Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, May 16th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Trên Con Dốc Phương Liên

Trên Con Dốc Phương Liên

Email In PDF

Hình dung lại. Ấy là, từ con dốc nhìn về tịnh viện Hương Nghiêm, một buổi ngã - chiều tháng tư năm nay, nhìn về hướng… 45 năm trước. Ngày ấy, có lẽ con đường tráng nhựa này chỉ là một lối mòn khuất lấp, len giữa cây và đá và bao nhiêu loài rắn độc.

Khu vực Đại Ninh vào thời gian này chỉ thưa thớt một số đồng bào sắc tộc K’hor và vỏn vẹn 18 nhân khẩu người Kinh. Ngày ấy, một tu sĩ đã rời bỏ những tiếng động của phố phường, đến bên dòng sông Đa Nhim (thuộc ấp Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) dựng một am tranh, bắt đầu giai đoạn tu học cần thiết trên con đường ngui ngút của khát vọng giải thoát: ẩn cư…

Buổi chiều tháng tư hôm nay, trời đầy mây xám. Mặt trời sắp lặn bỗng lộ ra sau đám bột nhão vô tận, đỏ rực lên.
Hình dung lại. Cái am tranh đầu tiên năm nào, giờ đây, có thể không ai còn nhớ? Bởi vì, người tu sĩ ấy thường dời đổi nhiều nơi, đi đâu cũng chỉ ba bộ y mang theo, để cho những ai có duyên có chí khi đến chốn này thì đã có nơi cư trú tạm. Hương thì bay theo gió: nghe tin có một tăng sĩ uyên thâm Phật học về đây, tăng ni và Phật tử dần dần qui tụ. Người ẩn tu thường trở thành vị khai sơn, như lịch sử Phật giáo vẫn ghi chép: năm 1972, tịnh viện Hương Nghiêm hoàn thành trên mảnh đất cúng dường của hai Phật tử Trần Kim Tĩnh và Trần Yên, bắt đầu khóa học ba năm dưới sự giảng huấn của vị tu sĩ này ở vị trí Liên huấn, bên cạnh hòa thượng Bửu Huệ (Liên thủ) và hòa thượng Bửu Lai (Liên hạnh). Nhưng đấy là nhữ
ng việc - đến - thì - làm, còn Con Đường, vẫn là ẩn tu: trong khu rừng mới khai phá dọc theo bờ sông, Trúc Liên tịnh thất hình thành:

Nhứt niệm chí thành Liên cảnh hiện
Tam tâm bất đắc Trúc song nhàn.

Nào ai có thể “nói chắc” là sẽ đắc hay không? Ngày ấy, Vô Nhứt đã sớm cảm nghiệm, Con Đường là ngui ngút, trải qua trùng trùng luân chuyển. Và chính trong hiện kiếp, Người cũng gặp nhiều nghiệp lụy. Làm sao khác được, bởi, cuộc luân hồi vẫn còn đó, nào dám nói đến chuyện thoát vòng sinh tử: Luân lãng hà vô dĩ / Tòng lai diệc khả bi! (dịch nghĩa: Trôi lăn đến bao giờ / Thương thay cuộc đến đi).

Lại hình dung lại. Mười hai năm ẩn tu 1980 -1992. Khó khăn của những năm tháng “vắng” gạo, chỉ toàn mít bắp sắn khoai… Khó khăn vật chất và những “xao xác nhiêu khê đời” khác, có thể cười mà bước qua được. Nhưng trở lực chính, muôn thuở vẫn là ba đào tâm thức. Hãy nghe lại một trong 108 bài kệ ẩn tu:

Ẩn tu riêng chạnh nỗi riêng mình
Túc trái gây nên nghiệp bất bình

Nhưng, đầu tiên và cuối cùng, vẫn là sự trung thực. Với chính mình, không với ai khác:

Ẩn tu chân thật chớ bề ngoài
Tu dáng tu hình lạc lối sai

Con Đường, như thế, có lẽ đã đặt những bước chân của người đi sau trùng lắp với dấu vết của Người Mở Đường Lớn mà bao đời hậu thế vẫn hằng xưng tán bằng 10 danh hiệu…


Để cho, vào những thời khắc trụ thế sau cùng, đã diễn ra những sự việc mà giờ đây, vẫn tồn tại và càng lúc càng loan truyền bao câu chuyện đầy tín - tâm - mà - có - thực về Người.
Người, vị tu sĩ khai sơn ấy, là hòa thượng Thích Thiền Tâm (1925 – 1992). Nhưng, có lẽ, cái “tên gọi” khả dĩ diễn bày được phần nào đạo hạnh của Người là: Vô Nhứt: Nhứt sự vô thành thân tiệm lão
(Một việc chưa thành mà thân đã cận kề… tuổi già). Việc ấy, cái việc quan trọng nhất trong cuộc tồn sinh, là việc gì vậy?  Nhưng, điều có lẽ có ý nghĩa sâu xa nhất: vô. Vô Nhứt. Là gì? Đã nhứt, sao còn vô? Và ngược lại. Câu hỏi ấy, phải chăng, nằm trong lời đáp của … tánh Không?

Nhìn về phía ngàn xanh. Khu vực Đại Ninh, giờ đây, đã có nhiều ngôi chùa lớn. Lớn về qui mô kiến trúc và đáng nói hơn, lớn trong lòng người. Như những anh chị Năm Vân Thu Vân Đồng Nguyệt Châu Hai của tôi... Như những Phật tử và khách hành hương đến từ nhiều nơi, trong và ngoài nước.


Mặt trời đỏ đã chìm trong ánh tối đang lan dần. Để sáng mai, sẽ lại bừng lên, từ phía xa xanh kia. Và, từ dưới bóng những ngày tháng này, đầy khổ đau và yêu thương, có phải?

Phương Liên tịnh xứ
N.Đ.N