Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Sự Tu Đạo Của Tín Đồ - Những Điều Kiện Để Thành Tín Đồ

Sự Tu Đạo Của Tín Đồ - Những Điều Kiện Để Thành Tín Đồ

Email In PDF
Mục lục bài viết
Sự Tu Đạo Của Tín Đồ
Những Điều Kiện Để Thành Tín Đồ
Cảnh Giới Tín Đồ
Tất cả các trang

2.Những Điều Kiện Để Thành Tín Đồ
Cái điều kiện thứ nhất để trở thành một tín đồ tu đạo dĩ nhiên là quy y Tam Bảo, tức quy y vị giáo chủ là đức Phật, quy y giáo pháp của Phật truyền cho và quy y theo những người tu hành theo đúng giáo pháp ấy là Tăng-Già (giáo đoàn).

“Thế Tôn, ngài là bậc A-La-Hán, đẳng chính giác, minh hạnh cụ túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, Phật, Bạc-già-phạm.

Y vào pháp Thế Tôn nói, pháp ấy là hiện thấy (Sanditthika), thường hằng (akalika), thực chứng (ehi-passaka), đạo dẫn (opanayika), y vào tri tuệ có thể hiểu được hết (paccatam veditabbo vinnùhi). Nỗ lực biết bao, thánh chúng của Như Lai! Chân trực biết bao thánh chúng của Như Lai! Chính hạnh biết bao, thánh chúng của Như Lai! Ðó chính là các bậc tứ song bát bối của Như Lai, là những người đáng được cúng dàng, tôn kính, là phúc điền vô thượng của thế gian” (1).

Trên đây là lý do của sự quy y, cũng tức là tâm tín ngưỡng, được mệnh danh là tín cự túc (saddàasampanna) là điều kiện tiên khởi của tín đồ. Do đó, có lời văn phát thệ như sau:

“Quy y Phật (Buddham saranam gacchami).

Quy y Pháp (Dhamm saranam gacchami)

Quy y Tăng (Sangham saranam gacchami).”

Đó là văn quy y Tam Bảo. Tuy trước hết có phật, thứ đến có pháp rồi do đó mới có sự thành lập Tăng-Già, nhưng sở dĩ có hình thức trên là vì cả ba Phật, Pháp, Tăng hợp làm một thì các cơ quan cứu độ chân chính của Phật giáo mới được coi là hoàn thành. Sự quy y của tín đồ tức là quay về với Tam Bảo. Duy theo tinh thần của Phật thì Tam Bảo rốt cùng cũng chỉ là nhất thể, do đó, dĩ nhiên bất cứ xuất phát từ một phần nào trong ba để đi đến tín ngưỡng thì kết quả cũng đều cùng như Tam quy.

(1) A. 111, p. 212; Trang 30, Ưu-Bà-Tắc kinh; cáp bản. p. 144.

