6 vị tăng sư, vị cao tuổi nhất là Thượng tọa Thích Tâm Hiện, 50 tuổi đời, 39 năm tu hành, trẻ nhất là Đại đức Thích Ngộ Thành, 29 tuổi đời, 8 tuổi đạo sẽ cùng hòa mình vào âm thanh tiếng chuông chùa ngân vang trên quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.
Đã gần đến ngày ra Trường Sa - quần đảo tiền tiêu phía Đông nước Việt, 6 vị tăng sư ở Khánh Hòa cùng chung tâm trạng vui mừng háo hức. Niềm vui trong lòng mỗi người không chỉ vì tâm nguyện của họ được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận, mà còn có dịp thể hiện lòng tri ân những chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc và bày tỏ tình yêu quê hương đất nước.
Buổi sáng đầu tháng tư, từ phố huyện Diên Khánh đi thêm một chặng đường len lỏi giữa mượt mà màu xanh cây trái tô điểm nét yên bình của miền thôn dã, tôi tìm đến chùa Tân Long tọa lạc ở thôn 4, xã Diên Phú. Tiếp chuyện với tôi là Thượng tọa Thích Tâm Hiện - một trong 6 vị tăng sư sẽ ra Trường Sa hành đạo.
Bằng phong thái từ tốn, Thượng tọa cho biết: “Tôi sinh trưởng ở thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh, 11 tuổi tôi đã xuất gia vào chốn tu hành. Sau một thời gian dài tu tập ở chùa Linh Sơn, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, thời gian gần đây tôi được điều đến chùa Tân Long”. Ngừng một lát, vị Thượng tọa có gương mặt phúc hậu tâm sự: “Đã có phúc duyên tu hành, cho dù đi đâu, ở đâu, mọi tăng sư đều hướng đến nẻo thiện. Qua các phương tiện truyền thông, tôi và nhiều tăng sư ở Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã hiểu thêm cuộc sống thường nhật của bộ đội và người dân ở Trường Sa. Giữa quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc quanh năm sóng gió xô đập, thiên tai khắc nghiệt, khó khăn thiếu thốn bộn bề, nhưng họ vẫn lặng lẽ hy sinh góp sức mình xây dựng vào bảo vệ đất nước. Hình ảnh đó đã thắp sáng trong tâm trí tôi ước nguyện ra Trường Sa trụ trì chùa Song Tử Tây cùng Đại đức Thích Thánh Thành, 33 tuổi đời, 20 năm hành đạo”.
Khác với vị tăng sư ở chùa Tân Long, Đại đức Thích Giác Nghĩa, 42 tuổi, đang trụ trì hai ngôi chùa Phước Trí ở miệt vườn quê Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương và chùa Vạn Đức ở phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang. Vị Đại đức này đã ba lần ra Trường Sa hành lễ cầu siêu những anh linh đã ngã xuống nơi đảo xa. Lần thứ nhất vào năm 2010, Đại đức ra đảo Trường Sa Lớn, cũng trong năm đó ông ra đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn. Năm ngoái, Đại đức trở lại đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây.
Đại đức Thích Giác Nghĩa kể chuyện ba chuyến đi Trường Sa.
Bằng chất giọng xứ Huế trầm ấm, nhẹ nhàng, Đại đức Thích Giác Nghĩa tâm sự: “Với tôi, ba chuyến đi ra Trường Sa có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp. Giữa phong ba bão tố, những cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang vẫn sáng ngời chất thép bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước”. Và từ ba chuyến đi đó, hình ảnh đảo chìm, đảo nổi giữa trùng khơi gắn với những cái tên Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn… đã thấm vào máu thịt nhà sư trẻ có ba thập kỷ tu hành, nên Đại đức Thích Giác Nghĩa vẫn khát vọng được ra hành đạo ở Trường Sa. Cùng đi với ông còn có người đệ tử - Đại đức Thích Ngộ Thành.
Đại đức Thích Giác Nghĩa bày tỏ: “Trong tâm thức tôi luôn có một tình yêu Trường Sa da diết lắm. Sau ba chuyến đi lần trước tôi đã mang về 4 cây bàng vuông trồng ở chùa Phước Trí. Lần này ra hành đạo ở chùa Trường Sa Lớn, tôi mang theo một bộ trống và chiếc chuông Bảo Chúng bằng đồng nặng hơn 20kg do tôi đặt đúc, trên bề mặt có khắc nổi chữ “Chuông chùa Trường Sa Lớn”.
