Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Tuổi Trẻ Mười Phương Thức Chánh Niệm Khi Tham Gia Các Mạng Xã Hội

Mười Phương Thức Chánh Niệm Khi Tham Gia Các Mạng Xã Hội

Email In PDF

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, sự phổ biến của phương tiện truyền thông internet, các trang mạng xã hội - nơi giao lưu, chia sẻ của mọi người, nhất là giới trẻ - ngày càng nở rộ. Trong đó, phổ biến và nổi tiếng nhất là trang Facebook và trang Twitter, gần đây xuất hiện thêm trang Google Plus (Google +). Đấy là chưa kể đến các diễn đàn, các trang mạng xã hội chỉ đơn thuần chia sẻ về hình ảnh, hoặc video clip, và các trang blog cá nhân...


Nói chung, các trang mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người chia sẻ những tâm tư, tình cảm, cập nhật những thông tin sinh hoạt của cá nhân, chia sẻ hình ảnh, video, kiến thức, quan điểm… đến với bạn bè, người thân và nhiều người khác thông qua mạng lưới liên kết tuyệt vời do các nhà mạng cung cấp. Nhờ các trang mạng xã hội mà nhiều người tìm được niềm vui trong cuộc sống, tìm được bạn bè, thậm chí tìm được người bạn đời, hoặc người tri âm tri kỷ cho mình… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người gánh chịu phiền lụy khi tham gia các trang mạng xã hội, hoặc giết hầu hết thời gian trong ngày của cá nhân để rồi bỏ bê công việc, không hoàn thành trách nhiệm, hoặc có người buồn khổ, sầu bi vì những vấn đề “ảo”… Thậm chí có người sử dụng các trang mạng xã hội để phát tán những tài liệu, những thông tin, hình ảnh không lành mạnh.
Có thể nói, các trang mạng xã hội như một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng cách thì nó sẽ đem lại lợi ích rất nhiều, nếu không biết sử dụng thì nó cũng gây hại không ít. Để nâng cao hiệu quả và phát huy tính tích cực, thế mạnh khi sử dụng, tham gia các trang mạng xã hội, Lori Deschene - người sáng lập trang web Tinybuddha.com và cũng là chủ sở hữu của tài khoản @TinyBuddha trên trang Twitter - đã đưa ra mười phương thức để sử dụng các trang mạng xã hội một cách có chánh niệm. Sau đây là nội dung của mười phương thức ấy.

1. Tự biết những chủ ý của mình

Có bảy yếu tố tâm lý mà chúng ta cần phải luôn ghi nhớ trong lòng khi đăng nhập vào các trang mạng xã hội, đó là sự hàm ơn, chú ý, tán thành, đánh giá đúng, ca ngợi, tự tin và quán xét toàn diện. Trước khi chúng ta đăng tải thông tin gì đó lên mạng, chúng ta phải tự hỏi chính mình: Có phải mình đang muốn được mọi người biết đến, đang muốn mọi người thừa nhận? Có phải là có nhiều thứ hơn nữa mà mình có thể làm để đạt được nhu cầu đó?

2. Hãy thể hiện một cách trung thực về bản thân

Trong thời đại của sự quảng bá thương hiệu cá nhân này, hầu hết chúng ta đều có một vị thế mà chúng ta muốn phát triển hoặc duy trì. Những thông tin đăng tải có chịu sự thúc đẩy của tự ngã thường nhắm vào một vấn đề gì đó; tính trung thực thì xuất phát từ trái tim. Hãy bàn về những điều thực sự quan trọng với bạn. Nếu bạn cần lời khuyên hoặc hỗ trợ thì mạnh dạn nêu lên. Chúng ta sẽ dễ dàng thể hiện bản thân hơn khi chúng ta trung thực với chính mình.

3. Tự hỏi chính mình trước khi đăng thông tin

Nếu bạn dự định đăng tải gì đó, bạn phải luôn tự hỏi: Nó có đúng không? Nó có cần thiết không? Nó có phù hợp không?

Đôi khi chúng ta đăng tải những tư tưởng mà chúng ta không hề nghĩ đến vấn đề là liệu những tư tưởng ấy có thể tác động đến toàn bộ khán, thính, độc giả của mình như thế nào. Chúng ta dễ dàng quên đi số lượng bạn bè đang đọc những thông tin đăng tải của mình. Hai trăm người có thể trở thành một đám đông khi họ hiện diện bằng xương bằng thịt, nhưng trên mạng internet thì con số ấy dường như không đáng kể. Cho nên trước khi bạn chia sẻ, hãy tự hỏi: Thứ mình chia sẻ đây có thể gây hại cho ai không?

