Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Luật Các Cấp Độ Của Giới Pháp

Các Cấp Độ Của Giới Pháp

Email In PDF

A- Dẫn nhập

Trải qua nửa thế kỷ thuyết pháp độ sinh, Ðức Ðạo sư đã hóa độ đủ mọi hạng người, không phân biệt màu da, chủng tộc, giai cấp, sang hèn. Những đệ tử được Thế Tôn hóa độ, do căn cơ trình độ, tuổi tác, giới tính bất đồng, vì thế được chia thành 7 nhóm và được gọi là 7 chúng đệ tử của Phật.

Trong đó, hai nhóm đầu là Ưu bà tắc và Ưu bà di thuộc hàng đệ tử tại gia; năm nhóm sau là Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỷ kheo và Tỷ kheo ni thuộc hàng đệ tử xuất gia. Trong bài này, chúng tôi sẽ tuần tự trình bày những giới pháp mà mỗi chúng đệ tử phải lãnh thọ, hành trì trên lộ trình tiến đến giải thoát.

 

B- Nội dung

I. Tam quy Ngũ giới

Hai thành phần cư sĩ tại gia là Ưu bà tắc và Ưu bà di. Ưu bà tắc (Upàsaka) được dịch ý là Cận sự nam, nghĩa là người nam cư sĩ thân cận chùa chiền, phụng sự Tam bảo; ngoài ra còn gọi là Thanh tín sĩ, nghĩa là trang nam tử có niềm tin Tam bảo trong sáng. Hạng thứ hai là Ưu bà di (Upàsikà), được dịch ý là Cận sự nữ, Thanh tín nữ, nghĩa là người nữ đã thọ ba quy y, giữ gìn năm giới, thực hành thiện pháp, thân cận phụng sự Tam bảo

Theo lịch sử Phật giáo thì hai thương gia Ðề Vị (Trapusa) và Ba Lợi (Bhallika) là hai đệ tử Ưu bà tắc đầu tiên của Phật, người mẹ và vợ trước khi xuất gia của tôn giả Da Xá (Yasa) là hai đệ tử Ưu bà di đầu tiên trong hàng nữ Phật tử tại gia.

Giới pháp căn bản mà hai hạng người này thọ trì là năm giới. Nhưng trước khi thọ năm giới, điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi tầng lớp người có niềm tin hướng về Phật giáo là thọ ba pháp quy y.

Nội dung ba pháp quy y

* Trở về nương tựa Phật, người dẫn đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

* Trở về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

* Trở về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức (1).

Phật, Pháp và Tăng có mặt trong mười phương thế giới mà cũng có mặt trong mọi người và mọi loài. Trở về nương tựa Phật nơi Phật, Pháp và Tăng cũng có nghĩa là tin tưởng ở khả năng giác ngộ nơi tự tánh mình, ở khả năng khai mở và phát triển của tình thương và trí tuệ nơi bản thân cũng như những người đồng đạo.

Năm giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ. Ðó cũng là những nguyên tắc để xây dựng nền tảng cho hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và xã hội. Học hỏi và thực hành 5 giới, ta sẽ đi đúng con đường chánh pháp, sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng. Ta sẽ xây dựng được an lạc, hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta và góp phần vào sự an ổn cho toàn xã hội.

Giới tướng của 5 giới

* Giới thứ nhất: Không được sát sinh

Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, người Phật tử phải học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Người Phật tử không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại mọi loài có mạng sống.

* Giới thứ hai: Không được trộm cắp

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cắp và bất công xã hội gây ra, người Phật tử theo học hạnh đại từ để đem niềm vui đến cho mọi người và mọi loài, chia sẻ thì giờ, năng lực và tài lực của mình cho những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Người Phật tử nguyện không lấy bất cứ một thứ của cải nào không được người khác vui lòng đem cho. Ðồng thời nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, tích cực ngăn ngừa những kẻ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của cá nhân và tập thể.

