Gần 500 tình nguyện viên (TNV) tại 3 điểm (TP.HCM, TP.Cần Thơ, TP.Đà Lạt - Lâm Đồng) bắt đầu ra quân trong Chương trình Tiếp sức mùa thi 2012 (do Tiểu ban Thanh thiếu nhi trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư tổ chức với sự hỗ trợ của báo Giác Ngộ) vào ngày 28-6.
Đây là năm thứ 4, Chương trình Tiếp sức mùa thi do Phật giáo thực hiện với sự tham gia của đông đảo các tự viện, Phật tử và đặc biệt là TNV là sinh viên, bạn trẻ…
Thao thức cho những ước mơ
Tiếp sức mùa thi, một hành động dành cho tất cả những cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đồng điệu với những ước mơ cháy bỏng của học trò chốn quê lên thành phố dự thi tuyển sinh (đại học, cao đẳng). Vì vậy, Tiếp sức mùa thi đến bây giờ đã được tất cả mọi người nhìn nhận không phải là một thương hiệu của một cá nhân, tổ chức nào bởi nó gắn với trái tim đồng điệu đó.
Phật giáo Tiếp sức mùa thi, những phần cơm chay ngon, chứa đựng tình thương,
sự thao thức với thế hệ trẻ của những người con Phật - Ảnh: Linh Toàn
Chính trong niềm thao thức và đồng cảm với những ước mơ của những sĩ tử có những khó khăn chốn quê nghèo, ở tỉnh lẻ, phải lặn lội tàu xe đi thi nơi các thành phố lớn (điểm thi, có các trường đại học, cao đẳng) nên Phật giáo, mà cụ thể là Báo Giác Ngộ với tinh thần lợi tha đã khởi xướng Chương trình “Tiếp sức mùa thi” (bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2009).
Đó là bộc bạch và cũng là ý niệm cho một chương trình thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo, nhất là việc hướng tới giới trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Chương trình được hình thành với ý niệm thiện lành là giúp thí sinh và phụ huynh đi thi có điều kiện thuận lợi hơn (được đón đưa tại các bến xe, nhà ga về chùa, được ăn ở miễn phí, được đưa đi thi trong điều kiện có thể…) nên ngay từ năm đầu tiên đã được sự đồng thuận, hưởng ứng của quý tôn đức Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt là các trú xứ chùa chiền, tự viện, tịnh xá, tịnh thất trên địa bàn TP.HCM.
Vượt qua những khó khăn
Trên bước đường hành đạo hoặc làm Phật sự thì chắc chắn sẽ gặp thuận duyên và cả những nghịch duyên không mong đợi (chương trình Tiếp sức mùa thi được HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS THPG TP.HCM, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ khẳng định là Phật sự quan trọng của báo, không phải chỉ là phong trào cho có).
Thuận duyên, đương nhiên là sự đồng lòng yểm trợ từ phía chư tôn đức, Phật tử, người cho chỗ ở, người đóng góp tịnh tài, tịnh vật và sự tham gia tiếp sức của TNV là lực lượng trẻ, có tâm huyết đóng góp, thiện nguyện… Còn nghịch duyên, đó có thể là khó khăn về kinh phí trong một vài thời điểm, sự thiếu kinh nghiệm hoặc chưa chu đáo từ phía Ban Tổ chức dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, hay một sự cản trở, làm khó từ một hiểu nhầm không đáng có nào đó… Tất cả những khó khăn ấy tất nhiên cũng đã làm buồn lòng ít nhiều những người có tâm huyết muốn đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước là giáo dục - đào tạo.
Nhà nước ta xác định “Giáo dục là quốc sách”, trong đó việc thi cử, tuyển sinh luôn luôn là vấn đề hàng đầu, nếu không được xã hội hóa thì chắc chắn sẽ rất khó khăn. Xã hội hóa từ chính chương trình “Tiếp sức mùa thi” là một trong những hành động thiết thực, yểm trợ cho những nguồn nhân lực đất Việt có cơ hội thể hiện, cho những ước mơ được thành tựu dễ dàng hơn, cũng là tiếp sức cho một thế hệ trẻ có cơ hội cống hiến cho Tổ quốc.
Tính nhân văn của chương trình thì không cần phải nói, hẳn ai cũng hiểu là nó tác động tích cực như thế nào tới tâm lý người trẻ, cả TNV lẫn thí sinh tham dự kỳ thi. Họ sẽ nuôi lớn trong mình ước vọng thiện nguyện, cống hiến cho cuộc sống những giá trị đẹp về tinh thần “hiến tặng tin-yêu”. Người nhận là thí sinh sẽ được nâng đỡ, và lòng biết ơn - một giá trị cao đẹp sẽ được xốc dậy, và không ít TNV vốn đã từng là thí sinh được tiếp sức nay quay lại “đền đáp” bằng cách “tiếp sức” thế hệ đàn em. Đó cũng chính là lý lẽ thuyết phục để những người con Phật vượt qua trở ngại, khó khăn đến từ khách quan lẫn chủ quan.
