Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Tuổi Trẻ Đạo đức Phật Giáo Đối Với Giới Trẻ Trong Xã Hội Hiện Đại

Đạo đức Phật Giáo Đối Với Giới Trẻ Trong Xã Hội Hiện Đại

Email In PDF

Từ thuở sơ khai, bản chất con người vốn chân chất mộc mạc, như một cánh rừng còn nguyên sinh, như dòng suối mát chưa từng bị nhiễm ô. Trong xã hội sơ khai đó, con người sống ăn lông ở lổ, không có ý niệm tư hữu. Thế rồi dần dần, con người bắt đầu nảy sinh ý niệm chấp thủ tư hữu và điều này khiến họ dần đánh mất đi sự hồn nhiên vô tư thuần khiết ban đầu. Đến thời hiện đại thì sự thuần khiết đó hình như đã vắng bóng. Xã hội hiện đại đã giúp con người văn minh hơn, tiện nghi đầy đủ hơn, nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra khá nhiều vấn nạn, trong đó phải nói đến lối sống của một bộ phận lớp trẻ trong xã hội hiện nay.

Con người vốn là một loài động vật có sự hiểu biết cao cấp, nhưng sự hiểu biết đó nếu không có sự gạn lọc thì sẽ trở thành mối hiểm họa khôn lường. Thông thường khi nói đến mối quan hệ giữa người với người, chúng ta liên tưởng ngay đến thái độ cư xử, và chính thái độ cư xử của mỗi người đã nói lên đức tính đạo đức của cá nhân người đó, còn mức độ cao thấp thế nào là tùy thuộc vào các mối quan hệ trong cộng đồng xã hội của mỗi cá nhân. Do vậy, thông qua cuộc sống hành xử hiện tại, chúng ta có thể thấy được giá trị đạo đức của mỗi cá nhân nói chung và của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay nói riêng. Hơn nữa, tuổi trẻ là nền tảng căn bản để xây dựng một xã hội lành mạnh, giàu đẹp, an vui và hướng đến những phát triển tươi đẹp trong nhiều lĩnh vực đối với thế giới. Muốn xây dựng một thế giới an vui, một đất nước lành mạnh thì vấn đề cần chú ý là bồi dưỡng hiền tài, bồi dưỡng đạo đức cho lớp trẻ hiện tại.

Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc lĩnh vực thiện và bất thiện, được sử dụng trong phạm vi: trước hết, nói đến đạo đức là nói đến lương tâm con người; hai là ý thức xã hội, nó gắn liền với văn hóa, tôn giáo và chủ nghĩa nhân văn; ba là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong quá khứ hiện tại cũng như tương lai. Chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Do vậy, để đánh giá một đất nước lành mạnh là đánh giá trên tầng lớp người đang hiện diện. Ngày nay, cuộc sống lắm sự hiện đại xa hoa phù phiếm, những bậc trưởng bối nhiều lúc bị lớp trẻ hiện đại xếp vào lớp người lạc hậu, cổ hủ. Thế nhưng loại tư tưởng này đã ăn sâu trong tâm khảm lớp trẻ tại vì đâu? Phải chăng vì những người làm giáo dục, hay những bậc làm cha mẹ thiếu đi sự giáo dục răn đe, hay vì quá say đắm vào nền văn minh vật chất hiện đại...? Dù ý thức đạo đức của lớp trẻ ngày nay có tiến triển theo chiều hướng thiện hay chiều hướng bất thiện, trong đó không thể không nói đến trách nhiệm của những người đi trước, những bậc cha mẹ, những người làm giáo dục… và bao gồm cả lĩnh vực tôn giáo. Đã đến lúc cần gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh con người, sớm bước ra khỏi ngục tù sa đọa. Những bậc làm cha mẹ phải có bổn phận giáo dưỡng, bậc làm thầy phải có trách nhiệm đem đạo đức mà giáo hóa con trẻ, lãnh đạo quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ lớp trẻ khỏi những loại văn hóa đồi trụy và tất cả cùng có ý thức trách nhiệm chung.
Một điều rõ ràng rằng, trong một gia đình những người con được nên người, thành danh phần lớn nhờ vào sự giáo dục cũng như tình thương của cha mẹ. Trong một ngôi chùa, người đệ tử để trở thành một con người có đủ tài đức thì sự góp sức từ người thầy không nhỏ. Trong xã hội, một con người thành tựu nên được tài đức, hẳn có sự tương tác từ nhiều giai tầng xã hội. Nhưng trong mối quan hệ hỗ tương, người đệ tử cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho thầy mình trong việc xiển dương Phật pháp hay đem lại sự hãnh diện cho gia đình nói riêng và cho đạo pháp nói chung. Một con người dù tài năng đến đâu, nếu không có được sự giúp sức của người khác thì vẫn gặp rất nhiều hạn chế trong công việc của mình.

