Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Chuyển Đề Học Đạo Qúy Vô Tâm

Học Đạo Qúy Vô Tâm

Email In PDF

Lời dạy của đức Thế Tôn luôn luôn phù hợp với mọi đối tượng; tuổi tác, trình độ nhận thức và các tầng lớp xã hội khác nhau ở mỗi giai đoạn. Đối với các vị có học thức cao thì Thế Tôn khai thị trực tiếp hoặc lấy một vài thí dụ điển hình nào đó miễn sao người nghe có thể chứng ngộ được đạo quả. Còn đối với tầng lớp nông thôn dân dã thì Ngài thuyết giảng những lời lẽ đơn giản, dễ hiểu và chứng minh bằng hình ảnh cụ thể ngay trong đời sống hiện tại.

Chính vì nhận thức của con người có sự sai biệt như vậy, cho nên Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện khéo léo để chỉ dẫn khai thị, giúp cho chúng sinh dễ dàng nhận ra được chân lý của cuộc sống. Tuy nhiên, để tiếp nhận được những lời dạy cao quý ấy, việc trước tiên người học đạo cần phải nương tựa học hỏi với các bậc minh sư để có thể thực hành đúng như lời Phật dạy. Mặt khác, phải biết buông bỏ thái độ cố chấp vào những quan niệm, nhận thức chủ quan của mình và cũng đừng quá đề cao, tự hào về đường lối chủ trương của một ai đó đặt ra! Hãy để cho tâm hồn vô tư trong sáng, thì sẽ khám phá được những cái hay cái đẹp từ pháp môn ta đang tu tập và các truyền thống văn hóa khác. Và, nếu ta chịu mở lòng ra như thế thì đóa hoa tuệ giác sẽ dễ dàng biểu hiện.

 

Chính vì môi trường hoàn cảnh,văn hóa, đời sống của mỗi người không giống nhau, cho nên giáo pháp mà đức Thế Tôn giảng dạy cũng được chia ra nhiều pháp môn, tông phái, nhằm đáp ứng thích hợp cho việc tu niệm của từng người. Mặc dù, chúng ta tìm chọn cho mình một pháp môn nào đó phù hợp để tu tập, nhưng cần phải tìm hiểu và học hỏi thêm về các pháp môn, tông phái khác để cái thấy được dung thông và sâu rộng. Nếu như bạn thiếu duyên lành thân cận tu học với một người kém sự hiểu biết và khiếm khuyết về phạm hạnh, thì người ấy không đủ khả năng để nâng đỡ, khai sáng cho bạn hiểu được đạo lý giải thoát, và như thế nhận thức của bạn sẽ bị hạn hẹp và đóng khung. Vả lại, nếu bạn không tiếp xúc học hỏi với các truyền thống tu tập khác, thì tư tưởng của bạn dễ mắc phải căn bệnh chấp ngã và chấp pháp; tự cho rằng sự hiểu biết của ta đã đạt đến chỗ thâm sâu và khen ngợi pháp môn ta đang hành trì là đúng nhất. Quả thực, trên bước đường tu tập thì vấn đề này cũng là một trong những chướng ngại to lớn mà người học đạo cần phải trải qua.

Có lẽ vì chưa đáp ứng được tâm nguyện tìm cầu chân lý giác ngộ giải thoát, nên hồi đó thái tử Siddhatta đã từ giã đạo sĩ Uddaka để tiếp tục hành trình tu niệm. Nếu như Siddhatta thỏa mãn với sự tu chứng của mình cũng như ưa thích ở lại trú xứ khi được đạo sĩ Uddaka coi trọng và giao phó trách nhiệm cai quản giáo đoàn, thì Ngài không dễ thành tựu một vị Phật toàn giác miên mãn. Thực tế cho thấy, người học đạo thường hay đối mặt với mọi cám dỗ, hấp dẫn từ đời sống vật chất cho đến các trạng thái hỷ lạc do sự tu tập mang lại. Khi ta thực hành đúng pháp môn sẽ phát sinh ra các trạng thái an lạc và nếu ta thiếu sự giác tỉnh cũng như không có các bậc minh sư kịp thời soi sáng, chỉ bảo thì rất dễ vướng kẹt vào cạm bẫy tinh tế của bản ngã tham sân si. Mặt khác, khi một người tu học chưa thành đạt mà bám trụ lâu dài một trú xứ nào đó thì cũng sinh ra những tư tưởng, đường lối chấp thủ và dính mắc vào các tiện nghi sinh hoạt khác. Có lẽ một phần từ lý do này cho nên Thế Tôn dạy rằng: “Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm? Đồ dùng nhiều, cất chứa nhiều đồ dùng; nhiều dược phẩm, cất chứa nhiều dược phẩm; nhiều việc làm, nhiều công việc phải làm, không khéo léo trong những công việc gì phải làm; sống lẫn lộn với gia chủ xuất gia, tùy thuận trong sự liên hệ với gia chủ; và khi ra đi bỏ trú xứ ấy, ra đi với sự luyến tiếc. Này các Tỷ-kheo, đó là năm nguy hại nếu sống quá lâu tại một chỗ”(Tăng Chi Bộ II, tr.725).