* Giới thứ ba: Không được tà dâm

Ý thức được những đau khổ do thói tà dâm gây ra, người Phật tử học theo tinh thần trách nhiệm, giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Ý thức được những hành động bất chính sẽ gây ra khổ đau cho kẻ khác và cho chính mình, người Phật tử nguyện không ngoại tình mà sống chung thủy với người bạn đời có hôn phối hợp pháp.

* Giới thứ tư: Không được nói dối

Ý thức được những khổ đau do lời nói hư vọng gây ra, người Phật tử học theo hạnh ái ngữ và biết lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc đau khổ cho người khác, người Phật tử chỉ nên nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Người Phật tử nguyện không nói những lời sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Nguyện không lan truyền những tin tức thất thiệt, không phê bình và lên án những điều mà mình không biết chắc. Nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể.

* Giới thứ năm: Không được uống rượu

Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, người Phật tử học cách chuyển hóa thân tâm, bồi dưỡng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Người Phật tử chỉ nguyện tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm minh, cho gia đình và cho xã hội. Nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố (trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo và phim ảnh). Những ai tàn hại thân tâm bằng rượu và các độc tố là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Người Phật tử nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội (2).

II. Bát quan trai giới

Ðây là loại giới pháp Phật chế định cho đệ tử tại gia học tập xuất gia tạm thời. Những giới tử này rời bỏ gia đình đến ở chùa để tập sự nếp sống của người xuất gia trong vòng một ngày đêm. Bát nghĩa là tám, Quan nghĩa là đóng cửa (của 6 căn) lại, Trai nghĩa là chay lạt., Giới nghĩa là những điều răn nhằm ngăn ngừa những sai phạm. Người giữ 8 giới này có thể phòng hộ các ác hạnh của ba nghiệp thân, khẩu, ý, lại có thể đóng cửa con đường ác, nên gọi là Bát quan trai giới. Trong 8 giới này, 7 điều đầu gọi là giới, một điều sau "không ăn phi thời" gọi là trai, họp chung lại thành ra 8 trai giới. Phật chế định những giới này để Phật tử, không phân biệt nam nữ, thọ trì vào 6 ngày trai của mỗi tháng, tức ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (theo âm lịch, nếu tháng thiếu thì đổi hai ngày cuối cùng thành ra 28 và 29). Vì người thọ giới này phải rời bỏ gia đình đến chùa sống gần với chư Tăng trong một ngày đêm nên gọi là Cận trụ nam, Cận trụ nữ.

Nội dung của 8 giới pháp

* Giới thứ nhất: Không được sát sinh
* Giới thứ hai: Không được trộm cắp
* Giới thứ ba: Không được hành dâm
* Giới thứ tư: Không được nói dối
* Giới thứ năm: Không được uống rượu
* Giới thứ sáu: Không được trang sức bằng vòng hoa, không được ca hát, nhảy múa và cố ý đi xem nghe
* Giới thứ bảy: Không được ngồi nằm giường ghế cao sang lộng lẫy
* Giới thứ tám: Không được ăn phi thời.

Trong 5 giới đầu ở đây tương tự như ngũ giới ở trước, chỉ khác là trong giới thứ ba, giới tử tuyệt đối không được hành dâm - giống như nếp sống phạm hạnh của người xuất gia - còn giới thứ ba trong ngũ giới thì người cư sĩ được phép ân ái với người hôn phối chính thức, chỉ trừ việc ngoại tình mà thôi. Ngoài ra, luận Thành Thật và luận Trí Ðộ thì tách giới thứ 6 ra làm hai, như vậy thành ra 8 điều, rồi ghép điều cuối cùng "Không ăn phi thời", gọi là 8 trai giới.

III. Thập thiện giới

Các nam nữ Phật tử sau khi thọ Tam quy, Ngũ giới, thấy đạt được nhiều tiến bộ trong sự tu học, muốn tiến xa hơn nữa trên bước đường đi đến giải thoát, có thể thọ trì 10 thiện giới. Mười thiện giới bao gồm trong 3 tụ tịnh giới sau đây:

1- Nhiếp luật nghi giới: Người con Phật phải nguyện từ bỏ mọi điều ác.
2- Nhiếp thiện pháp giới: Người con Phật vâng làm các việc lành.
3- Nhiêu ích hữu tình giới: Người con Phật phải đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Nội dung của mười thiện giới

1. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không giết hại chúng sanh mà còn đem sự sống đến cho muôn loài.

2. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không trộm cắp mà còn đem tài sản của mình bố thí cho kẻ khác.

3. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không tà dâm, tôn trọng tiết hạnh và sự chung thủy của mọi người.

4. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không nói dối, luôn luôn nói đúng sự thật.

5. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không nói lưỡi hai chiều, chỉ nói những lời đưa đến hòa hợp, đoàn kết.

6. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không nói thêu dệt, mà nói những lời chính xác, có thật.

7. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không nói thô lỗ mà luôn luôn nói những lời nhã nhặn, từ ái.

8. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không tham lam keo kiệt mà thực hành hạnh bố thí.

9. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không sân hận mà thực hành hạnh từ bi.

10. Noi gương chư Phật và Bồ tát, vĩnh viễn không tà kiến, cố chấp mà tu hành chánh kiến (3).

Trong mười giới này, 3 giới đầu (1-3) thuộc về thân nghiệp; 4 giới giữa (4-7) thuộc về khẩu nghiệp; 3 giới cuối cùng (8-10) thuộc về ý nghiệp.

IV. Giới pháp của Sa di và Sa di ni

Sa di là tiếng dịch âm của Pàli Sàmanera, và được dịch ý là Cầu tịch, Cần sách hay Tức từ. Nghĩa là ưa sự vắng lặng, siêng năng tu học, dứt bỏ việc ác, thực hành từ bi. Ðây là những người nam xuất gia từ 7 tuổi đến 70 tuổi, đã thọ mười giới mà chưa thọ giới Cụ túc. Nếu người nữ xuất gia thì gọi là Sa di ni (Sàmaneri) được dịch ý là Cần sách nữ, Tức từ nữ. Hai chúng này cùng chung một giới pháp. Phật quy định tuổi xuất gia nhỏ nhất là 7 tuổi, lớn nhất là 70 tuổi. Người 70 tuổi mà còn tráng kiện, có thể tu học tiến bộ thì cho xuất gia, nhưng nếu già yếu lụm cụm thì không cho xuất gia.

Luật Ma Ha Tăng Kỳ, quyển 29, căn cứ theo tuổi tác, chia Sa di thành 3 hạng:

1. Khu ô Sa di (Sa di lo phận sự đuổi quạ) từ 7 tuổi đến 13 tuổi.
2- Ðáng pháp Sa di (Sa di đúng pháp) từ 14 tuổi đến 19 tuổi.
3. Danh tự Sa di (Sa di trên danh nghĩa) từ 20 tuổi trở lên.

Những người đã thọ 10 giới thì gọi là Pháp đồng Sa di, nghĩa là Sa di đã đủ giới pháp; còn những người mới xuất gia đã cạo đầu mà chưa thọ giới thì gọi là Hình đồng Sa di, nghĩa là hình thức giống với Sa di.

Vị Sa di đầu tiên trong hàng ngũ đệ tử xuất gia của Phật là La Hầu La (Rahula). Phật đã bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta) làm Ðường đầu Hòa thượng truyền giới cho tôn giả La Hầu La.

Mười giới pháp của Sa di

Về phương diện giới pháp thì hai chúng Sa di và Sa di ni cũng tuân thủ mười giới căn bản như nhau, chỉ khác đôi chút về vấn đề oai nghi, nhưng không đáng kể. Mười giới pháp được kể như sau:

1. Không được sát sinh
2. Không được trộm cắp
3. Không được dâm dục
4. Không được nói dối
5. Không được uống rượu
6. Không được mang vòng hoa thơm, không được dùng hương thơm xoa mình
7. Không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn hay đi xem nghe
8. Không được ngồi nằm giường ghế cao đẹp lộng lẫy
9. Không được ăn phi thời (ăn sau giờ ngọ)
10. Không được giữ vàng bạc, bảo vật (4).

