Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, Jan 09th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Không Thể Đổ Lỗi Cho Một Người

Không Thể Đổ Lỗi Cho Một Người

Email In PDF

Khi có một vấn đề tiêu cực xảy ra, chúng ta thường hay đổ lỗi cho một ai đó chứ không chịu nhìn lại để thấy ra sự việc ấy xuất phát từ đâu. Vì thói quen phản kháng những gì không tốt đẹp đến với mình, vì bảo vệ uy tín danh dự hoặc cho mình là người hiểu biết hơn kẻ khác nên chẳng cần lắng nghe ai giải thích, bày tỏ. Với thái độ hành xử chủ quan đầy cảm tính như thế chỉ đem lại sự bất an khốn đốn cho mình và cho những người chung quanh.

Theo tuệ giác của Đức Thế Tôn thì các vấn đề xảy ra trong đời sống này đều có nhiều yếu tố kết hợp lại mà thành, gọi là duyên khởi. Nghĩa là, không có cái duy nhất sinh ra vạn vật mà tất cả mọi thứ đều phải tùy thuộc vào nhau để sinh khởi (Cái này có thì cái kia có/Cái này không thì cái kia không/Cái này sinh thì cái kia sinh/Cái này diệt thì cái kia diệt). Cái này liên hệ tương quan tương duyên tới cái kia, không có cái kia thì sẽ không có cái này. Sở dĩ có cây lúa là vì có hạt lúa, và ngược lại hạt lúa có mặt là nhờ vào cây lúa. Giữa hạt lúa và cây lúa có mối liên hệ hỗ tương cho nhau, không thể tồn tại riêng lẻ. Mặt khác, cây lúa không thể tự nó sinh ra hạt lúa mà phải nhờ vào đất, nước, không khí, ánh sáng mặt trời, v.v… thì hạt lúa mới hiện hữu. Đây chính là chuỗi vận hành tương giao và tương tức của sự sống, mà mỗi người cần phải suy nghiệm, quán chiếu để thấy ra sự thật mầu nhiệm này. Và nếu bạn thấu hiểu được đạo lý này thì khi có vấn đề không tốt xảy ra, bạn sẽ không còn đổ lỗi hay oán trách cho bất cứ một ai.

 

Thực tế cho thấy, trong các mối quan hệ trong xã hội đa phần khi có những khó khăn trắc trở xảy ra người ta thường hay tránh né và đổ lỗi cho một ai đó. Người nào cũng cho mình là đúng, chứ không chịu nhìn lại để thấy rõ gốc rễ của vấn đề, cho nên dẫn đến việc tranh cãi gay gắt và tạo ra sự xung đột bất hòa! Chính vì ta thiếu sáng suốt không thấy rõ tính chất cộng sinh và tương giao trong cuộc sống, nên khi làm ra một sản phẩm có giá trị nào đó được nhiều người hưởng ứng thì bản ngã tham vọng lên cao và hãnh diện về thành quả cho là mình tạo ra. Nào ngờ đâu sự thành công ấy có biết bao nhiêu điều kiện tương tác hỗ trợ mới được hình thành. Đơn cử trong một công ty, nếu vị giám đốc không có trợ lý, nhân công, bảo vệ, thậm chí không có những người làm công tác tạp vụ vệ sinh, v.v… thì thử hỏi công ty ấy có hoạt động được không? Mặt khác, nếu vị giám đốc thiếu khả năng chiêm nghiệm, quán chiếu và lắng nghe ý kiến góp ý của người khác mà tự mình quyết định thì đến khi kế hoạch không thành, chắc chắn ông ta sẽ bị nhiều người khiển trách và phê phán. Thế mới biết mọi sự vật hiện tượng đều có mối liên hệ mật thiết, nên Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này Hiền giả! Ví như hai bó lau dựa vào nhau mà đứng... nếu một bó lau được kéo qua (một bên), bó lau kia liền rơi xuống. Nếu bó lau kia được kéo qua (một bên), bó lau này liền rơi xuống” (Kinh Tương ưng bộ II, tr.203).

Sự thật cho thấy, mọi sinh vật hiện hữu trên thế gian này đều phải nương tựa vào nhau để được tồn tại và đứng vững điển hình như hai bó lau. Sự thành công của một doanh nghiệp cũng không khác, đòi hỏi phải có nhiều bàn tay đóng góp vào mới dễ bề thành tựu. Nếu như các vị lãnh đạo biết vận dụng cái nhìn duyên khởi, không quyết định sự việc có tính chất cá nhân độc đoán, không cho mình là người tài giỏi hơn kẻ khác mà biết lắng nghe nhau, thì các thành viên trong doanh nghiệp ấy sẽ truyền thông tốt đẹp, tạo ra không khí thâm tình, đầm ấm như anh em trong một nhà. Và dĩ nhiên, năng lượng làm việc sẽ tích cực hăng say hơn và kết quả cũng đạt được cao hơn. Đây chính là đạo lý thâm sâu, thiết thực đối với đời sống con người cho nên Đức Phật dạy: “Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử ” (Kinh Trường bộ I, tr.512).