Khi nghe tôi hỏi: “Điều gì đã khiến thầy tâm nguyện ra Trường Sa?”, Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết: “Các thế hệ cha anh chúng ta đã đổ máu xương nơi vùng biển đảo để bảo vệ chủ quyền đất nước, thân xác họ đã hòa vào với hồn thiêng biển cả, nên tôi cùng năm vị tăng sư ra Trường Sa để tri ân những người đã nằm xuống, cầu nguyện cho linh hồn họ siêu thoát, cầu nguyện hòa bình cho đất nước và nhân loại, đồng thời hỗ trợ đời sống tâm linh đồng bào ở đó luôn hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc. Trường Sa cũng là môi trường tốt cho việc hành đạo, bởi nơi đó là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Các bậc chơn tu ra Trường Sa hành đạo không chỉ phụng sự Phật pháp, mà còn góp phần cùng với quân và dân huyện đảo khẳng định và bảo vệ chủ quyền Việt Nam trước chính trường quốc tế”.
35 tuổi đời, 12 năm theo nghiệp tu hành, Đại đức Thích Đạo Biện – trụ trì chùa Long Thọ, ở phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa chia sẻ: “Đây là cơ hội tốt để tôi cùng các vị tăng sư hạnh nguyện trong việc tu tập, phụng sự Phật pháp nơi đảo xa, cầu nguyện bình yên cho đất nước. Cùng đảm nhận trụ trì chùa Sinh Tồn với tôi còn có Đại đức Thích Đức Hỷ đến từ chùa Hưng Long ở xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa”.
Cũng với tâm nguyện đó, Đại đức Thích Ngộ Thành bày tỏ: “Từ bao đời nay, tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc hướng tới an bình, hạnh phúc và hưng thịnh. Tôi là một tăng sư trẻ cần phải nỗ lực tu tập, nên tâm nguyện ra Trường Sa là muốn tìm cơ hội thử thách với chính mình, để hòa cùng hơi thở của đất trời, biển đảo của Tổ quốc, để sẻ chia khó khăn gian khổ với quân và dân huyện đảo”.
Vị tăng sư cao tuổi nhất ra Trường Sa lần này là Thượng tọa Thích Tâm Hiện, 50 tuổi đời, 39 năm tu hành; trẻ nhất là Đại đức Thích Ngộ Thành, 29 tuổi đời, 8 tuổi đạo. Dẫu chênh nhau về tuổi đời, tuổi đạo, nhưng họ đã, đang và sẽ cùng một chí hướng trên con đường đạo hạnh, cùng hòa mình vào âm thanh tiếng chuông chùa ngân vang trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Xin chúc các vị tăng sư tìm thấy hạnh nguyện trong những năm tháng tu hành ở huyện đảo Trường Sa.
Phan Thế Hữu Toàn
- Người Mở Lối Chùa Hương
- Đồng Nai: Khánh tuế Trưởng lão HT Thích Diệu Tâm
- Vụ clip "Đường Tông": VTC News "nhận trách nhiệm" và "xin lỗi" Tăng Ni, Phật tử
- Thống nhất kế hoạch tổ chức Tuần Văn Hoá Phật Giáo Tại Nghệ An
- Lễ thả đèn Hoa đăng trên sông Hương
- 1495 giới tử Đại Giới Hành Trụ Được Cấp chứng Điệp
- Phật Giáo Huyện Đức Trọng Họp Bàn Tổ Chức Đại Lễ Phật Đản 2556.
- "Đường Tông Thỉnh Bao Cao Su": Đang Đợi Lời Xin Lỗi
- Khánh Thành Tượng Phật Ngọc Lớn Nhất Thế Giới
- Giờ Trái Đất Tối Nay Có Gì Đặc Biệt?
- Ca Sĩ Phi Nhung Và 13 Đứa Con Chung Họ Phạm
- Trang Nghiêm Tổ Chức Đại Hội Phật Giáo Bình Phước Lần IV