Ngoài 10 giới đã kể trên, hai chúng này còn phải tuân thủ một số quy tắc theo nếp sinh hoạt hàng ngày của thiền gia, tức là "Tỳ ni nhật dụng" gồm chừng 45 điều; đồng thời phải giữ tác phong đạo hạnh gồm khoảng 24 điều, gọi là 24 oai nghi.

Hiện nay, ở nước ta gồm có Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo Nguyên thủy (hay Nam tông) và hệ phái Khất sĩ. Nhưng về giới pháp của Sa di thì trên căn bản gần như đồng nhất. Chỗ khác nhau là Phật giáo Nam tông không có Sa di ni (có lẽ do thất truyền) mà chỉ có tịnh nhân nữ (tu nữ). Nghĩa là người nữ mặc áo hoại sắc, sống ở tự viện, theo nếp sống của người xuất gia.

V. Giới pháp của Thức xoa ma ni

Thức xoa ma ni hay Thức xoa ma na là từ dịch âm chữ Phạn Siksamànà, hay chữ Pàli Sikkhamànà, được dịch ý là Học giới nữ (người nữ học giới), Chánh học nữ (người nữ đang học những pháp cơ bản). Người nữ xuất gia, trước khi thọ giới Cụ túc làm Tỷ kheo ni, phải trải qua 2 năm học tập những học pháp căn bản của Tỷ kheo ni. Ở đây có hai trường hợp: Nếu là đồng nữ xuất gia thì khi được 18 tuổi, cho thọ học Thức xoa ma ni 2 năm, lúc đủ 20 tuổi sẽ cho thọ giới Cụ túc. Nếu người nữ đã có chồng lúc 10 tuổi (ở Êẽn Ðộ ngày xưa có việc tảo hôn), mà xuất gia, cũng cho 2 năm học giới làm Thức xoa ma ni, sau 2 năm học giới xong, mới cho thọ Cụ túc. Trong 2 năm này, một là để học hết những giới pháp căn bản, tôi luyện tính tình, tập quen nếp sống xuất gia, khiến cho tâm ý được kiên cố; hai là để tránh tình trạng đã có thai ở nhà mà không biết, đến khi thọ giới Cụ túc rồi mới phát hiện [theo luật Thập Tụng]. (Vấn đề này rất phức tạp, ai muốn hiểu thêm xin xem bài "Thập tuế tằng giá là thế nào?" đăng trên nguyệt san Giác Ngộ số 27, tháng 6-1998).

Sáu giới căn bản

1. Không được sát sinh
2. Không được trộm cắp
3. Không được dâm dục
4. Không được nói dối
5. Không được uống rượu
6. Không được ăn phi thời.

Ngoài 6 giới kể trên, Thức xoa ma ni còn phải học 18 tùy pháp (những pháp phụ), như trong Ni luật đã đề cập, hoặc rộng rãi hơn là học tập 292 pháp (xem Thức xoa ma ni giới, HT Trí Quang dịch, bản ấn hành năm 1994).

VI. Giới pháp của Tỷ kheo

Trong 7 chúng đệ tử của Phật thì Tỷ kheo được xem là trưởng tử của Như Lai, chiếm một địa vị tôn quý nhất trong hàng ngũ đệ tử, cả tại gia lẫn xuất gia. Tiếng Pàli Bhikkhu được phiên âm là Tỷ kheo, tiếng Sanskrit Bhiksu được phiên âm là Bí-sô. Hai chữ Bhikkhu và Bhiksu cùng một nghĩa và được dịch ý là Khất sĩ, Bố ma, Phá ác.

- Khất sĩ: Ði khất thực để tự nuôi sống mình một cách thanh tịnh, nên gọi là Khất sĩ.
- Bố ma: Tỷ kheo có thể tu đạo khiến cho ác ma kinh hồn, nên gọi là Bố ma.
- Phá ác: Tỷ kheo tu giới, định, tuệ, có thể phá trừ hai thức ác là Kiến hoặc và Tư hoặc, nên gọi là Phá ác.

