Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Apr 11th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Thơ Cõi Thơ Phạm Phú Hải

Cõi Thơ Phạm Phú Hải

Email In PDF

Hạ bút viết về cõi thơ Phạm Phú Hải, tôi chợt nhớ hai câu thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ:

“Nhân gian tận kiến thiên sơn hiển
Thùy thính cô viên đề xứ thâm

Và chỉ có người trong cõi mới có thể dịch câu thơ ấy một cách thần tình như thế này:

“Nhân gian đều thấy ngàn non sáng

Ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm”.

(Bùi Giáng dịch)

Tôi gọi là “người trong cõi” không phải là trong cảnh giới chứng ngộ của Thiền sư. Cảnh giới chứng ngộ có cao có thấp, nhưng cõi thơ, cõi mộng của họ thì khác hẳn “cõi người ta” mà chúng ta đang sống. Chúng ta chỉ loáng thoáng thấy mà không dám “bước vào cõi”. Trong thế giới thi ca Việt Nam, một Nguyễn Du, một Hàn Mạc Tử đã là quá hiếm khi thân phận hay nghiệp dĩ đã đẩy họ vào cõi. Ở đây không luận đến thiên tài, ở đây đang nói về một thế giới mà chữ nghĩa chỉ là công cụ để chắp cánh cho thơ. Tôi đang nói đến cõi thơ của Phạm Phú Hải.

Vâng ! Đó là một cõi lạ lẫm nhất trong thi ca Việt Nam.

Nếu cõi của Bùi Giáng là cõi tiên thì cõi của Phạm Phú Hải là cõi thần. Cõi tiên thì đẹp và thường là cảnh giới để người ta dệt mộng. Còn cõi thần thì lỡ bước vào ai cũng phải rùng mình, choáng ngợp rồi vụt chạy trở ra. Tôi đã nhiều lần thử vào nhưng đều sợ hãi, thôi đành đứng ngoài nhìn vào bình phẩm, dẫu rằng mang tiếng “thằng mù rờ voi”.

Thử phác họa một chân dung thơ Phạm Phú Hải: “Thi sĩ có bàn chân dài hơn con đường, và chân trời là hàng vạn lóng xương” “chân đi dép đỏ”, “góc chân là lưỡi rắn”, “đi ngang”, “câm” hoặc “cả đời ú ớ”, “tóc phủ vàng mặt núi những chiều mưa”, “ở phương đông buồn mặt trời”, “gánh thời gian lên đỉnh núi”, “hòa độc dược vẽ tranh người”, thỉnh thoảng “ôm cái nền nhà bước ngơ ngơ giữa phố”.

Cũng có lúc thi sĩ “hóa thân từ nắng

Lướt nhẹ nhàng xuống tận cửa rừng xưa

Bước nhẹ nhàng vào tận giữa rừng xưa

Tìm bạn cũ kiếp kiếp nào xa cách”.

Tôi vội dừng lại không mô tả thêm nữa, sợ rằng độc giả bảo tôi đang nói chuyện thần thoại. Vâng ! thần thoại. Nhưng ông thần ấy dễ thương lắm. Ông cũng biết “Tỏ bày, ông cũng biết “chấp nhận” và “nhập cuộc”, thậm chí là yêu tha thiết trần gian này nữa. Trong thế giới thi ca Việt Nam, thỉnh thoảng có một Trần Đới có thể ngồi rót rượu đối ẩm với ông thần Phạm Phú Hải, ngoài ra thì đều là cõi khác. Cảnh giới đó không phải là cảnh giới âm ty. Cảnh giới âm ty thì đã nhiều người nói đến nhưng chỉ là đứng ngoài mà nói, đứng ngoài miêu tả. Còn cùng ngồi đối ẩm với Phạm Phú Hải trên cung cầm tương ứng thì chỉ có Bùi Giáng và Trần Đới thì thỉnh thoảng. Nguyễn Du trong “Văn tế thập loại chúng sanh” đã có cái nhìn “thấu cả cõi âm”, nhưng đó chỉ là cái nhìn xuất phát từ tình yêu và lòng thương cảm một cách sâu sắc nỗi thống khổ của chúng sanh, hẳn không phải là “bước vào cõi”. Đọc những câu sau của Chế Lan Viên thì độc giả có thể cảm được điều tôi muốn nói:

“Đây những cảnh rừng sâu cây lả ngọn

Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.

Hay khi Nguyễn Du viết:

“Nghe gà gáy tìm đường lẫn tránh

Sụp mặt trời lẩn thẩn bò ra

Lôi thôi ẵm trẻ dắt già…”

Rõ ràng đó là những cái nhìn xuyên cả âm ty. Nhưng cái cõi của thi nhân thì vẫn là cõi người ta rõ rệt, không đầm đìa thống thiết hay máu me xương xẩu như cõi thơ của Phạm Phú Hải. Bùi Giáng bước vào cõi tuy cũng nên thơ và nhẹ nhàng nhưng rất hồn và rất thực:

“Em chết trên bờ lúa

Để lại trên đường mòn

Một dấu chân bước của

Một bàn chân bé con.

………………………………………..

Mười năm sau xuống ruộng

Đếm lại lúa bờ liền

Máu trong mình mòn ruỗng

Xương trong mình rã riêng”.

(Bờ lúa – Mưa nguồn)

Với Trần Đới, những câu chuyện như “Hai cây thạch đăng”, “Phật bà mặt rắn” hay những vần thơ trong “Hành trạng tâm linh”, ta thấy được cái nhìn thấu thị vào một cõi khác:

“Nỗi khổ ngất chín tầng

Niềm đau tràn mười đất

Tiếng rú giữa lời rên

Tháng ngày nghe đã chật…”

(Mi nô đau)

hay:      Áo Bà trắng tinh anh

Mắt cây cười xanh lá

(Nắng Quảng Hương Già lam)

Có lẽ chỉ có Hàn Mạc Tử là rất giống Phạm Phú Hải trong thế giới có vẻ siêu thực của mình. Nhưng Phạm Phú Hải thì “bước ngơ ngơ giữa phố”, còn Hàn mạc Tử thì quằn quại trong cõi chết và hướng vọng đến triều thiên:

“Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng”

“Đêm nay tôi khạc hồn ra khỏi miệng

Để cho hồn bớt những nỗi tanh hôi”.

 

“Thơ tôi bay đến bao giờ mới thấu

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu…”

Nói chung, mỗi người mỗi cõi, nhưng cõi thơ Phạm Phú Hải là cõi lạ lẫm nhất, siêu thực nhưng nhân bản, bi đát nhưng luôn hướng vọng đến vô biên: Hàng ngàn bài thơ, mỗi bài là một thế giới. Chỉ có đọc thơ Phạm Phú Hải mới cảm được Phạm Phú Hải, và như thế để hiểu Phạm Phú Hải phải viết đến hàng ngàn bài, đâu thể trong vài dòng bình phẩm mà vẽ được một chân dung. Ở đây mạo muội phác họa đôi phần như chút tâm tình gởi mở:

 

I. CÕI THANH ÂM BẤT TẬN:

 

Có lẽ bài thơ của Phạm Phú Hải được nhiều người biết đến nhất là “Thạch Sơn”, với đề từ rất lạ: “A, AA, AAA, AAAA, bất tận, âm thanh A bất tận”. Những người am tường Phật học sẽ rất thích bài thơ này khi hiểu rõ mẫu tự Tất-đàm, chữ…    bản bất sanh và những câu thơ đầy tính thể nhập:

“Xuất định bốn bề sương giọt giọt”

hay:     “Trăng khuyết xuôi, trăng tròn, trăng khuyết ngược

Bứt tháng, hái ngày, phơi khô năm

Năm khô râu cũ đùn râu mới

Sợi sợi ấn ngời Vô lượng quang”.

Từ âm thanh A bất tận đến Vô lượng quang là cả một quá trình tu chứng. Nhưng trong quá trình ấy là vô số âm thanh, vô số tiếng hú, tiếng gà gáy, tiếng xương ngân. Có lẽ âm thanh là cung bậc chủ đạo trong thơ Phạm Phú Hải. Chính vì vậy mà khi vừa hạ bút tôi liền nhớ đến “tiếng vượn trầm” của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Chẳng rõ tiếng “cô viên đề xứ thâm” như thế nào, nhưng với Phạm Phú Hải là tiếng hú:

“Vượn không hú hú giùm vượn vậy

Muôn sao kia im đấy chờ ta

Hơi từ thăm thẳm thoát ra

Tay thanh âm phủ rừng già nửa khuya”.

(Rừng rú mùa mưa)

Ngồi lắng nghe “thiên cổ trở đầu bên tai”, thi nhân cất tiếng hú, hú cho đến ngất ngư giữa đôi bờ mộng thực:

“Con ngồi hú khắp mười phương

Hú tà trăng đỏ, lúc hương khói mờ

Hú hoàng hôn, hú tinh mơ

Mòn hơi con ngất giữa bờ tử sinh”.