Tại sao con đường đi đến giải thoát lại phải cần có Tam Quy? Vấn đề này nói theo tinh thần của Phật, đạo giải thoát vốn là pháp tự nhiên như thế (Pháp nhĩ như thị), nhưng duy chỉ có phật là người có thể nhận thức và thể nghiệm nó một cách chân chính, và cũng chỉ có đệ tự Phật mới là những người tu hành theo pháp ấy một cách đúng như thực, bởi vậy ngoài sự quy y Tam Bảo ra không có giáo pháp giải thoát chân chính nào khác. Cái lý do cắt nghĩa tại sao Phật một mặt đề cao Tam quy, mặt khác, đồng thời lại cấm chỉ sự quy y những giáo pháp và thần miếu (Cetiya) khác cũng là ở đó. Do đó, dĩ nhiên cái gọi là Tam Quy và chí tâm quy y là niềm tin không phải tiếp thụ một cách mù quáng mà là niềm tin do đã hiểu rõ giáo pháp mà có. Tức những thiện nam, tín nữ, sau khi lãnh thụ sự cảm hóa của Phật và các đệ tử Phật, nhờ hiểu rõ giáo pháp mà tin chắc rằng, ngoài giáo pháp ấy ra không có một con đường giải thoát chân chính nào khác, và lấy nó làm pháp nhập môn: đó là một sự thật lịch sử. Phật bảo là trí tuệ cụ túc (pannàsampanna)và tín cụ túc, cũng như nhau đều cho đó là điều kiện của một tín đồ lý tưởng. Hiểu giáo pháp ở đây không có nghĩa là đối với pháp Tứ Ðế tin chắc rằng thế gian là vô thường, là khổ mà nguyên nhân của khổ là hoàn toàn do dục vọng, và phương pháp diệt khổ là ở sự tu hành chính đạo, nhờ kết quả ấy đi đến giải thoát: đó là con đường giải thoát chân chính. Tức dựa vào niềm tin chắc chắn ấy, một tín đồ tại gia có thể chế ngự được nguyên nhân gây ra khổ đau là dục vọng, và những phiền não do dục phát động để ngăn ngừa việc ác, tu theo lẽ thiện và luôn luôn làm cho tự tâm thanh tịnh, đó là điểm then chốt trong việc tu đạo của tín đồ. Còn về nghĩa vụ đối với giáo đoàn thì chính mình đã là một phần tử trong bốn chúng (Tỷ khưu, Tỷ-Khưu-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di gọi là bốn chúng) cho nên cũng có trách nhiệm, và trách nhiệm chủ yếu là tài trợ, tức tùy hỷ cúng dường các Tỷ-Khưu, Tỷ-Khưu-Ni và được gọi là thí cụ túc (Agasampanna), cũng như tín cụ túc và tuệ cụ túc đều là một trong những điều kiện của tín đồ.  

Nếu nói một cách chặt chẽ thì ngay trong sự quy y Tam bảo cũng đã có ý nghĩa thực hành tu đạo rồi, bởi vì trong Tứ-Ðế đã bao hàm sự thực hành tám con đường chân chính vậy. Duy đứng về phương diện thực tế mà nói, ở cõi Dục mà tu đạo thì cái gọi là ngăn ngừa dục vọng và làm cho tâm thanh tịnh chủ yếu là vấn đề trình độ, khi ứng dụng vào thực tế thì tất nhiên phải thiết lập các quy định thực hành làm tiêu chuẩn: đó tức là điều kiện giới cụ túc (silasampanna) mà, nếu nói theo nghĩa rộng, bao hàm trong các vấn đề đạo đức đã được trình bày ở chương trước, nhưng nếu chỉ nói theo nghĩa hẹp thì đó chính là sự giữ năm giới (pancasila) và trì trai (mah’uposatha).

Như đã nói ở chương trên, năm giới là sự thề nguyện trọn đời giữ năm điều răn sau đây:

1. Không giết hại (Pànàtipatà pativirato hoti)

2. Không trộm cắp (Adinnadà pativirato hoti)

3. Không gian dâm (Kamesu micchachacàrapativirato hoti)

4. Không nói dối (Musàvàda pativirato hoti)

5. Không uống rượu (Susa-meraya-majja panàdatthàvàpativirato hoti)

Trong năm điều này, bốn điều trên là những điều mục xa lánh chính những hành vi tội ác (tính ác), còn điều thứ năm là vật cám dỗ, là điều mục xa lánh cái gọi là gia tội. Ðứng về phương diện lịch sử mà nói thì, như đã trình bày ở trên, dĩ nhiên, năm giới không phải Phật đã đặt ra đầu tiên mà ít ra, có thể nói, bốn giới trước đã bắt nguồn từ Pháp Kinh, hơn nữa, chúng đã là những quy định của tôn giáo nhất ban thời bấy giờ. Tuy nhiên, cái đặc sắc của Phật giáo, mà các tôn giáo khác cũng vậy, thay vì là vật quy định thì lại là cái tinh thần và thái độ khi thực hành. Có lẽ Bà-La-Môn đương thời chỉ có quy định mà thiếu tinh thần. Nói cách khác, tuy cho việc không giết hại là quý, nhưng tế lễ thì lại tàn sát thú vật một cách nhẫn tâm và như thế thật là mâu thuẫn và buông thả. Ngược lại, Kỳ-nàng-giáo thì lại giữ gìn một cách quá nghiêm khắc đến nỗi chỉ rước lấy khổ vào thân, như vậy không tránh khỏi sự thiên chấp, duy có pHật là giữ thái độ trung đạo trong việc xử lý năm giới, nghĩa là không quá buông thả mà cũng không đi đến cực đoan, hễ điều gì không được làm thì tránh, nhưng cốt lấy tinh thần làm chủ. Chẳng hạn như giới thứ năm không uống rượu chỉ là điều mục tu dưỡng của Bà-La-Môn trong kỳ Phạm Chí mà thôi, nhưng phật lại biến cho tinh thần kiện kháng là điều quan trọng biết chừng nào đối với việc tu dưỡng đạo đức và tôn giáo: có thể nói, đó là một đặc sắc lớn của giới luận Phật giáo. Tuy nhiên, các cuộc vận động cấm rượu không phát khởi ở các nước Phật giáo mà lại được phát động tại các quốc gia theo Cơ-đốc-giáo mới thật là điều bất khả tư nghị.

