Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Nhận Xét Qua Về Sự Tương Tục Sau Khi Chết

Nhận Xét Qua Về Sự Tương Tục Sau Khi Chết

Email In PDF

2. NHẬN XÉT QUA VỀ SỰ TƯƠNG TỤC SAU KHI CHẾT

Cho được tiện lợi, trước hết hãy bàn về tình hình nhất ban của luân hồi. Con người ở đời phải có một thân phận nhất định, đó là tính tất nhiên của sinh mệnh; từ lúc sinh ra cho đến khi chết, hoạt động không ngừng, đó tức là sự sống (biva), hay còn được gọi là thọ mệnh (agus). Những đặc trưng biểu hiện ra ngoài, nói về nhục thể, thì có khí ấm (usma – noãn khí), có hô hấp, nói về tâm lý, thì có thức, tóm lại, là có thọ, noãn, thức, tức có cái gọi là sinh mệnh vậy, (1) Rồi, đến một thời hạn nhất định, thọ, noãn và thức không còn có thể duy trì được sự điều hòa giữa chúng và thoát ra ngoài thân thể: đó tức là chết, là thọ tận, (ayusankhaya), là sự tan loãng của tứ đại. Nhưng, vấn đề được nêu ra là: tại sao đến một kỳ hạn nhất định thì phải chết? Về điểm này, tuy không có một thuyết minh đặc biệt rõ ràng, nhưng nó là một sự thật không thể che dấu. Nếu nói một cách đại khái thì điều đó là tác dụng của nghiệp, tức cái gọi là tự nhiên nhi nhiên.

Hai pháp thường theo nhau, đó là nghiệp và thọ, không nghiệp thì cũng không thọ. Nếu nghiệp và thọ không tiêu mất thì hữu tình sẽ không chết, còn nếu nghiệp và thọ tận diệt thì hàm thức (hữu tình) tất phải chết, (2)

Nghiệp ở đây có nghĩa là cái sức nghiệp chỉ bảo tồn trong một thời hạn, nhờ sức ấy mà có thọ, và khi sức diệt thì thọ cũng hết; đó là sự thuyết minh giữa nghiệp và thọ tận. Tóm lại, có sinh thì tất có diệt, đó là cái vận mệnh do luật tắc tự nhiên quy định. Nhưng, theo Phật thì mệnh số của con người không phải tuyệt diệt với cái chết; hoạt động của ý thức tuy có ngưng lại vì sự tiêu hoại của năm căn nhưng, cái ý chí sống căn bản, tức vô minh, lấy những kinh nghiệm (tức nghiệp) lúc còn sống làm tính cách, khắc sâu những ấn tượng mà kế tục, tính cách ấy khi khai phát, sẽ có đủ khả năng tính hình thành năm uẩn và, để thích ứng, sẽ tự thể hiện thành sức sáng tạo đặc định của hữu tình. Duy có điểm là ta không thể cho cái đương thể của sinh mệnh cũng như sự tồn tại không gian, dưới một hình tượng và di động tại một nơi nào đó. Bởi vì khi nói đến tồn tại không gian, dĩ nhiên sẽ liên tưởng đến vật chất nhưng đương thể của sinh mệnh thì lại là sự tồn tại phi vật chất, cho nên không thể xử lý nó như một vật không gian. Ðiểm này cứ xem Phật bảo chúng sinh ở cõi vô sắc không có xứ sở, không nhận hữu tình sinh hoạt thuần túy tinh thần có xứ sở thì đủ rõ. Tức là, hữu tình ở cõi Vô-sắc trong hiện-thực-giới không thể được coi là sự tồn tại không gian, xa lìa mọi thân tướng, thu nhiếp tất cả mọi hoạt động ý thức vào ý chí căn bản của sinh mệnh thì làm sao mà coi là đồng với vật chất được. Ðó là bất đồng lớn giữa chủ thể luân hồi của Phật giáo và linh hồn quan nửa vật chất phổ thông thời bấy giờ. Nếu đứng trên lập trường chân đế của Phật mà nói thì đương thể của sinh mệnh cũng như cái mà ngày nay gọi là phạm vi thuộc giai đoạn thứ tư (The fourth dimension), nhưng điểm này cũng là điểm khó giải thích về luân hồi quan của Phật giáo. Về sau, thường đưa ra thuyết thân Trung Hữu (antarabhava) và dịch là không gian để giúp cho người thường dễ hiểu, kết quả là thuyết Trung Hữu chân đế đã được thông-tục-hóa. Còn như đương thể của sinh mệnh chung cùng không thể lấy sự tồn tại không gian mà đo lường được.

(1) M. 43 Mahavedella 11, p. 296; Trung, 58 Ðại-Câu-Hi-La, trang 267: D. 23. Payasi 1, p. 335; Trường, cáp bản, 7, trang 800


(2) Bản tự kinh 5-6, 11a.

