Vĩnh Minh Tự Viện

Sunday, Dec 22nd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Mười Một Lỡ Chuyến Đi Xa

Mười Một Lỡ Chuyến Đi Xa

Email In PDF

Mười một sắp qua. Tích tắc, tích tắc… Ai đó bảo thời gian nhanh vì những dự định vừa lóe, chưa kịp nghĩ thêm đã không kịp làm.

Thời của công nghệ thông tin, của khoa học phát triển ồ ạt dễ khiến mọi thứ trở nên lỗi thời. Tình yêu, hôn nhân đôi khi chưa kịp chín, mới sinh ra đã phải héo hon, tàn rũ. Trẻ nhỏ chưa kịp lớn đã trở nên những ông/bà cụ non với những nghĩ suy y chang người lớn, làm những việc mà người lớn cũng ngỡ ngàng chào thua. Người nhanh nhảu, sống với công nghệ thì vỗ tay, hoan hô, trẻ ấy thông minh; nhưng người hiểu về quy trình làm người, lớn lên, cần lắm một tuổi thơ đủ vô tư để hồn nhiên mà vui, mà cười, mà khóc thì không khỏi lo lắng cho những lớp trẻ lớn lên già dặn trước tuổi…

Mười một đi qua, chạm tay vào những tháng ngày cũ kỹ. Thời học sinh đi dâng hoa thầy cô, tặng những món quà bé bé, xinh xinh, lắm khi là chục trứng gà, trái đu đủ, trong tinh thần tri ân, báo ân mà thương-nhớ vơi đầy. Mỗi người thầy đi qua đều cho mình dày thêm chất liệu làm người bên cạnh những kiến thức cao thâm của cuộc sống, khoa học, xã hội.

Ông bà mình bảo, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy để nhắc nhớ con người lớn lên, đừng quên cái thời bập bẹ. Có thể theo năm tháng, ai đó lớn lên, làm ông này bà nọ, còn cô giáo thuở vỡ lòng đó vẫn cứ là cô giáo trường làng như trước nhưng đừng vì thế mà “quên ân trái đức”, xem thường, vong ơn. Tháng mười một nhắc mình nhớ những điều giản dị đó và thấy mình sống còn có chút ý nghĩa vì những mốc thời gian để ta kịp dừng lại, quay về củng cố lại góc tâm hồn bừa bộn sau những ngày ta lao đi mệt nhoài bởi biết bao ước vọng, tham vọng mênh mông, vô bờ bến…

Mười một với mình còn là ghi dấu những nhân-duyên cho một tình bạn đủ lớn để gọi tên. Những khó khăn trên đường đời là lẽ đương nhiên. Trong trùng trùng duyên khởi đó, kiếp này, kiếp khác tránh sao ác nghiệp ta đã từng tạo tác, từ ý-khẩu-thân. Và, đời này, đời khác đã từng may mắn biết Phật pháp nhưng không chuyên cần sám hối, không tinh tiến tu hành nên cứ phải long đong, xuýt xoa đón nhận khi nghiệp xấu đổ dồn và cũng giật mình ghi nhớ rằng mình đã giãi đãi, đã xuề xòa trong chuyện học và hành pháp.

Chư Phật, chư Tổ dạy: “Tội từ tâm sinh, do tâm diệt”, muốn diệt tội thì phải thành tâm sám hối, nghĩ thế mà ăn năn. Quay đầu lúc nào cũng là bờ, và chẳng bao giờ là muộn, vì ta sống đâu phải chỉ duy nhứt một kiếp này? Khi đã thực tâm quay lại, tâm tâm niệm niệm, thẳng tiến một con đường thì chắc sớm muộn gì cũng về đến đích.

Cái lý “đi rồi sẽ tới” mình niệm đó nhưng quên hành nên cứ mãi giậm chân tại chỗ. Cũng vậy, học lời Phật dạy có thể mình đã thuộc lòng ít nhiều trong mênh mông kinh điển, chỉ vì mình thiếu một chút dũng để buông và bỏ nên mình cứ mãi phàm phu gánh vác. Âu, cũng là nghiệp lực sâu dày, mà cái nguyện lực đẹp đẽ kia không đủ lực để thắng nên đành tiếp tục sống chung, tiếp tục dưỡng nuôi tâm hồn thêm sáng, thêm trong để mà đi, thong dong, nhẹ nhàng như cách mà thầy dạy. Đó cũng là kinh nghiệm của tổ tiên, đừng làm quá sức mình, đừng dục tốc mà bất đạt, lời khuyên ấy cho mình an lòng mà đi, vững chãi, an toàn.

Mười một, gợi nhớ nhân-duyên-quả, cùng những mốc thời gian thân thương, những con số tháng-năm, những tên người thân quen quá đỗi đi qua trong dòng suy nghĩ để mình mãi ghi ơn họ đã đến, đã trao cho mình chìa khóa yêu thương và bài học về lắng nghe, nhìn lại… mà mình cứ ngỡ mình đã học thuở a, bờ, cờ. Hóa ra, bài học dễ nhất trong ứng xử lại trở nên vỡ lòng mãi mãi vì ta mãi mãi quên và nhớ trong ứng xử, làm người.

Đừng nói nặng lời với ba mẹ, vì như thế là bất hiếu, ngăn ngắn như vậy ta đã nghe hồi còn ngồi bên khay trầu cau nghe bà kể chuyện, nhưng có khi tới lúc hai thứ tóc ta cũng sẽ lại được nghe như thế trong một lần không kiềm lòng được, vì tham-sân-si ngút ngàn trong mình, vì chữ hiếu vốn là công hạnh đầu đà được Phật tán dương là “hạnh Phật, tâm Phật”. Do vậy, làm Phật hay ma đều do mình, trong ý-khẩu-thân mà biểu hiện. Nên, đừng có trách sao mình sống hoài, thêm tuổi nhưng người khác không trọng mình, dẫu người khác đã được dạy “kính trọng người già”. Nếu sống không lề lối, không hàng họ thì ta cũng sẽ chỉ là đứa trẻ đúng nghĩa trong một thân thể héo queo quắt đó thôi.

Mười một… thêm những lần lỡ hẹn, về những chuyến đi xa. Người ta nói “tính trước bước không qua” để chỉ cho những dự liệu nằm ngoài tầm với. Vì, có những điều ta ước mong thực hiện nhưng mãi chẳng thể thành hiện thực như ta dự tính, vì nghiệp đó chi phối. Ai tính chuyện trăm năm, sắp xếp mọi thứ và nghĩ mọi thứ theo ý mình hết thảy là người chẳng biết “an trú hiện tại”, và nếu những sắp xếp bất thành lại không chấp nhận được, trách gần trách xa là biểu hiện của người sống không biết “tùy duyên”.

Kế hoạch cuộc đời ta cứ hoạch định, như một mục đích cho ta hướng về, nhưng quan trọng vẫn là sống với hiện tại, làm tốt nhứt vai trò, vị trí mà mình đang đảm nhận. Nghĩ thế, nhắc nhớ thế mà đi, mà thong dong, để dẫu những chuyến đi xa tạm hoãn có (hoặc vô thời hạn) thì mình cũng không quá đớn đau, rơi vào u tối, bế tắc…

Lưu Đình Long