Để Cho Tương Lai Còn Có Mặt
Chú Giải Về Năm Giới
Giới Thứ Nhất Tôn Trọng Sự Sống
Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Sự sống thật quý giá. Sự sống có mặt khắp mọi nơi, trong ta và quanh ta; nó đa hình đa dạng.
Giới thứ nhất đến từ chỗ ý thức rằng sự sống khắp nơi đang bị hủy diệt. Chúng ta thấy được những khổ đau do sự sát hại gây ra, và chúng ta nguyện phát triển lòng từ bi, lấy đó làm nguồn năng lượng để bảo vệ con người, cỏ cây, cầm thú, và đất đá. Giới thứ nhất là một phép tu luyện tâm Bi, karuna -- khả năng làm vơi nhẹ và chuyển hoá khổ đau. Khi thấy được nỗi khổ thì tâm Bi phát sinh trong ta.
Tiếp xúc với khổ đau của cuộc đời là điều rất cần thiết. Ta cần nuôi dưỡng ý thức ấy thông qua nhiều phương tiện – hình ảnh, âm thanh, tiếp xúc trực tiếp, thăm viếng, v.v... -- để giữ tâm Bi sống trong ta. Nhưng ta phải cẩn thận, chớ đưa vào nhiều quá. Bất cứ phương thuốc nào cũng phải có liều lượng. Ta nên tiếp xúc với khổ đau trong chừng mực giúp ta không quên lãng, để tình thương tuôn chảy trong ta, và biến thành năng lượng hành động. Nếu lấy sự phẫn nộ làm động cơ hành động, ta sẽ có thể làm những điều tai hại, những điều mà ta sẽ hối tiếc sau này. Theo đạo Bụt, tình thương là nguồn năng lượng duy nhất có ích, và an toàn. Với tình thương, năng lượng của chúng ta được sinh ra từ tuệ giác; đó không phải là năng lượng mù quáng.
Con người chúng ta được làm bằng những yếu tố không-phải-con-người, như cỏ cây, khoáng chất, đất, mây, và ánh nắng. Để cho sự thực tập của chúng ta được sâu và được thật, chúng ta phải bảo vệ luôn cả hệ sinh thái. Nếu sinh môi bị tàn phá, con người cũng sẽ bị hủy diệt. Không thể bảo vệ sự sống của con người mà không đồng thời bảo vệ sự sống của cỏ cây, cầm thú, và đất đá. Kinh Kim Cương dạy chúng ta rằng không thể phân chia ranh giới giữa các loài hữu tình và vô tình. Đây là một trong những kinh điển cổ của đạo Bụt dạy về sinh thái học ở mức độ sâu. Mỗi hành giả trong đạo Bụt phải là một người bảo vệ môi trường. Đất đá cũng có đời sống của chúng. Trong Chùa, chúng ta tụng: ‘Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí.’ Giới thứ nhất là sự thực tập bảo vệ mọi sự sống, kể cả sự sống của khoáng vật.
‘Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con.’ Chúng ta không thể tán thành bất cứ một hành động giết chóc nào; không một sự giết hại nào có thể được biện hộ cả. Nhưng không giết thôi không đủ. Chúng ta còn phải tìm cách ngăn không cho kẻ khác giết hại. Chúng ta không thể nói: ‘Tôi không chịu trách nhiệm. Họ làm chuyện đó, còn tay tôi sạch.’ Nếu chúng ta sống ở Đức trong thời Nazis, ta không thể nói: ‘Họ làm chuyện đó. Tôi không làm.’ Nếu trong cuộc chiến tranh vịnh Gulf, chúng ta không nói hay làm gì cả để ngăn cản việc giết chóc thì chúng ta đã không thực tập giới này. Cho dù những gì chúng ta nói hoặc làm không cản được cuộc chiến, điều quan trọng là ở chỗ chúng ta đã cố làm, vận dụng tuệ giác và tình thương của mình.
