Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Vấn Đề Nguyên Thủy Phật Giáo

Vấn Đề Nguyên Thủy Phật Giáo

Email In PDF
Mục lục bài viết
Vấn Đề Nguyên Thủy Phật Giáo
Đặc Biệt Luận Về Phương Pháp Giải Thích Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy
Tất cả các trang

NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN

Tác giả: KIMURA TAIKEN

Hán dịch: ÂU DƯƠNG HÃN TỒN

Việt dịch: THÍCH QUẢNG ĐỘ

--o0o--

THIÊN THỨ NHẤT

ĐẠI CƯƠNG LUẬN

CHƯƠNG I


PHƯƠNG PHÁP CHỈNH LÝ NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO VỚI PHƯƠNG CHÂM CỦA BỘ SÁCH NÀY

2.Vấn Đề Nguyên Thủy Phật Giáo

Sự nghiên cứu Phật Giáo nguyên thủy nên được chia thành bao nhiêu đề mục? Vấn đề này nếu nói một cách tỉ mỉ thì dĩ nhiên là có nhiều, nhưng nếu nói một cách đại thể thì có thể chia thành ba đề mục lớn, tức là: 1. Phật-Đà-Luận. 2. Giáo-Lý-Luận và 3. Tăng- Già- Luận, tức Giáo Hội luận. Sự phân loại này để thích ứng với cái gọi là Phật, Pháp, Tăng: Tam bảo vì phải có đủ tam bảo mới là Phật Giáo, điều đó tưởng không cần ai nói cũng hiểu rõ.

Thứ nhất Phật-Đà-Luận là nghiên cứu về sự kinh lịch và nhân cách của vị Thủy Tổ Phật Giáo, tức là đức Phật. Đây là vấn đề trọng yếu thứ nhất trong việc nghiên cứu Phật Giáo, vì trong các tôn giáo thuộc Bà-La-Môn-Giáo-Hệ không có một vị Giáo Tổ đặc tịnh nào, mà dù có đi nữa thì cái nhân cách của họ cũng rất mơ hồ. Vả lại, giữa nhân cách và giáo lý không thấy có một quan hệ đặc thù nào. Trái lại, trong Phật giáo, sự quan hệ ấy rất trọng yếu: nếu xa lìa nhân cách của Phật thì không thể hiểu được giáo lý và giáo hội. Không những thế, nếu đứng trên lập trường thuần túy giáo lý mà nhận xét, đối với giáo-lý-sử của Phật giáo, Phật-Đà-Luận đã dần dần chiếm địa vị trọng yếu, cũng có ý nghĩa giống như Cơ-Đốc-Luận (Christology) đối với nền Thần-học của Cơ-Đốc-Giáo vậy. Bởi thế, sự nghiên cứu về lịch sử và nhân cách của Đức Phật nghiễm nhiên cũng là một đề mục căn bản của Nguyên Thủy Phật Giáo.

Thứ hai Giáo-Lý-Luận là nghiên cứu những lời thuyết pháp của Phật từ sau khi thành đạo trải qua khoảng 45 năm liên quan đến các vấn đề nhân sinh. Như đã nói ở trên, các kinh điển A-Hàm chủ yếu là biên tập những lời thuyết pháp ấy, bởi thế về việc nghiên cứu lý luận cũng như thực tế, A-Hàm bộ đã thành sản phẩm quan trọng bậc nhất. Về sau, Giáo lý Phật giáo phát triển thành Đại (Thừa), Tiểu (Thừa), Quyền, Thực, tất cả đều phát xuất từ A-Hàm. Cho nên có thể nói A-Hàm bộ là điểm xuất phát của sự nghiên cứu tất cả giáo lý Phật giáo.

Thứ ba, Tăng Già Luận (Giáo Hội Luận) là nghiên cứu đến tổ chức và những quy định của Giáo-Đoàn-Phật-Giáo. Vì Giáo-Đoàn  là cơ quan duy trì và phát triển vận mệnh Tôn giáo thực tế của Phật Giáo, nên việc nghiên cứu sự thành lập, quá trình , thế lực và trạng huống phân phái của nó là một nhu yếu không những chỉ giúp cho việc lý giải Phật giáo mà còn thấy được cái nguyên nhân chủ yếu có liên quan đến những hiện tượng lịch sử Phật Giáo phát sinh sau này. Như vậy sự nghiên cứu Tăng Già nguyên thủy cũng là một vấn đề cực kỳ trọng yếu. Đến như Luật Bộ chính cũng vì nói rõ những qui định của Giáo-Đoàn mà được biên tập và như vậy dĩ nhiên cũng là tài liệu chủ yếu cho việc nghiên cứu vấn đề này.

Ba đề mục trên đây là những đề mục đại cương của Phật giáo nguyên thủy và là những đề mục không thể tách rời nhau nếu chúng ta muốn nghiên cứu toàn thể Phật Giáo nguyên thủy. Ở đây, phương pháp nghiên cứu của chúng tôi cũng dựa trên nền tảng ấy.

Ngoài ba đề mục đại cương ấy ra còn một vấn đề lớn nữa cũng cần phải nghiên cứu, đó là mối quan hệ giữa Phật giáo với nền văn minh đương thời. Nếu muốn hiểu Phật giáo một cách chính xác người ta không thể bỏ qua vấn đề này. Phật giáo tuy tôn xưng đức Phật là Vô Sư Tư Ngộ, nhưng thật thì trên quan hệ đã chịu nhiều tinh thần thời đại; và, nếu ta không xét đến điểm này thì quyết không thể thấy được cái chân tướng của Phật giáo. Đa số học giả hiện nay tuy đã lưu ý đến điểm này nhưng các học thủ cựu của Nhật Bản vẫn còn cho phàm những điều Phật nói đều là sáng kiến của Phật. Sở dĩ  có thành kiến ấy là vì họ đã mang nhiên không biết thuyết nào là thuyết đặc hữu của Phật giáo, còn thuyết nào là thuyết của đương thời được nhất ban thừa nhận mà trong khi giải quyết các vấn đề có liên hệ đến văn minh thời đại, đức Phật cũng đã thu dụng. Mà điều này không phải chỉ hạn định trong việc nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy, mà dù là Phật giáo bộ phái, thậm chí cả Phật giáo Đại Thừa sau này, nếu không chú ý đến điểm đó thì chung cục không thể thấy rõ chân tướng của Phật giáo: đây là điều chúng ta cần ghi nhận. Hơn nữa, người tìm hiểu Phật giáo chân chính không những chỉ nghiên cứu các kinh điển Phật giáo, mà tất cả cái gì có liên quan đến văn hóa đương thời, như tư tưởng tôn giáo chẳng hạn, cũng đều phải tham khảo và so sánh.

Trở lên là nói rõ giai đoạn toàn thể của Phật giáo nguyên thủy, trong đó bao hàm nhiều vấn đề. Song, khi nghiên cứu, người ta không cần phải đề cập đến tất cả mà tùy theo ý hướng có thể lấy Tăng Già làm trung tâm, hoặc lấy Phật Đà Luận làm trung tâm, hay lấy giáo hóa làm trung tâm cũng đều được cả. Ta cần ghi nhận kỷ điều này, vì các vấn đề kể trên có một quan hệ rất mật thiết, nếu quán triệt được một thì các vấn đề khác không có gì là khó hiểu. Bởi thế nếu cùng nghiên cứu cả ba đề mục một lúc để thấu triệt chân tướng của Phật giáo nguyên thủy thì càng hay nhưng nếu chỉ lựa một trong ba cũng là một đề mục trọng đại rồi. Nếu cùng nghiên cứu cả ba một lúc mà không thấy được toàn thể vấn đề, thì một mặt quan sát toàn thể, mặt khác chuyên chú vào một vấn đề thì chắc chắn sẽ phát huy được chân tướng của nó.

Trong cuốn sách này, chúng tôi chuyên lấy vấn đề giáo lý làm trung tâm để quan sát Phật giáo nguyên thủy, tức mục đích của cuốn sách này là trong Tam Bảo, lấy việc nghiên cứu pháp bảo làm trung tâm rồi, trình bày một cách bao quát cả Phật Bảo và Tăng Bảo. Như trên đã nói, trong Tam Bảo, có thể tùy ý chọn một đều được cả, nhưng, tinh thần của đức Phật lấy Pháp (Dhamma) làm trung tâm; vả lại, đứng trên lập trường tư tưởng sử mà nói, thì Pháp cũng là một bộ phận trọng yếu, bởi thể, ở đây, chúng tôi ứng dụng phương pháp kể trên.

Nói đến quan hệ tinh thần thời đại, lập trường của chúng tôi hết sức thận trọng. Như sẽ được trình bày sau, tất cả các vấn đề, trừ chương trình này ra, đều phải chú ý. Nghĩa là giả sử đem chia Phật giáo nguyên thủy thành bốn cương mục, thì lập trường của cuốn sách này là lấy vấn đề giáo lý làm chủ yếu. Còn quan hệ tinh thần thời đại thì chỉ là vấn đề thứ yếu mà thôi.