Ðây là những người nam xuất gia đã thọ Ðại giới hay giới Cụ túc. Tiếng Phạn Upasampadà. Hán dịch là Cụ túc hay Cận viên. Cụ túc nghĩa là thành tựu đầy đủ; Cận viên nghĩa là đến gần Niết bàn viên mãn. Luật quy định số tuổi tối thiểu để thọ giới Cụ túc là 20 tuổi. Một giới tử muốn thọ giới Cụ túc phải là người đầy đủ 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), đây là điều kiện chung, chủ yếu, từ xưa đến nay các bộ phái đều nhất trí chấp hành. Những điều kiện này bao gồm cụ thể trong 13 già nạn và 15 khinh nạn hay chướng pháp (xem Giới đàn Tăng, HT Thiện Hòa).

Theo giáo sử thì 5 anh em tôn giả Kiều Trần Như (Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahànàma và Assaji) là những đệ tử đầu tiên trong hàng ngũ đệ tử Tỷ kheo của Phật.

Luật Thập Tụng chia Tỷ kheo làm 4 hạng:

1. Danh tự Tỷ kheo: Tỷ kheo hữu danh mà vô thực
2. Tự ngôn Tỷ kheo: Người tự xưng mình là Tỷ kheo
3. Vi khất Tỷ kheo: Tỷ kheo đi khất thực để nuôi sống
4. Phá phiền não Tỷ kheo: Tỷ kheo chuyên phá trừ các phiền não.

Giới pháp của Tỷ Kheo (Theo Luật Tứ phần gồm 250 giới)

1. Ba-la-di, gồm có 4 giới
2. Tăng-già-bà-thị-sa, gồm có 13 giới
3. Bất định, gồm có 2 giới
4. Ni-tát-kỳ-ba-dạ-đề, gồm có 30 giới
5. Ba-dạ-đề, gồm có 90 giới
6. Ba-la-đề-đề-xá-ni, gồm có 4 giới
7. Chúng học pháp, gồm có 100 giới
8. Diệt tránh, gồm có 7 giới

Giải thích các thuật ngữ:

1. Ba-la-di (Pàràjika) được dịch ý là Khí hay Ðoạn đầu. Khí nghĩa là người phạm tội này coi như bị bỏ ra ngoài Phật pháp. Ðoạn đầu nghĩa là giống như người đã bị chặt đầu, không thể dùng thuốc để cứu chữa được nữa.

2. Tăng-già-bà-thị-sa (Sangha-disesa) nghĩa là Tăng tàn, tức là người bị trọng thương đối với tịnh pháp của Tăng đoàn; tuy bị trọng thương nhưng còn có thể dùng phương pháp sám hối để cứu chữa được.

3. Bất định (Aniyata), loại này không phải phạm một tội danh nào nhất định, mà có thể phạm Ba-la-di, Tăng tàn hoặc Ba-dật-đề, nên gọi là Bất định.

4. Ni-tát-kì-ba-dật-đề (Nissaggiya-pàcittiya): Ni-tát-kì nghĩa là xả bỏ tất cả; Ba-dật-đề nghĩa là đọa. Hợp cả hai gọi là Xả đọa. Người phạm tội này là do cất giữ những vật vượt ra ngoài quy định. Vì thế, trước hết phải đem vật ấy ra thí xả giữa chúng Tăng, rồi sám hối tội đọa.

5. Ba-dạ-đề (Pacittiya) nghĩa là tội bị đọa lạc. Người phạm tội này không có vật phải xả bỏ nên gọi là Ðơn đọa, cần phải sám hối với 3 thầy Tỷ kheo thanh tịnh để diệt tội.

6. Ba-la-đề-đề-xá-ni (Patidesaniya) được dịch nghĩa là Hướng bỉ hối. Người phạm tội này phải sám hối với một thầy Tỷ kheo để trừ tội.

