Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Trí Húc Đại Sư Tự

Trí Húc Đại Sư Tự

Email In PDF

Trí Húc Đại Sư Tự

Trí Húc đại sư tự Ngẫu Ích, người đời Thanh, họ Chung, nhà ở Ngô huyện. Thân phụ trọ trì chú Đại Bi và Bạch Y, mộng thấy đức Quán Âm đại sĩ trao cho một đứa bé trai mà sinh ra Ngài.

Thuở niên thiếu Ngài học Nho, từng viết sách bác Phật. Sau, nhân xem bộ Trúc Song Tùy Bút của Liên Trì đại sư, liền đốt quyển sách của mình viết. Năm 20 tuổi, Ngài đọc kinh Địa Tạng Bản Nguyện, phát ý xuất trần, mỗi ngày hằng niệm Phật.

Niên hiệu Thiên Khải năm đầu, Ngài 24 tuổi, sau khi nghe một Pháp sư giảng kinh, bỗng phát nghi tình, dụng công tham cứu. Ít lâu sau, được tỏ ngộ, liền đóng cửa nhập thất ở Ngô Giang. Thời kỳ ấy, Ngài đau nặng, mới quyết chí niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Bệnh vừa bớt, liền kết đàn trì chú Vãng Sinh một thất, đốt ba liều nơi cánh tay, thề phát lòng Bồ-đề cầu sinh Cực Lạc, để mau chứng đạo quả, sớm độ chúng hữu tình.

Về sau, Đại sư trụ trì trải qua các nơi: Ôn Lăng, Chương Châu, Thạch Thành, Thánh Khê, Trường Thủy và Tân An, rộng truyền giáo pháp Thiên Thai và môn niệm Phật. Thời bấy giờ, những người tu thiền ở các nơi, phần đông cho pháp môn Tịnh độ là Quyền giáo; khi gặp người niệm Phật, tất bảo tham cứu chữ “thùy”. Riêng Đại sư lại nhận định pháp Trì danh chính là tâm tông viên đốn. Có ông Trác Tả Xa, một nhà tu Thiền, đem những huyền lý bên Thiền gạn hỏi Tịnh độ, Ngài liền trả lời một cách thỏa đáng. Sau đó, Đại sư về dưỡng lão ở Linh Phong.

Bình thời, Đại sư từng khai thị rằng: Pháp môn Tịnh độ không chi lạ kỳ đặc biệt, yếu điểm chỉ là tin sâu, nguyện thiết và gắng sức thực hành mà thôi. Phật dạy: “Nếu người nào chuyên niệm A-di-đà, chính là Vô thượng thâm diệu Thiền”. Trí Giả đại sư bảo: “Niệm Phật Tam-muội là vua trong các môn Tam-muội”. Tổ Vân Thê cũng nói: “Một câu A-di-đà Phật bao trùm tám giáo, tròn nhiếp năm tông”.

Đáng tiếc, người thời nay xem niệm Phật là cạn cợt tầm thường, bảo đó là là công hạnh của hạng ngu phu, ngu phụ. Bởi thế nên lòng tin không chắc, chẳng gắng sức thực hành, trọn ngày lơ là, công phu khó thành tựu. Có kẻ lại lập phương tiện khéo bảo: “Muốn đi sâu vào niệm Phật Tam-muội, phải tham cứu chữ thùy”. Họ đâu biết rằng: Một tâm niệm hiện tiền vốn đã tự rời tứ cú, tuyệt bách phi, chẳng cần phải tác ý rời và tuyệt. Một câu niệm Phật là hiện tại, cũng vốn vượt tình lìa kiến, cần chi nói diệu nói huyền? Chỉ quý tin cho chắc, giữ cho vững, rời buông bỏ hết mà niệm. Hoặc mỗi ngày đêm niệm một muôn, hai muôn, năm muôn, bảy muôn, mười muôn câu, lấy sự nhất định không thiếu làm tiêu chuẩn. Như thế, quyết giữ đến trọn đời, thề không biến đổi. Và nếu đúng như thế mà không được vãng sinh, thì chư Phật trong ba đời đều thành vọng ngữ. Một khi được về Cực Lạc, vĩnh viễn không còn thối chuyển, tất cả pháp môn đều lần lượt hiện tiền.

