Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Nhẹ Khép Cổng Sài

Nhẹ Khép Cổng Sài

Email In PDF

Trời đã về khuya, Nguyên lầm lũi ven theo triền núi dẫn đến Thiền Duyệt cốc, sương đêm ướt đẫm đôi vai gầy, buốt lạnh. Qua bao ngày trèo đồi lội suối, đôi giày đã rách nát vì cỏ gai và đá sỏi, chiếc áo bạc màu phong phanh đón gió, tay nãi chỉ vỏn vẹn một bộ đồ, y, bát, tọa cụ và chút lương khô. Khi vừa đến nơi, trăng thu vằng vặc, tỏa sáng lung linh cả núi rừng. Bước vào am tranh, bên ngọn đèn dầu leo lét, vị sư già đang thiền tọa, Nguyên ngồi xuống một bên, chờ đợi…

Đã mấy canh giờ đi qua, vị sư già xả thiền với tiếng tằng hắng khẽ, Ngài không hề ngạc nhiên về sự hiện diện của người khách lạ trong am cốc. Bên ngoài chim chóc líu lo, ánh dương đã ló dạng. Giờ này Nguyên mới có cơ hội nhìn kĩ vị sư già - thân như lão hạc sống giữa núi rừng cô tịch, hàng chân mày bạc trắng với đôi mắt sáng như nhìn thấu tâm can của người đối diện, nơi Ngài toát ra một sự bình an, yên ổn lạ kỳ. Trước khi lên đây, Nguyên đã chuẩn bị trong đầu rất nhiều câu hỏi để tham vấn vị ẩn sĩ nổi danh tài hoa và làu thông Tam tạng Thánh điển. Với mớ ngôn từ, khái niệm mà Nguyên thu thập được ở ghế học đường cũng như qua thời gian tự tìm tòi nghiên cứu không giúp Nguyên giải quyết được những khổ đau của chính mình. Nó bức bách, đẩy Nguyên đến bờ tri kiến loạn. Thế nhưng, giờ đây đầu óc Nguyên trống rỗng, gần nửa đời người “gã cùng tử” mới nếm được vị ngọt của sự xả ly. Vị sư già mỉm cười nhìn Nguyên, cái nhìn bao dung, độ lượng đối với “gã cùng tử” đã biết quay về với chính mình.

Đã sáu ngày trôi qua, Nguyên thầm lặng làm những công việc của một người thị giả như nấu cơm, gánh nước, bửa củi, pha trà… và vị sư già cũng mặc nhiên với công việc hàng ngày của Nguyên. Đến sáng ngày thứ bảy, sau khi Nguyên pha trà và đứng hầu một bên, vị sư già mới lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng suốt tuần qua.

- Con đã ở đây được một tuần?

- Dạ.

- Con đã làm tròn nhiệm vụ của một thiền sinh.

- Dạ, bạch thầy! Thời gian qua con đã tìm lại được chính con. Tâm con thật an lạc, thảnh thơi với công việc khi con làm chúng trong chánh niệm, tỉnh giác. Ngày ngày, con được ngắm mây trời lãng đãng, được nghe chim hót, nghe nhạc rừng lao xao, nghe tiếng suối róc rách chảy… lòng con đã lặng yên trần cấu. Con muốn ở lại đây với thầy.

