Về một bộ kinh thánh Phật giáo
PV: Cách đây hai năm, trên mạng internet, thầy có đưa ra ý kiến về một bộ kinh thánh Phật giáo. Chúng con xin có ba câu hỏi:
1. Tại sao thầy lại dùng chữ “kinh thánh”?
2. Kinh này gồm những gì và nội dung ra sao?
3. Vấn đề này đặt trên tầm vóc quốc gia hay là quốc tế?
TNT: Bộ Kinh Tụng Hằng Ngày tôi biên soạn năm 1994, ấn bản đầu tiên là 3.000 quyển, được ấn tống tại Việt Nam, trước khi sang Ấn Độ du học. Khi trở về Việt Nam vào năm 2002, được tái bản ấn tống 6.000 quyển để tặng khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Úc, Pháp, Đức và một số nơi khác. Sở dĩ gọi bộ kinh thánh là vì, trong nhà Phật sử dụng rất nhiều từ “arya”, có nghĩa là “thánh” như trong các cụm từ thánh đạo, thánh nhân, thánh hướng, thánh quả… Nhưng các tôn giáo khác, trong nội dung kinh, chữ “thánh” đó không có những từ này. Cho nên, nếu nói về nội dung chữ “thánh”, đạo Phật là đạo đầu tiên nói nhiều chữ “thánh” nhất.
Sự khác biệt giữa khái niệm chữ “thánh” của đạo Phật và tôn giáo khác sử dụng ở chỗ, các tôn giáo khác có thể lấy người phàm để tấn phong thành thánh sau khi họ qua đời, còn với đạo Phật, giá trị của chữ “thánh” được đặt trên nền tảng của sự chuyển hóa tâm linh. Ví như sự nhổ sạch tất cả những phiền não âm tính, hoạt động tâm lý mang khổ đau đến cho bản thân và người khác, tâm lý trình tự tham, sân, si, đố kỵ, vị kỷ, hẹp hòi, nhỏ mọn hay những tâm lý làm cho con người sầu muộn, tự ti, mặc cảm, cống cao, ngã mạn… tất cả tâm lý trình tự này làm cho con người trở nên nhỏ bé. Nhà Phật dạy, muốn trở thành một bậc thánh phải chuyển hóa những tâm lý đó thành những tâm lý cao thượng, mang tính cách đối nghịch. Chất liệu “thánh” là chất liệu của bản chất đức Phật đã dạy hằng ngày, thông qua những lời pháp của Ngài trong Kinh điển. Chính vì vậy, lời kinh của Ngài được xem là thánh kinh. Tất cả ngôn ngữ của Ngài được xem là thánh ngữ. Từ “Phật ngôn” gọi là kim ngôn với nghĩa như vàng. Về phương diện vật chất, vàng chưa chắc có giá trị lâu dài. Vì giá trị của vàng cao thấp tùy thời đại, đất nước. Nhưng khi gọi “thánh ngôn” nghĩa là giá trị chuyển hóa vượt lên trên giá trị vật chất dùng cho vàng, bạc, ngọc ngà, lưu ly… thậm chí là kim cương cũng không thể nào sánh được.
Tương tự, từ Tứ diệu đế là từ dịch không hay vì trong nguyên tác Pali và Sanskrit là Tứ thánh đế. Bởi vì đó là bốn chân lý, là thực tại. Nếu tin và hành trì, ứng dụng thì có thể chuyển hóa từ một người phàm tục thành bậc thánh nên nói có giá trị. Khi gọi là bốn chân lý mầu nhiệm, khái niệm của sự mầu nhiệm làm giới hạn, giảm bớt giá trị của sự hành trì chuyển hóa, vì sự mầu nhiệm có thể có từ nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ, một diễn viên xiếc làm những trò xiếc rất ly kỳ, hấp dẫn đó có thể được xem là người mầu nhiệm nhưng không hẳn họ có được giá trị chuyển hóa. Họ vẫn khổ đau, không hạnh phúc. Nói cách khác, họ có thể bị chinh phục bởi khổ đau và hạnh phúc. Trong khi đó, Thánh đế hay chân lý của sự chuyển hóa thành một bậc thánh làm con người chấm dứt khổ đau không chỉ ở hiện tại mà còn ở tương lai, không chỉ cho mình mà cho cả người khác. Từ ý nghĩ đó, bộ kinh được chúng tôi gọi là thánh kinh.
Đưa ra nhu cầu bộ thánh kinh ở trong Phật giáo, đầu tiên, chúng tôi dựa trên bộ Kinh Tụng Hằng Ngày được sưu tầm, tuyển chọn gồm 49 bài kinh. Trong đó, 35 bài trích dẫn từ kinh tạng Pali với nhiều góc độ rất đa dạng và phong phú.
Ví dụ: Làm thế nào để có một tình yêu, hôn nhân, duy trì đời sống hôn nhân hạnh phúc, xây dựng nền tảng kinh tế gia đình, sự hòa hợp thương yêu trong một gia đình, làm thế nào để thế giới hòa bình và mọi người sống trong hòa bình. Từ những bài kinh này dẫn đến những bài kinh nói về sự chuyển hóa, an vui, phương pháp quán niệm, những cách thức hành trì thiền định, dấn thân phục vụ xã hội và cộng đồng.
Hầu như tất cả chất liệu ở những tôn giáo A, B, C, chủ nghĩa A, B, C đều có trong bản kinh này. Nhưng điều đáng tiếc, các nghi thức tụng niệm là rập khuôn nghi thức tụng niệm của Trung Hoa, đặc biệt là tông Tịnh Độ. Cho nên, Phật tử không có cơ hội tiếp xúc với những bản kinh mà chúng tôi cho rằng rất cần thiết cho đời sống hành trì hằng ngày của họ. Và từ đó, giá trị của đạo Phật đến với họ bị giảm thiểu.
Dụng ý đưa những bài kinh này vào trong bộ Kinh Tụng Hằng Ngày nhằm nhắc nhở, ngoài những bài kinh thọ trì, đọc tụng theo nghi thức ở chùa vẫn còn có nhiều bài kinh khác mang tính chất điển hình về giá trị.