Rất kiêng kỵ kẻ không có chủ trương, nay vầy mai khác. Khi gặp nhà thuyết giáo thì muốn tầm chương trích cú, học luật học kinh. Gặp người tu Thiền lại mong tham cứu thoại đầu, theo cơ phong chuyến ngữ. Gặp bậc trì luật, ưa thích ôm bát khất thực, tu hạnh đầu đà. Thế nên, sự sự không rồi, điều điều chẳng trọn. Đâu biết rằng khi câu Phật hiệu niệm được thuần thục, thì ba tạng, mười hai phần kinh gồm ở trong đó; một ngàn bảy trăm công án, cơ quan hướng thượng đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Tam tụ tịnh giới cũng ở trong đó.

Người chân thật niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm thế giới là đại bố thí. Niệm Phật không khởi tham sân si là đại trì giới. Niệm Phật không quản nhân ngã thị phi là đại nhẫn nhục. Niệm Phật không gián đoạn, không tạp vọng là đại tinh tấn. Niệm Phật không còn vọng tưởng thô tế là đại thiền định. Niệm Phật không bị các pháp khác mê hoặc là đại trí huệ. Thử kiểm điểm lấy mình, nếu chưa quên thân tâm thế giới, chưa dứt niệm tham sân si, chưa tuyệt lòng thị phi nhân ngã, chưa hết gián đoạn tạp vọng, chưa trừ vọng tưởng bông lông, chưa khỏi bị pháp khác cuốn lôi mê hoặc, thì chưa phải là người chân thật niệm Phật.

Nếu muốn đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, cũng không có cách gì lạ. Khi mới tập niệm, dùng chuỗi ký số rành rẽ, và khắc định thời khóa đừng để cho thiếu sót. Như thế lâu ngày, công phu tự thuần thục, không niệm mà vẫn tự niệm. Chừng đó, muốn ký số hay không ký số cũng được. Nếu bước đầu, vội vàng lộ vẻ mình hay giỏi, muốn tỏ ra không trước tướng, muốn học hỏi lối viên dung tự tại, rốt cuộc niệm lực khó thành. Đây tổng yếu bởi tin chưa sâu, thực chành chưa hết sức.

Người như thế, dù cho giảng thông thuộc ba tạng mười hai phần kinh, thấu suốt một ngàn bảy trăm công án, cũng đều là việc bên bờ sống chết luân hồi mà thôi. Kẻ ấy đến lúc lâm chung, quyết định không dùng chi được!

Năm Thuận Trị thứ Hai, vào cuối Đông, Đại sư cảm bệnh nhẹ, Ngài di chúc mọi việc và dặn các đệ tử, sau khi Trà-tỳ, phải tán nhuyễn xương trộn với bột hòa thành viên, chia thí cho loài cá chim để kết duyên Tịnh độ với chúng.

Sang đầu năm, ngày 21 tháng Giêng, Đại sư sáng dậy sớm, sắc diện tươi khỏe như người không bệnh. Đến đúng ngọ, Ngài đoan tọa trên giường, xoay mặt về Tây, chấp tay niệm Phật mà tịch, thọ được 57 tuổi.
Ba năm sau, các môn nhân hội lại, định y pháp làm lễ Trà-tỳ. Lúc mở bảo tháp ra, thấy toàn thân Đại sư vẫn còn nguyên vẹn, tóc ra dài phủ hai tai, sắc mặc tươi tỉnh như sống. Đại chúng không nỡ tuân lời di chúc, xây tháp thờ toàn thân ở chùa Linh Phong.