Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Tin Tức Tin Trong Nước Tiểu Sử Cô Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Minh Và Điếu Văn Của Tăng Ni Tịnh Xứ Hương Nghiêm.

Tiểu Sử Cô Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Minh Và Điếu Văn Của Tăng Ni Tịnh Xứ Hương Nghiêm.

Email In PDF

Tiểu Sử Cô Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Minh Và Điếu Văn Của Tăng Ni Tịnh Xứ Hương Nghiêm.

Nam mô Ta bà giáo chủ điều ngự Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

Ngưỡng bạch Chư tôn Hòa thượng Thượng tọa Đại đức Tăng Ni.

Kính thưa toàn thể môn đồ pháp quyến, thế quyến cùng Phật tử đang hiện diện tại Đạo tràng Tịnh viên hương Nghiêm sáng hôm nay.

Trăng im lìm giữa Thiền đường

Người im lặng lắng nghe sương gọi thầm

Hỡi mù sa cõi trăm năm

Làm sao che được trăng rằm nguyên sơ.

Đầu mù sa cõi mộng có ngăn được ánh sáng yếu ớt tự cung Hằng chiếu xuống, nhưng làm sao che được vầng mãn nguyệt luôn ngự trị trên đỉnh trời nguyên ủy, tự bao đời vầng hằng hữu và chiếu diệu suốt xưa sau. Cũng vậy. Danh lợi phồn hoa có thể che mờ cái nhìn của nhân thế, nhưng những bậc chân tu đạo hạnh thì có thể thấu rõ cái đức, cái hạnh của người đã giũa mòn cái tên mình giữa ngày tháng hanh hao. Ni trưởng Thích nữ Huệ Minh người ở ngay trong lòng Tịnh xứ Hương Nghiêm, người vẫn luôn khẳng định sự hiện hữu của mình qua từng nhịp chuông khuya, từng hồi mỏ sớm, thế nhưng có thể có rất nhiều vị ở ngay trú xứ này vẫn không hề hay biết, huống là đối với thế nhân. Một triết gia Tây Phương đã từng nói: “Nếu người không chết trong tại thế, thì người không thể sống mãi trong thế ngoại phiêu nhiên”. Vậy! Ni trưởng Thích nữ Huệ Minh đã dám chết trong thế sự đa đoan, nên sư đã trường tồn trong tâm khảm Tăng Ni Tịnh xứ, và miên viễn nơi miền Tinh Độ trường lưu.

Trước giờ cung tiễn nhục thân cô Ni trưởng Trà tỳ, con xin mạo muội thay mặt Chư tôn tuyên đọc đôi dòng lược sử, và đôi dòng ai niệm tiễn đưa.

Ni trưởng thế danh Bùi Thị Cúc, sinh năm 1940 tại xã Vĩnh Lợi, thành phố Bạc Liêu. Thân phụ là cụ ông Bùi Văn Kể, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sáu.

Sanh ra trong một gia đình trung lưu, Tịnh tín Tam Bảo. Năm 1956, khi mới 17 tuổi xuân, Ni trưởng đã xin song thân đến quy y và xuất gia tu học với Đại lão Hòa thượng thượng Hồng hạ Tịnh tại chùa Viên Giác, Sài Gòn.

Trần duyên sớm dứt, tịnh nghiệp tinh tu. Từng theo học với các bậc tông sư, thường thị giả những bậc thầy mô phạn. Chẳng rõ Sư thọ Sa di năm nào, chẳng biết Sư trì Thức Xoa năm mấy. Chỉ biết mãi đến năm 1972, Sư mới được Thầy Tổ cho tấn đàn thọ cụ tại Ni trường Từ Nghiêm Sài gòn, do Sư trưởng thượng Như hạ Thanh vị tác đường đầu. Đủ biết tuy hạ lạp không cao, nhưng giới thân huệ mạng đã thọ trì qua nhiều năm tháng.

Năm 1970 theo gót chân bậc Thiền tăng tông tượng, trưởng lão thượng Thiền hạ Tâm, Sư đặt chân lên vùng đất Đại Ninh, vùng đất mà theo bản đồ địa dư thời trước gọi là miền đất chết. Thưở ấy Đại Ninh vẫn còn chim kêu vượn hú, rừng rậm sông hoang. Một chiếc thảo am, một thân cô lữ.

