Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Tổng Quát Về Tu Đạo Luận - Tư Cách Tu Đạo, Bốn Gai Đều Đồng Đẵng

Tổng Quát Về Tu Đạo Luận - Tư Cách Tu Đạo, Bốn Gai Đều Đồng Đẵng

Email In PDF
Mục lục bài viết
Tổng Quát Về Tu Đạo Luận
Phương Pháp Tu Đạo Của Đương Thời Và Của Phật
Không Khổ, Không Vui
Tư Cách Tu Đạo, Bốn Gai Đều Đồng Đẵng
Phụ Nữ Với Việc Tu Đạo
Tại Gia Và Xuất Gia
Tất cả các trang
4.Tư Cách Tu Đạo, Bốn Gai Đều Đồng Đẵng
Theo Phật hết thảy hữu tình đều là kết quả của nghiệp (1), bởi thế nếu loại trừ cái nguyên lý (nghiệp) tạo ra những sự sai biệt ấy đi thì hết thảy chúng sinh đều có khả năng tu đạo để thực hiện dần dần cái sinh mệnh tuyệt đối vô sai biệt, không có một sự sai khác căn bản nào giữa hữu tình cả: đó là nguyên tắc căn bản của tu-đạo-quan trong Phật giáo, và kết quả đã đưa đến nhân-cách-bình-đẳng-luận. Ðây là một sự kiện độc đáo trong lịch sử Ấn Ðộ, và một trong những nguyên nhân lớn đã khiến Phật giáo trở nên một tôn giáo hoàn cầu chính cũng là ở đó.

(1) Suttanipata 654 – 653: M. 28, Vàsetthe.

Pháp tắc căn bản của Bà-La-Môn giáo là khu biệt bốn giai cấp một cách nghiêm ngặt, và sự khu biệt ấn không những chỉ đối với xã hội mà ngay cả trong tôn giáo nó cũng được ứng dụng cho việc tu đạo. Thời bấy giờ, giòng Bà-La-Môn là giai cấp duy nhất được hoàn toàn dự vào sinh hoạt tôn giáo, còn ba giai cấp kia thì không, nhất là giai cấp thứ tư, tức Thủ-Ðà-La, không được quyền đọc kinh, nghe giảng. (1) Ðứng về phương diện lý luận mà nói thì trong Bà-La-Môn giáo, từ Áo-Nghĩa-Thư trở đi, tư tưởng ấy, dĩ nhiên đã không còn phù hợp nữa, vì giáo lý căn bản của Áo-Nghĩa-Thư không những chỉ thừa nhận ngã thể bình đẳng của mỗi người, mà còn cho rằng bất cứ ai, dù là Sát-Ðế-Lợi hay dân hạ tiện (raikva) cũng đều có thể hành đạo và nói đến đại nghĩa của Phạm-Thiên (2) Nhưng, trên thực tế, nó vẫn hoàn toàn duy trì bốn giai cấp.

(1) Ấn-Ðộ-Triết-học-Tôn-Giáo-Sử, trang 405 – 406


(2) Ấn-Ðộ-Triết-học-Tôn-Giáo-Sử, trang 300 – 301

Chẳng hạn như kinh Vệ-Ðàn-Ða trong Áo-Nghĩa-Thư đã quy định tư cách của người tu đạo chỉ giới hạn trong ba giai cấp thôi, còn Thủ-Ðà-La không được tham dự. (1) Lại trong Pháp kinh thì chế độ ấy còn hà khắc hơn nữa, hoàn toàn duy trì chủ nghĩa quan liêu trong tôn giáo để suy tiến Bà-La-Môn là đạo thần thánh. Giữa lúc ấy mà phật cũng vì thời thế thúc đẩy - mạnh dạn thừa nhận sự bình đẳng giữa con người, cực lực phản đối sự phân chia do người tạo ra để hiếp đáp lẫn nhau tất cả: có thể nói, đó là một đặc trưng lớn.

Như vậy là Phật và các đệ tử của Ngài đã không thể không dùng mọi phương pháp để phấn đấu với Bà-La-Môn. Cứ theo thể tài biên tập trong kinh Trung-A-Hàm, bản Hán dịch, bắt đầu từ Phạm Chí kinh thứ 10, thì sự trao đổi quan điểm giữa Phật và các đệ tử của ngài với Bà-La-Môn đại khái đã xoay quanh vấn đề này. (2) Và phương pháp lập luận của Phật tuy có nhiều, nhưng đứng về phương diện lý luận mà nói, thì Phật giáo chủ trương sự phân chia bốn giai cấp chỉ có tính cách chức nghiệp chứ không phải là bản chất. Ngày xưa, đệ tử Phật là Ca-Chiên-Diên (Kaccayàna) đã trình bày với vua Ma-Du-La (Madhuraraja) một cách rất thú vị mà tôi xin ghi lại như sau:

(1) Ấn-Ðộ-Triết-học-Tôn-Giáo-Sử trag 528.


(2) Phạm Chí Phẩm. Trung-Hàm 35-41, Trong Trường-Hàm, Tiểu Duyên kinh (D. 27, Aggamma) có ghi lại sự tự thuật của một người Bà-La-Môn đã xuất gia theo Phật. Trung, 50, Nhất thiết Trí kinh (m. 99, Kannako-thala) cũng chép lại cuộc thảo luận giữa Phật và vua Ba-Tư-Nặc về vấn đề bốn giai cấp.