Mưới bốn bài kinh còn lại được trích dẫn từ những phẩm quan trọng trong các kinh điển Đại thừa. Chúng tôi cho rằng, triết lý của kinh Đại thừa là nhu cầu thăng hoa đời sống tâm linh rất cao. Đó là những chất liệu phá chấp, làm cho con người không bị vướng bận vào những hình thức sinh hoạt cộng đồng, sự dấn thân, hành trì, phục vụ trong xã hội. Cho nên, hai triết lý vừa dấn thân về góc độ nhân bản của kinh điển Pali, vừa dấn thân về phương diện phá chấp của kinh điển Đại thừa thành hai chất liệu hỗ trợ, bổ sung cho nhau rất lớn. Từ đó chúng tôi nghĩ, tương lai cần có nhu cầu của bộ kinh thánh được dự kiến gồm hai phần là kinh thánh Pali và Đại thừa. Dĩ nhiên, trong kinh thánh Pali sẽ trích dịch những kinh điển cần thiết cho cuộc đời trên tinh thần vừa nêu trong bộ Kinh Tụng Hằng Ngày.
Sở dĩ cần phải có bộ kinh thánh Pali độc lập, vì nếu nhập chung kinh thánh Pali và Đại thừa vào một quyển thì những người theo truyền thống Pali có thể bị dị ứng, họ sẽ không chấp nhận kinh điển Đại thừa. Cho nên, họ có thể đánh mất cơ hội tiếp xúc những bản kinh điển Nikaya rất hay và cũng bỏ rơi bản kinh Đại thừa rất quý. Ngược lại, những người theo truyền thống kinh Đại thừa quá mức không chấp nhận bản kinh điển Nikaya. Do vậy, chúng tôi tách rời ra làm hai và tăng cường thêm số trang, giới thiệu thêm nhiều bài kinh cho thấy giá trị của đạo Phật có thể thích ứng với mọi thời đại. Đức Phật đã nói rất nhiều về những giá trị ấy. Đó là dụng ý đang thực hiện, có thể thành tựu trong năm tới, mỗi bản dày khoảng 1.000 trang. Về sau, nếu cần thiết sẽ giới thiệu thêm một số bài kinh khác và đưa ra thành tập ba, tập bốn. Trước mắt gồm hai tập là kinh thánh Pali và kinh thánh Đại thừa. Mục đích chỉ nhằm giới thiệu những giá trị đạo đức, tâm linh rất phong phú mà đức Phật đã dạy trong ba kho tàng kinh điển Phật giáo.
Có thể phục hưng đạo Phật Ấn Độ không?
PV: Kính thưa thầy! Thầy đã tốt nghiệp tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ và có nhiều năm sống ở bên đó. Như vậy, theo thầy, đạo Phật ở Ấn Độ có thể phát triển được không? Và sự khác biệt giữa quan điểm Phật giáo của người Ấn và người Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam như thế nào?
ĐĐTNT: Thật ra, tôi tốt nghiệp tiến sĩ về triết học. Trong chương trình triết học, tôi học cả triết học về phương Đông và phương Tây nhưng nhấn mạnh về triết học của Ấn Độ nhiều hơn. Sau những năm tu học tại Ấn Độ, tôi có dịp đi tham quan các trung tâm Phật giáo của Ấn Độ, Tây Tạng, Tích Lan và những nước Phật giáo trên khắp thế giới có mặt tại bốn Phật tích.
Thật ra, có rất nhiều khó khăn trên con đường phục hưng, Phật giáo một thời là ánh sáng hoàng kim của Ấn Độ, và cũng chính là nhu cầu tâm linh rất lớn ngàn xưa mà ngày nay không còn nữa. Những khó khăn đó có thể bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của Bà La Môn giáo, một nền văn hóa hoàn toàn của giai cấp. Chính vì vậy, khi Hồi giáo xâm lăng qua đất nước Ấn Độ, các công trình của Ấn Độ giáo không bị đả phá, tàn phá như những công trình kiến trúc nghệ thuật hay học đường của Phật giáo. Bởi vì, nền tảng của Ấn Độ giáo vẫn chủ trương tôn thờ một vị Phạm Thiên và việc đổi Phạm Thiên thành Đấng Ala, không khó khăn lắm.
Người Hồi giáo cũng nhìn thấy sự phát triển của đạo Phật ở Ấn Độ cách đây mấy chục thế kỷ sẽ làm ảnh hưởng của Ấn Độ giáo bị giảm thiểu tối đa. Từ đó, họ có thể kết luận, sự hiện hữu của đạo Phật chính là cái gai của sự phát triển Hồi giáo và các tôn giáo hữu thần nói chung. Do đó, họ nhắm vào đạo Phật, tàn phá các công trình kiến trúc nghệ thuật văn hóa, nhất là học đường của Phật giáo. Dầu vậy, Bồ Đề Đạo Tràng vẫn may mắn còn tồn tại sừng sững đến nay.
Khó khăn về đối thoại liên tôn giữa đạo Phật và các tôn giáo khác là trở ngại lớn, rất khó để giúp Phật tử hay những người dấn thân tinh thần đạo Phật ở Ấn Độ thành công. Hiện tại, những nhà Phật giáo có nhiều nỗ lực nhưng thành công không lớn vì nền tảng văn hóa nhất thần đa phần đã bám rễ rất sâu trong đầu óc tâm linh, truyền thống của người Ấn Độ và Hồi giáo tại đất nước Ấn Độ. Do đó, giới thiệu một truyền thống tâm linh mới trong trở lực này, họ khó có thể chấp nhận vì nền văn hóa của họ không chấp nhận những gì bên ngoài. Mặt khác, những nhà Ấn Độ giáo sử dụng chiêu thức tạm gọi là chiến tranh tôn giáo, chiến tranh tâm lý tôn giáo. Họ liệt đức Phật vào dạng hiện thân thứ chín của thần Wishdu, người đến với đạo Phật đồng nghĩa với việc đến một đạo con. Họ khuyến khích mọi người đến với Bà La Môn giáo như là đến với đạo mẹ, vì cho rằng đức Phật cũng chính là hóa thân của Phạm Thiên. Quần chúng không hiểu đạo Phật cũng không hiểu đạo Bà La Môn một cách sâu sắc nên sự đồng hóa đức Phật là hóa thân của thần Phạm Thiên làm cho mọi người cảm thấy gần gũi với đạo Phạm Thiên nhiều hơn so với đức Phật. Đó là cách làm người ta khó tiếp cận với đức Phật, đạo Phật một cách hiệu quả.
Kế đến, truyền thống giai cấp của người Ấn Độ là cản lực lớn. Từ cản lực này, những nhà chính trị tôn giáo của Ấn Độ giáo hay Hồi giáo nói chung đưa ra chiêu bài, người đến với đạo Phật là những người cùng đinh. Thay vì nói đến với đạo Phật là được giải phóng thân phận khổ đau, nhỏ bé, giai cấp thấp bé, họ nói ngược lại, đạo Phật là tôn giáo chỉ dung chứa những người hèn hạ nhất trong xã hội. Chiêu thức này khiến những người tri thức, nhà chính trị, quân sự, kinh tế của Ấn Độ giáo và Hồi giáo cảm thấy đến với đạo Phật thì giá trị của họ bị tụt xuống. Sự cô lập về phương diện xã hội, chính trị, văn hóa, kiến thức, học đường… đã làm cho nhiều người cảm thấy đạo Phật xa lạ, đạo Phật chỉ là chất liệu thực phẩm tâm linh dành cho những người thấp kém, không phải dành cho quảng đại quần chúng giống như đã từng có trong lịch sử Ấn Độ ngày xưa.
Kế nữa, từ quan điểm đó, phần lớn những nhà sư Phật giáo tại Ấn Độ đều là những người xuất thân từ giai cấp thấp. Do đó, tiếng nói của họ khó được những người ở giai cấp cao lắng nghe, dù lời họ nói có thể là chân lý, giáo pháp của đức Phật. Vai trò, vị trí xã hội của họ khó làm cho người ta dễ dàng chấp nhận và chân lý do họ tuyên bố khó được người ta ứng dụng, hành trì. Có lẽ đó là lý do tại sao trong kinh điển nói đức Phật xuất thân từ giai cấp Bà La Môn, trở thành vua chúa giàu có rồi mới từ bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tìm đường giải phóng con người ra khỏi những ách nô lệ khổ đau vật dụng mà họ đang đối đầu. Từ sự dấn thân như vậy của đức Phật, họ mới cảm thấy Ngài là người lãnh đạo cả một tập thể những người tri thức, quân sự, tinh thần cao cấp nhất trong xã hội nên họ theo dễ dàng. Hiện tại, những nhà sư Ấn Độ không có cơ hội đó. Xuất thân từ gia đình thấp kém nên những giá trị chân lý họ công bố khó được sự hợp tác và tiếp nhận hiệu quả.
Tiếp là những giới hạn trong nội bộ Phật giáo. Người Ấn Độ trọng truyền thống nên khó có thể chấp nhận những hình thức truyền thống Phật giáo khác có mặt trên đất nước của họ. Đó là lý do tại sao không có những cuộc hợp tác công khai, chính thức, có hiệu quả giữa Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo của đức Dalai Lạtma hay với Phật giáo của Tích Lan là Phật giáo từng mang đến sự phục hưng cho Phật giáo của Ấn Độ trong hai thế kỷ vừa qua. Dĩ nhiên, cũng không có sự hợp tác hiệu quả giữa Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Tích Lan, Phật giáo Tây Tạng và thế giới Phật giáo còn lại của những nước có Phật giáo đang đặt những nền tảng văn hóa Phật giáo tại bốn khu Phật tích. Từ những khoảng cách, giới hạn đó sự hiện hữu của những ngôi chùa, nhà sư, Phật tử ở trên đất Phật chỉ gợi lại ký ức đạo Phật vàng son trong quá khứ, không phải đạo Phật đang thật sự sống trong lòng của con người Ấn Độ. Chính vì vậy, khó có thể thành công.
Thiết nghĩ, cần có rất nhiều vị Bồ tát, A la hán, rất nhiều vị mang tâm lượng hỷ xả, vị tha mới mong có thể thực hiện thành công những công cuộc về phương diện hoằng pháp ở đất nước Ấn Độ. Nếu làm rời rạc theo kiểu Phật giáo Tây Tạng phục vụ cộng đồng Tây Tạng và những người phương Tây tại Ấn Độ, Phật giáo Ấn Độ phục vụ những người cấp thấp tại Ấn Độ, Phật giáo Tích Lan phục vụ quần chúng của Tích Lan, Phật giáo của những nước trên đất Ấn phục vụ cho du khách hành hương trở về xứ Phật chiêm bái tìm phước báu. Và bỏ rơi cả thế giới người Ấn còn lại thì sự hiện hữu của Phật giáo không có lợi cho những con người đang cần chất liệu của sự yên vui và hạnh phúc. Có lẽ đã đến lúc các hội đồng, giáo hội, giáo phái, các đoàn thể Phật giáo từ nhiều nước cần ngồi lại với nhau như cách thức hội thảo của Phật Quang Sơn, hay hội thảo của nhiều tổ chức Phật giáo khác trên thế giới đã làm trong quá khứ và hiện tại. Cần phải dấn thân, mổ xẻ nhiều hơn nữa, đoàn kết lại với nhau, bỏ qua những khác biệt ý thức hệ về chính trị, vị trí xã hội, tông chỉ giáo phái, hành trì, bỏ qua những khác biệt về màu da, sắc tộc… Có thể dấn thân làm cho đạo Phật ở Ấn Độ một lần nữa trở thành một đạo vàng son đã từng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tâm linh của những người trước đây là Phật tử mà ngay hiện tại lại đang là những người của Hồi giáo và Ấn giáo.
