Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, Dec 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Cảm Nhận Mùa Phật Đản 2012 Tại Hà Nội

Cảm Nhận Mùa Phật Đản 2012 Tại Hà Nội

Email In PDF

Cho dù tổ chức ở các chùa hẻo lánh, không ở trung tâm, không gian chật chội, nhưng ở khắp 29 quận huyện thị, thử hỏi, không biết bao nhiêu ngọn chùa trong số gần 2.000 ngọn chùa của Thủ đô, rồi đến Đại lễ ở Trụ sở GHPGVN – chùa Quán Sứ, bao nhiêu đại lễ Phật đản trang nghiêm đã được thể hiện, bao nhiêu cuộc mít tinh, tắm Phật, diễu hành, rước xe hoa, văn nghệ, triển lãm, hội thảo khoa học, tiệc chay, hoạt động từ thiện đã được tổ chức.

Một nghìn năm trước, Mãn Giác Thiền sư đã bảo rằng: Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết // đêm qua sân trước một nhành mai.

Mùa Phật đản 2012 ở Thủ đô Hà Nội đã qua, trước mắt ta, cuộc sống đến và đi như dòng sông bất tận. Vậy nhưng lấp lánh, thánh thót ở đâu đó vẫn đang những ánh, những tiếng, dư quang, dư âm trong lòng mọi người, ấm áp và lạc quan, dĩ nhiên có đôi sự cảm khái của khúc ca khải hoàn.

Nhớ lại, mùa đông năm 2006, khi thấy đèn hoa, cây thông, hang đá Nô-en, được trang hoàng bởi 6% đồng bào ta là tín đồ Ki-tô, và có sự ảnh hưởng đến đời sống xã hội; chúng ta chạnh lòng, ngậm ngùi than và mong đến một ngày nào đó mùa Đản sinh, chúng ta, đại đa số  nhân dân Việt Nam, nhất là ở nơi đất Bắc, cũng sẽ có dịp, có cơ hội, có điều kiện để Kính mừng Đản sinh của Đấng từ phụ kính yêu muôn đời. Ở thời điểm mùa đông năm 2006, điều đó chỉ là ước mơ và sự chờ đợi mà thôi.

Những năm sau đó, nhất là từ Đại lễ Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam, với các sự kiện trung tâm diễn ra ở Hà Nội, mùa Phật đản ngày càng được Phật giáo Việt Nam tổ chức long trọng, là lễ hội quan trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như hành đại lễ, mít tinh, tắm Phật, diễu hành, rước xe hoa, hội hoa đăng, văn nghệ, triển lãm, hội thảo khoa học, tiệc chay, hoạt động từ thiện, v,v, mừng sự ra đời của Đức Phật, thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn là của người dân trên mọi miền đất nước.

Thật là một sự màu nhiệm, trong vận hội chung của đất nước, Phật đản ở Thủ đô được tổ chức ngày một mang tính phổ quát, có tính xã hội cao và mang đến cho đời sống nhân dân một nhu cầu, một cách nhìn mới, hay và thân yêu về Phật giáo.

Phật đản đang dần định hình là một mùa lễ và hội lớn nhất của Thủ đô và dân tộc.

Đương nhiên, để có được điều đó và xu hướng phát triển đó, cần có sự cho phép, tạo điều kiện của chính quyền các cấp.

Trong mấy năm trước, Đại lễ Phật đản cấp Giáo hội được Chính quyền tạo điều kiện cho tổ chức ở quảng trường cung Hữu Nghị Hà Nội. Có thể coi đây là một địa điểm lý tưởng để tổ chức sự kiện Phật giáo lớn nhất trong năm của Giáo hội nói chung và PGHN nói riêng.

Năm nay, mùa Phật đản ở Thủ đô được tổ chức với một số sự thay đổi vì không đủ thuận duyên từ bên ngoài.

Đại lễ của TWGH, Thành hội PGHN và tất cả các quận, huyện, thị hội được đưa về tổ chức tại những cơ sở tự viện trực thuộc.

Thay vì tổ chức Đại lễ ở Quảng trường Cung Hữu nghị, Đại lễ Phật đản cấp Giáo hội được tổ chức chính tại Trụ sở TWGHPGVN – chùa Quán Sứ.