Song, cái đương thể của sinh mệnh ấy làm thế nào để lại tự thực-hiện-hóa? Về vấn đề này, như sẽ trình bày sau, theo Phật, cái phương pháp thực-hiện-hóa ấy có bốn loại là: thai sinh (loài đẻ bọc), noãn sinh (loài đẻ trứng), thấp sinh (loài đẻ ở chỗ ẩm ướt), và hóa sinh (loài tự nhiên mà sinh). Nhưng ở đây chỉ trình bày về phương pháp thực-hiện-hóa bằng thai sinh thôi. Trước hết phải có sự giao hợp của nam, nữ, tức là bước đầu trong việc thực-hiện-hóa. Sự giao hợp ấy, nếu đứng về phương diện nam nữ mà nhận xét, thì đó là để thỏa mãn dục vọng của bản năng mà có, nhưng, nếu đứng về phương diện thực-hiện-hóa sinh mệnh của con người mà nhận xét, thì đó là vì sức sáng tạo của nghiệp, thực hiện tự thân mà giao hợp. Trong kinh bảo khởi lên cái hiện tượng thác thai ấy là cha, mẹ và Càn-Thát-Bà (gandhabba – hương thấm) cả ba hòa hợp mà có hiện tượng thác thai. Càn-Thát-Bà ở đây là mượn danh từ thần thoại, dùng với nghĩa muốn thực-hiện-hóa sinh mệnh. Ở chỗ khác thì gọi là thức của sinh mệnh lấy sự giao hợp của cha mẹ làm duyên để hiện-thực-hóa là bắt đầu của hữu tình thai sinh. Do đó sinh mệnh siêu không gian, ít ra là về mặt tự thể, cũng phải chịu sự quy định của không gian mà có được cái thân phận nhất định. Rồi những hoạt động hiện thực trải qua năm giai đoạn trong thai, cho đến ngày xuất sinh, tìm cầu sự thích ứng thân phận, tức là tái sinh vậy. Cái quá trình của sự tái sinh từ trước khi sinh đến sau khi chết đại khái là như thế. Bởi thế, hiện tượng chết, nếu nhận xét trên bề mặt, thì tựa hồ như tuyệt diệt, nhưng, nếu nhận xét về mặt đương thể của sinh mệnh, thì nó vẫn có khả-năng-tính ngũ uẩn kế tục, thậm chí thích ứng tính cách củ nó lại đi đến hiện thực hóa, vì trong quá trình ấy luôn luôn tích tụ ngũ uẩn mới thay cho ngũ uẩn đã giải thể. Tóm lại, tái sinh chẳng qua là kế thừa ngũ uẩn biến hóa của tiền sinh mà thôi.

“Có nghiệp báo, không người tạo tác, ấm này (ngũ uẩn) diệt rồi ấm khác tương tục”.

Ðiểm này, kinh Di-lan-đà (Milanda Panha) và Luận Trí-Ðộ (1) thí dụ như một ngọn đèn này lan sang một ngọn đènk hác để nói rõ ý nghĩa liên tục bất đoạn.

(1) Milanda Panha p. 10: trí Ðộ Luận, quyển II, trang 80b

Cũng như con tằm hóa thành nhộng, nhộng biến thành con ngài, biến thái như nhau và liên tục. Như vậy, người ta cũng dễ hiểu luân-hồi-quan của Phật giáo.

Song, vấn đề được đặt ra ở đây là: nếu bảo tổ chức thân tâm của con người là do sự kế tục của ngũ uẩn ở kiếp trước, thì tại sao người ta lại không nhớ được cái việc ở kiếp trước? (1) Ðứng về phương diện giáo nghi của Phật giáo mà nói thì đây không hẳn là một vấn đề nan giải. Tại sao? Vì, như đã nói ở trên, theo Phật, bản chất của sinh mệnh quan không phải là trí thức mà là ý chí, cái ký ức đi đôi với trí thức sẽ tiêu tan cùng một lúc với sự tái sinh. Kinh Ðại Duyên trong Trường Hàm tuy bảo thác thai là thức đi vào thân thể của người mẹ, nhưng thức lúc đó rốt cục chỉ là ý chí vô ý thức, tức là sinh mệnh được gọi khác đi, chứ quyết không phải chỉ cho ý thức. Cứ xem trường hợp Tỳ-Khưu Trà-Ðế (Sati) cho rằng thức (vinnana) là chủ thể của luân hồi mà bị Phật quở trách rất nặng thì đủ rõ. (2) tức đã không phải là thức thì không thể nhớ được những kinh nghiệm ở kiếp trước, đó là lẽ tự nhiên. Ðứng trên lập trường thuyết Ý chí bản vị mà nói thì ký ức, đối với cùng một nhân cách, bất quá chỉ chiếm cái giá trị thứ hai, thứ ba mà thôi.

(1) Milanda Panha, p, 7


(2) M. 38 Mehatanhassanhhaya; Trung-Hàm quyển 45, Trà-Ðế-Kinh.

Như Phật nói, đến địa vị thánh nhân thì không những các việc ở kiếp trước mà ngay các việc ở kiếp sau cũng có thể hiểu được. Ngày xưa chính đức Phật cũng đã thường nói về kiếp trước của người ta, đồng thời, cũng chỉ cho người ta thấy cái vận mệnh sau khi chết. (1) Vì đã là bậc thánh thì thường thấy suốt bản chất của sinh mệnh, biết rõ được quá khứ, vị lai của mọi ấn tượng tính cách (nghiệp). Ðây không phải là ký ức phổ thông mà người thường có thể làm được, bởi thế, người thường căn cứ vào cái có, không của luân hồi là trái với lập trường của Phật giáo. Cái mà Phật giáo gọi là luân hồi là hoàn toàn luận về cái tính cách vô ý thức vậy.

(1) Xem Trường Hàm, 5. Xa-nê-sa kinh; D, 18 danavosabha; Trung Hàm, 57, Tiễn Mao Kinh: Ma-Ha-Ðà, 79, Culasakulundagi: Trung, 83, Tam Tộc tính tử kinh; Ma-Ha-Ðà, 68, Malakapana v.v…