Phát triển phong trào quy y tập thể
PV: Kính thưa thầy, nhận xét của thầy về Phật giáo Ấn Độ rất sâu sắc! Con cũng đi qua bên Ấn Độ năm tháng, con thấy đúng như thầy nói, chỉ có những người thuộc giai cấp thấp kém theo Phật giáo. Thời thầy hoạt động ở bên đó, có một cuộc quy y dự trù hàng triệu người, rồi bị cản lại. Kính thưa thầy, có đúng vậy không?
TNT: Lễ quy y tập thể đó được xem là lớn thứ hai trong lịch sử của Phật giáo ở thời hiện đại. Lễ quy y tập thể lần thứ nhất được tổ chức cách đây vài chục năm, đã tạo ra làn sóng đổi đạo từ những người giai cấp thấp của Ấn Độ giáo trở về với đạo Phật. Dĩ nhiên, phong trào đó chỉ có giá trị ở mức độ nhất định, chuyển hóa làm họ mất vị trí thấp hèn mà những người Ấn Độ giáo đã gán lên dưới hình thức những quyển kinh thánh Veda. Khi đến với đạo Phật, họ không được chăm sóc với tinh thần và tâm linh giống như từng ước muốn như trong lịch sử vàng son của đạo Phật. Họ đến với đạo Phật để giải phóng vai trò, vị trí của họ hơn là đến với đạo Phật để tìm lấy giá trị tâm linh cao cấp nơi đạo Phật mà các tôn giáo khác không có, hay có theo cách thức khác.
Tương tự, lễ quy y tập thể lần thứ hai cách đây vài năm tạo ra một làn sóng mới làm cho con người ý thức được nhiều hơn. Lợi thế của phương tiện thông tin đại chúng hiện đại đã giúp người ý thức về đạo Phật là một con đường của sự chuyển hóa, rất cần thiết cho cuộc sống. Nếu đến với đạo Phật chỉ thông qua cách giải phóng thân phận thì vô cùng uổng phí. Phong trào đó đã thu hút rất nhiều người nhưng cuối cùng, chính quyền của Ấn Độ giáo cản trở bằng nhiều cách thức khác nhau. Ví dụ, họ hủy bỏ những chuyến xe lửa từ một số địa điểm đến nơi diễn ra cuộc cải đạo tập thể đó là thủ đô New Dheli, hủy bớt những chuyến xe bus liên bang. Khi biết mọi người sẽ tập trung tại điểm nào đó thì họ cản trở tất cả những phương tiện giao thông quanh đấy. Cho nên, số lượng người tham dự theo dự kiến sẽ rất đông nhưng thực tế chỉ khoảng 50.000 người.
Tuy nhiên, ý thức về sự chuyển hóa vẫn chứng tỏ rõ ràng là nhu cầu cho sự sống. Sự chuyển hóa này đã mang lại giá trị cao cho những con người cùng đinh ở đất nước Ấn Độ trong thời kỳ hiện đại. Từ lễ quy y tập thể thứ hai này đã tạo ra tiền đề, mỗi lần đến mùa Phật đản, những ngày lễ hội Phật giáo lớn trên thế giới sẽ có 5.000, 7.000 người quy y tập thể. Trong khi đó, Việt Nam là một nước truyền thống Phật giáo lâu dài mà mỗi kỳ quy y chỉ khoảng chừng 50, 70, 100 người. Điều đó là sự thiệt thòi cho những người chưa phải là Phật tử. Thông qua kinh nghiệm, hạn chế từ những kinh nghiệm đó, cần phải làm công cuộc giới thiệu đạo Phật từ những phương tiện thông tin đại chúng hiện đại để mọi người thấy được giá trị của đạo Phật. Nếu ai ứng dụng được những giá trị này, chất liệu an lạc, hạnh phúc sẽ có. Làm được điều đó, quần chúng sẽ đến với đạo Phật có ý thức, đến không phải để giải phóng thân phận mà đến để chuyển hóa thân phận từ khổ đau thành hạnh phúc, từ con người phàm thành bậc thánh. Phong trào đó không chỉ dừng lại như phong trào của chính trị, thời cuộc mà là phong trào chuyển hóa tâm linh, chuyển hóa đời sống an vui ở trong cuộc đời.
PV: Chúng con cảm ơn thầy! Như vậy là cần phải có một cuộc cách mạng rất hiệu quả không những cho Ấn Độ mà cho cả thế giới, để nhìn thấy sự chuyển hóa thân phận dấn thân của đạo Phật ở trong đời.
Cách áp dụng Phật giáo vào đời
PV: Kính bạch thầy! Nhiều vị thính giả và chính thầy khi trả lời câu hỏi của đạo hữu Mật Nghiêm đã cho rằng, đạo Phật cần đi vào cuộc đời độ chúng sinh. Nói rõ hơn, phải đem đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày. Xin thầy nói thêm ý kiến của thầy về vấn đề này và theo thầy, đưa đạo Phật vào đời sống thì phải làm như thế nào, áp dụng như thế nào cho có nhiều lợi lạc trong cuộc sống?
TNT: Phương diện ứng dụng đạo Phật vào cuộc đời rất đa dạng. Có thể bắt nguồn từ sự ứng dụng của đời sống cá nhân, gia đình, từ góc độ giao tế trong xã hội…
Ứng dụng đạo Phật trong đời sống vợ chồng
Trước nhất, xin nói về vấn đề ứng dụng trong đời sống vợ chồng. Bởi vì, đây là đời sống hầu như tất cả người tại gia phải đối đầu hằng ngày. Dĩ nhiên, trong một gia đình, người vợ và người chồng là đôi bạn đời và là đôi bạn đạo song hành, dìu dắt nhau trong cuộc sống. Nếu hai người đến với nhau bằng sự hiểu biết cảm thông nhưng không có những sự hành trì về Phật pháp thì sự hiểu biết và cảm thông này chứa những chướng duyên trong cuộc sống. Sự hiểu về Phật pháp giúp họ cần phải dấn thân nhiều hơn để hóa giải điểm dị biệt, phát huy điểm tương đồng và có sự chia sẻ và chính sự chia sẻ đó giúp họ có hạnh phúc và sự dấn thân lâu hơn.