Năm giới tuy là những điều thề nguyện trọn đời nhưng trừ giới uống rượu, còn bốn giới kia là chỉ đối với tha nhân.

Đến việc trì trai (mah’uposatha) thì mới chính là pháp tu dưỡng khắc kỷ đối với bản thân. Tức hàng tháng vào những ngày nhất định như nửa tháng (rakkha) ngày mùng 1, mùng 8 và ngày 15, phụng hành ngay Bá-Tát (uposatha), hoặc một tháng sáu kỳ mà người ta thường gọi là Lục trai (sáu ngày trai). Tín đồ Cơ-Ðốc lấy ngày chủ nhật, tín đồ Do-Thái giáo lấy ngày thứ bảy làm ngày khắc kỷ, và Phật Giáo đồ thì lấy những ngày kể trên làm ngày trai giới. Những điều kiện mục trọng yếu của trai giới như sau:

1. Ngoài giờ ăn nhất định ra, không được ăn vặt (vikà-labhojà pativirato = không ăn phi thời)

2. Không coi múa hát, không thoa son phấn, nước hoa v.v… (Naccagitavadita visuka dassana pativirato mela-gandha-vilepana dhàrana mandana vibhusanatthàna pativirato)
3. Không nằm giường cao chiếu rộng (uccayana-maho-sayana pativirato)

Thông lệ, cộng thêm vào với năm giới trên gọi là Bát trai giới (atthangika mah’ uposatha). Ðứng về mặt lịch sử mà khảo sát thì, như đã nói ở trên, phần lớn pháp trì trai cũng bắt nguồn từ những điều mục tu dưỡng của Phạm Chí, nhưng Phật đã biến nó thành phổ thông cho mọi tín đồ và lại định vào những ngày giờ nhất định cho việc thi hành thì thật là phương pháp điệu dụng vậy. Tóm lại, trì trai hoàn toàn đối với chính mình, tuy còn ở thế gian nhưng cũng thực hành đúng như La-Hán để dưỡng thành sự sinh hoạt tâm linh siêu thế gian cho bản thân, đó chính là sự sinh hoạt đôn giáo “làm cho tự tâm thanh tịnh” và là một chế độ rất được tôn trọng.

Ba điều mục thụ Tam Quy, giữ năm giới và trì trai, vì người làm việc thiện, đồng thời, làm cho tự tâm thanh tịnh là tiêu chuẩn tu đạo của tín đồ tại gia (1). Phật gọi những người tu hành các pháp ấy là Thánh Thanh Văn (Ariyasavaka). Tóm lại, những giới điều trên đây là tiêu chuẩn quy định sự sinh hoạt của các tín đồ mà trong cái gọi là “luân lý nhất ban” trình bày ở chương trước cũng phải có mới có thể hướng tới đạo giải thoát chân chính.

(1) Xin tham khảo các kinh: Ba-Li, Tăng-Nhất, Bộ = Upósakavagga, tức III, pp 203-217. Trung Hàm 30. Ưu-Bà-Tắc-Kinh. S. V, p. 395. Tạp 33, cáp bản, p. 662 Trung-Hàm, 55, Trì Trai Kinh, Ấn-Ðộ-Triết-học-Tôn-Giáo-Sử, IV, 255-258.