Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Cơ Quan Cảm Giác

Cơ Quan Cảm Giác

Email In PDF

2.CƠ QUAN CẢM GIÁC

Trước hết hãy nói về cơ quan cảm giác. Những cảm quan của người ta được chia thành mắt (cakkha – nhãn), tai (sata – nhĩ), mũi (ghana - tỵ), lưỡi (jihoa - thiệt), thân (kaya, hay tacca – xúc cảm) gọi là năm căn. Sự phân loại này đã có từ thời Áo-Nghĩa-Thư và từ đó tất cả các học phái đều thừa nhận. Phật giáo cho đó là toàn thể cơ quan nhận thức ngoại giới, bởi lẻ sự phân loại ấy căn cứ vào sự thật hiển nhiên chứ không cần phải đưa ra một ý kiến đặc thù nào. Tuy vậy, giữa các phái cũng có những ý kiến hơi khác nhau về vấn đề do đâu mà năm cảm quan được thành lập. Về vấn đề này, trong Áo-Nghĩa-Thư tuy không được rõ ràng, nhưng đại khái có thể cho chúng đã phân tiết từ Phạm rồi trải qua quá trình phát triển mà thành. Phái Số-Luận thì một mặt chủ trương do Ngã mạn (ahanhara) phát triển, đồng thời, mặt khác, lại vẫn bảo tồn ý kiến cho rằng chúng được thành lập bởi năm yếu tố đất, nước, lửa, gió, và không. Ðến phái Thắng-luận  thì cho chúng đã phát triển từ năm đại, song lại bảo mỗi đại tức đất, nước, lửa, gió và không tự nó hình thành mũi, lưỡi, mắt, da và tai v.v… Tóm lại, bất cứ phái nào cũng đều cho ngũ căn có ý nghĩa nửa tâm lý nửa sinh lý. Do đó, dù cho chúng có là vật chất đi nữa nhưng cũng do bộ phận cực vi diệu (saksmabhuta - tế vật chất) tạo thành mà con mắt thịt thông thường không thể thấy được. Tất cả các phái đều cùng một ý kiến về sự giải thích này, bởi vì cái mà họ bảo là căn (indriya) không phải là tai, mắt biểu hiện bên ngoài là phù-trần-căn mà có nghĩa chỉ cái tác dụng tiềm ẩn bên trong, được gọi là thắng-nghĩa-căn vậy (nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay thì đó là tương đương với tổ chức thần kinh).

Song, về điểm này, Phật đã bày tỏ ý kiến như thế nào? Nói một cách đại thể thì ý kiến của Phật cũng không khác mấy với những quan điểm kể trên.

“Nội nhập sở ấy (căn) là gì? Mắt là nội-nhập-sở, là tịnh sắc do tứ đại tạo thành mà không thể thấy được, vì có chướng ngại (hữu đối). Nội-nhập-sở của tai, mũi, lưỡi thân cũng thế”. (1)

Ý nghĩa trong đoạn văn trên đây cho rằng năm căn là những vật do bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió tạo thành, tuy không thể thấy nhưng không thể cho vật gì khác xâm nhập và là sự tồn tại chướng ngại. Ý kiến này đại khái cũng tương tự như quan điểm của phái Thắng-luận ở chỗ không cho mỗi yếu tố tự nó đưa đến căn đặc thù, tức mỗi yếu tố tự hình thành căn riêng của nó, nhưng tổng hợp toàn thể bốn yếu tố mới tạo thành các căn: đó là điểm bất đồng giữa Phật giáo và phái Thắng-luận. Nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là: bốn yếu tố (tứ đại) tổng hợp như thế nào để thành năm căn? Tại sao lại bảo hình tướng của năm căn là tịnh sắc? Về những vấn đề này, theo chỗ tôi tận lực nghiên cứu, trong các kinh điển cổ chưa hề được giải đáp, do đó không thể biết một cách rõ ràng. Về sau, các vị Luận sư của A-Tỳ-Ðạt-Ma tuy có nhiều luận cứu về vấn đề này nhưng ý kiến cũng lại chia rẽ.

(1) Tạp 13. Cáp bản, trang 554: Dhammarangani p, 5976.

Tóm lại, nếu chỉ nói trong phạm vi Phật Giáo Nguyên Thủy thì ngũ căn là sự tồn tại vật chất, tác dụng của chúng dù có vi diệu đến đâu chăng nữa thì cũng vẫn là vật hậu thiên và có thể hủy hoại. Vả lại, trong một trình độ tương đương, có thể dùng sự dinh dưỡng sinh lý để tác thành, bởi vậy, năm căn là một trong những bộ phận của nhục thể, cùng chung với thọ mệnh trong kỳ hạn, là năng lực của chính bản chất sinh mệnh. Do đó, Xá-Lợi-Phất đã giải thích rất đúng khi ông nói với Ðại-Câu-Hi-La như sau: “năm căn dựa vào thọ mệnh (ayna) mà tồn tại” (1)

Năm căn tuy là những cơ quan nhận thức ngoại giới, nhưng đối tượng của chúng đều có hạn định và dĩ nhiên chúng không thể vượt ra ngoài phạm vi nhất định; Nghĩa là, nhãn căn chỉ có thể đối với sắc cảnh, không thể dối thanh cảnh, và tỵ căn với hương cảnh chứ không thể thông sắc cảnh v.v… Nhưng cơ quan thống nhiếp toàn thể năm căn và tiếp nhận hết thảy nhận thức là ý căn (mana).

“Này bạn! Năm căn đều có cảnh riêng, nhận thức riêng, không thể nhận thức cảnh giới chung nhau. Chỗ y chỉ (Patisarana) của năm căn không thể nhận thức cảnh giới chung này là ý căn.

(1) M. 43 Mahavedalla I, p-295.


Ý nhận thức được hết thảy cảnh giới của năm căn.” (1)


Về tác dụng của ý (mana) thì từ Áo-Nghĩa-Thư về sau tuy có nhiều giải thích (2) nhưng đại khái đều cho là có quan liên với ngũ quan; Phật giáo đại khái cũng cho như thế. Nghĩa là khi nó tương quan với ngũ quan thì nó cũng vẫn là một cơ quan nhận thức ngoại giới nhưng nó có thể thống nhiếp toàn thể năm căn, do đó, cũng có thể cho nó là một loại căn và cộng với năm căn trước gọi là sáu căn. Lại đứng về phương diện cơ quan nhận thức ngoại giới mà nói thì nó cũng có thể được gọi là cửa (dvara – môn), bởi thế, cộng với năm căn mà gọi là sáu cửa căn (lục căn môn). (3) Tuy nhiên, ý thực ra là tác dụng nội tâm, có thể làm cho hương diện tri giác quan hệ với nhận thức ngoại giới; nó biệt lập, và khác với năm căn là những vật-chất-tính, nó là một loại thuần tác dụng tinh thần. Vả lại, khi quan sát từ nội bộ thì nó là đồng thể với cái gọi là tâm (cita) và thức (vinnana). Ý kiến này của Phật giáo khác hẳn với quan điểm của phái Thắng-luận cho ý là yếu tố (đại) cực vi và giải thích là nửa vật chất. (4)

(1) M. 43 Mavedalla 1, p. 295; Trung 58, Ðại-Câu-Hi-La Kinh; trang 270


(2) Sáu Phái triết học, trang 183; trang 334-336

(3) Itthivettahe 23-24

(4) Sáu phái triết học trang 334