Năm vừa qua khi sang Úc, chúng tôi gặp một gia đình, chồng là Phật tử và vợ là người Cơ Đốc giáo. Trong gia đình này có hai bàn thờ ở hai phòng khác nhau, một bàn thờ Phật và một bàn thờ Chúa. Khi hai người cùng tôn trọng đạo của nhau đến với nhau bằng hạnh phúc, dìu dắt nhau trong cuộc đời nhưng không có sự hòa nhập thật sự, bên nào thờ đạo bên đó nên thỉnh thoảng vẫn có những va chạm. Người theo đạo Chúa không bao giờ tin có cuộc sống luân hồi và tất cả con người phải tự chịu trách nhiệm về đạo đức, hành động còn người theo đạo Phật tin như vậy. Hai niềm tin khác nhau có thể làm cho hai bên tranh cãi, mâu thuẫn về cách lý giải hạnh phúc, khổ đau trong cuộc sống.
Khi đến gia đình này, chúng tôi may mắn được cả hai vợ chồng đều đón tiếp. Chúng tôi có gợi ý rất nhỏ, trong nhà chỉ có vài phòng nếu các vị để hai cái phòng thờ riêng thì uổng phí một cái, các vị hãy tiết kiệm bằng cách tháo bức tường giữa hai phòng này để hai vị Phật và Chúa có thể gần gũi nhau nhiều hơn. Thực ra, thông qua cách gần gũi giữa Phật và Chúa làm cho tinh thần và tâm hồn của hai vợ chồng họ có thể hòa điệu, gần gũi nhau. Kế tiếp, chúng tôi khuyên họ, nếu các vị để hai bàn thờ Phật và Chúa xa nhau sẽ không hay, tốt nhất chỉ cần một bàn thờ, hai Ngài có thể ngồi chung với nhau. Khi đó, người vợ và chồng không thể thắp hương, lễ bái Phật và Chúa vào hai thời điểm khác nhau như trước đây đã làm. Cứ mỗi lần thắp hương lễ Phật hay đứng trước Chúa cầu nguyện, hai người có thể cùng thực hiện một lúc. Lúc ấy, họ sẽ không cho phép mình nhắm mắt lại. Người Phật tử càng không cho phép nhắm mắt lại vì đức Chúa ở kế bên. Người đạo Chúa thì không cho phép mình nhắm mắt lại đối với đức Phật. Cứ mở to đôi mắt quan sát đức Phật và quan sát đức Chúa sẽ tìm thấy những gì cần bổ sung vào trong đời sống vợ chồng. Ngược lại, người theo đạo Chúa cũng cần quan sát đức Phật để thấy Ngài không phải là người xa lạ, mà đức Phật là người rất gần gũi, rất dễ kính, dễ mến và tôn nhân của Ngài thật từ bi, hạnh phúc, điềm tĩnh, an lạc, thảnh thơi, thong dong, tự tại. Chỉ bấy nhiêu chất liệu trên gương mặt Ngài cũng có thể trở thành nguồn chất liệu vô biên bổ sung cho cuộc sống của con người.
Khi thờ chung hai Ngài là đang bỏ được bức tường vách trong chiều sâu tâm thức về sự khác biệt giữa đạo này với đạo kia. Hơn thế, trong đời sống gia đình, loại trừ những khác biệt giữa vợ và chồng thì sự ứng dụng để xóa bỏ những khoảng cách đó về nhận thức, hành trì làm cho đời sống vợ chồng nhìn cùng một hướng, hạnh phúc cùng chiều và an vui lâu dài. Nếu không, có thể ngủ chung giường, ăn chung mâm, uống chung nước, dìu nhau trên con đường mà tâm một bên hướng về Phật, một bên về Chúa nên mãi mãi là những người cô đơn.
Sự ứng dụng trong đời sống vợ chồng có thể coi là phương pháp lục hòa. Ở cùng trong một căn nhà, tư tưởng, hành động cùng hướng đến một chiều hạnh phúc, cùng chia sẻ về quyền lợi, khổ đau an vui. Chỉ ứng dụng vài khái niệm lục hòa, sự chuyển hóa trong đời sống vợ chồng có thể thực hiện thành công dù mỗi người vẫn tiếp tục đi con đường của mình. Ví dụ, trong trường hợp vợ tiếp tục đi con đường Thiên Chúa giáo, chồng tiếp tục đi con đường của đạo Phật nhưng trong Thiên Chúa giáo của vợ có chất liệu của Phật, trong chất liệu đạo Phật của chồng có chất liệu của Thiên Chúa giáo. Cả hai có thể hòa quyện với nhau một cách rất đặc biệt. Vì buộc người khác phải theo đạo của mình hay làm họ từ bỏ đạo của họ là điều khó giải quyết, có chăng cũng chưa hẳn sẽ an vui hạnh phúc. Trong những trường hợp trái ngang vậy, có thể vận dụng chất liệu của sự chuyển hóa, hòa hợp để đời sống hạnh phúc gia đình được đảm bảo lâu dài và bền bỉ. Được như vậy, chuyện ứng dụng Phật pháp trong đời sống gia đình mới thật sự là một nhu cầu và lợi ích an vui!
Ứng dụng đạo Phật trong đời sống xã hội
Tương tự, có thể áp dụng Phật giáo trong đời sống xã hội hay đời sống cá nhân. Ví dụ, người trước đây khó tính, sự cau có thường xuyên có mặt, ngọn lửa trong tâm luôn thiêu đốt. Nếu họ duy trì chất liệu đó mà không có sự hành trì Phật pháp ứng dụng vào trong đời sống thì mãi mãi là người mà người khác luôn cảm thấy có khoảng cách rất lớn khi tiếp cận với họ. Dù là một Phật tử có thể đến chùa 30, 40 năm học kinh, dấn thân, làm những công việc thiện nhưng thiếu chất liệu hành trì thì vẫn chưa thành tựu được điều gì. Do vậy, ứng dụng và hành trì lời Phật dạy sẽ tác động hai chiều đối với cộng đồng và xã hội.