(Vuốt mắt)

Tiếng hú của chính thi nhân hay tiếng vọng lại từ chính cõi hồn ngát lạnh, dù đó là “tiếng cười dã nhân”, tiếng “hồ cầm bứt dây”, tiếng “thần kinh buốt óc ngàn dây khật khờ”, tiếng “góc bàn con mọt lại khua giọng dồn”, “tiếng gà lạnh ngang lưng”, “tiếng chèo” bỏ lại trên sông, tiếng “những hồn oan lúc gọi nhau”

“Tiếng khóc sơ sinh – dài tóc bạc

Tiếng lúc đầu đời – cao cổ khâu

Hồn chết hú nhau hoài thê thiết

Hồn sống bao giờ mới hú nhau

(Tựa giữa men bằng hữu)

Có khi thi nhân lắng nghe tiếng “Khóc giữa thai// Khóc một lần rồi thôi không khóc nữa// Khóc trong thai là tiếng khóc của mây trời// Khóc trong thai là tiếng cỏ cười// Là tiếng máu rơi trên bờ lộ vắng//.

(Khóc giữa thai)

Tất cả những âm thanh trên cõi đời này, “Dẫu cười vang dẫu khóc òa//Ngửa môi nuốt hết âm ba mỏi mòn”, thi nhân nuốt hết vào cõi lòng bất tận mà tai không loạn, bởi thực chất người nghe vốn chỉ là “Hạt cát điếc”. “Ngồi mà nói nhảm mà chơi// Hạt cát điếc vẫn câm lời dưới chân”. Thi nhân định nghĩa:

“Cái chi là âm nhạc

Cái chi là nhạc âm

Ôi nghe rõ rừng câm

Vì rừng câm lắm miệng”

(Đưa ra đếm)

Những âm thanh có thể làm rợn người nghe, hay những âm thanh không tiếng, thi nhân đã ôm trọn để đưa về một thanh âm bất tận. Thật khó có một nhạc sĩ tài ba nào biết phối tất cả những nốt nhạc trên trần gian để tạo thành một nốt nhạc duy nhất như Phạm Phú Hải.

“Tôi nâng hết tất cả

Trên hai bàn tay tôi

Gửi về cho âm thanh A bất tận

Có những tiếng kêu tiếng hú

Khổ đau

Một mai kia sẽ nở thành những đóa âm thanh trắng”

(Đã đến).

Âm thanh trắng? Có phải thi sĩ muốn nói cho khác người, cường điệu ngữ ngôn để tạo cảm giác kỳ dị? Điều đó đã có nhiều người làm. Nhưng cũng đã có nhiều người thực sự cảm được âm thanh tỏa ra từ ánh sáng huyền diệu trên cao kia. Một “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu, một “tiếng vỡ của sao băng” của Hàn Mạc Tử. Nhưng đó chỉ là những âm thanh nghe được từ chiều kích sâu thẳm của tâm hồn thi sĩ. Sự nhạy cảm của người thơ để nghe được tiếng của trăng vỡ hay màu của thời gian vốn không lạ trong thi ca Việt Nam thời tiền chiến. Nhưng nghe được thanh âm ấy bằng tình yêu đầy nhân bản và rung động đến từng ngõ hồn nhân thế như Phạm Phú Hải thì độc nhất vô nhị. Dây độc huyền của thi nhân đã rung đến từng sợi huyền của vạn hữu :

“Trăng là sự lưỡng lự của ánh sáng

Cho nên rất dễ yêu

Có một dây đàn dài

Từ cung lòng ta đến cung trăng kia

Dây độc huyền của riêng ta.

Cây mộc huyền của riêng ta.

Nếu em cũng cảm thấy như thế

Có một dây đàn dài

Từ cung lòng em đến cung trăng kia

Em sẽ được nghe tiếng nhị huyền.

Trăng ơi !

Ta nghe đâu đây tiếng vạn huyền

Ta nghe đâu đây tiếng vạn huyền.”

(Vạn huyền)

Nếu bài thơ trên chỉ kết thúc ở hai tiếng “Nhị huyền” thôi, nó cũng xứng đáng xếp vào hàng những bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam. Nhưng từ chữ “Trăng ơi” tiếp đó, khuôn khổ bài thơ đã vượt qua sự xếp hạng. Nó không còn là thơ nữa, nó chính là Đạo rồi. Khoảng cách giữa thơ và Đạo có thể chỉ trong đường tơ kẻ tóc, nhưng một thế kỷ thi ca đã đi qua, lần đầu tiên ta mới chạm đến được cung bậc trót vời như thế.

Trở lại với âm thanh A bất tận (*), chữ … (âm ngắn) là một trong mười hai nguyên âm, một trong bốn mươi hai hay năm mươi chữ cái của mẫu tự Tất – đàm. Chữ A là chữ đầu tiên, là vì khi người ta mở miệng nói ra thành tiếng thì trong đó đã có chữ A. Nếu bỏ tiếng A thì không có tất cả ngôn ngữ, vì thế Mật giáo cho rằng chữ A là mẹ của tất cả tiếng nói, là gốc của tất cả các pháp. Các kinh điển Đại thừa Phật giáo đều nêu ra rất nhiều nghĩa của chữ A, như Vô tác, Vô biên, Vô phân biệt, Vô tự tánh, bất khả tư nghì, Vô khứ, Vô lai, Vô hành, Vô trụ, Vô chung, Vô tận. Âm À trong mẫu tự Tất-đàm có năm lần chuyển biến (A tự ngũ chuyển) để cho ta những nghĩa khác nhau, nhưng chữ A đầu tiên …   được gọi là “A bản bất sanh” (A vốn không danh). Nó trở thành phép quán cực kỳ quan trọng đối với hành giả tu chân ngôn và là một bí ngữ thường được dùng làm chủng từ (hạt giống) đối với người tu hành theo Mật giáo.

Đối với Phạm Phú Hải, mọi âm thanh đều được đưa về âm thanh A này. Nên chi, cõi thơ của Phạm Phú Hải, trong một chiều kích nào đó là cõi của âm thanh bất tận.

 

II. CUỘC QUY HỒI BẤT TẬN:

 

Viết tiếp những dòng này, tôi chợt nhớ đến Hàn Mạc Tử:

“Ai đi lẳng lặng trên làn nước

Với lại ai ngồi sít cạnh tôi

Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng

Không nói không rằng, nín cả hơi

Chao ơi ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời”

(Cô liêu – Hàn Mạc Tử)

Ngồi nhìn thấy hồn mình đi trên làn nước hay thấy mình đang ngồi cạnh bên mình, với Phạm Phú Hải không phải là chuyện “ghê quá” mà là chuyện thường ngày, hằng giờ, thường trực. Ở Đà Nẵng, khi nghe tin Bùi Giáng mất ở Sài Gòn, Phạm Phú Hải viết:

“Nghe tin anh chết bàng hoàng

Ngoài này tôi cũng niết – bàn từng đêm

Tại sao anh lại ngủ quên

Ngoài này tôi chẳng ngủ quên đêm nào”

Chẳng đêm nào ngủ quên, có nghĩa là luôn luôn thức. Thức để làm gì? Và thời gian là gì? Đêm, đêm nào? Ngày tháng, ngày tháng nào? và không gian mà

--------------------------------------------

(*) Đoạn này viết thêm theo yêu cầu của độc giả, dẫu rằng như thế sẽ đánh mất đi tính ẩn mật của thi ca.

Thi sĩ hít thở, tới lui là không gian nào? Thật khó lòng phân tích hết với hàng ngàn bài thơ kỳ lạ kia. Tôi mở đại một trang theo kiểu bói Kiều, rồi đọc:

Đêm cân vài lượng da trời

Bỏ vô hầm rượu đặng mời tri âm…

…………………..

Đêm qua ta mộng trăng rằm

Sáng nay thức giấc mười năm qua rồi

Chuyện người dâu bể xa xôi

Trông theo dưới đáy nguyệt ngời rạng đông…”

(Cho lênh đênh theo thời gian)

Một bài khác, ngẫu nhiên:

“Có lão ăn mày thích đom đóm vô cùng

Hằng đêm rình bắt nhiều con bỏ vào túi nhưng cứ hễ bỏ đầy túi là chúng bay tuốt lên trời

Ngày kia lão bắt bỏ vào bao cột lại

Dành dụm vừa đầy bao thì chúng lại bay tuốt mang theo cả bao

Đêm đêm lão thương nhớ ngồi trông lên

Một bầy lấp lánh

Lão biết chỗ nào đó có một bầy không thấy được

Nhưng khi sắp chết, nghĩ rằng có lẽ bầy đom đóm

đã phá thủng bao rồi cũng nên

(Đom đóm)

Bàng bạc trong cả ngàn bài thơ của thi sĩ là một cuộc đi tìm, chắt chiu từng phút giây hiện hữu mặc dầu biết đó chỉ là chuyện dã tràng xe cát. Cuộc tìm kiếm bất tận đó để được gì?. Để thấy ra, để trực nhận, để biết rằng, biết rằng chẳng có gì cả, không người, không ta, vô sở cầu, vô sở đắc và cả vô ngã nữa. Vô sở, vô năng, vô chấp trước. Tôi có cường điệu quá chăng? Không phải thi sĩ chẳng tìm kiếm được gì, mà cái được chính là nhận ra đời sống là vô thường chóng vánh, là mộng thực không hai, là nhân ngã đều dứt. Hãy đọc bằng chính ngôn ngữ của Phú Hải rồi cảm nhận:

“Lão già cưỡi con ngựa già

Trắng phau lừng lững bay qua ngọn đồi

Ngọn đồi người ngựa cùng trôi

Chao ơi ta thấy cuộc đời quá mau”

(Mây trắng)

Ngọn đồi, người ngựa cùng trôi. Thi nhân đang ở đâu? Ngày xưa Vương Bột viết: “Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc// Lạc hà dữ cô vụ tề phi”. Thu Thủy và tầng không một màu, ráng chiều và cò lả cùng bay. Nhưng đó là cảnh mà Vương Bột đứng ngắm. Ở Phạm Phú Hải, năng sở đều dứt bặt.

Ban đầu vẫn còn chút cái tôi, nhưng cái tôi cũng rơi rớt dần trên lộ trình độc thoại:

“Sáng nay đi xách nước về

Xách theo cả những bóng tre muôn đời

Tôi đi tôi xách theo tôi

Tôi về tôi thả tôi rơi dọc đường”.

Khoan nói đến hình ảnh “bóng tre muôn đời” vốn là hình ảnh của tự tình dân tộc. Hãy để ý đến cái tôi được thi sĩ dắt theo rồi cái tôi bị rơi rớt. Cái tôi này không phải bị rớt, mà là “tôi thả”. Đó là một lộ trình chuyển hóa từ ngã đến vô ngã. Trước hết thi nhân phải làm một cuộc quy hồi về chính mình, sờ soạng tìm hình bóng của mình, dắt bóng rồi thả bóng. Một người bạn của tôi thi sĩ Nguyễn Văn Ảnh đã có lần viết:

“Nửa đêm thức dậy nhìn lên vách

Chập chờn chiếc bóng rợn tồn sinh”

Với Phạm Phú Hải thì thường trực:

“Ta cũng có những chiều té úp

Hồn gượng đau đứng suốt đêm dài

Mỏi mòn quỵ giữa sao mai

(Rừng rú mùa mưa)

“Gió đi trên những nóc nhà

Hồn đi trong những tiếng gà đầu đêm

……………..

Xương nằm máy động bên xương

Hỏi thầm nhau một cõi thường ở đâu”

(Tiếng gà thơm xương trắng)

Có thể ghi ra hàng chục trong những câu thơ của Phạm Phú Hải thắp đuốc đi tìm chính mình, như một cuộc quy hồi bất tận, đặc biệt là tiếng gà gáy sáng như một âm thanh giúp thi nhân nhận diện:

“Chiều chiều ra mộ buông câu”

(Sầu như mộ địa).

“Thanh huy gọi hoàng huy tà

Lão bà ơi có tiếng gà lạc thanh

(Bà già tắm),

“Tắt đuốc nhắm mắt ngây ngô

Chân này bước lộn vào mồ chân kia

(Soi);

Giữa rừng tôi

Đêm đêm ngồi đợi tiếng cười dã nhân

(Xin xanh giọt máu);

“Bước bước chậm, bước bước nhanh

Hỡi ơi, ai đã bước giành bước tôi?

(Âm thanh năm cũ)

Câu thơ nhỏ đỏ con tim

Ta lê theo suốt cuộc tìm đớn đau”

(Rừng ngón tay);

“Mẹ ơi xin mẹ đừng buồn

Sáng nay vô ý tấm gương vỡ rồi

Từ nay thôi chẳng cần soi

Soi chi tẻ quạnh một đời hư vô”

(Biệt ly tử)…

Vâng! cuộc đi tìm bất tận, miên viễn. Thi sĩ không hài lòng khi chưa tìm ra tới nơi tới chốn. Chưa thấy được các thực tướng của ngã thì thi sĩ vẫn tiếp tục lên đường:

 

Khi cát bụi đã trở về cát bụi, thời gian xóa nhòa, thi sĩ vẫn tiếp tục hú gọi:

“Có phải ta đang tìm giữa khuya chút máu trưa?

Quay ngược hồn sông về bến cũ

Máu trưa cát bụi lỡ lầm xong

Ta vô vọng cuống cuồng hú gọi”

(Hú gọi cát bụi)

Đi tìm hình bóng của chính mình, thi nhân thấy mình là ai? Đâu là mặt mũi xưa nay (bản lai diện mục) của mình? Đa dạng:

“Ý ra khỏi ý gặp cầu

Hai con nước xoáy rọc đầu cuồng sư

Sư qua cầu, cầu thành sư

Hai ông sư đứng lừ đừ bên nhau…”

(Lỗ chân râu)

“Có ai mà hiểu được

Những bàn chân trong đầu

Góc chân là lưỡi rắn

Nòng nọc lên từ lâu”

(Ôm phố)

Nhìn thấy hoa rơi nhè nhẹ, thi sĩ thấy mình, nhìn thấy vết phân chim, phiến mây bay, gốc cây già, thi sĩ đều thầy mình trong đó:

“Rơi mãi, ta rơi từ năm nọ

Chiều nay ngồi im nhìn mây bay

Ta nghe gió, ta nghe vài hoa rụng

Ta thèm cho đời ta một gốc cây.

Trong lớp vỏ cây, trong vệt phân chim

Trong cánh hoa rơi, trong phiến mây bay

Ta tìm thấy lại bóng mình: “không ngớt”

Rơi đi, rơi hoài, rơi nữa. Rơi. Rơi…”

(Tìm thấy lại)

“Phúng điếu” là bài thơ độc đáo của Phạm Phú Hải, khi đi tìm giữa mông lung cõi mộng, thi nhân chẳng thấy gì ngoài chính bản thân mình trong nỗi cô liêu thống thiết:

“Ba năm cầm hoa đi phúng điếu

Chẳng gặp người xứng ý để trao hoa

Gặp lũ cóc bên đường gương mắt trợn

Kính cần dâng và kính cẩn về nhà

Để rồi:       “Ba năm sau cầm hoa đi phúng điếu

Chỉ gặp một người chết đã ba năm

Người hỡi chẳng cần chi vòng hoa lạ

Tìm ai đây khi chỉ có mình ta”

(Phúng điếu)

Chỉ có mình ta, nên ta bảo với mình:

“Ai đó? Về đi ! Lay hoài chi cửa mộ

Về đi ! chờ chi, đã quyết rồi, khó mở

Về đi, về đi thôi

Ừ người ơi, có ngày tương ngộ”

Khi tìm thấy bóng mình, bóng mình lạnh lẽo giữa nắng chiều, “giữa khuya khuya nguyệt rụng”, giữa “giờ trăng hấp hối,”, giữa “Bình minh những tiếng gà”, bóng thi nhân bỗng hòa vào vạn vật:

“Một mai quảy gánh đi lên núi

Bóng núi ngày ngày đậm bóng ta”

(Ta ở phương đông buồn mặt trời).

Vậy rốt cuộc thi sĩ là ai? Ai đang nói? Ai đang viết, ai đi phúng điếu? Ai ôm phố đi giữa phố? Ai “chiều hôm tạt thẳng”, ai “chăm rắn” Ai “Liệt dương”, Ai là “thằng câm”? Ai là “Ông cụ mù”…? Có lẽ cũng chỉ chính thi sĩ mới chỉ rõ mình hơn ai hết:

“Có một điều tôi biết rất hiển nhiên: Những chữ mà anh đang đọc là những chữ này: “Có một điều tôi biết rất hiển nhiên những chữ mà anh đang đọc là những chữ này” (Rất hiển nhiên).

Rồi thi sĩ định nghĩa cái tôi rất ngắn gọn:

“Tôi đứng nhìn mây bay dưới dòng nước chảy

Tôi thấy một người đang đứng nhìn mây bay”

(Tôi)

Đó là bài thơ ngắn nhất. Bài thơ kết thúc ngay sau khi nhấc bút lên. Không có thêm một lời nào cho định nghĩa về tôi như thế. Tất cả ngôn ngữ, tất cả mọi định nghĩa, suy đoán, tưởng tượng, phân tích, mô tả, thẩm định đều chẳng phải bản thân thi sĩ cũng chẳng phải:

“Có lẽ đã thở lầm hơi thở

Của ai kia từ buổi lọt lòng ra

Mây trắng quá suốt đời ta nói mớ

Nên suốt đời mây trắng vẫn bay xa

(Có lẽ)

Và để chấm dứt sự hiểu lầm, của mình, của người, thi sĩ kết luận:

“Không phải chiều trôi không phải bóng ngày

Không phải trời xanh không phải mây bay

Không phải tôi, không phải không phải

Chiều nay ngửa mặt ngồi ngây ngây”

(Không phải không phải).

