Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Chuyển Đề Con Đường Phòng Hộ Và Chuyển Hóa

Con Đường Phòng Hộ Và Chuyển Hóa

Email In PDF

Ta đừng quá ham mê sự sống mà từ chối sự chết, vì sao? Vì sự sống và sự chết gắn chặt và thân thiện với nhau hơn cả hai anh em ruột. Không có sự chết là không có sự sống và không có sự sống là không có sự chết; chân lý của mọi sự hiện hữu đã nói với chúng ta như vậy.

 

Ta hãy nhìn vào hơi thở của mỗi chúng ta để nhận ra sự thật này. Ta thở vào là sự sống đang biểu hiện trong ta; ta thở ra là sự chết đang có mặt trong ta. Ta thở ra, sự sống trong ta đang biểu hiện và ta thở vào là sự chết trong ta đang có mặt.

Sự sống và chết của mỗi chúng ta gắn chặt đến từng hơi thở vào ra của mỗi chúng ta.

Sự sống đích thực của chúng ta không thể chỉ có hơi thở vào, mà không có hơi thở ra, và cũng không thể chỉ có hơi thở ra, mà không có hơi thở vào. Hơi thở vào và ra, ra và vào, đã tạo nên sự sống cho cơ thể chúng ta và cũng là đời sống của mỗi chúng ta.

Ta hãy tiếp xúc sự sống và sự chết ngay trong hơi thở vào ra của mỗi chúng ta. Sống và chết đang có mặt hết sức cụ thể trong từng hơi thở vào ra của mỗi chúng ta trên từng khoảnh khắc.

Ta phải tiếp xúc với sự sống và sự chết trong hơi thở vào ra mỗi ngày, giúp ta nhận chân được rằng, sự sống và chết trong mỗi chúng ta gắn liền mật thiết với nhau, khiến cho ta không vì sự sống mà làm cho sự chết bị tổn thương, và cũng không vì sự chết mà làm cho sự sống bị tổn thương.

Có khi vì quá đam mê sự sống, nên ta đã làm cho sự sống của ta bị tổn thương; và vì có khi quá sợ hãi sự chết, khiến ta làm cho sự chết của ta bị tổn thương.

Ta chỉ thực sự có bình an, khi nào ta thấy rõ được sự sống chết; và khi ta có khả năng làm chủ được nó trong mọi trường hợp. Nếu không phải vậy, thì mọi sự bình an đối với ta chỉ là mê hoặc và hư huyễn.

Trong chúng ta sự sống và sự chết đều có sự bình đẳng như nhau. Ta sống bao nhiêu là ta chết bấy nhiêu. Ta ưa sống bao nhiêu là ta sợ hãi sự chết bấy nhiêu. Và ta ưa sống, thì chúng sanh cũng ưa sống như ta; ta sợ chết thì chúng sanh cũng sợ chết như ta; thế mà, con người chúng ta, thường đem trí năng cao cấp của mình để khủng bố và tước đoạt sự sống của những loài vật thấp kém hơn ta, nhằm tạo thành sự sống cao cấp cho ta. Quả thực, trí năng cao cấp của con người là một loại độc hại và hèn mọn.

Trí năng con người thực sự chỉ hữu ích, khi nào con người nhận chân được giá trị đích thực của sự sống và chết, và biết thăng hoa đời mình cho sự sống và sự chết ấy.

Bởi lẽ, sống và chết là hai mặt của một sự hiện hữu. Nếu ta sợ hãi sự chết, thì ta cũng sợ hãi sự sống và nếu ta không đủ can đảm để sống và chết, thì ta sống hèn mọn và chết trong đau thương.

Ta muốn biết ta sẽ chết như thế nào, thì ta hãy nhìn vào những gì mà ta đang hành động để biết. Và ta muốn biết tương lai ta sẽ sống như thế nào, thì ta hãy nhìn vào những gì ta đang hành động hôm nay để biết.

Phần nhiều trong chúng ta, chỉ biết nỗ lực khắc phục những hậu quả của sự sống chết mà không biết khắc phục và chuyển hóa những nguyên nhân tạo thành cái ấy.

