Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Luận Về Bản Chất Tồn Tại - Khuynh Hướng Hình Như Thượng Học Thực Tại Luận

Luận Về Bản Chất Tồn Tại - Khuynh Hướng Hình Như Thượng Học Thực Tại Luận

Email In PDF
Mục lục bài viết
Luận Về Bản Chất Tồn Tại
Khuynh Hướng Thưởng Thức
Khung Hướng Quan Niêm Luận
Khunh Hướng Vô Vũ Trụ Luận
Khuynh Hướng Hình Như Thượng Học Thực Tại Luận
Tất cả các trang

4.Khuynh Hướng Hình Như Thượng Học Thực Tại Luận

Như vậy, thế giới quan của Phật tựa hồ như không luận, nhưng thật có phải chỉ ngừng ở không không? Ðứng trên lập trường lý luận mà khảo sát thì Phật tuy bảo các pháp do nhân duyên sinh, xa lìa nhân duyên thì là không như đã được đoán định trong kinh Ðệ-Nhất-Nghĩa-Không trích dẫn ở trên, nhưng cái pháp tắc nhân duyên tự thân thì không bảo là không mà, thay vì; lại nói là pháp tính thường trụ (Dhammatthitata), pháp tính tự nhiên như thế (Dham-maniyamata), và tả nó đến cùng cực là vật bất biến bất động như đã trình bày ở mục Pháp Quan trong thiên thứ nhất. Cái gọi là pháp tính, đương nhiên, là trỏ cho cái pháp tắc nhất định bất động trong những cái biến động mà, nếu quan sát nó như nguyên lý hình-nhi-thượng-học thì nó quán triệt hết thảy mọi hiện tượng, là căn để của hết thảy hiện tượng và, như vậy, nó cũng có thể được coi là sự tồn tại lý tưởng quan niệm bất động, tức là, nếu ngoài những hiện tượng vật chất là không ra còn nhận có không gian tuyệt đối thì, cũng thế, ngoài hết thảy hiện tượng hoạt động là không ra không thể không thừa nhận có cái gọi là pháp tính thường hằng vậy. Tuy Phật đã không nói rõ hẳn như thế, nhưng cứ theo ý nghĩa chứa đựng trong nội dung Pháp Quan mà nhận xét thì người ta thấy rất rõ điều đó. Cho nên, cái mà Phật bảo là không, rốt cục, chẳng qua cũng trỏ pháp tính ấy mà thôi. Ở nguyên vị của nó, nó là cái đương thể bất hoạt động, nhưng dù có chuyển dịch nó sang tư tưởng tích cực hoạt động mà khảo sát cũng không phải là điều sai lầm. Nghĩa là, Pháp tính, khi động, tuy là hiện tượng quan hệ tương đối ở trong phạm vi nhận thức của người ta, nhưng khi ở nguyên vị tuyệt đối bất động của nó thì hết thảy hiện tượng tiêu diệt, siêu việt tất cả nhận thức của con người, do đó mới nói hết thảy là không. Nhưng hết thảy ở đây không có nghĩa là hư vô: đó là cho trương lý thuyết về pháp tính. Sau này, lấy Bát-Nhã làm chỗ chí cực của không không, rồi lại cho nó là chân như pháp tính để chuyển thành nguyên lý khế cơ tích cực cũng hoàn toàn do ở điểm trên. (1) Bởi thế, đứng riêng về phương diện thế giới quan của Phật Giáo Nguyên Thủy mà nói, ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, thế giới quan này cũng đã đi đến khuynh hướng đó.

(1) Cùng tác giả: Chân Như Quan của Bát-Nhã (Ðại Chính, năm thứ 8, Tu Dưỡng Tạp Chí).

Bây giờ lại đứng về mặt thực tế mà nhận xét thì ta thấy chủ trương không của Phật cũng chỉ là cái công án cho việc tu luyện tâm thân, mục đích của ý nghĩa không ở phương diện này là khiến cho người ta xả ly tất cả mọi tướng cá biệt và tướng biến hóa để chỉ trụ vào cái tâm niệm bình đẳng vô sai biệt. (1) Nếu đứng về phương diện khái niêm mà nói thì cái cảnh giới ấy có vẻ như một cảnh hư vô, nhưng đứng về phương diện người thể nghiệm mà nói thì chính là sự thoát ly tất cả mọi ràng buộc cá biệt để trở thành cái đương thể sung thực cực kỳ tự do: điều này cứ xem những trường hợp thực tế của người tu hành không quán đã đạt được tối đại dụng lực thì đủ rõ. Do đó, nếu căn cứ vào sinh hoạt tinh thần của cảnh giới ấy mà cấu thành thế giới quan, thì về mặt khái niệm, tuy có thể chỉ bảo đó là rốt ráo không, nhưng, về mặt ý nghĩa của nó thì quyết không phải nghĩa hư vô mà là cái thực tại hình-nhi-thượng không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được; hay cũng có thể bảo đó là cái thực tại hình-nhi-thượng-lực đặc hữu; thiết tưởng sự giải thích tất nhiên phải như thế. Lại nữa, nếu theo thế giới quan của Phật và các đệ tử của Ngài là lấy cảnh giới tinh thần làm nền tảng để xây dựng, thì sự suy định trên đây lại càng được coi là có căn cứ.

Sau khi đã khảo sát về cả hai phương diện lý luận và thực tế như thế, ta thấy thế giới quan không của Phật không phải chỉ ngừng lại ở không mà là đả phá hết tất cả để tiến đến yếu tố hình nhi thượng thực tại luận: đó là một sự thật không thể chối cải. Về sau, các nguyên lý hình nhi thượng trong thế giới quan của Ðại Thừa Giáo đều đã bắt nguồn và triển khai từ tư tưởng này. Về vấn đề này, xin xem lại mục Pháp Quan đã trình bày trong thiên thứ nhất và Niết-Bàn-Quan sẽ được nói đến trong thiên thứ ba ở dưới thì càng dễ hiểu hơn.

(1) Trung-Hàm 50, Không Kinh M. 121-122 Snnata.