Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Chuyển Đề Đức Phật Dạy Con

Đức Phật Dạy Con

Email In PDF

Thích Thiện Chánh

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước lúc xuất gia thành đạo có một người con là La-hầu-la (Rahula). Vào ngày thứ bảy trong dịp Đức Phật quay lại thăm vua cha ở thành Ca-tì- la-vệ lần đầu, bà Da-du-đà-la bảo con là Rahula đến gặp Phật để xin gia tài; nhân đó, Đức Phật đem Rahula theo, dạy Rahula thờ ngài Xá-lợi-phất làm thầy và bảo ngài Xá-lợi-phất cho Rahula xuống tóc để trở thành một sa-di.

Rahula lúc này mới chỉ là một cậu bé lên mười, tính tình hiếu động, thường nói chuyện ồn ào, nói lời không đúng sự thật, làm phiền đại chúng; nhưng do có thân phận đặc thù nên Rahula không bị ai trong đại chúng quở trách; tuy vậy, vẫn có nhiều lời bàn tán trong khi Rahula được đà ngày càng trở nên tinh nghịch. Biết được sự tình, Đức Phật liền tự mình dạy bảo Rahuala. Điều này đã được ghi nhận trong Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-ba-la thuộc tuyển tập kinh Trung Bộ.

Kinh thuật lại rằng vào một buổi chiều sau khi thiền định đứng dậy, Đức Phật tự mình đến chỗ Rahula đang ở. Khi Rahula thấy Đức Phật đến, cậu bé sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân cho Phật, theo điều cậu đã được huấn luyện. Đức Phật đến và ngồi vào chỗ đã dọn sẵn; sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Sau khi đã đảnh lễ Đức Phật, Rahula cũng ngồi xuống một bên. Rửa chân xong, Đức Phật để một ít nước còn lại trong chậu nước và hỏi Rahula có thấy  trong chậu chỉ còn lại một ít nước hay không. Khi Rahula nhìn nhận trong chậu chỉ còn một ít nước, Đức Phật bảo, “Cũng ít như vậy là sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”. Tiếp theo, Đức Phật đổ chút nước ấy đi rồi hỏi Rahula có thấy chỗ nước đó bị đổ đi hay không. Khi Rahula nhìn nhận chỗ nước ấy đã bị đổ đi, Đức Phật bảo, “Cũng bị đổ đi như vậy là sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”. Kế đó, Đức Phật lật úp chậu nước lại và hỏi Rahula có thấy chậu nước bị lật úp không. Khi Rahula nhìn nhận chậu nước bị lật úp thì Đức Phật dạy tiếp, “Cũng lật úp như vậy là Sa- môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”. Cuối cùng, Đức Phật lật ngửa chậu nước trở lại và hỏi Rahula có thấy chậu nước bấy giờ trống không hay không. Khi Rahula nhìn nhận điều đó, Đức Phật kết luận, “Cũng trống không vậy là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”. Bấy giờ Đức Phật mới bắt đầu giảng giải thêm cho Rahula biết rõ những hậu quả của thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp không thanh tịnh; đồng thời hướng dẫn Rahula cách tịnh hóa thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp.

Rahula nghe xong lời Đức Phật dạy thì rất lấy làm xấu hổ, liền đứng chắp tay biểu lộ lòng thành hối cải, hứa quyết tâm sửa chữa những sai trái mà trước đây cậu đã phạm phải. Sau này Rahula được Đức Phật tán dương là người đệ tử có mật hạnh vô ngại đệ nhất.

Qua bản kinh đó, người ta thấy Đức Phật đã dùng một ví dụ thực tiễn để dạy Rahula, điều mà trong thời đại ngày nay chúng ta cần áp dụng. Trong xã hội hiện đại, những bậc làm cha làm mẹ đều mong mỏi nền giáo dục của xã hội dạy dỗ con cái của họ thành tài, nâng cao kiến thức; nhưng quan trọng hơn hết là phải rèn luyện đạo đức và nhân cách làm người. Tuy nhiên nhìn kỹ từ Tây sang Đông, từ cổ chí kim, cái ước muốn ấy hầu như chưa có một nền giáo dục nào đạt đến. Thỉnh thoảng cũng có một nền giáo dục tiên tiến có nhiều thay đổi cải cách nhưng cũng không đi kịp với bước tiến của xã hội, rồi cũng lại đi tìm kiếm.

Nguyên nhân là không có một phương pháp giáo dục nào hoàn hảo đáp ứng với mọi thời gian, hoàn cảnh, lứa tuổi và địa phương, bởi vì tâm lí con người chóng thay đổi. Bản chất của trẻ thơ được ví như những tờ giấy trắng dễ dàng tiếp nhận một bức tranh đẹp từ tay của một họa sĩ tài ba, nhưng cũng dễ bị những vết bẩn vô tình làm hoen ố. Một nhà giáo dục muốn đào tạo nên một con người tốt và hữu ích cho xã hội thì thì không thể chỉ trao truyền kiến thức mà còn có trách nhiệm đánh thức lương tri và đạo đức cho học trò.