“Sắc bất dị không, không bất dị sắc” vốn là một thành ngữ quá quen thuộc trong Bát-nhã Tâm kinh của Phật giáo. Chuyên luận giải chúng cơ hồ không cần thiết nữa. Vấn đề là thực chứng điều ấy qua đời sống của mỗi người, qua từng ngõ hồn cô liêu thống thiết và qua từng cảnh giới biến hiện trước mặt ta. Tâm linh dẫn dắt ta vào cuộc quy hồi, đập vỡ cái bản ngã đã từ lâu bị bao bọc dày cứng bởi những quan niệm, thành kiến, cố chấp. Phạm Phú Hải đã đơn độc lên đường tìm kiếm bất tận. Có khi là một hành giả, có khi là một con cá nhỏ, một con chim, một lãi tiều phu hay một chàng thư sinh tuấn tú.

“Có một thư sinh lên núi đá

Hỏi thăm đường đến chốn Bất lai”

…………………………….

“Có lão tiều phu trong núi đá

Mười năm say hương quế quên về

Lều dựng gió đầy rung mái gió

Một bầu cô nguyệt chảy tràn khuya”

(Thạch Sơn)

Trên con đường tìm đến chốn Bất lai (*), hành giả nhận ra “Chẳng đến đâu, chẳng từ đâu đến”, và:

“Không ở đâu, không đâu chẳng ở

Cá hồi dương lội ngược chiêm bao

Cầu gãy hai bờ xưa tương ngộ

Trùng phùng từng hội đất xôn xao…”

(Thạch Sơn)

Một hôm vô tình gặp Bồ-Đề-Đạt-Ma, thi sĩ cất tiếng gọi:

“Tổ sư, Tổ sư, Tổ sư

Thất thanh hậu bối lạnh người chắp tay”

(Bồ đề Đạt Ma)

Tôi đã đôi lần ngồi uống cà phê cùng Phạm Phú Hải. Nhìn khuôn mặt bi tráng của anh, tôi nhớ đến Nietzche. Vâng ! khuôn mặt anh rất giống bức ảnh Nieztche mà tôi đã xem đâu đó. Mười năm cuối đời của Nietzche có lẽ không khác Phạm Phú Hải là bao. Thời gian ấy Phạm Phú Hải uống nước rất nhiều. Mỗi ngày anh uống cả vài chục lít nước bởi trong người luôn cảm thấy khát và nóng. Cách đây năm năm, anh Hồ Công Khanh có mời tôi đến thăm Phạm Phú Hải. Tôi đã gửi tặng anh một quyển Kinh Pháp Hoa mới dịch của Hòa thượng Trí Quang. Ở nhà cùng bà mẹ, anh đã đem cho tôi xem đến mấy chồng vở mà anh đã chép Kinh Pháp Hoa. Chép Kinh là việc thường ngày của anh. Không nói, không luận giải, không phân tích. Chép Kinh là cách an thân lập mệnh. Bởi Kinh chính là giá trị hiện hữu. Nói như cách nói của Phạm Phú Hải: Có một điều tôi biết rất hiển nhiên: Những chữ mà anh đang đọc là những chữ này: “…………”. Vâng ! tôi cũng biết rất hiển nhiên: Những chữ mà Phạm Phú Hải đang viết chính là những chữ mà Phạm Phú Hải đang viết.

III. PHẠM PHÚ HẢI TRONG CÕI NGƯỜI TA:

“Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Hai câu thơ đầu của truyện Kiều đúng trong mọi trường hợp, mọi ngữ cảnh. Tất nhiên Phạm Phú Hải cũng không ngoại lệ. Phạm Phú Hải đã mang lấy nghiệp vào thân, có thân thì có khổ. “Ngô sở hữu đại hoạn vị ngô hữu thân” (Lão Tử). Có thân thì phải có ăn có ngủ, có yêu thương và ghét bỏ, cũng phải chấp nhận mọi hệ lụy của tấm thân, phải chịu chi phối bởi thời gian và không gian cả vật lý lẫn tâm lý. Trong cõi người ta tài mệnh tương đố này, Phạm Phú Hải đã sống như thế nào? Đã yêu như thế nào?. Hãy nhìn ngắm qua thơ, vì thơ là tiếng nói sâu thẳm nhất trong tình tự mở phơi, dàn trải.

Có thể nói, Phạm Phú Hải có một kiến thức cực kỳ uyên bác. Thiên tài không có nghĩa là giỏi bẩm sinh. Thiên tài là người biết vận dụng sở học của mình để làm nên những điều kỳ diệu, thậm chí kỳ dị. Cái kỳ dị ấy chính là chỗ thiên tài phát tiết. Trước đây viết về Bùi Giáng, tôi đã từng ca ngợi:

“Uống hết rượu Đông Tây để nghe ra mối sầu vạn đại

Tát cạn nước Giang Hồ cho vỡ lẽ cuộc mộng trăm năm”.

Đọc bài “Trang thơ khép lại” của Phạm Phú Hải, một trường thiên thất ngôn bách cú, ta có thể cảm được hết sở học của Phạm Phú Hải. Từng cặp đối vanh vách với những điển tích, danh nhân được Phạm Phú Hải hệ thống và phả vào một ánh nhìn sắc lẹm để mọi giá trị được đặt định lại trong một thái độ phiêu nhiên nhưng toàn bích. Đó là chỗ độc đáo của họ Phạm. Ta thử trích một đoạn:

“Sương gieo chữ trắng nghiêng bờ sậy

Mưa phủ vẫn xanh lã ngọn tùng

Linh Thứu pháp âm còn cuộn dội

Tào Khê Thiền khí vẫn tràn tuôn

Vương Duy dụi mắt vẫn cô độc

Lý Bạch huơ tay chữ điệp trùng

Nuốt lưỡi, Đạt ma cười, đất sụp

Phún môi, Lâm Tế hét, trời rung

Thi Khê Tuyền thấm hồn thanh thản

Đạo Chấn Lôi tan mộng hãi hùng

Ngày Lão Đam giăng mây huyền ảo

Đêm Trang Chu tỏa khói mông lung”.

Một đoạn khác:

“Đông Tây bỡ ngỡ mây phiêu hốt

Kim Cổ hoang mang tuyết lạnh lùng

Chagall nắng ươm tia quyến luyến

Schubert sương ủ giọt vương vương

Ph.A. xao xuyến ngàn phương mộng

Ng. H bâng khuâng một thoáng hương

Thấy sáng Einstein không thấy tối

Nhìn tròn Pavlov chẳng nhìn vuông”…

Một trăm câu thơ, mỗi câu một điển tích và một cách nhìn, xuyên suốt Đông Tây Kim Cổ. Bấy nhiêu cũng đủ thấy một Phạm Phú Hải uyên bác và sâu sắc như thế nào. Đi vào đời với hành trang như thế, thái độ của thi nhân ra sao? Đọc hai câu kết:

“Chắp hai tay cúi đầu im lặng

Khép lại trang thơ lửa bập bùng”.

Im lặng nhưng bập bùng lửa sống, đó chính là thái độ đi vào đời của Phạm Phú Hải. Vào đời thì có đầy đủ cái thường tình của một con người, của một thân phận. Khổ nỗi thân phận ấy quá “tỉnh táo” nên không thể có hạnh phúc bằng an trong cõi thế mà thi nhân cho là cõi mộng. Yêu mà tỉnh táo quá thì không thể yêu. Uống mà tỉnh táo quá thì không thể say. Nên cũng yêu, cũng sống mà thi nhân luôn là kẻ thấy trước cái bi kịch đằng sau. Trên một chuyến xe lam chiều lòng đã cưới lòng, rồi thẹn thùng, rồi lên tiếng. Nhưng, người thơ quá tỉnh táo”

“Câu hỏi, câu trả lời, câu qua, câu lại

Lòng run run cảm động được làm quen

Nhưng bỗng nhiên lòng đọng chút ưu phiền

Sẽ chấm dứt hay sẽ còn lâu mãi..”

(Gửi về người con gái ở Lệ Trạch)

Kinh nghiệm sẽ đánh mất sự hồn nhiên, nói như Phạm Công Thiện. Người đương yêu mà hiểu quá rõ bản chất của tình yêu như Phạm Phú Hải, thì có lẽ suốt đời thi nhân đành làm người cô độc:

“Nhớ nhung trằn trọc đêm dài

Nửa khuya nghĩ chuyện tương lai chợt buồn”.