Sự nghiệp cao cả nhất của người tu là giác ngộ và giải thoát, một trong những ý nghĩa thâm sâu của sự giải thoát là tâm không ràng buộc, không vướng mắc bất cứ điều gì dù đó là cảnh giới Niết-bàn tối hậu hiện ra. Do đó, người học đạo cần phải thường xuyên quán chiếu đến sự nghiệp tu học của mình, không lệ thuộc vào các tiện nghi vật dụng do tín chủ dâng cúng, để mỗi khi thay đổi chỗ cư trú tâm ta được tự do, thảnh thơi không bị vướng kẹt và luyến tiếc. Vả lại, người có tâm hướng đến giải thoát thì đến đi thong dong tự tại, không bận lòng nắm giữ bởi các tiện nghi đã cố công tạo dựng. Nhờ vậy, người ấy mới dễ dàng thực hiện được lý tưởng xuất thế, vượt thoát khổ đau và cứu độ cho mọi loài chúng sinh, xứng đáng được trời người quy kính và cúng dường!

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì tâm hôn người học đạo phải thực sự vô tư và trong sáng. Dù làm mọi công việc như bố thí, cúng dường Tam bảo, xây dựng chùa tháp, ấn tống kinh sách v.v… sánh bằng như công lao của vua Lương Võ Đế đi nữa, nhưng nếu với tâm ý rêu rao kể lể, tỏ vẻ ta đây đã đóng góp nhiều công sức hoặc đòi hỏi người nhận phải nhớ ơn, phải thường xuyên thăm hỏi, đặt điều kiện phải thế này hay thế nọ, thì phước đức ấy sẽ trở nên ít ỏi, thậm chí tổn giảm. Ở mức độ cao hơn, nếu người học đạo siêng năng tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật, bái sám v.v… nhưng  họ lại chấp chặt vào pháp môn tu niệm của mình là đúng nhất và ngược lại xem thường, phê phán pháp môn, tông phái khác… thì vẫn sai lầm và bất an như thường. Bởi đỉnh cao của sự giác ngộ giải thoát chính là Vô tâm.

Có không ít người hiểu lầm hai chữ vô tâm nên họ cố ý giữ tâm trống rỗng không không, hoặc cứ buông xuôi cho tâm tùy tiện rong ruổi, hoặc mặc kệ chuyện đời chẳng màng quan tâm gì cả, và họ cứ tưởng đã đạt đến tự do, tự tại thỏng tay vào chợ! Vô tâm, dĩ nhiên không phải là cái tâm đầy mưu kế đã bị bản ngã xen vào lập trình, lại càng không phải trong tình trạng si mê vô ký, lờ đờ, hôn trầm… mà chính là “Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu” (Nếu tâm địa được thông thì mặt trời trí huệ tự nhiên chiếu sáng). Vì vậy, vô tâm là không cố ý dụng tâm kiểm duyệt, mong cầu hay thỏa mãn, vì như thế cái tôi tham ưu đã có cơ hội xen vào. Đối tượng cũng phải tự nhiên, không dụng công vẽ vời thế này hay thế nọ theo ý mình để rồi cố gắng an tâm hay lăng xăng tìm kiếm tâm. Vì một khi ta dựng lên đối tượng thì lập tức nó đã biến thành hữu tâm, hữu sựkhông còn là vô tâm, vô sự nữa. Chính vì cốt lõi của việc học đạo là quý ở chỗ vô tâm nên nhiều vị Thiền sư đã dạy rằng:“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trần Nhân Tông),hay là “Học đạo quý vô tâm, vô tâm đạo dị tầm” (Thiền sư Hương Hải).

Để có được một đời sống an lạc giải thoát, người học đạo cần phải thường trực quán chiếu, giác niệm về các hành động, nói năng và sự suy nghĩ của mình trong mọi lúc, mọi nơi. Khi tuệ giác thực sự được thắp sáng thì ý đồ tham vọng của bản ngã không có cơ hội phát sinh và dựng lập, tâm bạn vượt thoát mọi cám dỗ ái nhiễm và chấp thủ. Cái thấy của bạn trở nên mới mẻ, sâu sắc và nhạy bén, đồng thời biết ứng xử linh động, sáng tạo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Và nhờ vậy, nên dù bạn tiếp xúc với bất cứ hoàn cảnh ngang trái éo le nào đi nữa, thì bạn vẫn giữ được thái độ an nhiên và tự tại.

Viên Ngộ