Khi nguyên nhân của khổ đau hay nguyên nhân của sự sống chết không được ta khắc phục và chuyển hóa một cách nghiêm túc, thì hậu quả khổ đau hay hậu quả của sự sống chết vẫn xảy ra cho ta. Ta không muốn khổ, nhưng những sự khổ vẫn xảy đến cho ta một cách tự nhiên. Ta không muốn sống, nhưng những gì bị sống vẫn xảy ra cho ta và ta không muốn chết, nhưng những cái bị chết vẫn xảy đến cho ta.

Ta ước mơ được sống mà bị chết, hay ta ước mơ được chết mà bị sống, sống và chết như vậy có mặt trong đời sống của ta làm cho ta thất vọng, làm cho ta khổ đau.

Ta muốn thoát ly những khổ đau do sống chết không như ý đem lại ấy, ta phải biết thực tập sự phòng hộ và chuyển hóa qua các xúc giác, khi các quan năng nhận thức của ta tiếp xúc với các đối tượng thích ứng với tâm tham-sân-si của ta.

Khi mắt ta tiếp xúc với mọi hình và mọi sắc, tâm ta không khởi lên những tham ái, những sân hận hay mù quáng đối với mọi hình và mọi sắc ấy, thì giây phút đó ta có sự tự do đối với mọi hình và mọi sắc, và ngay trong giây phút đó, ta có sự tự do giữa sống và chết đối với mọi hình và mọi sắc.

Khi tai ta tiếp xúc với mọi âm thanh, tâm ta không khởi lên mọi tham ái, mọi sân giận hay mù quáng đối với mọi âm thanh ấy, thì giây phút đó, ta có sự tự do đối với mọi âm thanh và ngay trong giây phút đó, ta có sự tự do giữa sống và chết đối với mọi âm thanh.

Khi mũi ta tiếp xúc với mọi hương thơm, tâm ta không khởi lên mọi tham ái, mọi sân giận hay mù quáng đối với mọi hương thơm ấy, thì giây phút đó, ta có sự tự do đối với mọi hương thơm và ngay trong giây phút đó, ta có sự tự do giữa sống và chết đối với mọi hương thơm.

Khi lưỡi ta tiếp xúc với mọi mùi vị, tâm ta không khởi lên mọi tham ái, mọi sân giận hay mù quáng đối với mọi mùi vị ấy, thì ngay giây phút đó, ta có tự do đối với các mùi vị và ngay trong giây phút đó, ta có sự tự do giữa sống và chết đối với các mùi vị.

Khi thân ta tiếp xúc với các đối tượng trơn, láng, mềm, cứng, nóng, lạnh,… tâm ta không khởi lên mọi tham ái, mọi sân giận hay mù quáng đối với các đối tượng của xúc giác ấy, thì ngay đó, ta có sự tự do đối với các đối tượng thuộc xúc giác của thân, ta có sự tự do giữa sống và chết đối với những đối tượng của những xúc giác ấy.

Khi ý ta tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài hay những ấn tượng lưu giữ ở tâm thức, tâm ta không khởi lên mọi tham ái, mọi sân giận hay mù quáng đối với các đối tượng tiếp xúc ấy của ý, thì ngay đó, ta có sự tự do đối với các đối tượng ấy của ý và ta có sự tự do giữa sống và chết đối với chúng.

Ta phải biết phòng hộ và chuyển hóa những hạt giống tham lam, sân hận, si mê hay mù quáng nơi tâm ý của ta, mỗi khi các quan năng của ta tiếp xúc với mọi đối tượng thích ứng, tức là ta đã biết tháo tung mọi lề khóa sinh tử để bước tới đời sống tự do và hạnh phúc, và sự tự do đích thực đối với ta không còn là một ước mơ mà là một hiện thực trong đời sống.

Tự do đích thực của ta là sự tự do giữa sống và chết. Và hạnh phúc đích thực của ta phải do từ sự tự do ấy mà hiện hữu.

Thích Thái Hòa