Không phải chỉ không dùng thân giết hại mới là giữ Giới thứ nhất. Nếu chúng ta để cho sự giết hại diễn ra trong tư tưởng, chúng ta cũng đã phạm Giới. Chúng ta phải nhất quyết không chấp nhập sự giết hại, kể cả trong tâm tưởng. Theo Bụt, tâm là nền tảng của mọi hành động. Giết trong tâm là nguy hiểm nhất. Khi chúng ta tin tưởng, chẳng hạn như đường lối của chúng ta là đường lối duy nhất cho nhân loại và kẻ nào đi theo đường lối khác là kẻ thù của chúng ta, thì hàng triệu người có thể bị giết vì ý niệm đó.
Tư duy nằm đằng sau mọi việc. Ta cần phải để con mắt ý thức nằm đằng sau mỗi ý nghĩ của mình. Không có sự hiểu biết đúng đắn về một hoàn cảnh hay một con người, suy nghĩ của ta có thể lầm lạc và gây ra hoang mang, tuyệt vọng, giận hờn, hay thù hận. Công việc quan trọng nhất của chúng ta là phát triển sự hiểu biết đúng đắn. Nếu chúng ta thấy được một cách sâu sắc bản chất tương tức, nghĩa là tất cả nương nhau mà có mặt, chúng ta sẽ thôi không còn trách móc, cãi vã, và giết hại, chúng ta sẽ trở nên bè bạn với tất cả mọi người. Muốn thực tập bất bạo động, trước hết chúng ta phải học cư xử một cách hoà bình với chính mình. Nếu ta tạo được một sự hoà hợp đích thực trong chính con người mình, chúng ta sẽ biết cách cư xử với gia đình, bạn bè, và những người cộng tác với ta.
Khi phản đối chiến tranh chẳng hạn, ta có thể cho rằng ta là một con người hiền hoà, đại diện cho hoà bình, thế nhưng điều này lại có thể không đúng. Nếu nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng gốc rễ của chiến tranh nằm ngay trong cách sống thiếu chánh niệm bao lâu nay của chúng ta. Chúng ta chưa gieo trồng đủ những hạt giống bình an và hiểu biết nơi ta và nơi những người khác, vì vậy chúng ta liên đới chịu trách nhiệm: ‘Vì tôi như thế này, cho nên họ như thế đó.’ Lối đặt vấn đề có tính toàn triệt hơn cả là lối nhìn ‘tương tức’: ‘Cái này như thế này vì cái kia như thế kia.’ Đây là con đường của Hiểu và Thương. Với cái thấy này, ta có thể nhìn một cách sáng suốt và giúp cho chính phủ ta nhìn một cách sáng suốt. Khi ấy ta có thể đi biểu tình và nói: ‘Cuộc chiến tranh này bất công, hủy diệt và không xứng đáng với đất nước cao quý của chúng ta.’ Điều này hữu hiệu hơn là giận dữ buộc tội cho nhau. Sự tức giận bao giờ cũng gây thêm đổ vỡ.
Tất cả chúng ta, kể cả những người theo chủ nghĩa hoà bình, đều có những nỗi khổ niềm đau trong lòng. Chúng ta cảm thấy bực tức, thất vọng, và chúng ta cần tìm một người nào đó sẵn sàng lắng nghe và có khả năng hiểu được những nỗi khổ niềm đau của chúng ta. Trong nghệ thuật mô tả bằng hình tượng của đạo Bụt có một vị Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt tên là Quan Thế Âm. Nghìn tay tượng trưng cho hành động, và con mắt trong mỗi bàn tay tượng trưng cho sự hiểu biết. Khi chúng ta hiểu một hoàn cảnh hay một con người thì những gì chúng ta làm sẽ giúp được cho tình trạng và sẽ không gây thêm đau khổ. Khi có con mắt ở trong bàn tay, chúng ta sẽ biết cách thực tập bất bạo động đích thực.
