Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Xoáy

Xoáy

Email In PDF


Khi mới sanh ra bên bờ ruộng, nghé đã có cái xoáy chần dần trên chóp lưng. Thằng Khôi có vẻ đặc biệt thích thú điểm này, nên đặt luôn tên cho nghé là Xoáy. Đã là trâu, lại sanh trên bờ ruộng, cuộc đời của Xoáy coi như gắn liền với mảnh đất khô cằn, eo hẹp của Quảng Trị, một tỉnh đầu miền Trung cơ cực này.

Xoáy khôn lắm ! Nó lớn nhanh như thổi. Dưới sự chăm sóc khéo léo của thằng Khôi, ba năm sau Xoáy đã thành một "chàng trai" lực lưỡng trong vùng. Da của nó đen nhánh, bóng ảy, cặp sừng to và khỏe, cong vút lên trông rất điệu. Mỗi chiều đi ăn về, bụng của Xoáy tròn lẳng, nếu không có bốn cây cột giò nâng đỡ thì chắc ta có thể đẩy Xoáy lăn tròn như một cái thùng tô-nô. Cái gì trên thân thể của Xoáy cũng có vẻ mạnh bạo, hung hãn, duy có đôi mắt thì ngược lại. Mỗi khi Khôi dắt Xoáy xuống đằm mình dưới sông, kỳ cọ cho Xoáy, nó gát cái đầu lên trên mặt nước, hai con mắt to liu riu, mẫn cảm như một thi sĩ, để cho bao nhiêu mây trời nước biếc về du du trong hai miếng thủy tinh lớn bằng lá mít non này. Thỉnh thoảng Xoáy nghịch ngợm, lặn tuốt xuống sâu để hất thằng Khôi khỏi lưng hắn, rồi lại trồi lên như một cái phao, vung nước tứ tung cho thỏa thích mới thôi.


Xoáy cực lắm ! Đến mùa gặt là phải tròng cái ách vào vai kéo lúa, mùa gặt xong rồi thì phải kéo cày. Nhà Khôi có mỗi Xoáy là "con trai", nên Xoáy phải đỡ đần hết mọi chuyện. Thời gian rảnh của Xoáy là giữa vụ Đông Xuân, lúc ấy Khôi mới dắt Xoáy lên rú gặm cỏ non, ngoài ra thì quanh năm toàn gốc rạ. Đường lên rú xa lắm, phải băng qua mấy đồi cát trắng, mấy rặng dương liễu buồn, đến gần đường ray xe lửa mới có cỏ non. Xoáy có vẻ lãng mạn hơn ngày thường khi được thảnh thơi trên đồng cỏ. Lâu lâu có mấy chú cò trắng đến đậu trên lưng Xoáy, Xoáy vẫn làm thinh, nằm xuống nhai đi nhai lại cái bài học "ăn kỹ no lâu" mà mẹ nó đã dạy từ nhỏ, mặc cho mấy nhóc cò lởn vởn chung quanh. Thỉnh thoảng có đoàn tàu hỏa Bắc Nam chạy qua, Xoáy vội đứng lên, tiến sát đến đường ray, ngẩng mặt nhìn, tới khi đoàn tàu mất hút trong khói lam chiều thì Xoáy mới "trở về với thực tại".

Kỷ niệm đau đớn nhất của Xoáy là một chiều giáp tết, khi tiếng tù và lanh lảnh gọi trâu về, từng cụm bụi đỏ tỏa mù dưới sương chiều lãng đãng, Xoáy để ý và đi theo một nàng trâu trắng, mặc cho thằng Khôi gọi mãi Xoáy cũng chẳng thèm nghe. Xoáy nghĩ Xoáy đang muốn chứng tỏ "bản lĩnh đàn ông" chứ đâu phải lụy vì tình, bởi các "chàng trai" khác thấy Xoáy là cụp đuôi đi thẳng, lâu lâu mới có một kẻ bướng bỉnh chạm trán với Xoáy, và đôi sừng lực lưỡng húc cùm cụp đối phương, đến khi đối phương bỏ chạy rồi Xoáy mới thôi, nghếch nghếch đôi tai rồi ra bộ "phớt tỉnh Ăng-lê" trước các nàng trâu như muốn nói với các nàng "chuyện nhỏ thôi mà !". Những lúc ấy nhìn Xoáy hỉnh hỉnh cái mũi oai vệ như mấy đấu sĩ bò tót ở Tây Ban Nha thắng trận. Nhưng chiều ấy, Xoáy cặm cụi ve vãn mãi mà nàng trâu trắng kiêu căng kia chẳng thèm dừng lại. Xoáy lần theo, rồi vô tình lọt chân xuống một tổ ong vò vẽ đất bên cái gò, ong từ dưới bay lên, đốt túi bụi vào đầu và mình của Xoáy. Xoáy nhức nhối la lên bỏ chạy, chạy đến đâu ong đuổi đến đó. Xoáy chạy về đầu làng, nhắm hướng dòng sông mà băng tới, miệng la thất thanh. Một đứa bé đang lui cui đá dế trước sân nhà mà Xoáy không thấy. Bà mẹ đứa bé hoảng hốt la lên khi thấy nó ngồi đúng y nơi đà lao tới của Xoáy, khi phát hiện đứa bé thì Xoáy không còn dừng lại hay lách đi kịp nữa, Xoáy dậm hai chân trước thật mạnh, phóng qua khỏi đầu đứa bé như một vận động viên nhảy xa rồi ngã lăn kềnh trên đất, rống lên kinh hãi mà không thể đứng dậy được. Đến lúc bà con xúm lại đốt rạ đuổi đàn ong vò vẽ đi thì Khôi mới chạy về kịp …

Xoáy là chứng nhân bất đắc dĩ của cuộc tình giữa Khôi và Mận. Nhà Mận ở bên kia sông Thạch Hãn, nên mỗi chiều lấy cớ dắt Xoáy đi tắm Khôi cưỡi trên lưng Xoáy qua sông thăm Mận, có khi Xoáy làm bộ "đánh trống lảng" gặm cỏ giữa đồng để cho Khôi mặc tình trò chuyện với Mận, nhưng hễ thấy Khôi đùa giỡn ví Mận chạy quanh thì Xoáy lại "ra tay nghĩa hiệp" nhảy bổ vào, dùng đôi sừng linh hoạt của mình húc húc nhẹ vào mình Khôi để "cứu nguy" cho Mận. Nhờ vậy Mận thương Xoáy lắm. Thỉnh thoảng đi cấy về Mận hay ghé ngang nhà Khôi biếu Xoáy mấy bó mạ non.

Khôi và Mận mới cưới nhau được một tuần thì mùa lũ lại đến. Năm nào cũng vậy, khi lũ lụt sắp về thì Khôi dắt Xoáy lên rú - nơi mà nước lụt không lên tới. Năm nay lũ về nhanh quá, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ từ sáu giờ đến tám giờ tối mà nước đã vào nhà. Hai vợ chồng son tất tả dọn dẹp, bê lúa lên cao, rồi cao mãi đến tận xà nhà mà nước lũ vẫn chưa tha. Khôi phải dỡ mái nhà đưa cha già và vợ lên trên, đợi thuyền cứu hộ. Lúc ấy Xoáy tự nhiên xuất hiện như một vị cứu tinh. Người đầu tiên được Xoáy cứu là cha của Khôi. Dù đã trên 60 nhưng ông vẫn còn khỏe, bám vào sừng Xoáy để qua một nhà cao trong vùng. Xoáy quay lại giữa biển nước mênh mông và chảy xiết, ánh trăng the thé dát lên mặt nước như những đường gươm lướt ngang mạng sống mong manh. Đường quay lại nhà sao mà xa quá, ngày thường chỉ cần năm phút là Xoáy có thể băng qua sông tới nhà Mận, còn bây giờ cũng đoạn đường bằng ấy mà lội hoài vẫn chưa tới. Xoáy cố gắng, nhìn những chiếc bè gỗ bị cuốn trôi như những chiếc lá, sinh mạng vợ chồng Khôi là nhờ ở Xoáy thôi. Về đến nhà nước đã lên gần tới nóc, Khôi và Mận dùng dằng, người này nhường người kia đi trước. Rốt cuộc Mận bám vào sừng Xoáy, nhanh như ghe máy, Xoáy đưa Mận đến chỗ an toàn. Mệt lả và lạnh, Xoáy không chần chờ, quay trở lại. Đứng bên ngôi nhà đúc an toàn, Mận thấy chập chờn dưới ánh trăng mái nhà mình thấp thoáng, rồi chìm dần, chìm dần trong biển nước, không còn thấy chồng mình trên mái nhà nữa. Mận bật khóc, liệu Xoáy có đến kịp cứu Khôi không ? Những chiếc bè gỗ cứ trôi duềnh trên mặt nước, thấp thoáng một vài đốm lửa trên bè mà không thấy người, chỉ nghe tiếng la gào, tiếng hát rùng rợn. Mận có cảm giác hồn thiêng của những người chết từ trận lụt năm Thìn mà mẹ mình hay kể hiện về, la gào hay hát trên những chiếc bè gỗ khi tái hiện lại cảnh tang tóc của quê hương. Mận chắp tay nguyện cầu một cách vô vọng. Mãi vẫn chưa thấy Xoáy chở Khôi quay lại.

Khôi biết Xoáy không bao giờ bỏ mình, nên vớ được một khúc gỗ nổi, Khôi bỏ nhà bơi qua biển nước khi không còn một điểm tựa nào để bám. Mưa vẫn dai dẳng trút nước, Khôi đã lạnh cóng và đuối sức nhưng chưa thấy Xoáy đâu. Mới bơi cách nhà khoảng trăm thước thì một luồng nước mạnh cuốn phăng Khôi đi, ý thức sinh tồn đã giúp Khôi níu được một ngọn cây bạch đàn. Dù sự sống mong manh như nghìn cân treo sợi tóc, nhưng Khôi kịp nghĩ ngọn bạch đàn này là cứu tinh của mình trước khi Xoáy kịp đến. Khi vừa hoàn hồn, Khôi thấy cái bóng đen nhấp nhỏm trước mặt, cách ngọn bạch đàn chừng vài mươi mét. Khôi cất tiếng gọi :"Xoáy ơi ! Tao đây nè ! Xoáy ơi, cứu tao với". Từ dưới bóng đêm vọng lên một tiếng rống thống thiết, rồi Khôi thấy Xoáy lao nhanh về phía mình, chỉ còn cách Khôi mươi bước nữa thì đột nhiên nó quay tròn, quay tròn như một kim đồng hồ tăng tốc. Xoáy gặp nước xoáy ! Khôi la lên thất thanh : "Xoáy ơi, Xoáy ơi, gắng lao qua đây !". Cái kim đồng hồ quay mỗi lúc một nhanh, Khôi nhìn thấy rõ ràng nhưng không còn cách nào cứu Xoáy được.

Mưa mỗi lúc một to, nước trôi mỗi lúc một mạnh, cuốn phăng đi tất cả, riêng chỉ có vũng nước xoáy thì không chịu đi, cứ bám riết quanh thân hình vạm vỡ của Xoáy. Khôi gào lên trong vô vọng. Ngày thường bao nhiêu mây trắng nước trong du du qua đôi mắt mơ màng của Xoáy, bây giờ thì cũng mây nước ấy, cũng xóm làng ấy, sao có cái gì bi đát đến tận những phút giây thống thiết nhất bình sinh. Nước, xoáy về phương Đông, Khôi đang lâm vào cảnh thập tử nhất sinh; xoáy về phương Bắc, cha già và Mận đang ráo mắt đợi trông. Còn ở đây, ngay bây giờ, giữa dòng nghiệp dĩ ác nghiệt, Xoáy phải đấu tranh đến giây phút cuối cùng bằng chút tàn lực còn sót lại, mong manh …

Khi Khôi vừa leo lên được chiếc xuồng cứu hộ thì chỉ còn nghe một tiếng kêu yếu ớt cuối cùng của Xoáy, rồi không còn thấy nó đâu nữa.

Khi nước lụt vừa rút xuống, Mận và Khôi đã lo đi tìm Xoáy. Họ thấy xác Xoáy nằm trên miếng ruộng nhà, nơi nó đã sinh ra, đầu nó gối lên bờ ruộng, hướng về phía làng. Nó chết đã ba ngày rồi thế mà Mận và Khôi không hề nghe mùi hôi thối bốc lên. Họ gục đầu lên mình Xoáy, khóc than não nùng như một đám tang.

Quảng Trị sau cơn lũ thế kỷ.

 

Nhất Thanh