Có một lĩnh vực vô cùng quan trọng, nhưng có lẽ lớp trẻ đang thiếu, đó là đạo đức tâm linh. Tâm linh là tiếng lòng vô cùng mầu nhiệm và huyền bí. Tâm linh có thể chuyển hóa con người hướng thiện, khi họ thật sự hiểu được và hiểu đúng giá trị đích thực của cuộc sống. Hành trình tâm linh giúp con người từ phàm phu tục tử trở nên thánh thiện. Hành trình tâm linh đi từ mảnh đất tâm và đích đến cũng là mảnh đất tâm. Đây là tiến trình để hoàn thiện phẩm hạnh đạo đức. Nó không phải là sản phẩm chỉ dành riêng cho tầng lớp xuất gia mà nó là cơ hội, là nền tảng để mọi người cùng thể nghiệm. Con đường này dễ dàng thực tập đối với ai có chí hướng thiện, nhưng nó cũng vô cùng khó đối với ai xem thường giá trị đạo đức.

Trong Pháp cú có một đoạn nêu lên lộ trình tâm linh, việc chuyển hóa tâm linh và tỏ rõ nguồn tâm linh bằng câu kệ:

Lang thang vạn kiếp luân hồi,
Tìm không ra kẻ xây ngôi nhà này,
Ôi! Đời sống thật buồn thay,
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về,
Hỡi này anh thợ nhà kia,
Rui, mè, kèo, cột gãy lìa nát tan,
Bao tham đắm thảy tiêu tàn,
Tâm ta thắng đạt niết-bàn thảnh thơi. (Dhammapada)

Cuộc sống là một chuỗi móc xích các tầng lớp xã hội, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi lĩnh vực là một môn học mà ta có thể học hỏi và hoàn thiện nhân cách đạo đức. Mỗi lĩnh vực đều có những điểm riêng nhưng tất cả đều có chung một hướng đến là đem lại nguồn tri thức cho con người. Tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong hệ thống xã hội, vì tôn giáo có thể giúp con người phát triển đạo đức và hoàn thiện nhân cách.

Sở dĩ lớp trẻ ngày nay ở một số nơi, đánh mất đạo đức, sống thực dụng và buông thả, cũng vì người ta chưa nhận thấy được giá trị của đạo đức tôn giáo. Đạo Phật sẽ làm gì đối với tình trạng đạo đức đang suy thoái của một bộ phận xã hội hiện nay? Việc giáo dục lớp trẻ vô cùng quan trọng. Một thế hệ tốt phải dựa trên nền tảng giáo dục đạo đức tốt. Do đó, giáo dục không chỉ là dạy và học mà trong đó không thể thiếu đi yếu tố đạo đức và yếu tố nhân văn.

Giáo dục tuổi trẻ trong Phật giáo và thế gian có phần khác biệt, có thể xem hình ảnh La-hầu-la là biểu tượng giáo dục tiêu biểu trong Phật giáo. Theo Phật giáo, kinh nghiệm giáo dục tuổi trẻ và nghệ thuật giáo dục trẻ em là giúp chúng nhận diện được các hành vi xấu, và dạy cách chuyển hóa những hành vi bất thiện ấy. Trong đời sống thiền môn, một người đệ tử nếu phạm phải sai lầm thì phải thành tâm sám hối. Sám hối có nghĩa là tự mình bày tỏ lỗi lầm trước Phật-Pháp-Tăng, tỏ rõ sự hổ thẹn và tự nguyện với lòng là sẽ không sai phạm. Sám hối như vậy là biểu hiệu phẩm hạnh đạo đức.

Phật giáo không thể không có trách nhiệm khi đạo đức của tuổi trẻ trong xã hội ngày một sa sút. Đạo Phật có bổn phận chuyển mê khai ngộ, hóa giải những bất trắc còn đọng trong tư tưởng thế hệ trẻ, bằng cách tổ chức những lớp học mà nội dung chủ yếu là giảng dạy cho các em về giá trị đạo đức, dùng những lời Phật dạy khuyên răn và hướng các em đến một đời sống chân thiện.