- Ta biết. Tháng ngày ruổi rong ở chốn thị thành, con đã chịu quá nhiều áp lực, quẫn bách, khổ đau. Con hãy ghi nhớ một điều, khi con đau khổ, con không nên khỏa lấp hay trốn tránh và cũng không nên tìm cách đè nén, vì đè nén chỉ là giải pháp bề mặt; cũng giống như lấy đá đè cỏ, một khi lấy đá ra khỏi thì cỏ vẫn mọc trở lại. Những lúc ấy, con hãy ngồi yên, nhìn sâu vào nỗi khổ đau đang hiện hữu trong con. Khi tập trung quán xét, con sẽ tìm ra được căn nguyên của sự thống khổ mà con phải chịu đựng, nhận chân được bản chất của cảm thọ là vô thường, duyên sinh, vô ngã, nó đến rồi đi. Con đừng vướng mắc, đeo chặt, đồng hóa cảm thọ với con để rồi phải chịu khổ đau. Con cũng không phải mệt nhọc chạy tìm hạnh phúc ở đâu xa. Hạnh phúc chân thật ở nơi chính tự tâm của con, ở cách con đón nhận sự việc với một tri kiến như thật, như nó đang là.

Vị sư già ngừng nói, nhấp một ngụm trà, hình như Ngài muốn tạo một khoảng lặng cho người học trò. Lúc này, gương mặt Nguyên rạng ngời, lời pháp nhũ như thấm trong từng làn da, thớ thịt. Ngài nhìn Nguyên mỉm cười, rồi lại tiếp tục:

- Cách đây hơn ba mươi năm, ta cũng đã từng bất mãn, khổ đau, thao thức như con hôm nay. Có lẽ môi trường học đường đã nhồi nhét cho con quá nhiều ngôn từ, khái niệm nên con cảm thấy chán chường, mệt mỏi; song, giáo dục học đường không có lỗi gì cả. Những bài giáo lý, những lời giảng của vị thầy đứng lớp, con hãy xem nó như ngón tay để chỉ mặt trăng, đừng lầm phương tiện là cứu cánh, con phải áp dụng nó ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nên nhớ rằng, học kinh là con đang làm một hành giả, từng bước đoạn trừ phiền não khổ đau, chứ không phải là để trở thành một học giả, một nhà nghiên cứu lý luận Phật học. Như vậy, con mới có được sự an ổn của nội tâm, và khi đó con có thể hiến tặng chất liệu an lạc, thảnh thơi cho những người xung quanh. Thôi, ta chỉ có bấy nhiêu lời dặn dò con. Con còn trẻ, con hãy trở lại với học đường, trở lại với cuộc đời. Nơi ấy cần cho con.

Nói xong, vị sư già đi vào bên trong, bỏ mặc Nguyên đứng đó với đôi mắt xa xăm, vầng trán cao thoáng hiện những gợn sóng suy tư. Một lúc sau, Ngài trở ra với cuộn giấy tròn trên tay.

-Ta cho con món quà này, ngay sáng hôm nay con phải xuống núi để tiếp tục khóa học.

- Dạ, bạch thầy!…

Nguyên định nói một điều gì đó, nhưng Ngài khoát tay, chừng như Ngài đã hiểu Nguyên muốn nói gì. Mặc dù chưa hiểu được thâm ý của vị ẩn sĩ, nhưng Nguyên biết cuộn giấy này đối với Nguyên rất quan trọng. Nó sẽ chi phối, quyết định quãng đường còn lại của Nguyên. Nguyên đón nhận với lòng thành kính, tri ân, đảnh lễ vị sư già rồi ra đi.

***

Ra khỏi Thiền Duyệt cốc, sự thôi thúc từ sâu thẳm của cõi lòng buộc Nguyên phải ngoảnh lại nhìn cổng sài. Hai câu đối với nét chữ uyển chuyển, nhẹ nhàng, tiêu sái mà trĩu nặng bước chân đi:

Ngõ Trúc sương len hồn Trí giả

Cửa Không mây níu áo Hiền nhân

Băng qua những lùm cây chằng chịt dây leo và cỏ dại, đến một con suối chảy róc rách, Nguyên ngồi lại nghỉ chân, cuộn giấy tròn trên tay, lời giáo huấn với dòng chữ chưa khô:

Như cô hạc ngàn năm suối trong không tìm lại

Như hoa nở một lần thiên thu là hiện tại.

***
Nguyên lặng lẽ xuống núi.

Mặc Không Tử