Vĩnh Minh Tự Viện

Sunday, Dec 22nd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Tuyệt Đỉnh Của Sự Tự Do

Tuyệt Đỉnh Của Sự Tự Do

Email In PDF

Những bước chân lặng thầm lăn dài  lần mò trên ý tưởng, tưởng chừng  được vượt thoát bởi những kiến tạo  siêu hình. Những bóng dáng mơ  màng của đời sống hữu thức như  sương sa, hạt nắng hay một buổi  chiều mưa cũng mang theo nó  những khung trời sâu thẳm. Hay  những câu hỏi được đặt ra cho một  thiên hướng tuyệt đối tối hậu rằng -  ta  đang tồn tại hay tồn tại để làm gì?

Để thẩm thấu được hết cái chất hay cái chân của thực tướng không con đường nào khác hay hơn là sự chứng nghiệm, bằng cách trực tiếp đi vào mà không với bất kỳ một sự suy lượng thuần tuý. Bởi chân giá trị của thực tại nằm ngay nơi những yếu tố đơn thuần nhất.

Đời sống của bất kỳ một sự tồn tại nào, dù hữu hình hay vô hình, dù có tình thức hay không tình thức cũng đều là cơ hội duy nhất cho thấy sự sống là một chuỗi dài nối kết nhau trôi nổi theo dòng chảy của thời gian, ôm lấy không gian làm bằng hữu và tự hình thành bởi chính nó mà không hề tuân theo bất kỳ một khuôn hình hay định luật nhất định nào.

Nhìn vào sự vật hiện tượng theo cái thấy của pháp duyên khởi (co-arising), ta có thể thấy nguồn gốc của những hình sắc lưu xuất cho đến những biểu hiện tự nhiên đang có mặt trong khắp pháp giới, chúng đều mang theo mình những chiều kích thời gian tuân theo chuỗi dài tương liên của mười hai nhân duyên, những sợi mắc xích nhau quay vòng, mà chính nó lại không có khái niệm của sự dừng nghỉ, điểm đầu cũng là điểm cuối và ngược lại.

Nền khoa học tâm thức của Phật giáo dựa trên nền tảng luận thức học A-tỳ-đàm (Abhi-dhamma) vốn được phát triển rất vững mạnh theo dòng thời gian xuyên qua các châu lục và ngày nay tự thân nó đã là nền tảng cho các cuộc đối thoại trực tiếp giữa huyền học “khoa học tâm linh” với các ngành khoa học vật chất đương đại. Abhi nghĩa là sự nhiệm mầu, diệu kỳ hay sự tinh tế. Dhamma tức là “pháp” trong ý nghĩa của tất cả các hiện tượng đang diễn tiến trong khung trời của toàn thể pháp giới. Luận thư này giải thích tất cả sự vận hành của thế giới tâm thức một cách chi tiết, mô tả sự đồng sinh-diệt (sinh khởi và huỷ diệt) của tâm thức và vũ trụ, toàn thể pháp giới hay vũ trụ ở đây được xem như là đối tượng của tâm thức. Vì tâm thức có mặt nên sự tồn tại mới có mặt và đối tượng cũng như nguyên nhân cho mọi sự tồn tại chính là thế giới tương quan đang biểu hiện trong khắp pháp giới – Dhamma.

David Bohm, một giáo sư quá cố của vật lý lý thuyết tài nguyên cho rằng vũ trụ là một đại dương năng lượng đang vận hành trong dạng trật tự ẩn tàng (the implicate order) và vũ trụ vật chất quanh ta chỉ là một dạng của năng lượng đó, khi bị kích thích chúng sẽ hiện khởi và thế giới hiện tượng chỉ là một trật tự dàn trải (explicate order). Theo ông vũ trụ và thế giới vật chất quanh ta lưu xuất từ một thực tại tìm ẩn sâu kín gọi là vận động toàn thể, tức là trạng thái chân thật của vạn hữu (that-which-is) vốn là một trật tự ẩn tàng mà nền tảng căn bản là nguyên lý sáng cho mọi sự tồn tại.

