Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Nghiệp Và Luân Hồi

Nghiệp Và Luân Hồi

Email In PDF

CHƯƠNG IV

NGHIỆP VÀ LUÂN HỒI

1, Ý NGHĨA LUÂN HỒI QUAN TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO

Những điểm này đã được trình bày trong hai chương trước là mới chỉ lấy tổ chức của hữu tình ở hiện tại làm chủ yếu để nói về những hoạt động tâm lý nhất ban mà thôi. Nhưng, theo Phật, sự sống của người ta quyết không phải chỉ trong một thời kỳ mà, vì nghiệp lực, là sự tồn tục vô thủy vô chung, và, thích ứng với tính chất của nghiệp, con người sinh vào nhiều cảnh ngộ và dưới những hình trạng sinh vật khác nhau: đó là thuyết “y nghiệp luân hồi” (samsara – lưu chuyển). Thuyết y nghiệp luân hồi dĩ nhiên không phải bắt nguồn từ Phật giáo, mà tư tưởng này của Ấn Ðộ đã xuất hiện từ cuối thời đại Phạm Thư, và mãi đến thời đại Áo-Nghĩa-Thư nó mới được hình thành cùng một lúc với thuyết thường ngã, về điểm này, tôi đã nói rồi. (1) Từ đó trở đi giáo lý ấy đã dần dần được nhất-ban-hóa, và đến thời đại Phật, trừ những nhà duy-vật-luận cực đoan, nhân-thế-quan này dưới một hình thức nào đó, đã được tất cả các học phái thừa nhận. (2) Cứ xem thế thì luân-hồi-quan và Nghiệp-quan của Phật giáo, có thể nói, tất kính cũng đã bắt nguồn từ giáo lý nhất ban ấy. Nhưng, Phật giáo khác với các giáo phái khác. Các phái, nếu thu dụng thuyết nghiệp và luân hồi thì tất cũng thừa nhận có cái ngã thể thường còn; trái lai, như đã nói ở trên, Phật giáo thì cho sinh mệnh do nhân duyên cấu tạo mà chủ trương vô-ngã-luận. Nghiệp luận và luân-hồi-luận của các phái có liên quan đến thường ngã mà phát khởi, tức các phái, trong khi thuyết minh về sự tương tục của linh hồn sau khi chết, bảo rằng tự ngã như viên đạn, nhờ hỏa lực của nghiệp đưa đến một nơi nhất định, rồi lại từ nơi ấy, nhờ hỏa lực mới đưa đến một nơi khác, như thế là căn cứ vào sự bất diệt của linh hồn mà nhận có luân hồi. Ðối lại, Phật giáo không thừa nhận sự hằng tồn của viên đạn mà chỉ thừa nhận hình thức luân hồi nhờ vào hỏa lực mà thôi. Như thế, mới nhìn qua, giữa vô-ngã-luận và luân-hồi-luận của Phật giáo hầu như mất sự điều hỏa; đức Phật đã bị vây hãm vào giáo lý luân hồi luận mà không biết hay chỉ vì khi đối đáp với người đương thời mà dẫn dụng thuyết cũ thôi? Ðó là vấn đề khiến người ta không thể không nghĩ đến.

(1) Ấn-Ðộ-Triết-học-Tôn-Giáo-Sử, trang 275-284 và 350-365


(2) Như trên trang 509-510

Trong số các học giả Phật giáo Âu, Mỹ ngày nay cũng có nhiều người thắc mắc về điểm này. Như nhà đại Phật học Rhys Davids cũng đã bày tỏ như sau

Có thể cho đây là ý kiến đang thịnh hành ở thời bấy giờ mà được thêm vào giáo lý căn bản của Phật giáo nhưng hoàn toàn không có một chút dung hợp với luận lý của giáo lý căn bản (1).

Theo tôi, dĩ nhiên, không thể cho sự phê bình trên đây là chính xác, nhưng nhận xét trên bề mặt, ý kiến ấy vẫn có điểm có thể chấp nhận: đó là một sự thật. Ðúng thế, khi Phật xử lý về thuyết này thì thường chỉ chú ý đến phương diện thực tiễn chứ không hề lưu tâm về mặt lý luận, cho nên không thể tìm ra sự dung hợp với luận lý, đây là vấn đề mà các nhà Phật học xưa kia cũng cho là khó khăn. Nhưng đứng ở một phương diện khác mà khảo sát, thuyết nghiệp và luân hồi có một ý nghĩa rất trọng yếu đối với nhân-sinh-quan Phật giáo, nếu không có nó thì không thể nào thuyết minh được những hình tướng nhân sinh, thậm chí không thể nói rõ chỗ quy hướng của lý tưởng nhân sinh. Vì tính cách trọng yếu của nó như thế nên không thể bảo nó là vật không tương dung với luận lý được. Song, nếu thế thì làm cách nào để điều hòa thuyết vô ngã và thuyết nghiệp?. Từ xưa, đây là một vấn đề trọng đại của Phật giáo, và lấy đó làm trung tâm triển khai mọi giáo lý. Theo chỗ tôi biết, sở dĩ có sự khó khăn ấy là vì người ta hiểu vô-ngã một cách quá máy móc. Nếu ta hiểu được sinh mệnh quan của Phật một cách đúng đắng thì, trái lại, có thể thấy thuyết nghiệp và thuyết luân hồi chỉ sau khi du nhập Phật giáo mới có đầy đủ ý nghĩa triết học chân chính. Bởi thế, đối với vấn đề này, ở đây chúng tôi lại xin được luận cứu và so sánh với sinh-mệnh-quan đã được trình bày ở chương trước để có thể hiểu rõ luận lý của thuyết luân hồi ở chỗ nào.
(1) Rhys Davids; Early Buddhism, p. 77.