Khi hiểu được đạo Phật, học được những bài kinh, tập những bài tập chuyển hóa lòng cau có, sự khó chịu, gây hấn. Khi được chuyển hóa trọn vẹn, bản thân được an vui. Sự an vui đến với người khác cũng mang lại giá trị tương tự cho họ. Khi ấy, mọi người sẽ thấy đạo Phật là nhu cầu thiết thực mà không cần quảng cáo, không cần phải triển khai, người thấy được lợi ích chuyển hóa đó sẽ rất cảm mến đối với đạo Phật.
Chỉ thông qua con đường của sự hành trì và giá trị văn hóa có được từ sự hành trì cũng thấy rõ đạo Phật thật sự cần thiết cho xã hội, con người, gia đình, quần chúng. Nếu chỉ giữ đạo Phật như viện bảo tàng hay thư viện của các kiến thức hoặc sự trưng bày những mỹ phẩm trang sức ở siêu thị thì rõ ràng, giá trị đó mãi mãi cách biệt với quần chúng. Con người không bao giờ có được hạnh phúc trong đời sống thực tế.
Ứng dụng đạo Phật nâng cao đời sống tâm linh
PV: Xin cảm ơn thầy! Kính bạch thầy, đời sống xã hội tân tiến ngày nay bị tràn ngập bởi tiện nghi của tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng những tiện nghi về vật chất, con người hôm nay bị cuốn hút vào những nhu cầu của hưởng thụ và những tiện nghi hưởng thụ đó có tính chất dục lạc. Đạo Phật sẽ giúp đỡ được gì để cải thiện tình trạng đó và làm sao dùng Phật pháp nâng cao đời sống tâm linh của con người và khôi phục lại sự quân bình đời sống của con người?
TNT: Thông thường, quần chúng có thái độ cho đời sống vật chất chính là giá trị hạnh phúc cao cấp có thể đạt được trong cuộc đời. Quan niệm này sai lầm ngay từ căn bản, vì đánh đồng hạnh phúc vật thực hay vật dụng thành hạnh phúc của đời sống nội tâm. Trong khi đó, đời sống nội tâm có những giá trị cao hơn và mang lại những chất liệu an vui, hạnh phúc lâu dài hơn. Nước Mỹ là đất nước rất giàu có, thịnh vượng, đời sống vật chất và con người sống ở Mỹ hưởng nhiều quyền lợi hơn nơi khác. Tuy nhiên, về giá trị của đời sống nội tại lại bị thách thức lớn. Ví dụ, dưới sự khủng bố của những lực lượng đối lập với Mỹ hoặc những mạng lưới Aqueda hay những kẻ thù của Mỹ như Afganistan, Iraq… những người ở Mỹ, công dân của Mỹ đều phát sinh lòng khủng bố, sợ hãi về những kẻ thù hăm dọa bằng phương tiện này hay phương tiện khác, từng chứng kiến qua vụ sụp đổ của hai tòa nhà Thương mại Quốc tế của Mỹ. Từ đó, giá trị đời sống vật chất chỉ mang lại hạnh phúc dưới góc độ điều kiện hóa. Nghĩa là, khi các điều kiện này hội đủ thì hạnh phúc bền lâu, khi một điều kiện vắng mặt thì hạnh phúc đó bị thách thức.
Con đường của nhà Phật dạy tìm kiếm những giá trị tương đối quân bình và cao hơn những giá trị con người đã có trên đất nước Mỹ. Nếu chỉ có đời sống vật chất, hạnh phúc đó đôi lúc mang lại sự chấp thủ, bảo vệ, tranh giành quyền lợi, thậm chí giết chóc lẫn nhau. Cuối cùng, hạnh phúc đó là đầu mối của những đau khổ khác! Nói cách khác, nếu thiếu những giá trị tinh thần thì hạnh phúc trong trường hợp A sẽ là khổ đau của trường hợp B, hay hạnh phúc của người này là sự khổ đau rất đắt của người khác, thể hiện sự bất công về nhân quả và đạo đức. Sự bất công này sẽ tạo thành vòng lẩn quẩn nếu con người không có tinh thần hỷ xả trong cuộc đời khi bị người khác lợi dụng, chèn ép, tàn hại để tạo hạnh phúc cho họ. Chính vì vậy, nhu cầu đời sống tâm linh rất cần thiết, tối thiểu là tạo ra sự thân mật để vừa có hạnh phúc về vật chất vừa có hạnh phúc về tinh thần.
Nhà Phật không cường điệu hóa đời sống tâm linh nhưng cho thấy giới hạn của đời sống vật chất, đạo Phật cũng xác định rõ những giá trị của đời sống tinh thần. Khi giới thiệu giá trị của đời sống tinh thần, đạo Phật đặc biệt nhấn mạnh hạnh phúc của giác quan rất bấp bênh. Nếu không biết cách buông xả con người sẽ bị trói buộc trong khổ đau và phản tác dụng lớn về phương diện tâm linh, nhận thức, tâm lý. Đức Phật dạy, con người khi hưởng thụ những giá trị vật chất, dù của mình tạo ra cũng phải biết cách chọn lọc để tránh bệnh tật. Đừng đưa vào trong thân thể những gì không cần thiết, cũng không đưa vào bộ não những gì thông qua giá trị màu sắc, hình thái, điệu bộ, cử chỉ hay thời trang, kiến trúc nghệ thuật của những tác phẩm, những bộ phim tạo cho tâm bất an và cảm giác khổ đau, tăng trưởng lòng tham sân si… Cần biết giới hạn, chọn lọc khôn ngoan con đường tiêu thụ thông qua mắt, tai, mũi, miệng, sự xúc chạm của thân và có sự hành trì của con đường an vui trong những vật dụng đang sử dụng hằng ngày. Nói cách khác, tạo thêm con mắt nhận thức đưa vào trong những giá trị sử dụng chất liệu của sự tỉnh thức và chuyển hóa. Giá trị của đời sống vật chất không tùy thuộc vào số lượng nhiều hay ít. Giá trị của nó là cách sử dụng như thế nào.