Ở đây chúng ta thấy có sự trật tự nhưng hoàn toàn vắng mặt những tên gọi mang hình bóng của thần linh, hay một đấng cứu thế siêu xuất hoặc một sự cứu rỗi siêu hình. Thuyết tiến hoá cho ta cái thấy này, từ lúc loài vượn khỉ cổ đại giải phóng được hai bàn tay để cầm nắm, bắt đầu dùng hai chân sau để bước đi, ấy chính là yếu tố quan trọng quyết định để từng bước phát triển theo lối tiến hoá tự nhiên và cuối cùng trở thành một con người ý thức “homo conscious”, vì một khi đôi tay của con người được tận dụng triệt để một cách đúng mức để cung cấp những nhu yếu cần thiết nhất cho đời sống cá nhân của một con người thì khối óc chúng ta cũng đồng thời tiến dần đến đỉnh tuyệt đối theo thuyết tiến hoá, chúng ta đã trải qua hơn ba triệu năm để làm được điều này. Nhưng nếu để được trở thành một con người toàn hảo với đầy đủ ý thức tính hay cái “biết” về thế giới tổng quan, biết mình, biết nhân loài và toàn thể pháp giới thì ba triệu năm kia chẳng phải là một con số lớn lao gì. “Biết” chính là nguồn ánh sáng tuyệt vời của tâm thức và việc từng bước đi tới cái biết ngày càng sâu-rộng và chân thực hơn về chính mình cũng như về vũ trụ vạn vật chính là nền tảng căn bản để nuôi lớn mục đích, lý tưởng và đồng thời cũng góp phần nâng cao phẩm chất của sự sống, một sự tồn tại hoàn hảo của con người có ý thức “a perfect homo conscious”.

Tuy nhiên không có bất kỳ một chân lý nào luôn mang theo mình một lý tính toàn hảo, có thể nơi này là nền tảng cho sự xuất hiện chân lý ở nơi kia, trong vòng quay của trái đất ta có thể hiểu trục quay là nền tảng của chân lý quay vậy. Sự nhìn nhận về chân lý trong đời sống của chúng ta chỉ là cái nền của ngôi nhà quy ước tức là tục đế, còn chân đế hay sự thật tuyệt đối đòi hỏi phải là khả năng tuyệt vời của một con người có ý thức toàn hảo. Nền giáo dục phật giáo hiện tại trên khắp thế giới đều gắn trên áo mình cùng chung một màu lý tưởng đó là bằng mọi cách có thể chỉ mong sao một lần chạm được vào bóng hình của sự thật tuyệt đối, tức là nếu chỉ cố gắng khẳng định bản lĩnh mình có được qua những mớ lý thuyết khô cằn kia hay một mực tôn thờ chân lý quy ước làm cứu cánh thì tiến trình của sự sinh động không thể sống sót được mà chỉ là một khối tro tàn mà thôi. Thế thì để khám phá tính minh triết tối hậu của phật giáo qua khả năng của một người bình thường như chúng ta có phải là một chướng ngại lớn lao không?

Nâng cao phẩm chất cho sự sống của mỗi cá nhân trên mặt đất chính là chìa khoá của sự tồn tại, với thiên hướng hướng thượng, phát triển để cùng dìu nhau đi về tương lai. Mỗi giây phút trôi qua, đời sống hữu thức của chúng ta như bị cắt, gọt, tỉa một cách dã man trong dòng chảy sinh diệt. Sự kinh khiếp về vô thường hay phương pháp thực tập quán chiếu về sự không thường hằng và bất ổn của vạn pháp sẽ là người bạn tốt nhất có thể cùng ta đi về cuối con đường phía trước.

Kinh quán niệm hơi thở, Ānāpānasati Sutta (Pāli) hay Ānāpānasmṛti Sūtra (Sanskrit) là bài kinh thứ 118 trong tạng kinh trung bộ, Majjhima Nikaya. Ānāpāna là hơi thở và sati có nghĩa là niệm hay nhớ nghĩ. Bài kinh này là bản tóm lược quá trình tu chứng của tất cả chư phật trong mười phương bằng mười sáu phương pháp rèn luyện về thân, về cảm thọ, về tâm tư, và về mọi hiện tượng trong pháp giới này. Và đây là bốn hơi thở cuối trong mười sáu hơi thở, đức thế tôn đã hướng dẫn chúng ta những cách thức giản đơn nhất để có thể đi sâu vào lòng thực tại liên quan đến tính không thường hằng và bất ổn định của vạn pháp:

1. Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

2. Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

3. Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.

4. Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.

