Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, Apr 29th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Tuổi Trẻ Đức Phật Đản Sanh- Suối nguồn từ bi và bình đẳng

Đức Phật Đản Sanh- Suối nguồn từ bi và bình đẳng

Email In PDF

... Thật vậy, lòng từ bi bình đẳng của Đức Phật luôn lan tỏa đến cho muôn loài, đến tất cả mọi dạng sống trên trái đất, dù lớn hay nhỏ, ở gần hay ở xa, mắt thấy được hay không thấy được, đã sinh hay sắp sinh, như Ngài đã nói trong Kinh Từ Bi thuộc Kinh tạng Pali:...

Khởi đi từ sự đản sinh của Đức Phật, một cuộc cách mạng tư tưởng cũng ra đờilà một vị thái tử, nhưng không bị những xa hoa vật chất nơi cung vàng điện ngọc cuốn, thái tử Tất Đạt Đa sớm tỉnh ngộ trước cảnh sinh, lão, bệnh, tử, triền miên của kiếp người. Vào năm hai mươi chín tuổi, một đêm kia, thái tử cùng với người đánh xe tên là Xa Nặc lìa bỏ kinh thành, quyết tâm lên đường tìm Chân Lý.  Sáng hôm sau, thấy đã đi được một quãng đường khá xa, Ngài xuống xe, thay đổi y phục thái tử rồi trao cho Xa Nặc đem về, chỉ khoác lên mình một tấm vải vàng, ôm một bình bát, quyết quay lưng lại đời sống xa hoa, dư thừa vật chất, với người hầu kẻ hạ vây quanh, thái tử từ biệt Xa Nặc, dấn bước lên con đường gian nan phía trước.

Câu chuyện về kẻ sát nhân Angulimala trong kinh điển Pali đã minh họa một cách hùng hồn cho tâm từ bi vô lượng của Đức Phật đã chuyển hoá được tâm của một tên sát nhân hung bạo như thế nào và cũng cho thấy sức mạnh của lòng từ bi của Angulimala do tu tập về sau, bao giờ cũng mạnh hơn bất cứ ác nghiệp nào mà y đã tạo tác.

Angulimala là một kẻ sát nhân khét tiếng. Tên của ông được lấy từ sự kiện ông đeo trên cổ một xâu chuỗi kết bằng những ngón trỏ tay phải của các nạn nhân mà ông đã giết hại (Anguli có nghĩa là ngón tay và mala là xâu chuỗi). Quân lính của triều đình lùng bắt ông, còn dân chúng thì hoảng sợ không dám ra khỏi nhà.

Một buổi sáng, đức Thế Tôn vào thành, đang bưng bát đi khất thực thì nghe có tiếng chân chạy phía sau. Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi theo, nhưng vẫn bình thản bước đều.  Angulimala lớn tiếng gọi: “Ông khất sĩ kia, đứng lại!” Thế Tôn vẫn tiếp tục đi, không mau hơn, không chậm hơn. Phong độ của Ngài rất an nhiên tự tại.  Thấy vậy, Angulimala lớn tiếng hơn: “Đứng lại! ông khất sĩ kia, đứng lại! “ Đức Thế Tôn thản nhiên tiếp tục bước đi, vẻ tự tại vô úy. Angulimala chạy mau hơn chỉ trong khoảnh khắc đã đuổi kịp và la lên: “Tôi bảo ông dừng lại, tại sao không dừng?”.

Thế Tôn vẫn bước đi, nói với giọng bình thản: “Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại.”  Angulimala không thể hiểu được ý nghĩa của những lời này. Vì thế y lại hỏi: "Này khất sĩ, tại sao ông nói rằng ông đã dừng lại còn tôi vẫn chưa dừng?" Đức Phật đáp: "Ta nói rằng ta đã dừng lại vì ta đã từ bỏ việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ thói bạo hành, tàn sát mọi loài và ta đã an trú vào lòng từ đối với muôn loài, lòng kham nhẫn và trí tuệ do tư duy quán sát. Song ngươi vẫn chưa từ bỏ việc giết hại và đối xử tàn bạo với người khác cũng như chưa an trú vào lòng từ bi và kham nhẫn đối với mọi loài hữu tình. Do đó, người vẫn là người chưa dừng lại". Thái độ điềm đạm và câu trả lời của Phật đã làm cho Angulimala kinh ngạc và đột nhiên buông dao hối hận. Phật liền làm lễ thế phát cho Angilimala trở thành một tu sĩ ngay tại chỗ. Từ đó về sau, Angulimala (pháp danh mới là Ahimsaka) đã tu tập rất tinh tấn, trở thành một trong những đệ tử lớn của Phật và đạt được giác ngộ sau đó.

Trong xã hội Bà La Môn, sự phân chia giai cấp được mô tả là vô cùng khắc nghiệt, giai cấp hạ lưu chỉ đụng tay vào giai cấp thượng lưu cũng đủ để bị tội chặt tay, thì một quan điểm bình đẳng rốt ráo, bình đẳng không chỉ giữa người với người, mà trên bình diện chúng sinh như thế của nhà Phật, phải nói là đức Phật đã làm một cuộc đại cách mạng. Ngay đến thế kỷ thứ hai mươi mốt này, tại nhiều quốc gia trên thế giới, người ta vẫn còn đang phải chật vật tranh đấu để giành quyền bình đẳng giữa nam nữ, giữa các mầu da, vân vân, thì đức Phật, cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, đã tuyên bố: " Không có sự khác biệt giữa những giọt nước mắt cùng mặn và những giọt máu cùng đỏ", cao thượng thay lời nói của bậc Đại Giác!

Suốt quãng đường dài hơn hai ngàn năm trăm năm của Phật giáo, không giọt máu nào đổ xuống vì sự truyền bá Phật pháp. Ðức Phật mãi là nhà truyền giaó đầu tiên và vĩ đại nhất đã từng sống trên thế gian này. Những tư tưởng từ bi bình đẳng của Ngài đã tuôn chảy như những dòng suối ngọt ngào lan tỏa đi khắp nơi, khắp chốn, mang hoà bình an lạc đến với chúng sinh. Có lẽ Ngài cũng là vị Giáo Chủ đầu tiên đã ra tận chiến trường để tìm cách ngăn chận chiến tranh. Ngài đã hóa giải sự xung đột giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Koliya khi hai bên đang sửa soạn tấn công vì tranh chấp nước sông Rohini. Ngài cũng đã thuyết phục vua Ajatasanu bỏ ý định tấn công vương quốc của bộ tộc Vaiji.

Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, dù cho mọi sự vật đều đổi thay, biển xanh biến thành ruộng dâu, nhưng suối nguồn từ bi bình đẳng từ cội Vô ưu vẫn tuôn chảy đến ngày nay, vẫn ngày đêm lan tỏa để thức tỉnh, giác ngộ cho nhân loại đang chìm đắm trong khổ đau, thù hận và vô minh.