Năm tháng phôi pha, chuỗi hạt lần tay mòn nhân ngã
Mgày giờ lần lửa, toang kinh qua mắi rõ sắc không.

Sau năm 1975, Sư lập Tịnh thất Hương Qua ngay dưới chân Tịnh viện Hương Nghiêm, ròng rã suốt 3 năm nhập thất, Với người thế gian, nhập thất là sự trôn đời. Nhưng với người tu tập, nhập thất là sự đối diện với chính mình. Con người vĩ đại thật sự là người dám đối diện với nỗi cô liêu của chính mình trong từng đêm thảo ngày thơm.

Nếu không giám đối diện với nỗi cô liêu của chính mình thì mọi chuyện bên ngoài, dù nhân danh là Phật sự, là thuyết pháp độ sanh cũng chỉ là sự chạy chốn chính mình mà thôi. Ni trưởng Thích nữ Huệ Minh đã gặm nhấm thân phận của mình giữa lòng đời trái đắng mặt đen này qua từng câu niệm Phật, từng nhịp kinh khuya. Ba năm có lẽ là thời gian quá ngắn giữa dòng đời xuôi ngược, nhưng một ngàn đêm có lẽ đằng đẵng như nhiều kiếp luân lưu giữa dòng sinh mệnh bất tận. Sau 3 năm nhập thất kín, Sư lại tiếp tục ném mình qua bao ngày tháng hao gầy của nghiệp lữ. Cũng đi ra đi vào, cũng kinh hành thực phạn, nhưng chỉ những ai có đời sống phạm hạnh mới cảm nhận hết được cái đẹp rạng người nơi một bậc Ni lưu. Ba mươi năm trước, ba mươi năm sau cũng vậy, người ta thấy thấp thoáng một bóng Ni gầy, dưới làn sương bạc trên đinh dốc chập chùng, dưới tiều sanh bát ngát, lặng lẽ, trinh tuyền cùng công án tử sanh .

Ni trưởng đã ra đi, vào chiều ngày 13 tháng 08, hay đã ra đi từ thưở nào lâu lắm, hay vẫn còn nguyên sơ đó như chưa từng có sự chuyển di. Chao ôi! Từ bữa nọ tới bữa nay, từ những phút giây hay từ vô lượng kiếp giữa thiên thu vời vợi, sanh như thiên sam, tử như trước khổ, sanh tử thường nhiên, cánh vô nhị lộ.

Kính bạch Giác linh Ni trưởng!

Hạnh phúc lớn nhất của Tăng Ni Tịnh xứ Hương Nghiêm là được tiễn đưa những bậc chân tu vào cõi vô tung ngấm tích. Trong thịnh đức của Chư tôn giữa lòng Tịnh xứ Hương Nghiêm đầy đạo vị này, những người đến sau luôn biết rằng  mình có an lành trong yết ma Tăng thể hay không chính là nhờ thịnh khú của những bậc chân tu đã giấu mình trong im lặng. Những lời câu niệm hôm nay như cố níu giữ cánh nhạn ngang trời không. Nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm, những cánh nhạn hôm nay còn không cả ngấu tích, thì nhưng gì cần phải làm trong tang lễ hôm nay chỉ là làm cho người ở lại, phải không kính bạch Ni trưởng.

Áo xanh trả lại cho đời

Tóc xanh bỏ xuống hiên rồi một hôm

Người đi tìm xứ cô đơn

Dẫu cho hiu hắt chẳng sờn tử sanh

Người đi khép cổng sắt thanh

Gài tam giới mộng, đóng thành hư vô

Gĩa từ cõi nọ xanh xao

Thả muôn giọt lệ xuống bài ảnh trôi

Gót rèn khẽ chạm phớt thôi

Mà sao rung chuyển hồn tôi dị thường

Gặp nhau dưới bóng tình thương

Biết lấy chi để cúng dường kính dâng

Trăm năm thôi có một lần

Đôi lời tiễn biệt trong ngần nếp tu

Ngưỡng nguyện Chơn linh cố Ni trưởng Cao đăng Phật quốc, hội nhập Ta bà, hóa độ Ni chúng hữu duyên đường về biết giác.

Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới, Đại từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo sư A di đà Phật tác đại chứng minh.

Sau đây là một số hình ảnh:


Anh Tài


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: