Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Niết Bàn Luận - Hữu Dư Niết Bàn

Niết Bàn Luận - Hữu Dư Niết Bàn

Email In PDF
Mục lục bài viết
Niết Bàn Luận
Hữu Dư Niết Bàn
Dương Thể Của Vô Dư Niết Bàn
Niết Bàn Giới Của Pháp Tính Tuyệt Đối Với Những Tư Tưởng Đời Sau
Tất cả các trang

2. Hữu Dư Niết Bàn

Trên hình thức, trước hết hãy bắt đầu từ Hữu dư niết bàn . Ngay thân này mà giải thoát tức là đã đạt đến Hữu dư niết bàn. Đứng về phương diện tiêu cực mà nói thì đó là trạng thái đã diệt trừ hết mọi phiền não; nói theo nghĩa rộng là đã cắt đứt được mười thượng, hạ phận kết; còn nói theo nghĩa hẹp thì đó là sự thủ tiêu hoàn toàn ba độc tham, sân và si. Nếu lại luận từ căn bản thì đó là cái đương thể của sự phá trừ hết vô minh khát ái, tức là khử hết ngã chấp, ngã dục, chỉ còn cái đương thể hoàn toàn vô ngã.Về điểm này, Phật thường gọi Niết-Bàn là “tham, sân, si diệt”, “khát, ái diệt” (tanha nibbàna), và “vô minh diệt” v.v…Xét về từ ngữ niết bàn (nirvàna-nibbàna) thì nó bắt nguồn từ tiếng “dập tắt” (nirva), chính Phật đã dùng cái nghĩa này để chỉ cái đương thể đã “dập tắt” mọi phiền não, cho nên mới gọi là Niết-Bàn.

Như vậy thì phương diện tiêu cực tuy là thuộc tính trọng yếu của Hữu du niết bàn, nhưng, đồng thời, phương diện tích cực cũng không phải là không đáng kể. Như đã nói ở trên, để đạt đến niết bàn, tức giải thoát, cần phải có sự bộc phát nội bộ làm ánh sáng soi đường. Điều này không có nghĩa như phái Số Luận bảo sự tồn tại của Thần ngã là cái đương thể đạt được, mà cũng khác với phái Vê đan ta (Vedanta) cho là sự phát triển cái đương thể của Phạm. Trái lại, niết bàn là cái đương thể của phiền não đã bị tận diệt, nó là cái năng lực tích cực mới phát sinh mà từ xưa chưa từng được kinh nghiệm. năng lực tích cực này là nguồn gốc của sự bộc phát, cho nên cũng có thể bảo chính nhờ vào đó mà làm cho phiền não tận diệt. Như trường hợp của Phật, ròng rã sáu năm trời chuyên tâm chuyên trừ phiền não mà chưa thể thành công, nhưng chỉ ngồi tĩnh lặng tư duy trong khoảng bốn mươi chín ngày thì đạt đến đại bộc phát, là vì trong thời gian chuyên tâm tiêu diệt phiền não đã dưỡng thành cái năng lực tích cực rồi. Lại nữa , lúc ba mươi lăm tuổi thì Phật chứng niết bàn (parinibbuta) rồi sau đó tích cực hoạt động truyền đạo suốt bốn mươi lăm năm, vậy nếu không thừa nhận cái năng lực tích cực này thì không thể hiểu được những hoạt động ấy của Phật. Hơn nữa, điểm xuất phát của Phật tuy lấy việc giải thoát khỏi già, đau, chết làm mục đích, nhưng, trên thực tế, cho dù đã thành bậc Thánh, cũng không tránh khỏi được cái tai họa ấy; nghĩa là, bản thân Phật cũng đôi khi đau ốm, già yếu dần dần cho đến lúc tám mươi tuổi cũng không tránh khỏi cái chết. Tuy nhiên, Phật vẫn nói là đã thoát li già, bệnh, chết, không sợ sinh, lão, bệnh, tử và còn tin chắc là trong tương lai không còn sinh ra và chết đi nữa v.v…ấy cũng nhờ cái năng lực tích cực và sáng suốt trong nội bộ không còn dính líu đến sinh, già, bệnh, chết: Nhất là từ ngữ Niết-Bàn (nibbàna-nirvana), quyết không phải chỉ có nghĩa là dập tắt, nghĩa là ta hãy gác vấn đề ngữ nguyên(1) lại một bên mà chỉ bàn đến cách dùng từ ngữ này thôi thì ở thời đại Phật, nó được dùng để biểu thị cái cảnh giới diệu lạc tối cao. Chẳng hạn như Trường Hàm và kinh Phạm Võng (kinh Lục Thập Nhị Kiến) có đưa ra năm loại niết bàn hiện đại, mà bất luận là loại nào cũng đều chỉ cho cái cảnh giới tích cực thích ý, và trong đó cũng có chủ trương cho cảnh giới ham đắm thú vui ngũ dục là niết bàn hiện đại nữa. Vậy, nếu từ ngữ niết bàn chỉ có nghĩa là dập tắt, tiêu tan thì quyết đoán đã chẳng có những cách dùng như thế. Bởi vậy, cái mà Phật gọi là niết bàn cũng có nghĩa là cảnh giới diệu lạc tích cực. Lại nữa, Phật bảo niết bàn là cảnh giới bất tử (amala), là nơi tuyệt đối an ẩn (yogakikhama), là mát rợi (sitibhava) vân vân, đích thực cũng là nói về cái năng lực tích cực ấy. Bởi thế, cái lí do Phật lấy lí tưởng thường, lạc, ngã, tịnh là trung tâm, cầu mong đạt đến niết bàn mới thỏa mãn hoàn toàn là ở chỗ đó.

(1) Về ngữ nguyên của Niết-Bàn, xem luận án của Dr W. Stel trong Jonrnal of Pàli Text Society (1919-20).

“Tỷ khưu! Bất sinh (ujata), bất thành (abhuta), vô tác (akata), vô vi (ankhata), Tỷ Khưu, nếu không có bất sinh, bất thành, vô tác, vô vi thì sinh, thành, tác, hữu vi không có chỗ y chỉ (nissarana). Tuy nhiên, Tỷ khưu, vì có bất sinh, bất thành, vô tác, vô vi nên sinh, thành, tác, hữu, vi mới có chỗ dựa(1)”.


Bất sinh, bất thành, vô tác, vô vi là chỉ cho cái đương thể của niết bàn, vì có cái đương thể của niết bàn nên thế gian sinh diệt mới có chỗ dựa tối hậu. Như vậy thì niết bàn quyết không phải là cảnh giới tiêu diệt, tán hoại hay dập tắt.

Tóm lại, cảnh giới Hữu dư niết bàn, về phương diện tiêu cực, là nơi không còn phiền não, đồng thời, về phương diện tích cực, thì đó là căn cứ của cảm giác về cái năng lực thường hằng bất biến. Bất luận khảo sát về phương diện lực dụng của nhân cách người thể nghiệm, hay về phương diện suy đoán đạo lý, người ta đều không thể phủ nhận hai ý nghĩa trên đây của niết bàn. Chỉ vì Phật giáo không dùng nguyên lí biểu hiện cái gọi là Thần (Isvara), Phạm (Brahman), Thần ngã (Atman) vân vân, nên, khi diễn tả, chỉ khuynh hướng về hai phương diện tiêu cực và tích cực mà thôi. Về sau người ta miễn cưỡng gọi cái năng lực tích cực không thể dùng ngôn ngữ bình thường để diễn tả được ấy là cái “Sức không” (Không lực).

(1) Itivuttka 43 text p. 37.