Vì thế trách nhiệm của giáo dục là phải kết hợp kiến thức học đường, kiến thức xã hội, giáo dục tâm lí lứa tuổi, giáo dục xã hội cộng đồng, giáo dục gia đình và lương tâm của nhà giáo… Kết hợp tất cả những yếu tố này mới mong xây dựng cho trẻ thơ một tâm hồn cao đẹp, một kiến thức được đánh thức từ lương tri qua những bài học về lòng từ bi và nếp sống đạo đức tốt đẹp.

Đức Phật cách đây hơn 2.500 năm đã giáo dục một cậu bé biết nhìn nhận ra sự thật, được đánh thức lương tri bằng sự thức tỉnh nội tâm của cậu bé. Đức Phật đã dạy con như thế. Đừng để cậu bé mới lớn vô tội không có hướng đi hoặc đi nhầm đường. Cậu bé chỉ mới biết nói mà chưa biết suy nghĩ, cậu bé chỉ mới biết làm mà chưa làm đúng. Là tuổi thơ, khi tiếp xúc với cuộc đời, lắm lúc nói lời không thật, làm việc không đáng làm. Xã hội luôn phản ảnh nhiều hiện tượng trong tâm trí trẻ thơ, trường học và gia đình, người lớn phải cho các em học được điều hay lẽ phải, kịp thời gợi mở sự đúng đắn và hành vi đúng đắn để cho các em học theo. Trong sự khẩn thiết và thách thức của giáo dục học đường và xã hội đối với thế hệ trẻ, thì những bài học về lòng từ bi, giáo dục đạo đức và giáo lí nhân quả trong Phật giáo có lẽ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đánh thức tính thiện của trẻ thơ.

Trong Kinh Tạp A Hàm quyển 46, kinh số 1.226, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có bốn điều mà chúng ta không nên xem thường, một đốm lửa nhỏ, một con rắn nhỏ, một tu sĩ trẻ, và một thái tử nhỏ”. Qua lời dạy này, chúng ta có thể thấy Đức Phật rất quan tâm đến tuổi trẻ và việc giáo dục tuổi trẻ. Một đốm lửa nhỏ có thể cháy lan cả một khu rừng; nọc độc của một con rắn nhỏ có thể làm chết người; một tu sĩ trẻ sẽ chứng ngộ và truyền dạy Chánh pháp lợi lạc quần sanh; và một thái tử nhỏ sẽ trở thành một vị vua quyền uy. Hai điều trước có thuộc tính nguy hiểm cần phải biết để phòng ngừa, hai điều sau có thuộc tính cao thượng cần phải học hỏi vun bồi; cũng giống như trong môi trường xã hội, tuổi trẻ phải tránh những điều xấu xa mà học hỏi những điều tốt đẹp. Dưới tuệ giác của Đức Phật, Ngài rất quan tâm đến thế hệ trẻ, tuổi trẻ là nền tảng tương lai của mọi xã hội và mọi tổ chức, vì vậy người lớn, nhất là trong giáo dục phải có trách nhiệm trao truyền kiến thức, vun bồi đạo đức, chớ xem thường và bỏ rơi vì bất cứ lí do nào.

Qua câu chuyện Đức Phật dạy Rahula, chúng ta thấy Đức Phật đã dùng một ví dụ sinh động để đánh thức trẻ thơ, hướng dẫn Rahula thấy được việc làm sai trái và lời nói không chân thật qua hình ảnh cái chậu rửa chân, từ đó Rahula thay đổi hoàn toàn những lỗi lầm được đại chúng khen ngợi, về sau trở thành một vị tu sĩ có mật hạnh đệ nhất.

Từ bài học trên, chúng ta có thể áp dụng được vào đời sống hằng ngày, giáo dục phải bắt đầu từ sự khai mở và đánh thức đức tính chân thật trong một đứa bé. Khơi dậy sự hiểu biết về lẽ nhân quả trong trong suy nghĩ và việc làm; nói dối là hèn nhát, xấu xa và đê tiện; hậu quả là không còn ai tin tưởng mình. Tập cho trẻ thơ biết tính chân thật và ngay thẳng để vun bồi cho nhân cách đạo đức chân chính. Có chân thật thì mới có sự can đảm đối diện với sự thật và tôn trọng sự thật. Nếu người lớn dạy cho trẻ thơ hiểu được lý nhân quả, biết suy nghĩ đúng đắn, biết làm việc đúng đắn, biết nói lời chân thật thì hiển nhiên bạo lực học đường, tệ nạn học đường, học sinh đánh hội đồng… sẽ không còn nữa.