Phật tử vẫn có quyền tạo dựng tài sản vật chất, vẫn có quyền trở thành một người giàu có, vẫn có quyền dấn thân về kinh tế, chính trị, quân sự, nghệ thuật, mỹ thuật nhưng tất cả những giá trị này không mang lại sự chấp thủ về bản ngã, quyến luyến và khổ đau. Nó phải là công cụ phục vụ hạnh phúc lâu dài. Thực hành được như vậy, dù hiện tại đang hưởng thụ giá trị vật dụng vẫn có chất liệu của đời sống tâm linh. Tại đây là chỗ bắt đầu cửa ngõ đời sống tâm linh mở ra và nếu có điều kiện có thể dấn thân sâu hơn vào những giá trị này. Giá trị đó được để lại trong kinh điển thông qua các pháp môn, mỗi pháp môn đều giới thiệu cách thức hành trì. Cho nên, đứng ở góc độ của nhà Phật, đừng bao giờ tôn sùng chủ nghĩa vật chất là cái phao nổi cuối cùng để con người sống trên đó. Cũng không cho nó là giá trị tuyệt đối, tất cả những thứ này đều tương đối, có thể bỏ vẫn không có vấn đề gì. Sử dụng nó cũng không phải là tổn hại, vấn đề ở chỗ, sử dụng như thế nào mà thôi. Khi biết cách sử dụng, tất cả những giá trị tầm thường đều có thể trở thành những giá trị cao cấp cho đời sống. Chính vì vậy, nhà Phật khẳng định, tất cả những giá trị tinh thần có thể được len lỏi vào những đời sống của giá trị vật dụng. Chỉ cần nhìn và sử dụng bằng con mắt tuệ quán, không chấp trước và không để lại những dấu hằn của chấp trước, tất cả những thứ đó sẽ trở thành công cụ cho cuộc sống an vui!
Thực hành hạnh xả bỏ
PV: Kính bạch thầy! Vừa rồi, trong buổi thuyết giảng ngày 17/10/2004 tại chùa Diệu Quang ở Corancauti, California, thầy đã nói về từ bi hỷ xả của đạo Phật. Thầy đã nhấn mạnh đến chữ “xả” với những nguyên tắc, những lý thuyết rất hay, được khán, thính giả rất tán thưởng. Để thực hành hạnh xả trong đời sống hằng ngày, xin thầy giảng giải cụ thể làm thế nào áp dụng trong những khó khăn của đời sống và người học Phật có thể thực hành cụ thể chữ xả theo lời Phật dạy?
TNT: Xả là một phương pháp độc đáo mà đức Phật đã để lại trong kinh điển với nhiều ảnh dụ khác nhau. Một trong những ảnh dụ có thể nêu ra là hình ảnh của lá sen. Lá sen không giữ nước, có thể chế những giọt nước trên đó. Nếu có cơn gió thổi qua, lá bị lay động, những giọt nước sẽ rơi xuống đất. Đặt lá sen trong hoàn cảnh không có gió thoảng qua, nó có thể giữ lại những giọt nước. Quan sát giọt nước đó, ngày thứ nhất thấy không hề gì, ngày thứ hai, thứ ba thì từ chỗ giọt nước ấy đọng xuống tạo thành một lỗ hũng và hư hoại. Cuối cùng, giọt nước làm cho nó không còn chức năng của lá sen nữa. Tương tự như vậy, đức Phật dạy hãy quan sát hình ảnh của lá sen không giữ nước. Trong trường hợp này, nước tượng trưng cho khổ đau, sầu muộn, nội kết, những phiền não giao tế trong xã hội với những người thân hoặc không thân, đoàn thể này tổ chức nọ. Tất cả những giọt nước phiền não đó là trở ngại rất nhiều trong đời sống sinh hoạt của gia đình, người thân, những xung quanh… Có thể ứng dụng hiệu quả về cách thức này bằng cách mang hạnh nguyện một vị Bồ tát.
Ví dụ, nội kết được diễn ra giữa người vợ và chồng, giữa anh em hay những người thân với nhau. Dĩ nhiên, mỗi bên không bao giờ chấp nhận mình có lỗi. Khi cho mình đúng, người sai sẽ khiến sự gần gũi nhau khó thiết lập. Tinh thần Bồ tát dạy hỷ xả bằng cách nhận phần lỗi về mình dầu không làm lỗi nhưng vẫn phải phương tiện nói rằng “tôi có lỗi”. Hai vợ chồng giận, không nói chuyện nhưng vẫn thương nhau một cách đắm đuối. Mỗi khi người chồng ra khỏi nhà có thể viết lại ghi chú nhỏ, “bà hãy đi ngủ trước, tôi sẽ về sau”. Rồi ông ta lẳng lặng về, lên giường ngủ, mỗi người ngủ một bên như không thể nào chấp nhận nội kết hai người đang mắc phải. Tương tự, vợ bị nội kết như vậy, muốn chồng làm gì đó nhưng không chịu nói mà viết lên tờ giấy và chuyển tờ giấy qua cho chồng. Hai bên cứ giữ nội kết này, không ai chịu nói với ai trước vì trong bản ngã của mỗi người có thể cho rằng, nếu nói trước thì sẽ rơi vào trạng thái khó chấp nhận được, có nghĩa là thừa nhận có lỗi. Tâm lý tự thừa nhận có lỗi xuất hiện làm cho họ cảm thấy xấu hổ, không xứng đáng nên cứ cố giữ vị trí đúng. Vị trí này càng kéo dài chừng nào thì nội kết càng gia tăng chừng đó.