(Gửi CH.)

Đó là một trong vài bài thơ “hiền” nhất của Phạm Phú Hải, những bài thơ làm trong năm 1971. Những câu thơ xao xuyến của một chàng trai mới lớn, vừa mới biết yêu. Nhưng Phạm Phú Hải không có “bước hụt”, chưa bao giờ bước hụt vào tình yêu nên dư vị của nó thường không sâu đậm. Nếu có chút gì xao xuyến thì chỉ là những thoáng vu vơ:

“Trời lạnh.

Những ngón tay hôn nhau rất kỹ trong túi quần

Lòng vui.

Hai chân mãi bước đụng vào nhau.

Nhớ nhớ.

Một chiều nào đã cũ

Mùa Đông.

Năm ni năm ngoái”

(Vu vơ)

Nếu tình yêu có thực, thì với Phạm Phú Hải nó phải được chia ở thì quá khứ. Tình yêu là chuyện ngày xưa, ngày xưa có một chàng trai dệt mộng yêu thương, với màu tóc trước cổng trường, dấu chân còn in trên cỏ, chàng là hoàng tử và nàng là công chúa. Ngày xưa có nàng họ Mỵ yêu anh chèo đò xấu xí họ Trương, cùng tiếng sáo thiên thai, cũng mùa xuân hoa bướm. Nhưng rồi:

“Câu chuyện đến hồi một người phải chết

Phút chót của đời còn ngóng lầu cao

Từ nỗi u hoài, trái tim ngọc kết

Từ nỗi u hoài, giọt lệ thành sao”

(Ngày xưa)

Giọt lệ hóa thành vì sao lấp lánh soi rõ thân phận với đầy đủ nỗi sợ hãi, cơn giận, nỗi buồn và ám ảnh của chiến tranh, binh đao, thù hận. Thi sĩ nhập cuộc nhưng không thấy được sự ngọt ngào của tình yêu trong chính nỗi thao thức của mình.

“Tóc em có màu đen của con tàu

Của khói

Anh mắt em chứa nhiều những nỗi lo nghĩ của tôi

Và tà áo

Tà áo em được thêu bằng những hình hoa hình lá

Sao không là những giọt mồ hôi của tôi, hả em?

(Nhập cuộc)

Nỗi đau đớn quằn quại của người đang yêu bởi không tìm kiếm được hạnh phúc trong cuộc đời. Không thể có hạnh phúc, dù thi sĩ đã cố gắng nhập cuộc, chấp nhận, tỏ bày, mổ ngực trăng, sấp mình van lạy. Có lúc học làm Trang tử ngồi cạnh quan tài gõ nhịp, có lúc vẽ chó, vẽ voi, vẽ cọp, nhưng sau tờ lụa ảo ảnh, thi sĩ tâm sự:

“Hôn em bằng môi máu này

May em mới hiểu đọa đày là thơ”.

và “Thở nhè nhẹ thở đau thương

Chân hoang vu bước lên đường hoang vu”

(Tờ lụa ảo ảnh)

Không thể nói được vì sao, đó chính là nỗi đọa đày của người thơ. Tỏ bày chỉ là muốn nói “anh không thể tỏ bày”, lời yêu là lời tâm sự: “anh không thể, không thể…”, sợ điều sẽ nói sẽ làm tan vỡ cả trời hoa mộng:

“Mở môi ra sợ hụt lời

Sợ chim én khóc ướt trời mùa xuân

Nhìn em nhìn rất ngập ngừng

Cỏ hoa tháng chạp vô cùng ngạc nhiên.

(Ngạc nhiên)

Tôi chợt nhớ một câu thơ tôi rất thích của Bùi Giáng:

“Anh không biết sự đời có nên nói

Rằng yêu nhau là mãi mãi xa nhau

Anh dự định suốt trăm lần le lói

Rồi bỗng dưng anh mím miệng vò đầu”

Phạm Phú Hải ngập ngừng, Bùi Giáng mím miệng vò đầu. Hai chàng trai ấy đều khổ như nhau, rồi cũng đều cô độc như nhau. Nhưng Bùi Giáng còn “Mùa xuân phía trước miên trường phía sau” (Chào nguyên xuân), để cà rỡn rong chơi, còn Phạm Phú Hải vẫn lợm giọng trước dương gian khốc liệt, giữa thời gian và không gian phôi pha. Nhưng cũng nhờ sự khốc liệt đó, Phạm Phú Hải chạm đến bờ thực tại sâu hơn, rõ hơn:

“Mây che trăng vẫn sáng

Vẫn tròn sau màn mây

Gió đưa hồ gợn sóng

Đáy nước trăng vỡ ngay

Phút giây mà trăng vỡ

Là phút giây trăng tròn

Là phút giây hoa nở

Là phút giây hoa tàn

(Không gian và thời gian).

Trở lại với cõi người ta, bình tâm mà suy gẫm, có lẽ chiến tranh là hình ảnh hãi hùng nhất tác động đến cuộc đời thi sĩ. Đâu đâu trong thơ Phạm Phú Hải ta cũng bắt gặp hình ảnh hãi hùng của chiến tranh, của đại bác, của máu đỏ, trong những song sắt người ghê rợn. Hãy nghe Phạm Phú Hải định nghĩa chiến tranh:

“Mây xám ngắt một lão già thắt cổ

Tử thi bầm tím rịm giữa trời cao

Khuôn mặt máu bỗng nhe răng cười nham nhở

Vọng ngàn đời ý nghĩa của binh đao”

(Binh đao)

 

Tuy nhiên, Phạm Phú Hải không hề là kẻ bi quan yếm thế. Nhận rõ bộ mặt cuộc đời, thi sĩ suốt đời làm mây trắng bay xa, thi sĩ “đội nón cỏ bồng” hát tặng thiên hạ, vừa hát vừa đi, vừa hát vừa chèo, giữa đôi bờ mộng thực, giữa mịt mù sơn cùng thủy tận:

“Nên rất nhiều khi anh chẳng dám cười

Anh im lìm chờ tự nẻo xa xôi

Cơn bão tới sẽ đứng lên cùng gió ướt

Anh muốn nói: “miệng mình không mở được”

Em nghe không? “không mở được”, em nghe không?

Anh tưởng chừng trong muôn vạn tà râm

Có đủ mặt thảy linh thần phấp phới

Biển là cả sông là dài nước là đi lửa là tới

Anh là còn anh là nói anh là nữa anh là thôi

Tóc lắng tai từng sợi một bồi hồi…”

Đúng là “Đùng đùng gió giục mây vần// Một xe trong cõi hồng trần như bay// (Nguyễn Du). Phạm Phú Hải dắt mình phiêu hốt trong cõi hồng trần, nhưng từng ý niệm, từng cảnh giới, tất cả đều được lắng nghe một cách chín chắn, vững vàng chứ không phải nhắm mắt đưa chân.

Trên ngõ về im lặng, hơi thở bình minh kia một hôm chợt tắt. Con người sống không ồn ào, chết không đình đám. Cái mà anh để lại cho đời chỉ là thơ, đúng hơn là những vần thơ, những vần thơ không trọn vẹn. Khi anh sống, tên tuổi của anh không ra khỏi thành phố Đà Nẵng, ngoài một vài trang báo mà anh em văn nghệ đã long trọng dành riêng. Còn ngay cả những bản thảo của anh cũng chịu số phận dập vùi của những mưu toan đen tối. Sinh tiền, anh Hồ Công Khanh đã được Phạm Phú Hải gửi gắm những tập bản thảo, vì Hồ Công Khanh là người biết trân quý những gì anh trao gửi. Thế rồi, khi anh còn nằm trên giường bệnh, có những người không hiểu gì về thơ đã tìm cách “mượn lại” của Hồ Công Khanh chính những bản thảo mà Phạm Phú Hải trao gửi. Tài liệu mà người viết đang tham khảo chỉ là một phần rất nhỏ còn lại mà anh Hồ Công Khanh gửi cho tôi. Còn một khối lượng lớn tôi chưa được đọc nên những gì tôi bình phẩm trên đây đều không trọn vẹn. Nhưng cũng không sao, thế nào rồi những tập thơ kia sẽ được ra đời bằng cách này hay cách nọ. Anh Khanh bảo với tôi: “Thôi cũng được, miễn thơ Phạm Phú Hải được mọi người biết đến”.

Những gì tôi viết chỉ là cảm nhận của riêng tôi, có khi nó chẳng phải là điều Phạm Phú Hải muốn nói. Các tài sản chính của Phạm Phú Hải chính là hàng đống Kinh Pháp Hoa mà anh đã cẩn thận chép tay trong những quyển vở mà có lần tôi cùng anh Khanh đến trao tặng, dù chỉ là rất nhỏ. Khổ nỗi những trang Kinh kia thì chẳng ai giành, số phận của nó bây giờ ra sao tôi cũng chẳng biết. Cái đó mới chính là “Điều tôi (Phạm Phú Hải) biết rất hiển nhiên”. Nếu nay mai không có một nơi để lưu niệm anh, tôi xin được trân tàng những bản Kinh chép tay này của anh. Không biết ước mơ đó có được người thân đáp ứng?

