phạm Chí đến nói với Phật: Những người Bà-La-Môn nhờ vào năm pháp mà có thể đạt được quả lớn, tức nhờ vào chân thật, khổ hạnh. Phạm hạnh (trinh khiết), học tập và ly dục”. Phật hỏi lại: “Nhưng trong số người Bà-La-Môn đã có người nào thực hiện được năm pháp ấy ngay bây giờ bằng cách tự trí, tự giác năm pháp ấy chưa?”(1)

(1) M.99 Subha II, p. 199; Trung 38. Anh Vũ, p. 181.

Tức Phật cho rằng điều trọng yếu nhất là ngay bây giờ người ta phài “tự tri, tự giác, tự thể chứng” (abhinna sacchikatva vipkam pavedam), nói tóm lại, là phải sống với năm pháp ấy, chứ nếu chỉ kể la liệt những danh mục suông mà không thực tế hóa thì chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Do đó, khi nghĩ đến Phật, các đệ tử thường hình dung bằng những lời như sau:

“Pháp nhờ Phật mà được khai diễn một cách khéo léo, pháp ấy là hiện thực, không bị thời gian hạn chế (bất cứ thời gian hay xứ sở nào đều có thể tích dụng), là pháp có hiệu quả mau chóng, là pháp có thể dẫn đường (Svakkhato Bhagavata dhammo Sandtthiko akaliko ehipussiko opanayiko …) (1)

Trong đoạn văn trên, tiếng ihipassiko rất thú vị. Tôi dịch là “hiệu quả nhanh chóng”, nếu dịch sát sẽ có nghĩa là “làm sẽ thấy”; nghĩa là giáo pháp của Phật nếu được thể nghiệm ngay bây giờ sẽ có hiệu quả tối hậu, đó là một đặc sắc lớn.

Song, không phải Phật thu dụng mà không lựa chọn. Tất cả những nghi lễ phiền tỏa và những hành vi mê tín, nhảm nhí của thời đó đều được cắt bỏ đi hết. Tôn giáo Ấn Ðộ thời ấy một mặt chứa đựng những tư tưởng trác việt, mặt khác; lại bao hàm những hành vi tôn giáo cực kỳ ngu xuẩn, hai phương diện giao thoa nhau, khó thể phân giải. Tuy đôi lúc cũng có những cuộc vận động cách tân tôn giáo, nhưng vì những động cơ mờ ám nên nhận xét theo quan điểm ngày nay, vẫn chưa thoát khỏi được những tín điều mê tín, vô nghĩa và nhiều giáo nghi tai hại thông thường vẫn còn được tiếp tục. Trong hoàn cảnh ấy chỉ có Phật là người có đủ năng lực sáng suốt để phê bình chọn lấy những yếu tố cần thiết dùng làm tài liệu phổ biến nội bộ sau khi đã gạn lọc để loại trừ những cái vô nghĩa và không có hại.

(1) A. I. Phật Giáo Nguyên Thủy, 207.

Do đó, người ta thấy trong cách tu đạo của Phật Giáo Nguyên Thủy không có bùa chú yểm đảo, không cầu khẩn tinh tú, quý mị, không tế lửa, không tẩy tịnh, không có những nghi tiết vô ý nghĩa và những hành pháp kỳ dị, bởi vì Phật cho rằng những cái đó đều gây tai hại nên được lược bỏ hết. Giới cấm kiến thủ chính là những danh từ chỉ cho những hành pháp chấp trước hữu hại này mà người đương thời hiểu lầm là chính đạo. Như Phật đã nói, những tà kiến cố chấp ấy chính là một trong những nguyên nhân trói buộc con người ở cõi Dục (Phật cho giới cấm thủ kiến là một trong năm hạ phân kết). Ðặc sắc hành pháp của Phật là lấy tinh thần đạo đức làm trung tâm, nếu kết hợp với phương châm ấy thì bất luận là lời dạy của ai cũng được thu dụng, nếu không thì dù đó là lời dạy của bậc thánh đi nữa cũng vẫn bị chối bỏ. (1) Trong tất cả các tôn giáo có tiếng, Phật Giáo Nguyên Thủy chính là tôn giáo có ít yếu tố mê tín nhất, về sinh hoạt tinh thần lại tươi tắn và phong phú hơn hết, điểm này cứ nhìn vào tình hình thời bấy giờ cũng đủ rõ. Do đó, theo quan điểm của tôi, Ðại Thừa giáo vốn chủ trương khôi phục lại cái tinh thần vĩ đại ấy của Phật Giáo Nguyên Thủy thì, ngày nay, nhất là tại Nhật bản, trên thực tế, ngược lại, chứa đầy những yếu tố mê tín: đây là một điều thật đáng buồn vậy.