Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - HT Thích Quảng Độ Dịch

Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - HT Thích Quảng Độ Dịch

Email In PDF
Mục lục bài viết
Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - HT Thích Quảng Độ Dịch
CHƯƠNG II TÀI LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN PHẬT TRUYỆN
CHƯƠNG III A-TỲ-ĐẠT-MA DỰ TƯỞNG PHẬT TRUYỆN
CHƯƠNG IV SỰ KHẢO SÁT VỀ PHẬT VÀ BỒ TÁT CỦA A-TỲ-ĐẠT-MA
CHƯƠNG V BỒ-TÁT-LUẬN 1- BỒ TÁT.
CHƯƠNG VI PHẬT-THÂN-QUAN 1- PHẬT.
Tất cả các trang

THIÊN THỨ NHẤT
PHẬT ĐÀ LUẬN
CHƯƠNG I
TỔNG LUẬN

Tưởng không cần nói ai cũng biết rằng Phật giáo lấy đức Phật làm trung tâm để phát khởi và cũng lấy Phật làm trung tâm để triển khai. Do đó, đối với nền giáo lý của Phật giáo, bất luận khảo sát về bộ môn nào, nếu không căn cứ vào nhân cách và sự tự giác của đức Phật thì quyết không thể nào hiểu được chân ý nghĩa của nó: đó là một quy tắc nhất định. Nếu nói theo sự tự giác của đức Phật thì Phật giáo là kết quả cái trí “vô-sư-tự-ngộ” của đức Phật, nghĩa là, Phật giáo được thành lập bởi cái kết quả của lời nói và việc làm của đức Phật, cho nên, nghiên cứu Phật giáo mà lìa xa đức Phật thì mất hẳn cái bảo chứng đệ nhất về thỏa đáng tính thể nghiệm. Đó là lý do tại sao trong nền giáo học của Phật giáo, Phật-đà-luận đã trở thành một phân khoa trọng yếu nhất, đặc biệt đến thời đại Phật giáo Đại-thừa sau này duy chỉ nhìn vào sự tự giác của đức Phật – trong đó biểu trưng hóa một cách thái quá cũng có - nếu lìa bỏ Phật-đà-quan thì phương diện tôn giáo không thể nào được thành lập, chính vì thế mà Phật đà quan đã trở thành rất trọng yếu.

Nhưng ở đây, Phật đà luận của A-Tỳ-Đạt-Ma như thế nào? Nếu nói một cách tóm tắt thì: A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo, tức Tiểu thừa  Phật giáo, như tự nghĩa của nó ám chỉ là “đối pháp”, nghĩa là chỉ đặc biệt chú trọng vào việc nghiên cứu và tổ chức hóa giáo pháp của Phật chứ không trực tiếp đi vào sự tự nội chứng của Phật, cho nên đối với Phật đà quan, khác với Đại-thừa sau này, A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo đã không chú ý nhiều. Đối với giáo pháp của Phật, sau khi Phật diệt độ, cứ thế mà thi hành, căn cứ vào giáo pháp mà quy định hành vi của mình; còn quả vị Phật thì cho là quả vị đó quá cao, một đệ tử Phật chỉ có thể tu hành quả La Hán hay Thanh Văn, do quan niệm ấy A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo tự nhiên đã không coi Phật đà quan là một vấn đề trọng đại. Do đó, ta đã thấy nhiều bộ A-Tỳ-Đạt-Ma luận thư hoàn toàn không đá động gì đến vấn đề Phật thân quan cả.

Song, trên đây chỉ là nói theo khuynh hướng đại để thôi. vấn đề Phật-thân-quan và Phật giáo có một quan hệ bất khả phân, vì thế các nhà nghiên cứu A-Tỳ-Đạt-Ma cũng thừa nhận rằng cho dù các bộ phái truyền thừa cũng quyết không thể bỏ qua vấn đề này. Nghĩa là, trong các vấn đề được các bộ phái luận cứu có vấn đề Phật-thân-quan và cả đến tiền thân của đức Phật là Bồ tát cũng được đề cập đến. Không những thế, đôi khi còn vì sự bất đồng chủ yếu về Phật-thân-quan à đến chỗ phân phái cũng có. Chẳng hạn như Thuyết-xuất-thế-bộ - theo truyền thuyết Ba-bổ-gia – thì vì cái đặc sắc của bộ này chủ trương cho rằng Phật thân là vô lậu cho nên mới được danh hiệu Thuyết-xuất-thế. Lại nữa, trong Dị-bộ-tôn-luân-luận của Thế Hữu, hoặc trong Luận sự của Mục-kiền-liên-tư-đế-tu, ta thấy vấn đề Phật-thân-quan cũng được thảo luận đến dưới nhiều hình thức, nhất là trong Dị-bộ-tôn-luân-luận, khi nói đến sự bất đồng về tôn nghĩa giữa Thượng-tọa-bộ và Đại-chúng-bộ, đã bắt đầu bằng vấn đề Phật-thân-quan, cho nên, Phật-thân-quan cũng là một trong các vấn đề trọng yếu giữa các bộ phái: đó là một sự thật hiển nhiên, A-Tỳ-Đạt-Ma vốn lấy việc nghiên cứu pháp nghĩa làm điểm xuất phát chủ yếu, nếu đem so sánh, thì A-Tỳ-Đạt-Ma tuy ít có luận về Phật-thân-quan, nhưng về phương diện nghiên cứu pháp nghĩa, chẳng hạn như phiền-não-luận, tu-hành-luận, thánh-vị-luận,hay thánh-trí-luận,v.v…nếu không đề cập đến Phật-đà-luận thì không thể thuyết minh rõ các vấn đề trên; vả lại, A-Tỳ-Đạt-Ma đã dần dần chú tâm luận cứu vấn đề này về phương diện thần học. Ngay trong các bộ phái Tiểu thừa, nhất là Đại-chúng-bộ-hệ, đã dần dần lấy bản thân đức Phật làm đối tượng lý tưởng, đồng thời, khi triển khai đến cái gọi là “tư tưởng pháp thân” thì đã khiến cho vấn đề Phật-thân-quan tăng thên trình độ trọng yếu.

Về Phật-thân-quan, giữa các bộ phái quan sát thế nào về bản tính của đức Phật? giải thích như thế nào về địa vị Bồ tát trong các kiếp tiền sinh? Đối với các vấn đề này có những ý kiến bất đồng như thế nào? Trong thiên thứ nhất này, tôi tưởng hãy căn cứ theo những tài liệu tản mát trong các luận rồi kết hợp lại để khảo sát tất cả vấn đề được nêu ra trên đây.