7. Chúng học pháp: Tiếng Pàli "Sekkhiyavatta" được phiên âm là Thức-xoa-ca-la-ni, dịch ý là Chúng học pháp hay Ưng đương học, nghĩa là những pháp cần phải học. Loại này thuộc về oai nghi.

8. Diệt tránh: Tiếng Pàli Adhikarana-samattha được dịch ý là Diệt tránh, nghĩa là dập tắt sự tranh chấp. Pháp này gồm có 7 yếu tố. Một khi trong Tăng đoàn xảy ra sự xung đột, tranh chấp, thì dùng một hoặc nhiều yếu tố này để giải quyết, dập tắt sự xung đột ấy.

(Về nội dung chi tiết, xin xem Luật Tỳ kheo, tập II, Tứ phần Hiệp chú, HT Thích Trí Thủ, bản ấn hành năm 1991).

Các giới trên không phải được chế định một lần mà tùy phạm tùy chế, nghĩa là phạm đến đâu, Phật chế giới đến đó. Sau khi chế định xong, được đem ra phân loại thành 8 cột, rồi sắp xếp từ nặng đến nhẹ. Cột thứ 8 "Diệt tránh" tuy gọi là giới, nhưng tính chất của nó là do kết hợp giữa giới và luật mà thành.

VII. Giới pháp của Tỷ kheo ni

Tỷ kheo ni (Bhikkunì) hay Bí-sô-ni (Bhiksunì) là những người nữ xuất gia đã thọ giới Cụ túc; về ý nghĩa thì như ở phần Tỷ kheo đã giải thích. Ngoài ra còn là Khất sĩ nữ (những người nữ sống bằng sự khất thực) hay nói gọn là Ni. Về tuổi tối thiểu để thọ giới thì trên nguyên tắc là 20 tuổi, nhưng có trường hợp châm chước như ở phần Thức xoa ma ni đã nói.

Vị Tỷ kheo ni đầu tiên trong hàng ngũ Ni chúng là bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề (Mahàpajàpati), di mẫu của Phật, được Phật cho phép xuất gia thọ giới Cụ túc. Tiếp theo sau bà là 500 người nữ dòng họ Thích cũng được Phật độ cho xuất gia, thành lập Ni chúng.

Ðể đảm bảo tính chất tôn nghiêm của giáo pháp và sự thanh tịnh của Tăng đoàn, người nữ muốn xuất gia thọ giới, trước hết phải tuân thủ 8 kính pháp mà Phật quy định (5).

Giới của Tỷ Kheo Ni (Theo Luật Tứ phần gồm 348 giới)

1. Ba-la-di 8 giới
2. Tăng tàn 17 giới
3. Xả đọa 30 giới
4. Ðơn đọa 178 giới
5. Hối quá 8 giới
6. Chúng học100 giới
7. Diệt tránh 7 giới

Trên đây, giới bản của Tỷ kheo ni chỉ có 7 cột, không có cột "Bất định" như giới của Tỷ kheo; đồng thời trong mỗi cột, số giới hoặc bằng, hoặc nhiều hơn giới của Tỷ kheo, và nội dung mỗi giới cũng có sai khác ít nhiều.

Hiện nay, có hai loại giới bản được lưu truyền phổ biến là giới bản của Luật Tứ phần và giới bản của Luật Pàli. Ở nước ta, người xuất gia theo hệ thống Bắc tông cũng như hệ phái Khất sĩ thì áp dụng giới bản của Tứ phần, còn người xuất gia theo Nam tông thì áp dụng theo giới bản của Luật Pàli. Về số lượng và nội dung của giới bản giữa hai bộ luật sai khác nhau không nhiều lắm. Ta có thể so sánh:

- Luật Tứ phần: Tỷ kheo 250 giới; Tỷ kheo ni 348 giới
- Luật Pàli: Tỷ kheo 227 giới; Tỷ kheo ni 311 giới

(Về nội dung chi tiết, xin xem Tỷ kheo giới, HT Trí Quang, bản ấn hành năm 1994; Tỷ kheo ni giới cũng như trên).