Còn những gì gọi là thơ, có lẽ chúng ta chưa chạm tới được. Cái mà chúng ta có chỉ là những con chữ. Còn thơ, cái phần tinh túy của anh, cái đã không cháy được sau khi đốt dưới lò lửa thuần thanh, cái đó mới thật là thơ, một phần nhỏ mà anh để lại, còn tất cả đã được anh mang đi về cõi miền linh thánh của mình mà người phàm chúng ta không thể biết được. Đó cũng là ý nghĩa của cặp đối mà anh em văn nghệ chúng tôi đã phúng điếu anh trong giờ phút tử biệt:

“Lô hỏa thí thần thi

Ngân giang hoài thánh cách

(Lò xanh thử ngọn thơ thần

Sông Ngân ôm trọn một vần ra đi).

IV. CHỮ CỦA PHẠM PHÚ HẢI:

Tôi dự định chọn tiêu đề cho đoạn này là “Thi pháp trong thơ Phạm Phú Hải”. Nhưng thực lòng, đối với thi pháp, tôi là kẻ ngoại đạo. Tôi không đủ khả năng diễn đạt và khai triển hết cái bút pháp tài hoa bàng bạc trong khắp những trang thơ Phạm Phú Hải, từ âm điệu, cách sử dụng những nguyên âm tạo thành âm điệu, cách dùng hình ảnh và màu sắc để tạo hiệu ứng đặc biệt cho ngôn ngữ. Cách gieo vần, đối xứng, biền ngẫu, cách sử dụng thể loại thơ, kể cả thơ tự do, cái hay nó đến từng bài, từng câu. Thường trong một tập thơ hay thì thực chất chỉ có vài bài hay. Ở Phạm Phú Hải thì dường như bài nào cũng hay, ngay cả những bài ta không hiểu mà khi đọc lên vẫn thấy hay. Bởi thực chất, thì không phải là cái mà nó diễn đạt. Thơ là cái gì tự thân nó đã là thơ, dù ta không hiểu nó đang diễn đạt cái gì. Đọc thơ cần trực giác hơn tri giác. Và ở chỗ này, Phạm Phú hải là bậc thầy. Muốn viết về thi pháp trong thơ Phạm Phú Hải phải cần đến một thiên tiểu luận, một quyển sách. Ở đây, người viết chỉ ghi lại vài cảm nhận, vài phát hiện, nên tạm gọi cho tiêu đề đoạn này là “CHỮ CỦA PHẠM PHÚ HẢI”.

Trong đoạn I, tôi đã nói đến “Cõi âm thanh bất tận”. Đó là nói về thế giới thi ca Phạm Phú Hải. Ở đây tôi muốn nói đến một khía cạnh khác: Tính nhạc trong thơ. Đọc Phạm Phú Hải ta luôn cảm nhận một nhạc điệu bay bổng, hay thăng trầm, rền vang như có một dàn khuyếch âm (echo) nằm dưới những con chữ, làm cho âm hưởng của bài thơ cứ rền vang sau khi đọc. Đến nỗi sau khi đọc xong mỗi bài ta phải dừng lại để nghe tiếp âm thanh dội lại của những con chữ. Đôi khi thi sĩ còn biến những động từ thành những tính từ tượng thanh rất ngộ nghĩnh.

Tôi nhớ ngày xưa Quách Tấn có kể lại rằng câu thơ :Trăng trăng trăng là trăng trăng trăng” của Hàn Mạc Tử được gợi hứng từ một cậu bé vừa nhảy chân sáo vừa hát “Tăng tăng tăng là cà răng tăng tăng”. Trong bài “Liệt dương”, Phạm Phú Hải viết:

“Nắng chẳng nắng mưa chẳng mưa

Âm u trời đất thuở chưa đất trời

Khóc lỡ khóc, cười lỡ cười

Túy sinh mộng tử héo tươi một đùm

Ru-ru-ru-ru, buuruu đuùmm

Vui chia thiên hạ khum khum một đời”

(Liệt dương)

Cái âm bờ-ru-đùm tuy nó chẳng có nghĩa gì cả, nhưng nó lại làm cho cái chuyện dở khóc dở cười héo tươi một đùm đó thành một sự trào lộng đầy dí dỏm, trong khi cái điều mà tác giả nói đến lại là một chuyện khác, chẳng dính dáng gì cái chuyện liệt dương của thiên hạ cả. Chuyện nói tục giảng thanh chẳng mới mẻ gì trong thi ca Việt Nam, nhưng đó chỉ là chuyện chơi chữ. Ở đây nó khác, dường như là cái cách mà Bùi Giáng nói “Khóc ngang ngửa mộng…”.

Trong bài “Chiều hôm tạt thẳng”, ta lắng nghe âm điệu của thơ:

“Tôi ngồi tôi đếm

Những người chung quanh

Tôi đi tôi đếm

Những người chung quanh

Tôi bước xanh xanh

Tôi nhảy xanh xanh

Tôi bước như chim

Tôi nhảy như chim

Tôi bước như chim

Ngàn cành vô lự

Tôi nhảy như chim

Chùm chùm lai khứ’…”.

Không phải là hình ảnh, mà chính âm điệu của đoạn thơ đã tạo hình ảnh, hình ảnh của chim chuyền từ cành này sang cành nọ, thoăn thoắt. Những điệp vần “chung quanh”, “xanh xanh”, “vô lự”, “lai khứ” làm cho âm điệu bài thơ cứ được chuyền một cách liến thoắn như chim nhảy.

Trong một bài khác, bài “Mộng mị”, ta thấy một thể điệu mới. Rất nhiều khi đọc thơ Phạm Phú Hải ta có cảm giác là có những câu trùng, giống nhau, nhưng chẳng giống:

“Đặt tên cho bò

Thả bò cho núi

Đặt tên cho núi

Thả núi cho bò

Một hôm bò ho

Tiếng ho cổ quái

Một hôm bò ho

Ta buồn biết mấy

Bò ơi núi ơi

Suốt đời ngây dại

Một hôm núi khóc

Tiếng lệ chứa chan

Một hôm núi khóc

Ta bỏ đi ngang

Đi ngang đi ngang, mà

Tênh tang tênh tang, hà…”.

Từ nhịp thơ bốn chữ, Phạm Phú Hải bỗng kèm theo hai chữ “mà” và “hà” vào câu thơ để chuyển mạch thơ sang nhịp năm chữ ở đoạn sau. Chữ “mà” cũng trở thành từ tượng thanh, cứ như tác giả đang hát theo kiểu nói lối của dân ca miền Trung, rất đặc biệt.

Trong bài “Gửi một con cá chết” hãy đọc đoạn thơ này mà xin đừng để ý đến nghĩa của câu thơ, cứ đọc thôi:

“Tôi viết lung tung để tôi nói bập bùng

Bằng những ngọn âm thanh những ngành âm thánh

Vậy nếu nghe tôi phải nghe bằng tai sóng đánh

Phải nghe bằng tai gió quất bằng tai mưa câm

Phải nghe bằng tai sóng tát bằng tai sét bằm bão chẻ

Im im im im im im im để nghe lẹ…”.

Tôi dám chắc rằng Phạm Phú Hải viết đoạn này một hơi không nghỉ.

Cùng giống như Bùi Giáng:

“Ngày mai cá sóng phiêu bồng

Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi”

Sóng, bồng, bóng, đồng, mới đọc qua cứ tưởng có chữ nào trùng trong đó, nhưng thực ra đều khác nhau, từ chữ đến nghĩa. Mấy chữ “thanh”, “ngành”, “thánh”, “đánh” cứ làm tôi líu lưỡi, đọc lộn hoài.

Đầu bài thơ này tác giả viết :

“Tôi đang viết bài thơ trăm câu để tặng con cá chết

Câu này là câu thứ hai…”

Ở đoạn cuối, tác giả viết “Tôi đã viết được hăm ba câu rồi có cá

Tôi viết đủ trăm câu như đã hứa”,

Có lẽ từ câu thứ hai đến câu thứ hai mươi ba thì tác giả mới dừng lại để đếm (thực ra tôi chỉ đếm được có hai mươi hai câu, có lẽ trác giả tính cả đề bài). Cái mạch chảy kia, có câu năm chữ, sáu chữ, mười chữ, mười hai chữ, có câu chỉ vỏn vẹn một chữ, tuôn một mạch. Thơ ấy mới là thơ.

Phạm Phú Hải rất thường dùng những nguyên âm để diễn tả những âm thanh của sự vật, có khi là những phụ âm được sử dụng điệp vận. Bò thì cứ “u y ngây dại”, thằng câm thì tất nhiên là “ú ớ”, giòng sông thì “chảy la la nghí ngởn (la la lá) rất là vui”, “Con ngốc nghếch nghễnh dài hai tai điếc”. Hãy nghe cách sử dụng từ trong bài “Tới”.

“Lạnh ngầm lạnh con kè đá tảng

Run bờ run cái ráng gió luồng

Bốn bề trời đất buồn buồn

Rừng mai – một lá un un khói lề

Ngồi lặng giữa thảo khê mà gọi

Nghe phương phương hỏi nói rù rì

Tịch vang mịch vọng i i

Dưới chân cùng cũng rù rì âm âm

Gốc cỏ úa thầm thầm tiếng cỏ

Chầm sương tan ngọ ngọ tiếng sương”

(Tới)

Không phải những từ tượng thanh tạo thành nhạc của thơ, mà chính cách sử dụng những phụ âm hoặc điệp vận “Run, ráng”, “cùng cũng”… làm cho bài thơ có một giai điệu rất lạ, rất đẹp.

Bài “Mẫu giáo” cũng là một bài tôi rất thích. Tả hình ảnh đôi chân em bé đến trường, tác giả khai thác hình ảnh nhẹ nhàng:

“Bốn con mắt cá

Bơi lướt trên đường

Đôi chân dẫm lá

Em nhanh đến trường.

Từ sự ngây ngô hồn nhiên của trẻ, thay vì người ta diễn tả đôi mắt trên khuôn mặt tươi tắn trẻ thơ, Phạm Phú Hải lại đặc tả bốn con mắt cá, để rồi cô bé đánh vần:

“Đây là chữ a

Đây là chữ ă

Trăng non mọc à?

Á a hay quá.

Chữ à biến thành trợ từ nghi vấn,

À và a từ những nguyên âm biến thành thán từ rất điệu.

Từ sự ngạc nhiên đầu tiên đó, cô bé học tiếp:

“Em yêu yêu lắm

Trăng rằm tròn vo

Xinh xinh xinh nhất

Ấy là chữ o

Chữ a đội nón

Ớ này bạn ơi

Chữ o đội nón

Ô hay tuyệt vời !”.

Ngày xưa học bài học mẫu giáo “O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu, i thời có chấm trên đầu…” ta thấy đã quá hay nhưng đó chỉ là bài học mang tính ký hiệu cho học trò mẫu giáo dễ nhớ mặt chữ. Ở đây Phạm Phú Hải đã mượn chữ của mẫu giáo để diễn tả hình ảnh

“Bơi lướt trên đường

bốn con mắt cá” lạ lùng chưa?.

Có người đã dùng mấy chữ “Phù thủy ngôn ngữ” để nói về ca từ của Trịnh Công Sơn hay thơ Bùi Giáng. Nhưng nếu đọc thơ Phạm Phú Hải rồi thì ta mới thấy chữ nghĩa của họ Phạm còn siêu xuất hơn nhiều. Thi sĩ như một ông thầy pháp mà chữ nghĩa là những âm binh được chủ nhân phả hơi vào và sai chúng chạy. Chữ chạy đến đâu, năng lực vô hình của chủ nhân phát tác đụng đến đó. Đó là chưa nói đến vốn ngôn ngữ phong phú và điệu nghệ của thi sĩ khi hô biến ra thơ. Khi họa thì màu sắc dàn trải mênh mang,khi tấu nhạc thì âm thanh rộn rã, lúc câm thì y u ú ớ, mà lúc nói thì rỗn rãng rộn ràng, lúc im thì âm u thin thít mà lúc vận thần thông thì chữ nghĩa bay lướt lả lơi.

Ta thử ngắm khi thi sĩ đang họa:

“ Nhìn mặt trời qua kẽ hở trần nhà

Thấy ngàn triệu mặt trời trong tia lưỡng thị

Thuở còn bé thường mơ thành họa sĩ

Trên ngôi cao cai trị nước muôn màu

Trắng vàng cam hồng đỏ tím xanh nâu

Những đoàn hùng binh rập đầu dưới bệ

Vạn sắc quốc mà ta là Đại đế

Ngai vàng kia ngạo nghễ một mình ta

Mắt rực ngời ta nhìn khắp gần xa

Trên dưới trước sau tròn vuông lớn bé…”

(Họa)

Để cho mạch văn bay nhảy theo cơn bão tới, thi sĩ viết:

“Biển là cả sông là dài nước là đi lửa là tới

Anh là còn anh là nói anh là nữa anh là thôi…”

“Đêm mù trăng”, Phạm Phú Hải viết:

“Trên đồi anh đứng nhìn anh đứng

Anh thấy một người đang đứng co

Anh đứng co trên mặt đồi cong

Anh đứng nghe hơi thở phải đi vòng

Đông Tây Nam Bắc nhăn nheo lại

Hởi thở anh mù bốn phía giăng”.

Ngày xưa đọc Vũ Hoàng Chương: “Nghìn thu nữa chớp bốn bề một phương”, tôi ngờ ngợ họ Vũ đã mượn ý Kinh Hoa Nghiêm. Nhưng cái cảnh giới ấy bàng bạc trong thơ Phạm Phú Hải. Bóng ngựa chạy qua cũng là bóng thời gian vù vù lên non xuống phố, làm dậy cả sóng lòng theo từng nhịp đập. Có người nói Xuân Diệu là ông Tổ của Đạo vật lý vì phát hiện ra không gian hình sợi (không gian như có dây tơ bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu, nếu thế thì Phạm Phú Hải phải là đấng tạo hóa tạo ra cả thời gian và không gian là những sợi dài bất tận đan chéo khắp cảnh giới thơ của mình.

Trong một bài thơ cổ phong, ta hay gọi là thất ngôn trường thiên liên vận, tôi đếm được đến hai mươi mốt vần o mà không có chữ nào trùng với chữ nào: đó, bó, ngó, chó, cỏ, gió, ló, đó, đỏ, có, lọ, mó, rọ, nhỏ, thỏ, vó, tỏ, ó, bỏ, sọ, gõ. Đó là chưa nói âm vận này kết hợp với chữ đứng trước nó tạo thành một từ đối chan chát với câu trước. Vấn đề không chỉ là chơi chữ, mà bản thân bài thơ cũng là những cặp biền ngẫu tuyệt chuẩn để phát biểu những khái niệm rất… Phạm Phú Hải. Hãy đọc thử một đoạn cuối của bài:

“Mẹ ơi, còn lại gì,trước sau

Cha ơi, có nghĩa chi, lớn nhỏ

Tiền sử, còn lại gì, lông rùa

Hậu lai, có nghĩa chi, sừng thỏ

Hùm đứng tim, trơ trụi trăm nanh

Ngựa tắt thở, nhẵn mòn ngàn vó

Anh ngân hà chốc lát nhòa tan

Bóng Kim tinh đời đời chói tỏ

Sai, trật nào trong mắt sẻ, nhồng

Đúng, trúng nào dưới vuốt diều, ó

Ba tiếng khóc tao nôi vịn ôm

Nửa cơn cười nắp hòm buông bỏ

Sướng khổ trăm năm: vài đống xương

Vui buồn một kiếp: mấy mảnh sọ

Thế đấy: đếm tóc, lão nương sầu

Thôi thì: nhịp sừng, mục tử gõ.

(Khúc bán cổ phong tự tăng)

Thơ Phạm Phú Hải có rất nhiều thể loại. Thơ chữ Hán, thơ cổ phong, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn trường thiên liên vận, lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, thơ sáu chữ, năm chữ, bốn chữ, ba chữ, cả hai chữ nữa. Thơ hai chữ có một đôi bài rất lạ:

Thi ca

Thi sĩ

Thi hài (Bộ hành)

Cỏ

Đá

Cá đỏ

Cả đó (Tự nhiên)

Phạm Phú Hải thừa sức chồng thêm mấy lớp nữa như “đã có, đó cả…”. Nhưng không ! thi sĩ không chơi chữ, thi sĩ làm thơ và cái điều thi sĩ muốn nói thì đã nói, thi sĩ dừng lại, không viết thêm.