Minh chứng cho điều ấy chính là việc duy trì chương trình “Tiếp sức mùa thi”, không những thế, theo chỉ đạo của HT.Thích Trí Quảng, sau 3 năm xây dựng, chương trình đã được chuyển giao cho Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư phụ trách tổ chức để nó thực sự trở thành chương trình của Phật giáo trên toàn quốc, góp phần hoằng pháp lợi sanh…
Tận lực hỗ trợ thí sinh
Chiều ngày 17-6, tại tòa soạn Báo Giác Ngộ đã diễn ra một buổi gặp mặt thắm tình đạo vị giữa Ban Tổ chức Chương trình “Tiếp sức mùa thi” và quý tôn đức đại diện các tự viện, Phật tử đồng hành với chương trình. HT.Thích Đạt Đạo, Phó ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Trưởng BTC cùng HT.Thích Thanh Hùng, Phó ban Thường trực BTC; TT.Thích Chơn Không, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTC đã chủ trì buổi gặp gỡ. Lắng nghe những chia sẻ, góp ý cho chương trình mới thấy rằng tất cả chư tôn đức, đại diện các tự viện, tịnh xá, tịnh thất… tham gia cùng chương trình Tiếp sức mùa thi đều có chung một tấm lòng: tất cả cho thí sinh, vì thí sinh!
Bỏ qua những khó khăn từ phía trú xứ của mình hay từ những sinh hoạt chốn thiền môn vốn nghiêm tịnh, lại đang là mùa an cư kiết hạ, chư tôn đức nhất trí rằng: “Thí sinh, phụ huynh lên thành phố thi, lưu trú tại chùa chỉ khoảng 15 ngày, mình phải hy sinh một chút, chịu khó một chút, mở lòng một chút… để hỗ trợ các em thi tốt, đạt kết quả cao”.
Đó còn là những chia sẻ đầy tâm huyết, như Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện, cho rằng nên có một TNV thường xuyên ở tại điểm chùa để hỗ trợ các thí sinh tốt hơn. Rồi Ni trưởng còn đề xuất là các quý thầy, quý sư cô cũng nên trở thành… TNV nhắc nhở thí sinh trước mỗi buổi thi mang theo giấy tờ cần thiết, bút viết đầy đủ, để các em khỏi phải mất tinh thần vì quên trước, thiếu sau. Thậm chí, theo Ni trưởng, những điểm chùa đón tiếp thí sinh còn phải có tủ thuốc để đề phòng bất trắc trong ăn uống, đi xa bệnh tật của thí sinh.
ĐĐ.Thích Phước Nguyên, trụ trì chùa Huyền Trang (Q.Gò Vấp) nghe Ni trưởng nói vậy đã hoan hỷ hưởng ứng và còn truyền thông, rằng, các em chân ướt chân ráo từ dưới tỉnh lên, lo lắng, bỡ ngỡ nhiều lắm, mình ráng mở lòng, bỏ qua những sơ sót của các em, đừng chấp nhặt, để các em có một kỷ niệm đẹp trong mùa thi khi được sự tiếp sức của nhà chùa.
Cũng đồng tâm ý đó, ĐĐ.Thích Quảng Tiến kể câu chuyện tiếp sức từ PG Q.Tân Phú, là năm ngoái, sau khi thi xong, cảm được tình thương của quý thầy, quý sư cô (đưa đi thi, đón về, mang cơm nước tới tận trường thi cho những em không về chùa ăn cơm kịp trong giữa buổi trưa của ngày thi…) nên đã có trên 30 em phát tâm quy y Tam bảo ngay khi kết thúc kỳ thi. Còn Ni sư TN.Như Lợi (chùa Vạn Thiện, Q.5) hứa khả, nếu các chùa tiếp nhận thí sinh nhưng lại không đủ điều kiện để hỗ trợ ăn uống cho các em thì chùa sẽ tình nguyện nấu cơm nước mang tới cho các em.
Nhiều ý kiến khác, cũng đều tập trung vào việc hỗ trợ thêm cho thí sinh, phụ huynh trong vấn đề di chuyển tới trường thi, tới điểm cầu nguyện trước mùa thi… Và, theo đúc kết chung của HT.Thích Đạt Đạo cũng như HT.Thích Thanh Hùng thì Ban Tổ chức thực sự chính là từng quý tôn đức Tăng Ni đồng hành cùng chương trình, bởi chính mỗi đơn vị với tình thương và sự tận lực cho thí sinh như vậy đã góp tay làm nên thành công của chương trình, để lại những dấu ấn đẹp về hình ảnh tu sĩ, Phật tử trong lòng các em khi mỗi mùa tuyển sinh về…
Lưu Đình Long
- Sách Tấn Chính Mình
- ĐĐ.Thích Tâm Mẫn đã đến trung tâm Thủ đô Hà Nội
- Nghệ Thuật Sống Trong Thời Đại @
- Sinh Viên Ăn Chay Chống Chọi Khó Khăn
- Tự Hào Ba Chữ "Tình Nguyện Viên"
- Mùa Thi
- Ba Phương Thức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo
- Thắp Nến Tri Ân Và Hóa Trang ''Vườn Cổ Tích Phật Giáo''
- Chìa Khóa Cho Thành Công
- Nhẫn Và Chịu Đựng
- Tại Sao Ta Thất Bại ?
- Lý Tưởng Của Người Xuất Gia