“Cái mà người ta bảo Bà-La-Môn là giòng dõi cao sang, còn tất cả người khác đều hèn hạ thì chỉ có cái danh (ghosa) chứ không có thực. Hãy thử đứng về phương diện kinh tế mà nói; trong bốn giai cấp bất cứ ai có nhiều tiền đều có thể sai khiến người khác, rồi đến phương diện đạo đức thì hễ người nào bất luận giai cấp, làm mười điều ác cũng phải sinh vào ngã ác, người nào làm mười điều thiện sẽ được sinh thiện, đó là lẽ rất tự nhiên. Lại đứng về phương diện pháp luật mà nói thì bất luận Bà-La-Môn hay Thủ-Ðà-La, hễ trộm cướp, giết người thì cũng là kẻ trộm cướp, giết người, chẳng có gì khác nhau cả. Tiến lên bước nữa mà nói, khi những người xuất gia làm Sa-môn thì dù Bà-La-Môn hay Thủ-Ðà-La cũng cùng là sa-môn, có khác gì nhau đâu? Bởi thế, bảo Bà-La-Môn là cao sang, còn những người khác là hèn hạ thì điều đó chỉ là giả tạo mà thôi.” (1) (dịch đại ý).

Để kết luận nhà Vua cũng nói; “Thưa Ca-Chiên-Diên, như vậy là bốn giai cấp đều bình đẳng, người ta không thấy có gì khác biệt cả”. Ðến cái trưng chứng về thực lực kinh tế trong câu chuyện cũng thật là thú vị. Phật giáo tuy không trực tiếp chủ trương đả phá giai cấp xã hội, nhưng cứ xem quan điểm trên đây người ta cũng có thể cho đó là một cách đả phá gián tiếp.

(1) M. 84 Madhura Sutta: Tạp, 2 trang 591.

Tóm lại, sự sang, hèn của con người là do nhân cách chứ không phải là do giòng họ mà có; đối với việc tu đạo, giòng dõi tuyệt đối không có một ý nghĩa nào cả, mà chỉ khác nhau ở chỗ có hăng hái hay không trong việc tiến tu mà thôi: đó là chủ trương cốt tủy của Phật và các đệ tử.

“Đừng hỏi đến giòng họ, chỉ hỏi đến sự tu trì mà thôi,

Lửa do cây sinh

Trong giòng hạ tiện cũng sản sinh ra các bậc thánh có trí tuệ lớn

Giòng dõi tự nhận là cao sang đừng vì hổ thẹn mà ức hiếp các giòng khác

Chỉ có sự chế ngự chân thật mới là điều hợp

Sự điều phục những cảm giác mới là phạm hạnh chân thật,

Ðừng cầu đảo gì ở tương lai

Hãy luôn luôn cúng dàng những người chân chính xứng đáng” (1)

Đại ý đoạn văn trên cho rằng tuy là giòng hèn hạ trong xã hội, nhưng nếu tu hành chân chính, biết chế ngự thân, tâm thì đó mới chính thật là người cao sang, có đủ tư cách nhận sự cúng dàng của mọi người.

(1) S, I, p, 68; Tạp 4, trang 591.

Như vậy là Phật đã “đề xướng bốn giai cấp đều thanh tịnh” (catuvinnim suddhim pannapeti) (1) mà chủ trương tất cả mọi người đều có khả năng tính tu đạo như nhau, và ứng dụng chủ trương ấy trong giáo đoàn của ngài, vì thế người thuộc bốn giai cấp xuất gia theo Phật đều được gọi là “Thích Tử”.

“Cũng như các sông Hằng Hà, Da-vô-na, A-di-la-bà-đệ, Tát-la-phù, Ma-xí v.v… khi chảy vào biến thì không còn là tên sông mà được gọi là biển cả, bốn giai cấp Sát-Ðế-Lợi, Bà-La-Môn, Phệ-Xá và Thủ-Ðà; nếu y theo giới luật của Như Lai mà xuất gia tu đạo thì không còn mang tên họ cũ (nama-gottani) nữa mà đều được gọi là Thích-Tử” (2)
Tức cái giáo đoàn lý tưởng của Phật cũng như biển lớn, không từ một giòng nước nào mà đều dung hòa thành một vị, người của tất cả giai cấp tu theo Phật pháp cũng đều hòa thành một vị, đó là vị giải thoát. Ðứng về phương diện cứu tế phổ biến mà nói thì Phật giáo vượt hẳn Bà-La-Môn giáo về điểm này, bởi vì Bà-La-Môn giáo tự cho mình là tối cao mà cự tuyệt không cứu độ những kẻ nghèo hèn. Sở dĩ Phật giáo đã trở thành một tôn giáo phổ biến, vượt ra ngoài lãnh thổ Ấn Ðộ mà thành một tôn giáo thế giới chính cũng là ở điểm này.

(1) M. 93 Assalayana 11, p, 149; Trung, 37, A-Nhiếp-Sầu-La, trang 180.

(2) A. IV, p, 200; Tăng, 37, p, 432; Căn Bản Phật giáo, pp. 370 – 372