VIII. Giới pháp của Bồ tát

Những bản kinh liên quan đến giới bản của Bồ tát gồm có:

1. Bồ tát Anh Lạc bản nghiệp kinh
2. Phạm Võng kinh Bồ tát giới bản
3.Du già Sư địa luận Bồ tát giới bản
4. Bồ tát Ðịa trì kinh
5. Bồ tát Thiện giới kinh
6. Ưu bà tắc giới kinh.

Trong các kinh nêu trên thì hai kinh Anh Lạc, Phạm Võng có nguồn gốc từ hệ thống kinh Hoa Nghiêm và được các học giả suy định là do người Trung Quốc biên soạn. Ba kinh Du già, Ðịa trì và Thiện giới bắt nguồn từ luận Du già Sư địa, cùng chung một nguyên bản, nhưng các bản dịch có tên khác nhau. Tại Trung Quốc, Việt Nam thì giới bản Phạm Võng tỏ ra thịnh hành nhất, nhưng ở Tây Tạng thì chỉ dùng giới bản Du giaâ.

Giới Bồ tát được gọi là Ðạo tục thông hành giới, nghĩa là người xuất gia và tại gia đều thọ trì như nhau. Không những thế mà các loài chúng sanh từ cõi trời Sắc giới trở xuống, hễ ai hiểu được lời nói của pháp sư đều có thể thọ giới, chỉ trừ những kẻ phạm 7 tội nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá sự hòa hợp của Tăng, làm cho thân Phật ra máu, giết Hòa thượng Bổn sư và giết thầy dạy phép tắc). Hơn nữa, giới này có thể thọ toàn phần hay từng phần, tùy theo khả năng. Ai đã thọ lãnh giới này rồi thì vĩnh viễn không mất giới, dù tái sinh ở bất cứ nơi đâu, chỉ trừ phạm 7 tội nghịch, phạm thượng phẩm trọng giới và bỏ mất tâm Bồ đề.

Giới này lấy tinh thần Tam tụ tịnh giới (xem lời giải thích ở Thập thiện giới) làm nền tảng. Sau đây, xin giới thiệu 10 giới trọng và 48 giới khinh thuộc giới bản Phạm Võng vốn phổ biến trong đời sống tu tập của người Phật tử Việt Nam:

10 giới trọng

1. Không được sát sinh
2. Không được trộm cướp
3. Không được dâm dục
4. Không được vọng ngữ
5. Không được mua bán rượu
6. Không được nói xấu người đồng đạo
7. Không được khen mình, chê người
8. Không được tiếc lẫn tài và pháp
9. Không được ấp ủ sự giận hờn
10. Không được phỉ báng Tam bảo.

48 giới khinh

1. Không được bất kính với thầy, bạn
2. Không được uống các thứ rượu
3. Không được ăn các loại thịt
4. Không được ăn những thức ăn cay nồng
5. Không được không khuyên bảo người sám hối
6. Không được không siêng cầu chánh pháp
7. Không được không đi nghe pháp
8. Không được phản bội giới pháp Ðại thừa
9. Không được không giúp đỡ người bệnh
10. Không được tàng trữ dụng cụ sát sinh

11. Không được làm kẻ chủ mưu gây chiến
12. Không được buôn bán một cách tàn nhẫn
13. Không được vô cớ phỉ báng người khác
14. Không được thiêu đốt bừa bãi
15. Không được chỉ dạy sai lệch
16. Không được nói pháp rối loạn
17. Không được dựa thế lực để cầu lợi
18. Không được làm thầy mà mù quáng
19. Không được hủy báng người có giới đức
20. Không được không phóng sinh và làm phước

21. Không được giận dữ báo thù
22. Không được kiêu căng, không học
23. Không được thọ giới trái quy định
24. Không được học các sách khác
25. Không được lạm dụng gây rối
26. Không được không đãi khách Tăng chu đáo
27. Không được lấy của chúng Tăng làm của riêng
28. Không được mời riêng chư Tăng
29. Không được sống bằng tà mạng
30. Không được làm những việc điên đảo

