Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách So Sánh Với Các Thuyết Của Ngoại Đạo

So Sánh Với Các Thuyết Của Ngoại Đạo

Email In PDF

4.SO SÁNH VỚI CÁC THUYẾT CỦA NGOẠI ÐẠO

Nếu cho thuyết nhân duyên là thế-giới-quan đặc sắc của Phật thì đối với ba luận thuyết của ngoại đạo được trình bày ở mục thứ nhất, nó có nhiều điểm hơn hẳn các thuyết kia, nhất là khảo sát về phương diện nhận thức tổng hợp để thuyết minh thế giới thì nó lại vượt xa chủ trương độc-đoán-luận của ngoại đạo; không những thế có thề nói nó còn còn có ý nghĩa học thuật nữa. Hãy so sánh với các học phái cận đại: đứng về phương diện triết học mà nói thì nhân-duyên-quan có thể sánh với lập trường của Khang-Ðức và Ước-biên-hà-ngạch-nho (?); còn đứng về phương diện khoa học mà nói thì nó cũng gần với tư tưởng tương-đối-chủ-nghĩa (Relativism), cho nên, cuối cùng, ba luận thuyết chất phác của ngoại đạo không thể bì kịp: đó là một sự thật hiển nhiên. Tuy vậy, có điều ta không thể bỏ qua là nhân-duyên-quan nay cũng có điểm phảng phất như ba thuyết ngoại đạo trên kia. Nói cách khác, nếu chủ trương một cách nghiêm khắc thì pháp tắc nhân duyên có khác gì cái gọi là túc-mệnh-luận? Rồi, mặc dầu không coi hết thảy là quyết định như túc mệnh luận, nhưng lại thừa nhân có tác dụng hậu thiên thì như thế há không tương hợp với ngẫu-nhiên-luận? Ðến như đặc biệt lấy tâm, tức ý chí, làm cơ sở của nhân duyên thì chẳng qua cũng lại từ thuyết thần-ý dẫn đến thuyết nhân-ý mà thôi. Cứ xem thế thì thuyết nhân duyên của Phật một mặt tuy có khác với ba thuyết trên, nhưng, mặt khác, đồng thời, cũng lại bao hàm sắc thái của ba thuyết ấy: đây là một sự thật không thể phủ nhận. Dauy có điểm bất đồng là nghĩa nhân-duyên của Phật có tính cách chiết trung, cấu thành thế-giới-quan trung đạo, khác hẳn với thế-giới-quan cực đoan. Ðứng về phương diện thế-giới-quan mà nói thì kết quả của thái độ trung đạo ấy chính cũng tức là nhân-duyên-quan.

“Này Ca-Chiên-Diên! Phần nhiều người ta chỉ đứng về hai bên, tức hoặc cho là có, hoặc cho là không … Ca-chiên-diên! Bảo hết thảy là có, là đệ nhất biên kiến, bảo tất cả là không, là đệ nhị biên kiến. Ca-chiên-diên! Như Lai nói pháp xa lìa nhị-biên này mà cho rằng vì vô minh làm duyên mà có hành, hành làm duyên mà có thức …” (1)

Đoạn văn trên đây là Phật nói cho Trưởng-lão Ca-chiên-diên về vấn đề thế giới, và trong đó Phật đã chỉ bày rõ về nhân-duyên-luận. Ở đây, đối với vấn đề thực tại, hiển nhiên ta thấy Phật đã giữ thái độ trung đạo qua thuyết nhân-duyên này. Ngoài ra, như đã nói ở trên, đối với các vấn đề trọng đại khác như sự khổ, vui của kiếp người là do mình tự tạo hay do người khác gây ra, sau khi chết, con người còn hay mất v.v… Phật đều giữ thái độ ấy và muốn giải quyết chúng bằng thuyết nhân duyên. Do đó, thuyết nhân-duyên là giáo lý tự nó đã chiếm một địa vị đặc biệt và ảnh hưởng đến tư tưởng giới đương thời như thế nào là một điều cũng dễ hiểu.