Có hai bài thơ độc đáo của Phạm Phú Hải mà nếu không đọc nhiều lần thì độc giả ít phát hiện hai bài là một. Bài trước là bài thơ năm chữ: “Tiếng gà lạnh ngang lưng”. Bài sau chỉ là bài trước thêm hai chữ sau: “Tiếng gà lạnh ngang lưng ngang lưng”. Toàn bộ hai bài này cũng đều khác nhau ở chỗ mỗi câu thơ trong bài này, nếu thêm hai chữ sau y hệt hai chữ cuối thì thành bài khác. Vấn đề ở chỗ phong vị của hai bài thơ hoàn toàn khác lạ, như đang ở trong một cảnh giới khác. Điều này không phải thơ nào cũng làm được. Bởi nếu không qua tâm hồn của Phạm Phú Hải mà bắt chước thì không bao giờ ta có hiệu ứng như thế. Thử làm cách này với thơ của Hàn Mạc Tử:

“Trước sân anh thơ thẩn thơ thẩn

Đăm đăm trông nhạn về nhạn về

Mây chiều còn phiêu bạt phiêu bạt

Lang thang trên đồi quê đồi quê…”

Cứ thêm hai chữ sau, ta sẽ thấy thừa thải và ý nghĩa không thay đổi chỉ có âm điệu thêm lê thê một tí nhưng mất đi cái chất của thơ. Ở bài “Tiếng gà lạnh ngang lưng ngang lưng” thì khác hẳn. Hãy đọc một đoạn bằng bài chỉ có năm chữ với đoạn này:

“Sương như vầng trăng lạnh trăng lạnh

Dưới chân núi thầm thì thầm thì

Những bộ xương chim trắng chim trắng

Những vụn đá vô tri vô tri

Một tiếng gà cô quanh cô quạnh

Thư không lạnh vô chừng vô chừng

Tiếng gà lạnh ngang lưng ngang lưng

Vầng trăng khuya ngờ nghệch ngờ nghệch

Bỏ ta đứng một mình một mình

Giữa trời đất thênh thang thênh thang

Mắt ơi ! thôi đừng khép đừng khép”.

Tôi có cảm giác thi sĩ làm bài thơ năm chữ trước. Và một hôm đứng giữa canh gà, bên thềm sương lạnh, dưới ánh trăng run, thi sĩ ngâm lại bài này. Rồi âm vang của tiếng gà giữa trời đất tờ mờ đã biến bài thơ từ năm chữ thành bảy chữ, rùng rợn, đầy âm khí và liêu trai như thế.

Tôi bắt gặp một trường hợp khác, khác thể thơ, khác cách làm, chuyển một thể thơ ba chữ thành lục bát, không hay lắm, nhưng lạ. Bài trước có tên là “Ao xưa dù nhàu” với đề “tha thiết tặng Phương Anh, được làm năm 1977:

 

 

“Sáng hôm nay

Khi trở lại

Góc đường này

Anh đã nhìn

Anh đã thấy

Có một ngày

Nắng rất tươi

Có phải không

Ngọc ơi Ngọc

Em đã cười

Bởi vì đâu

Ngàn mây trắng

Trở nên lười

Không muốn trôi

Ơi Ngọc ơi

Chừng cây lá

Cũng bồi hồi

Mà ngạc nhiên

Mà nứt nhánh

Mà đâm chồi

Nhìn em kìa…

Này Ngọc này

Đàn bươm bướm

Đó Ngọc kìa

Lượn quanh em

Nhịp nhàng múa

Dưới những tia

Nắng đượm hồng.

Bài thơ khá dài, hồn nhiên. Đoạn sau khá hay nhưng đơn giản, không hiểu sao đề từ là “Tha thiết tặng Phương Anh mà nhân vật trong thơ lại là Ngọc?. Tên thường gọi chăng?. Nhưng đến bài sau, cũng chừng ấy chữ nghĩa, tác giả lấy tựa đề là “Trời đất có nhau”, chuyển thành thể thơ lục bát:

“Sáng nay trở lại đường này

Anh nhìn anh thấy một ngày nắng tươi

Phải chăng ơi Ngọc? Em cười

Ngàn mây trắng bởi đâu lười không trôi

Chừng cây lá cũng bồi hồi

Ngạc nhiên nứt nhánh đâm chồi nhìn kia

Đàn bươm bướm đó Ngọc kìa

Quanh em lượn múa dưới tia nắng hồng…”.

Tôi không dám quyết bài nào hay hơn. Mỗi bài có một phong vị của nó. Lục bát lúc nào cũng dễ vào hồn ta hơn cái nhịp ba chữ kia. Điều tôi muốn nói là cách làm. Cách này dễ chứ không khó, nhưng không thấy ai làm, mà làm cho thành công nó càng khó hơn.

Trước khi làm thơ, người ta phải có cảm xúc, rồi chọn hình ảnh, ý tứ, hể loại rồi chữ nghĩa. Tất cả những công đoạn ấy có khi chỉ xảy ra trong tích tắc hạ bút xuống. Bút đã xuống rồi thì thi ca lên ngôi. Phạm Phú Hải rất tài trong cách sử dụng hình ảnh tương phản, hoặc ngụ ngôn, tượng trưng và đôi khi siêu thực để phát biểu thái độ của mình:

“Đêm ngủ lại nhà bạn

Sát nhà hộ sinh

Và cũng gần lò sát sinh

Khuya nằm nghe tiếng rống của thú bị đoạn sinh

Và tiếng khóa của trẻ sơ sinh”.

(Bài này không thấy đầu đề)

Thật là kinh khủng ! Người biết thuyết luân hồi có ai nghĩ đứa trẻ sơ sinh ấy là hậu thân của con thú vừa bị đoạn sinh ấy chăng?

Với các bài đầy ẩn dụ như “Đom đóm”, “Thằng câm”, “Ông cụ mù”, “Chăn rắn”, “Liệt dương”, “Bà già tắm”… Bài nào cũng tạo cho ta một cảm giác thú vị, đọc rồi muốn đọc đi đọc lại mãi. Phạm Phú Hải nhìn vào sự thể nào cũng làm cho sự thể ấy sáng ra, đánh vỡ thói nghĩ tầm thường của người đọc để người đọc nhận ra cái chiều kích sâu thẳm của sự thể, của vấn đề. Chúng ta đối diện đời sống nhiều nên suy nghĩ của chúng ta dần dần chai lì, bằng phẳng. Một hình ảnh của Phạm Phú Hải sẽ đánh thức dậy trong ta cái điều mà ta thờ ơ không nghĩ tới. Như một Đạo sư vừa khai thị cho ta một điều mà ta cứ ngỡ “Biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng sau lời nói của Đạo sư ta mới thực sự thấy hết vấn đề mà lâu nay ta cứ ngỡ bình thường nên không để ý. Hãy đọc một đoạn bài “Vô tình” ta sẽ thấy:

“Vô tình khi xối nước rửa chân

Em gây trận lụt lớn vô cùng

Xóm làng chìm ngập màu tang tóc

Kiến mẹ bơ phờ kiếm kiến con

Kiến chị khóc đàn em lạc mất

Con nhìn cha chới với giữa dòng

Nghèn nghẹn, cụ già buồn bưng mặt

Cháu yêu ơi thôi đã không còn…

(Vô tình)

Xin đơn cử thêm một bài nữa:

“Hành tiêu muối ớt tỏi gừng

Lạy ông ngàn lạy xin đừng giết tôi

Củi đòn dao bén nước sôi

Cái chi cũng đã sẵn rồi bạn ơi”

Nếu không có đề bài, hẳn người đọc chưa nhận ra tác giả nói gì, ngoài chuyện một con gia súc sắp bị làm thịt. Không ! tựa đề của bài thơ trên là “Đầu năm cuối năm”. Chuyện thời gian ! Không biết năm Dậu hay năm Tuất, năm Hợi. Cái giờ phút giao thừa hay giờ hấp hối? Ngụ ngôn hay ấy cách lập ngôn? Việc ấy thuộc về người đọc.

Đêm 5 tháng 5 vừa rồi, tôi từ Đà Lạt ra Đà Nẵng. Đêm ấy tôi cùng vài người bạn văn nghệ ngồi nói chuyện Phạm Phú Hải ở quán cà phê Cố Quân. Chúng tôi nhắc đến anh, ngâm thơ anh, bàn tán về anh đến rất khuya. Không ngờ sáng mai ngủ dậy nghe tin anh mất. Một giao cảm lạ kỳ !.

Đêm ấy, một người bạn tôi – chị Vô Biên ngâm thật hay một bài lục bát:

“Về đây nằm giữa huyền không

Khuya nghe bão chuyển tự lòng đất ra

Mai kia nhật nguyệt tan hòa

Sẽ còn ta đứng bao la bóng mình

Nghìn năm trước nửa hồi kinh

Nghìn năm sau một tiếng kình bơ vơ

Thanh âm níu lại giữa tờ

Buông tay ngọn bút xóa mờ biển dâu

Tro tàn chẳng gửi về đâu

Luồn qua cửa những bóng câu âm thầm

Đồi cao: khói điếc, sương câm

Mây mù là bạn tri âm buổi nào”

Ngâm xong, chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng im lặng, rồi cùng bảo nhau: “Thơ mà đến như thế thì bọn mình quăng bút hết cho rồi chứ còn làm thơ làm chi nữa!”.

Kỷ niệm tuần chung thất thi sĩ Phạm Phú Hải

Đại Ninh, mùa ve năm Kỷ Sửu