Sống đúng theo nguyên lý duyên khởi thì chúng ta có được an vui hạnh phúc mà không buồn phiền, oán giận với bất cứ một ai. Thế nhưng, hiếm người biết sống tùy thuận theo nguyên lý tất yếu này, mà đa phần là thuận theo bản ngã tham sân si. Ta muốn có danh tiếng địa vị trong xã hội, thích được người khác ngợi khen, kính nể và tôn sùng… nhằm thỏa mãn tính tham vọng muôn thuở của kiếp người. Thực ra, những tư tưởng này biểu hiện là do ta sống trong thất niệm vô minh, không rõ biết mình đang làm gì, không có mặt trọn vẹn với cái thực tại đang là, cho nên tâm trí trở nên rối ren như ống chỉ, rối loạn như tổ kén là lẽ đương nhiên. Và một khi tâm hồn bị che đậy bởi vô minh tham ái thì khả năng thấy biết bị giới hạn, do đó ta không đủ tự tin và hiểu biết để giải quyết các vấn đề khó khăn đang mắc phải trong cuộc sống.

Như lời Đức Thế Tôn đã dạy, không có cái duy nhất sinh ra vạn vật. Vậy thì nỗi buồn, cơn giận cũng không ngoại lệ. Nếu ai đó mạt sát bạn thì với cái nhìn duyên khởi bạn không thể trách cứ họ, vì đằng sau những lời chỉ trích thô tháo ấy có biết bao là điều kiện nhân-duyên-quả tương tác vận hành và hội tụ. Có thể tiêu cực ấy một phần do sự trao truyền của cha mẹ, anh chị em, hoặc họ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, hoàn cảnh chung quanh tưới tẩm hạt giống bất thiện mỗi ngày, cho nên hôm nay người ấy hành xử khiếm khuyết như vậy. Nếu nhìn sâu hơn bạn sẽ thấy họ là một nạn nhân kém phần may mắn, không đủ duyên lành để học hỏi đạo lý như bạn. Vì vậy, bạn không thể để tâm hờn trách mà trái lại cần phải đem lòng thương yêu giúp đỡ họ. Mặt khác, nỗi buồn, cơn giận khổ đau chỉ biểu hiện khi bạn muốn chống lại hoặc tránh né hiện thực ấy mà thôi. Vì có khi, hai người cùng nghe một câu nói như nhau, nhưng người biết tu tập hiểu được đạo lý duyên khởi thì an lạc và tự tại, còn kẻ thiếu hiểu biết chắc chắn sẽ phản ứng lại quyết liệt hoặc âm thầm cấu kết với người khác để hãm hại đối phương. Lối hành xử như thế không đem đến lợi ích cho cả hai phía, mà trái lại tạo thêm nghiệp quả bất hạnh về sau, cho nên Đức Phật dạy: “Đem thù đến trả thù, mình người đều đau khổ, từ bi thắng hận thù, an lạc tận ngàn thu” là vậy.

Để cho tâm hồn trong sáng như một tấm gương, nhằm thấy rõ được mọi vấn đề tương giao vốn dĩ trong cuộc sống, đòi hỏi ta phải biết nhìn lại chính mình, trở về tiếp xúc với thực tại đang là, chứ không phải sẽ là hoặc phải là. Vì sẽ là chính là ước hẹn sự sống ở tương lai, còn phải là tức là cố gắng tạo tác lăng xăng của bản ngã, muốn mọi việc trên đời này đều thuận theo ý mình, có thể nói đây là căn bệnh khó chữa ở nơi mỗi con người. Để trị liệu thói quen này thì trong khi đi đứng, nằm ngồi, làm việc… bạn chỉ cần nhận diện rõ về các động dụng nơi thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại trong sự tỉnh thức trọn vẹn mà tâm không dao động và xao lãng thực tại đang là, thì cái thấy biết trùm khắp tức thời hiện hữu, trong Thiền tông gọi là “Tâm địa nhược thông huệ nhật tự chiếu” (Nếu tâm địa được thông thì mặt trời trí huệ tự nhiên chiếu sáng - Phật học phổ thông, tr.51). Cũng giống như tấm gương, nếu ta không xê dịch qua lại hoặc không để bụi bám vào thì nó sẽ phản chiếu các hình ảnh một cách rõ ràng đúng như thực.

Như vậy, tâm định tĩnh và sáng suốt là vấn đề chính yếu để nhận ra được mọi lĩnh vực của cuộc sống, nghĩa là bạn hiểu rõ tính chất trùng trùng duyên khởi của các pháp. Từ đó, cái nhìn của bạn vượt thoát thời gian và không gian; không còn bắt chước rập khuôn theo các chủ trương hoặc triết thuyết nào cả. Bạn tự do khám phá và tiếp xúc với sự sống mới mẻ đang diễn ra trong phút giây thực tại. Và khi ấy, cho dù có nhiều chuyện trắc trở éo le xảy đến, bạn vẫn đầy đủ sự trầm tĩnh, sáng suốt và nhạy bén để ứng xử với thái độ an bình và tự tại, mà không tỏ ra lo sợ, tránh né hoặc tìm cách trừng phạt đối phương để bảo vệ danh dự, uy tín theo lối mòn phản kháng xưa nay của bản ngã.

Viên Ngộ