“Tuy chùa đang trong thời kỳ trùng tu xây dựng địa điểm bị thu lại chật hẹp, có nhiều  Phật tử rất lo ngại với không gian chùa quá nhỏ không đủ chỗ cho Chư Tôn đức Giáo Phẩm và các vị lãnh đạo Đảng nhà nước, … nhưng với sự tổ chức chặt chẽ, rất trí tuệ và khoa học của Chư tôn đức trong ban tổ chức đã trang hoàng lễ đài nguy nga rực rỡ, bài trí Pháp tòa hết sức tôn nghiêm cung đón Đức Pháp chủ an tọa.” (1)

Trong mùa Phật đản năm nay, Chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, Thành hội và các Ban đại diện đã nhất tâm cung kính, nhất tâm phương tiện, phát huy tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của đệ tử Phật; quán triệt tinh thần tự lực cánh sinh, huy động tất cả các sự quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ có thể của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và thập phương tín thí tài chủ, nương vào Tam Bảo, nương vào uy lực của Đức Pháp chủ và Chư Tăng, động viên các cấp GH, các tầng lớp Phật tử và ND hoan hỉ, quyết tâm tổ chức một mùa Phật đản trang nghiêm, hoành tráng, sâu rộng, thực chất, báo ơn chư Phật, thể hiện lòng tín kính, hiếu kính vô bờ bến với Đức Bản sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật!

Phương tiện dù sao cũng chỉ là phương tiện, chỉ là cách thể hiện; động lực chính là lòng kính tín và quyết tâm của Tăng Ni Phật tử - nơi mà không ai có thể làm thoái chuyển được.

Sự quan tâm và hỗ trợ dù sao cũng chỉ là ngoại lực, có thì rất hoan hỉ, nếu chướng ngại thì năng lực nội sinh sẽ tạo nên sự trác tuyệt mà ở đó, sự màu nhiệm của đời sống tự thân sẽ là sen trong lò lửa và chân lý tự mở lối cho mình.

Có thể nói, với HN, đã lâu lắm rồi, kể cả mấy năm qua, chưa có một mùa Phật đản nào tưng bừng, đầy ý nghĩa, đáng suy ngẫm và trác tuyệt như Phật đản 2012.

Chỉ trong một tuần lễ, khắp 29 quận huyện thị, đã có không biết bao nhiêu ngọn chùa trong số gần 2.000 ngọn chùa của Thủ đô, rồi đến Đại lễ ở Trụ sở GHPGVN – chùa Quán Sứ, bao nhiêu đại lễ Phật đản trang nghiêm đã được thể hiện, bao nhiêu cuộc mít tinh, tắm Phật, diễu hành, rước xe hoa, hội hoa đă, phóng sinh, cầu nguyện, cầu siêu, văn nghệ, triển lãm, hội thảo khoa học, tiệc chay, hoạt động từ thiện đã được tổ chức.

Thật là vô biên! Tổ chức cực kỳ trang nghiêm và xúc động, hoa tươi đẹp nhất, lễ đài trang nghiêm nhất, đông đảo nhất, đầy vui tươi và hoan hỉ, hoan hỉ với hết thảy trong tinh thần tùy duyên bất biến. Phật đản đã đến với sâu rộng quần chúng nhân dân ở tận cơ sở, tận nơi hang cùng ngõ hẻm. Điều đó cho thấy rằng, Đạo pháp rất nhiệm màu!

Trong những đại lễ khắp nơi, lãnh đạo các cấp chính quyền đều hoan hỉ tham dự và tham gia ban tổ chức, trong sự đón tiếp trang trọng nhất mà nhà chùa có thể.

Quả thật, qua Phật đản 2012, Phật giáo đồ Thủ đô đã trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc, trong tinh thần nhìn lại, thấy rõ và huy động tốt năng lực, nguồn lực nội sinh của chính mình.

Thành kính tri ân công đức và chia sẻ nỗi vất vả của Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Thủ đô trong mùa Phật đản viên mãn 2012 vừa qua!

Giang Nam