Có những trường hợp nội kết chỉ đơn giản từ sự huyễn hoặc. Nếu không kịp tháo gỡ, cứ nuôi giữ thì về lâu dài sẽ trở thành quả bom. Đến lúc nào đó, hai người không còn chịu đựng được nữa thì sự ly thân sẽ xuất hiện và đi đến ly dị. Hệ quả của ly thân, ly dị là sự khổ đau cho chính họ và người thân. Như vậy, đạo lý Bồ tát dạy mở tấm lòng ra bằng cách xả, xả những lỗi lầm của người khác, dù bản thân không có lỗi vẫn ôm lỗi do mình. Khi hành động như vậy, người khác sẽ cảm thấy rất hạnh phúc vì hạnh phúc lớn nhất của con người là biết mình không có lỗi và được người có lỗi đến xin lỗi mình. Đạo lý Bồ tát dạy ôm lỗi về mình khiến đối phương nghĩ họ rộng lượng tha lỗi cho mình. Nhờ thái độ ứng xử như vậy, lỗi lầm trong trường hợp này sẽ được giảm thiểu, sự hiểu lầm, nội kết, khúc mắc giữa hai bên có thể tan biến.
Cho nên, cách thức hành xả là nhu cầu rất cần thiết cho sự sống! Bởi vì thiếu nó, con người chỉ giữ lại bản ngã, có thể mang lại khổ đau cho bản thân, có thể biến mình và những đối tác thành nạn nhân. Cuối cùng, ai cũng là những người bị đau khổ! Chất liệu hành xả, nếu không làm bằng tâm lượng của Bồ tát, khổ đau sẽ có mặt. Nhận lỗi về mình không phải là hèn nhát mà chính là tháo gỡ nội kết giữa mình với người. Bản thân tháo gỡ bằng ý thức rõ ràng vì mục đích mang lại hạnh phúc cho đối phương nên có thể chấp nhận sự mắng chửi, từ chối, khinh thường, nhục mạ. Một sức mạnh phi thường giúp cho tất cả những sự khinh thường, nhục mạ, từ chối, khổ đau chỉ là gió thoảng mây bay. Khi dấn thân vào con đường hóa giải bằng hành xả với chất liệu thương yêu, tôn trọng người khác, giá trị của sự hạnh phúc sẽ được thăng hoa!
Hành xả cần phải có mặt ở mỗi người, giữa bản thân và người khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng kia, tổ chức này với tổ chức nọ. Thậm chí, giữa quốc gia này với quốc gia khác, liên minh này với liên minh khác... Thiếu nó, những sự hiểu nhầm, lầm lỗi sẽ trở thành bom, pháo, súng ống, dao búa, trở thành khoảng cách rất lớn. Nếu hai bên duy trì khoảng cách đó thì vĩnh viễn như hai con đường song song, như hai rãnh của đường ray xe lửa. Cuối cùng, bên nào cũng vẫn là bên ấy trong nỗi khổ đau và hoàn toàn vắng mặt sự hạnh phúc, an vui.
PV: Cảm ơn thầy và cảm ơn đạo hữu Tâm Cát đã đưa ra vấn đề đạo Phật nhập vào cuộc sống! Thầy vừa giảng về hạnh xả, chính con nhận thấy trong đời tu hằng ngày của con, trong quan điểm tứ vô lượng tâm “từ, bi, hỷ, xả” của nhà Phật, nếu chỉ nói từ bi hỷ xả theo tinh thần giáo lý thì khi đem thực hành vẫn không thấy được hiệu quả. Theo con thấy, muốn thực hành cái đó phải xả trước, xả rồi mới thấy hỷ và hỷ rồi mới thấy từ và bi được. Thực sự, con thấy những người làm con buồn, nếu con xả được thì tự nhiên cảm thấy vui và niềm vui này có thể chuyển hóa được người đó. Ta cảm nhận rõ tình thương đối với họ và biết rằng mình có thể đem lại an vui cho họ. Đó là sự thực hành thực sự?
TNT: Thực tế, trong hành động xả đã có chất liệu của từ và bi, vì định nghĩa của từ bi là mang lại hạnh phúc và làm vơi bớt nỗi khổ đau của người khác. Khi hành xả, hạnh phúc của đối phương được thiết lập, khổ đau của họ vơi đi, nghĩa là mình đem lại niềm vui cho họ và cho chính mình. Con đường hành trì từ bi hỷ xả cũng có thể bắt nguồn từ lòng từ, nhờ tình thương có thể xả, hoan hỷ với người khác, chia sẻ nỗi khổ đau của người khác. Cũng có thể bắt nguồn từ bi hay hỷ hoặc xả. Quy trình này không nhất thiết từ A đến B, C, D mà có thể từ A sang B, rồi từ D sang A và đến B, từ D sang C tới A đến B… Tức là có thể bắt nguồn từ bất kỳ một đức tính nào trong bốn đức tính, miễn là bắt nguồn đúng đắn, các giá trị còn lại có thể xuất hiện trong cách phát xuất bắt nguồn.
PV: Như vậy, tứ vô lượng tâm như chu kỳ quay tròn, có thể vào bất cứ cửa nào. Con xin cảm ơn thầy rất nhiều! Và điều thầy nói rất đúng với ý nghĩa hai câu thơ của thầy:
“Với tay khắp tận càn khôn
Đạo tâm rộng mở tâm hồn thảnh thơi!”
Chúng con cảm thấy rất thảnh thơi tâm hồn khi nghe những điều thầy vừa nói!
- Hành Trình Đến Hạnh Phúc
- Yêu Thương Kiếp Người
- Nói Với Cái Tôi Hờn Giận
- Bàn Tay Của Mẹ
- Ăn một bữa tiệc chay giúp 4000 trẻ em không thiếu nước
- Mùa Vu Lan, Mùa Báo Hiếu
- Phật Giáo Và Thời Đại
- Những Bông Hồng Kính Dâng Mẹ
- Sức Mạnh Ban Đầu
- Dòng Chạy Thời Gian
- Xây Dựng Ngôi Nhà Tình Thương Đích Thực
- Bò biết quỳ gối, khóc khi sắp bị làm thịt