Muốn thực tập bất bạo động, trước hết ta phải thực tập với chính mình. Trong mỗi chúng ta đều có một mức độ bao động và bất bạo động nào đó. Tùy thuộc vào tình trạng của chúng ta lúc ấy, cách chúng ta phản ứng đối với sự việc sẽ mang ít hay nhiều tính chất bạo động. Cho dù ta có hãnh diện rằng mình là người ăn chay đi nữa thì ta cũng phải công nhận rằng trong nước chúng ta luộc rau có biết bao nhiêu là vi sinh vật. Chúng ta không thể hoàn toàn bất bao động, nhưng với việc ăn chay, chúng ta đang đi về hướng bất bạo động. Nếu muốn đi về hướng Bắc, ta có thể dùng sao Bắc Đẩu để nhắm hướng, nhưng không thể nào đến được sao Bắc Đẩu. Nỗ lực của chúng ta chỉ nhằm đi về hướng đó.
Ai cũng có thể thực tập bất bạo động ở một mức nào đó, kể cả các tướng lĩnh quân đội. Chẳng hạn họ có thể chỉ huy cuộc hành quân của mình như thế nào để tránh không giết hại những người vô tội. Để giúp những người lính đi về hướng bất bạo động, chúng ta phải tiếp xúc với họ. Nếu chúng ta chia thực tại ra làm hai phe -- bạo động và bất bạo động – rồi đứng về một phe chống lại phe kia, thế giới sẽ không bao giờ có hoà bình. Chúng ta sẽ luôn trách cứ và buộc tội những người chúng ta cho là chịu tránh nhiệm cho tình trạng chiến tranh và bất công xã hội mà không hề nhận ra mức độ bạo động trong chính con người mình. Chúng ta phải cải hoá chính mình, đồng thời làm việc với những người chúng ta buộc tội nếu muốn có một ảnh hưởng đích thực.
Vạch một ranh giới và gạt một số người sang hàng ngũ kẻ thù -- dù là người hành xử bạo động – chẳng bao giờ giúp được gì cả. Ta phải đến với họ với tình thương trong trái tim ta và làm mọi cách có thể để giúp họ đi về hướng bất bạo động. Nếu chúng ta hoạt động cho hoà bình bằng sự phẫn nộ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thành công. Hoà bình không phải là điểm kết thúc. Hoà bình không bao giờ có thể đến được bằng những phương tiện không hoà bình.
Quan trọng nhất là trở thành bất bạo động, để khi một tình huống xảy đến, chúng ta sẽ không tạo thêm đau khổ. Để thực tập bất bạo động, chúng ta cần có sự nhẹ nhàng, từ, bi, hỷ, xả đối với thân tâm mình, và đối với kẻ khác. Bằng chánh niệm -- sự thực tập bình an – ta có thể bắt đầu bằng việc chuyển hoá những cuộc chiến trong ta. Có những kỹ thuật để làm chuyện này. Hơi thở có ý thức là một. Mỗi khi ta cảm thấy bất mãn, ta có thể ngưng những gì mình đang làm, tránh không nói bất cứ điều gì, và thở vào thở ra vài lần, ý thức từng hơi thở vào, ra. Nếu vẫn còn không vui, ta có thể đi thiền hành, chánh niệm với từng bước chân chậm rãi và từng hơi thở của mình. Nuôi dưỡng hoà bình bên trong, chúng ta mang lại hoà bình cho xã hội. Tùy thuộc vào ta cả. Tu tập hoà bình trong ta có nghĩa là giảm thiểu đến mức tối đa những cuộc chiến tranh giữa cảm thọ này với cảm thọ khác, ý niệm này với ý niệm khác, rồi ta cũng có thể có hoà bình với những người khác, kể cả những thành viên trong gia đình mình.