Kinh quán niệm hơi thở là một trong những bản kinh cổ xưa nhất của nền văn học phật giáo, trình bày một cách chi tiết về những phương pháp hành trì thực tiễn. Hơi thở thuộc về thân, hơi thở tuần hoàn đi vào đi ra để nuôi dưỡng và duy trì những cấu trúc phức tạp trong bộ máy cơ thể và điều phục hơi thở chính là công cụ hữu hiệu để điều phục thân ta. Khi ta dùng hơi thở như là phương tiện để chiêm nghiệm về tính vô thường của vạn pháp tức là ta đã từng bước điều phục tâm và hướng tâm ý mình theo chiều chuyển động tự nhiên, không sự vật nào được phép tồn tại vĩnh cữu nên thực tập hạnh thả buông để được thảnh thơi tự do là tiêu chỉ sống của con người khôn ngoan. Biết được mình chỉ là sự tạo sinh bởi vô số những điều kiện tương liên tụ hội, biết được rằng tự thân ta chẳng phải to lớn gì trong vũ trụ vô biên này, thấy được như vậy sẽ giúp ta vượt thắng được bản chất của tự ngã, mọi phiền muộn của ba mạn (hơn người, thua người và bằng người) tự nhiên được rũ sạch cũng như tất cả mọi hạt bụi dù cứng đầu nhất cũng phải chịu nằm yên sau một trận mưa phùn kéo dài. Hơi thở đi vào với không khí tươi mát trong lành sẽ giúp máu huyết lưu thông dễ dàng hơn, cơ thể ta khoẻ nhẹ hơn. Và hơi thở đi ra với sự ý thức trọn vẹn tỏ tường cũng sẽ giúp ta vơi đi rất nhiều căng thẳng, phiền muộn, bức bách, tâm ý ta dần được trong sáng thanh lương hơn.

Ānāpānasati Sutta chính là chìa khoá để giúp ta hiểu sâu hơn về kinh bốn lĩnh vực quán niệm_Satipaṭṭhāna (quán niệm về thân, về cảm thọ, về tâm tư, và về các hiện tượng đang diễn tiến trong khắp pháp giới), hay bảy phương pháp hành trì_Bojjhangas (bodhi là giác ngộ và anga nghĩa là các chi phần), hay niết bàn tối hậu_Nibbāna. Nếu ta có đủ may mắn một lần trong đời tìm lật lại những trang kinh xưa thì niềm vui ấy sẽ được dịp lan toả khắp châu thân ta. Rèn luyện và thực tập sự buông bỏ xả ly qua lời dạy của đức thế tôn mỗi ngày trong đời sống sẽ là con đường duy nhất để giúp chúng ta từ bỏ thói quen hướng về lối tư duy trừu tượng siêu hình.

Dìu tâm ý ta đi về theo con đường hướng thượng, tích cực bằng cách thực tập buông xả và dừng lại.Thực tập buông bỏ những khái niệm không liên quan tới đời sống hữu thức trong hiện tại hay tập dừng lại những lối suy tư không hữu ích cho bản thân ta chính là nền tảng căn bản cho sự tồn tại của một con người có ý thức toàn hảo. Can đảm nhìn nhận khổ đau qua sự kinh khiếp về vô thường sẽ giúp ta chạm tới được cái thấy chân thực về vạn hữu. Rằng mọi thứ đang không đứng yên như ta tưởng như chiều quay tròn của trái đất đang bị chi phối bởi định luật chuyển dời hay một hơi thở vào bắt buộc phải có một hơi thở ra. Mỗi phút giây trôi đi trong dòng chảy thời gian dường như là một món quà vô giá được ban phát bởi chính tự thân của những ai được nhận lấy.

Tôi không yêu cầu bạn phải là một bậc thượng sĩ xuất trần, bạn là ai, ở đâu hay đang làm gì đều không quan trọng. Với tôi, một đời sống đẹp mang trọn vẹn ý nghĩa thật không dễ nhưng ta có thể từng bước tiến về những chặng đường cuối cùng trên con đường đi bằng cách thực tập hơi thở ý thức, thực tập bằng ngay nơi chính tự thân ta mà không phải ngồi yên để trông chờ bất kỳ sự cứu rỗi bởi đấng sáng thế siêu nhiên nào.

Thực tập hạnh xả - buông sẽ giúp thân tâm ta nhẹ nhàng hơn, đôi vầng nhật nguyệt kia sẽ không còn là gánh nặng cho một kiếp người vài mươi năm. Buông và dừng lại giúp ta có được nhiều thảnh thơi hơn với những bước chân lăn dài một cách tự do trong cuộc đời này. Tồn tại để được tự do. Và mục đích tối hậu của tự do không gì khác hơn là để nâng cao giá trị cho sự tồn tại. Ấy chính là đỉnh điểm tuyệt đối của tự do vậy.

Chúc bạn thành công.

Khiết Phong