31. Không được không cứu chuộc đồng đạo và kinh tượng
32. Không được làm tổn hại chúng sinh
33. Không được tà tâm làm quấy
34. Không được rời bỏ tâm Bồ đề
35. Không được không phát đại nguyện
36. Không được không phát đại thệ
37. Không được không hành Ðầu đà và bố tát hàng tháng
38. Không được ngồi lộn xộn mất trật tự
39. Không được không làm việc lợi ích
40. Không được lựa chọn người để truyền giới

41. Không được vì tham lợi mà làm thầy
42. Không được nói giới cho kẻ ác
43. Không được cố ý phạm giới
44. Không được không tôn trọng kinh luật
45. Không được không giáo hóa người và vật
46. Không được thuyết pháp trái với thể thức
47. Không được tìm cách khống chế Phật giáo
48. Không được phá hoại đạo pháp.

(Bản tóm tắt này dựa vào Bồ tát Phạm Võng của HT Trí Quang, bản ấn hành năm 1994).

C- Kết luận

Qua những trình bày trên đây, chúng tôi đã giới thiệu khái quát về những điểm cơ bản trong giới pháp của 7 chúng đệ tử Ðức Phật. Những giới pháp này do Phật chế định cách nay đã 25 thế kỷ, thời gian và không gian có nhiều thay đổi, nhất là ngày nay nhân loại đã văn minh hơn xưa, khoa học đạt được những tiến bộ vượt bậc, thế nhưng, giới pháp của Phật vẫn còn mang đầy đủ tính chất hiện đại và vô cùng thiết thực. Bởi lẽ, mục đích của giới pháp đặt trên nền tảng đạo đức nhân bản, nhằm hoàn thiện phẩm giá con người, đem lại an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình, ổn định cho xã hội và thanh bình cho toàn thể nhân loại. Vì vậy, bao lâu cuộc đời còn đau khổ, con người còn khiếm khuyết, thì giới pháp của Phật vẫn còn tồn tại như những nguyên tắc tối ưu để giải phóng con người thoát khỏi mọi khổ đau và lầm lỗi./,

* Chú thích:

(1), (2): Thiền sư N.H, Nghi thức tụng niệm, Lá Bối, 1994, tr.182, 189
(3) HT Thích Thiện Hòa, Giới đàn Tăng, tái bản 1999, tr.280, 284
(4) Sa di giới và Sa di ni giới, tập I, HT Trí Quang, xb 1994, tr.5
(5) Nội dung tám kính pháp gồm có:
1. Tỷ kheo ni dù 100 tuổi hạ mà khi thấy vị Tỷ kheo mới thọ giới cũng phải đứng dậy chào hỏi, mời ngồi
2. Tỷ kheo ni không được trách mắng Tỷ kheo
3. Tỷ kheo ni khôngđược nêu tội Tỷ kheo
4. Thức xoa ma ni sau 2 năm học giới hoàn tất phải đến Tỷ kheo thỉnh cầu thọ Ðại giới (giới Cụ túc)
5. Nếu Tỷ kheo ni phạm tội Tăng tàn thì phải đến trước 2 bộ Tăng, Ni làm phép ý hỉ (làm cho mọi người hoan hỷ) trong vòng nửa tháng
6. Tỷ kheo ni phải đến Tỷ kheo thỉnh cầu thầy Giáo thọ vào những dịp bố tát của mỗi nửa tháng
7. Tỷ kheo ni không được kiết hạ an cư tại những nơi không có Tỷ kheo
8. Tỷ kheo ni an cư xong phải đến Tỷ kheo cầu tự tứ (vui lòng chỉ bảo) về ba phương diện: thấy, nghe và nghi trong những tình huống phạm tội.

Phật Học Cơ Bản Tập Ba
Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN
Chương trình Phật học Hàm thụ (1998)

Thích Phước Sơn