Tôi thường được hỏi: ‘Nếu anh thực tập bất bạo động mà có người xông vào nhà, bắt cóc con hay giết vợ mình thì sao? Anh phải làm gì? Anh có còn hành xử theo cách bất bạo động không?’ Câu trả lời tùy thuộc vào trạng thái của anh. Nếu đã có sự chuẩn bị, anh có thể phản ứng một cách trầm tĩnh và thông minh, theo cách bất bạo động nhất mà anh có thể làm. Nhưng muốn sẵn sàng để có thể phản ứng với sự thông minh và bất bạo động, anh phải có sự rèn luyện từ trước. Có thể phải mười năm, hay lâu hơn. Nếu chờ cho đến khi có chuyện mới hỏi câu hỏi ấy thì sẽ quá muộn. Câu trả lời theo kiểu nên-thế-này-hay-thế-khác sẽ là hời hợt vô ích. Ở giây phút quyết định ấy, cho dù anh có biết rằng bất bạo động thì tốt hơn là bạo động, nếu cái hiểu của anh chỉ ở trên trí óc mà không nằm trong toàn bộ con người anh, anh sẽ không hành xử bất bạo động. Sự sợ hãi và tức giận trong anh sẽ ngăn không cho anh hành động theo cách bất bạo động nhất.
Chúng ta cần phải nhìn sâu mỗi ngày để thực tập tốt Giới này. Mỗi lần mua sắm hay tiêu thụ một thứ gì, ta có thể đang thao túng cho một dạng giết chóc nào đó.
Trong khi thực tập bảo vệ con người, cỏ cây, cầm thú, và đất đá, ta biết ta đang bảo vệ cho chính mình. Ta cảm được mối dây liên hệ bền vững, thân thương với tất cả mọi loài trên trái đất. Chúng ta được bảo hộ bởi chánh niệm và lòng từ bi của Bụt và của bao thế hệ Phật tử đã hành trì Giới pháp. Năng lượng từ bi này mang đến cho ta cảm giác an ninh, lành mạnh và hoan hỷ, và như vậy mới xứng đáng với giây phút mà chúng ta quyết định thọ trì giới thứ nhất.
Xót thương chưa đủ. Ta phải học cách biểu lộ tình thương ấy. Đó là vì sao ta phải có hiểu biết đi kèm. Sự hiểu biết và tuệ giác chỉ cho ta nên hành động như thế nào.
Kẻ thù đích thực của chúng ta chính là sự lãng quên. Nếu chúng ta nuôi dưỡng chánh niệm mỗi ngày và tưới tẩm những hạt giống bình an trong ta và trong những người xung quanh ta, ta sẽ trở nên sống động, và ta có thể giúp cho chính mình cũng như những người khác đạt đến an ổn và từ bi.
Sự sống thật quý giá, vậy mà trong đời sống hằng ngày ta lại thường bị cuốn theo những quên lãng, giận hờn, và lo lắng, ta đắm chìm trong quá khứ, và không có khả năng tiếp xúc với sự sống trong giờ phút hiện tại. Khi chúng ta thật sự sống động, những gì ta làm hay tiếp xúc đều là phép lạ. Thực tập chánh niệm tức là quay trở về với sự sống trong giờ phút hiện tại. Phép thực tập của Giới thứ nhất chính là một lễ hội tôn vinh sự sống. Khi chúng ta biết trân quý cái đẹp của sự sống, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì trong khả năng mình để bảo vệ cả cuộc đời.
- Thế Nào Là Luật Tạng?
- Các Cấp Độ Giới Pháp
- Bách Trượng Tòng Lâm Thanh Quy
- Luật Tạng Và Những Nguyên Tắc Sống An Lạc
- Giới Bản Năm Giới Tân Tu
- Ý Nghĩa Và Tầm Quan Trọng Của Cương Giới
- Để Có Một Tương Lai - Chú Giải Về Năm Giới
- Giới Luật Là Thọ Mạng Của Phật Pháp
- Y Công Đức Kathina
- Bước Tới Thảnh Thơi (Giới Luật Và Uy Nghi Của Các Vị Sa Di)
- Ý Nghĩa Và Tầm Quan Trọng Của Cương Giới
- Luật Tạng Trong Tổ Chức Tăng Đoàn Ngày Nay Tại Việt Nam