Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Căn Cứ Và Sự Phân Đoán Gía Trị Sự Tồn Tại - Thường Lạc Ngã Tịnh: Căn Cứ Khổ Quan

Căn Cứ Và Sự Phân Đoán Gía Trị Sự Tồn Tại - Thường Lạc Ngã Tịnh: Căn Cứ Khổ Quan

Email In PDF
Mục lục bài viết
Căn Cứ Và Sự Phân Đoán Gía Trị Sự Tồn Tại
Hết Thảy Là Khổ
Vô Thường, Vô Ngã: Căn Cứ Của Khổ Quan
Thường Lạc Ngã Tịnh: Căn Cứ Khổ Quan
Căn Cứ Của Tâm Lý Thường, Lạc, Ngã, Tịnh
Tất cả các trang

 

3.Thường Lạc Ngã Tịnh: Căn Cứ Khổ Quan

Như vậy là Phật đã căn cứ vào cái lý vô thường, vô ngã để đoán định hết thảy là khổ, nói cách khác, hết thảy đều biến thiên, mà biến thiên thì không có tự chủ. Do đó, nếu suy ngược lại thì lý tưởng của Phật hẳn là phải ở cái thường hằng thật có và ở sự thực hiện cái chân ngã tự chủ. Giả sử khảo sát theo kiến địa của Phật thì nếu thế giới hiện thực này không phải là vô thường biến thiên và nếu cái ngã thể của con người có sự tự chủ tuyệt đối thì chắc chắn Phật đã không đoán định nó là khổ, là không. Lại nữa,  nếu nói một cách phân biệt thì lý tưởng của Phật là duy tâm có thường lạc ngã tịnh, bởi thế mới đoán định hiện thực là vô thường, vô ngã, là khổ, là không. Xem thế thì thấy, về mặt lịch sử, lý tưởng của Phật cũng vẫn được khơi nguồn từ tư tưởng Saccidanandam (Sat = thật có, cit = tâm, ngã, ananda = diệu lạc), tức tư tưởng Phạm-Ngã trong Áo-Nghĩa-Thư từ xưa (1). Nhưng Phật cho cái lý tưởng đó không có quan hệ gì với chuẩn tắc phán đoán hết thảy giá trị, do vậy mà phủ nhận thần Saccidanandam phú bẩm, phủ nhận luôn cả sự tồn tại của ngã. Bởi vì, theo Phật, thực tại của cái gọi là thuần, Phạm và Thường ngã phú bẩm chẳng qua cũng chỉ là ước nguyện, nếu không đưa ra được chứng cứ của sự tồn tại như hiện thực phú bẩm thì rốt cục nó vẫn chỉ là một ước nguyện, không thể tin ở sự tồn tại của nó.

(1) Về Saccidanandam, xin xem Ấn-Ðộ-Triết-học-Tôn-Giáo-Sử, trang 323-324; Sáu Phái Triết học Ấn-Ðộ, trang 638-640.

Nếu cứ nhẹ dạ tin càn thì chẳng khác gì người nghèo mong trở thành cự phú, nuôi cái ảo vọng ấy tuy lúc đó cũng cảm thấy vui vui, nhưng sau chợt tỉnh thì thấy nó chỉ là một trường xuân mộng. Bởi thế người ta không thể xây dựng lý tưởng của mình trên cái nền tảng không tưởng như thế mà phải đặt nó trên một lập trường hoàn toàn khế hợp với chân tướng của sự thực: đó là cái nguyên lý mà Phật đã dựa vào để bài xích thường lạc ngã tịnh và cực lực chủ xướng nghĩa vô thường, khô, không và vô ngã. Tuy nhiên, Phật trước sau vẫn duy trì cái lý tưởng đối với sự vĩnh viễn, bất biến và tự chủ, thậm chí còn cho đó không phải là phú bẩm nữa, bởi thế con người có thể đạt đến cái cảnh giới do chính mình mở ra, cảnh giới ấy chính là niết-bàn; đó là điểm đặc sắc nhất của Phật. Về sau, Ðại Thừa cho cảnh giới niết-bàn có đủ bốn thuộc tính thường, lạc, ngã, tịnh chính thực đã bắt nguốn từ đó, tức là cảnh giới lý tưởng không xa lìa Phật tâm. Vấn đề này sẽ được nói rõ sau, ở đây chỉ sơ lược thế thôi.