J.Nehru từng viết: “Rõ ràng tôn giáo đã đáp ứng nhu cầu con người, và đa số con người trên thế giới đều có một hệ thống tín ngưỡng nào đó… Tôn giáo đã đưa ra một loại giá trị cuộc sống cho con người mà dù một số chuẩn mực ngày nay không còn được áp dụng, nhưng những chuẩn mực ấy vẫn còn là cơ sở cho tinh thần và đạo đức”. Như vậy có thể nói trong quá trình tồn tại xã hội, giữa hình thái ý thức tôn giáo và ý thức đạo đức, luôn có quan hệ tương tác đan xen và thâm nhập lẫn nhau. Sự tác động biện chứng đó lại diễn ra trong chính quy định của điều kiện sinh hoạt vật chất xã hội. Vì vậy nói bản thân tôn giáo chứa đựng những nội dung đạo đức là điều có thể hiểu được. Bất cứ tôn giáo nào cũng có một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của các tín đồ. Thực tế cho thấy, quan niệm đạo đức của hầu hết mọi tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác... Vì vậy, đương nhiên, một số nội dung của đạo đức trở thành bộ phận cấu thành nội dung của tôn giáo.

Vấn đề trọng tâm của Phật giáo là “ly khổ đắc lạc”, nghĩa là phải tận diệt những mầm mống nguyên nhân đưa đến đau khổ để thành tựu đời sống an lạc giải thoát, chứng được Niết bàn. Muốn đạt được điều đó, con người không chỉ có niềm tin tôn giáo, mà còn cần cả sự phấn đấu nỗ lực của bản thân bằng cách thực hành một đời sống đạo đức đúng nghĩa. Từ đó, Phật giáo đưa ra những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể để con người tu tập, phấn đấu hướng đến con đường tâm linh. Trong đó những chuẩn tắc phổ biến nhất là Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) và Thập thiện (ba điều thuộc về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; ba điều thuộc về ý thức: không tham lam, không thù hận, không si mê; bốn điều thuộc về khẩu: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không ác khẩu). Những chuẩn mực này, nếu lược bỏ màu sắc mang tính chất tôn giáo, sẽ là những nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, rất có ích cho việc duy trì đạo đức xã hội. Phải nói rằng, tôn giáo đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề đạo đức cụ thể của cuộc sống thế tục và ít nhiều mang giá trị nhân văn. Trên thực tế, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo có ý nghĩa nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội.

Như vậy, có thể khẳng định rằng đạo Phật hay bất cứ tôn giáo nào cũng đều có một mảng đạo đức và đạo đức ấy mang tính đặc thù, đồng thời, có sự giao thoa giữa những giá trị đạo đức của xã hội nói chung với đạo đức tôn giáo. Đạo đức tôn giáo cũng có một số giá trị nhất định trong đời sống xã hội, là một trong những nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền đạo đức xã hội. Do đạo Phật có sự đồng hành lâu dài với loài người xuyên suốt lịch sử, nên có thể xem nó như một phần văn hóa của nhân loại. Trong quá trình phát triển và phổ biến trên bình diện thế giới, đạo Phật không chỉ đơn thuần chuyển tải niềm tin, mà còn có vai trò chuyển tải, hòa nhập văn hóa và văn minh, góp phần duy trì đạo đức xã hội nơi trần thế.

Đạo đức Phật giáo nói riêng đều hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Tinh thần “từ bi” trong Phật giáo không chỉ hướng đến con người, mà còn đến cả muôn vật, cỏ cây. Phật giáo kêu gọi lòng nhân đạo, yêu thương và bảo vệ sự sống. Đặc biệt, trong quan hệ giữa con người với con người, Phật giáo muốn tình yêu thương ấy phải biến thành hành động xoa dịu nỗi đau, cứu giúp những người đau khổ hoặc đoàn kết giữ gìn hòa bình. Ngày nay, thế giới biến động, con người sống trong lo sợ bởi bạo lực hoành hành. Đạo đức của lớp trẻ lại bị biến thoái trầm trọng, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo trên thế giới muốn giải thoát con người khỏi đau khổ, và con người cần phải tự hoàn thiện đạo đức cá nhân, diệt trừ tham-sân-si, xóa bỏ vô minh, chặt đứt phiền não để vượt qua biển khổ luân hồi. Tình yêu tha nhân trong Phật giáo hay các tôn giáo khác không đơn thuần là tình yêu trong tâm tưởng mà được cụ thể hóa, như kẻ đói được cho ăn, kẻ rách được cho mặc, chăm sóc người ốm đau, bệnh hoạn, khuyên can người lầm lỗi... Tóm lại, đây là những hành vi đạo đức rất cụ thể, rất thiết thực khi trong xã hội còn nhiều cảnh khổ cần được cứu vớt, giúp đỡ là điều mà bản thân Phật giáo nói chung hay Tôn giáo nói riêng cần phải góp bàn tay nhân ái để xoa dịu, làm lắng đọng nỗi đau, giúp thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ đời thường. Có như thế chính là Phật giáo đã đóng góp giá trị văn hóa đạo đức trong việc xây dựng nhân sinh, xây dựng lớp trẻ trong hiện tại cũng như tương lai được hoàn mỹ.

Lam Yên
Nguồn: Tập san Pháp luân 54