4. Thỉnh thoảng đăng tải những thông tin về lòng tốt

Tôi thường tự hỏi khi tôi đăng nhập vào mạng Twitter: “Hôm nay tôi có thể làm gì để giúp đỡ hay hỗ trợ các bạn?”. Sử dụng các trang mạng xã hội là một cách đơn giản để ban tặng mà không mong đợi đáp trả lại điều gì cả. Thông qua cách tiếp cận để giúp đỡ một người lạ, bạn tạo ra khả năng kết nối mang tính cá nhân với những người đang theo dõi mà bạn có, nếu không thì bạn chỉ biết một cách sơ sài.

5. Trải nghiệm bây giờ, về sau mới chia sẻ

Có một tình trạng phổ biến là mọi người chụp ảnh với điện thoại cá nhân và tải nó lên Facebook hoặc gửi email cho một người bạn liền sau đó. Điều này khiến cho sự trải nghiệm tại một thời điểm của cá nhân và sự chia sẻ chồng chéo lên nhau. Việc làm này còn giảm thiểu sự thân mật, bởi vì toàn bộ những người theo dõi bạn tham gia vào những cuộc hẹn hoặc những cuộc hội ngộ của bạn trong thời gian thực. Như việc chúng ta muốn giảm thiểu các đoạn độc thoại trong tâm để chúng ta tiếp xúc trọn vẹn với thực tại hiện tiền, chúng ta cũng có thể làm tương tự với sự tường thuật bằng các thiết bị kỹ thuật số của mình.

6. Năng động nhưng không phản ứng lại

Bạn có thể nhận email cập nhật thông tin bất cứ khi nào có hoạt động diễn ra trên một trong những tài khoản của bạn ở các trang mạng xã hội, hoặc bạn có thể thiết lập cho điện thoại di động của bạn cung cấp những lời thông báo. Điều này buộc bạn phải dành nhiều thời gian để phản hồi trở lại trong suốt cả ngày, dù cho bạn có muốn hay không. Có một cách tiếp cận khác là chúng ta chọn thời điểm để tham gia cuộc đàm luận, và sử dụng thời gian lúc mình không đăng nhập vào các trang mạng xã hội để lựa chọn những giá trị mà ta có thể đem đến cho mọi người.

7. Hãy phản hồi với tất cả sự chú tâm

Mọi người thường chia sẻ những đường liên kết mà không thực sự đọc những thông tin đó, hoặc đưa ra những lời bàn về các thông tin đăng tải khi họ chỉ nhìn lướt qua chúng. Nếu món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho một ai đó là sự chú ý của mình, thì các trang mạng xã hội cho phép chúng ta trở thành một người vô cùng tốt bụng. Chúng ta có thể không đủ sức để phản hồi lại tất cả mọi người, nhưng hãy phản hồi một cách cẩn trọng để có thể tạo ra sự khác biệt.

8. Hạn chế sử dụng mạng xã hội thông qua các thiết bị điện tử di động

Trong năm 2009, Trung tâm nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng, có 43% người dùng điện thoại di động truy cập vào mạng lưới internet trên thiết bị của họ nhiều lần trong ngày. Đó là điều mà cựu nhân viên Microsoft, Linda, đã nói đến như là "sự chú tâm khoái chí liên tục" - khi bạn thường xuyên đăng nhập vào các mạng xã hội để chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì. Nếu bạn quyết định hạn chế truy cập internet thông qua điện thoại di động, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội trực tuyến (online), nhưng bạn sẽ không bỏ lỡ những thứ phía trước bạn.

9. Tập bỏ qua

Có thể không tử tế lắm khi không để tâm đến một số thông tin hay sự chia sẻ nào đó, nhưng chúng ta cần thời gian nghỉ ngơi để tử tế với chính mình. Nên tự cho phép mình để cho những gì thuộc về ngày hôm qua thì cho chúng trôi qua đi. Theo cách này, bạn sẽ không cần phải "bắt kịp" tất cả những thông tin cập nhật trên mạng xã hội khi mà chúng đã trôi qua, thay vào đó là sự toàn tâm toàn ý vào những cuộc đàm luận hôm nay.

10. Hãy vui thích với các trang mạng xã hội

Đấy chỉ là những gợi ý để cảm nhận sự có mặt trong giây phút hiện tại và có chủ tâm khi sử dụng các trang mạng xã hội, nhưng chúng không phải là quy tắc cứng nhắc và cố định. Hãy làm theo những bản tính tự nhiên của riêng bạn và vui chơi với mạng xã hội. Nếu bạn sống có chánh niệm khi bạn ngắt kết nối với thế giới công nghệ, bạn sẽ có tất cả những công cụ bạn cần để có được sự chánh niệm khi bạn trực tuyến.

(Theo Tricycle Magazine, số mùa Đông năm 2011)
Lori Deschene – Minh Nguyên Dịch