Thích Nhật Từ
Dựa vào tông chỉ của đoạn kinh dẫn nhập (chỉ còn trong bản tiếng Tây Tạng, đã bị tỉnh lược trong các bản dịch chữ Hán) ta thấy rằng, mọi hình thức, nếu bám vào, sẽ là một sự trở ngại; mọi hình thức nếu sử dụng như một công cụ, sẽ hỗ trợ ta về phương diện quan hệ xã hội, nói chung. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.
Nhưng chiếc áo là thông điệp để thầy tu sống hạnh thầy tu cho đúng nghĩa. Nếu thầy tu Phật giáo mặc y phục giống như các linh mục hay mục sư, đi ra ngoài có phạm giới thì cũng không ai biết! Khi mặc chiếc áo thầy tu đi tới đâu, người ta cũng nhận diện rõ rệt. Mặc áo thầy tu mà chạy xe lạng lách là thấy kỳ rồi, hay tướng đi của ông đánh đòng đưa tay qua tay lại, vừa đi vừa nói vừa cười, như một người tại gia thì cũng không thích hợp với oai nghi tế hạnh của người xuất gia. Vì thế, chiếc áo đó, mặc dầu không làm nên thầy tu, nhưng nếu không có nó, thầy tu khó có thể giữ được tâm tu của mình.
Cho nên, sử dụng hình thức như là một phương tiện, trong trường hợp này, vẫn được gọi là văn tự Bát-nhã, là một sự trải nghiệm thực tướng Bát-nhã. Ta đừng nên đả phá hình thức, miễn là đừng câu nệ vào đó thôi.
Rất nhiều trường phái Phật giáo hiện nay rơi vào chủ nghĩa hình thức. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh đến góc độ này. Ngài nói ngài rất buồn cho Phật giáo Tây Tạng, vì phần lớn các hành giả, bao gồm cả các vị Lạt Ma trong truyền thống này đã đặt nặng chủ nghĩa hình thức. Ngài đưa ra ví dụ, chẳng hạn ngài thuộc trường phái Mũ Vàng. Ngày xưa chiếc mũ, trong bối cảnh địa lý và khí hậu của Tây Tạng, rất cần thiết để người tu cần phải có, vì nhiệt độ âm quanh năm suốt tháng. Nếu không đội mũ, với cái đầu trọc thì chịu sao nỗi? Người đời có tóc phải đội nón len mới không bị lạnh thì người tu có nón là chuyện bình thường. Các vị Tổ của Phật giáo Tây Tạng đã chế ra cái mũ, lấy màu vàng làm tông chỉ giải thoát. Nên trường phái của đức Đạt Lai Lạt Ma được gọi là phái Mũ Vàng. Bây giờ, truyền thống đó đã bắt đầu đi xa, người ta làm cái mũ thật đẹp, cao dài hơn cái mũ gà! Nó trở thành một trang sức phẩm, không còn phù hợp trong bối cảnh địa lý và khí hậu của Ấn Độ nóng bức so với đất nước Tây Tạng băng tuyết.
Khi truyền đạo ở phương Tây, các vị sư Tây Tạng vẫn tiếp tục đội chiếc mũ vàng. Ngài nói, chiếc mũ ấy dị hợm vô cùng, nên ngài không đội. Và tương tự với trường phái Mũ Đỏ. Do đó, nếu không dùng trí tuệ Bát-nhã để quán chiếu thì những hình thức do thầy truyền trò nối, hay những phong tục tập quán dân gian, cha mẹ truyền con cái nối nghiệp, có nhiều điều dư thừa, nhiều điều ngớ ngẩn. Sự thực tập trí tuệ Bát-nhã có giá trị ở chỗ đó.
Do đó, việc thực tập trí tuệ Bát-nhã sẽ giúp ta vượt qua những cái chấp nhất về hình thức vốn không cần đến như thế. Tâm linh là mấu chốt quan trọng của người tu. Tuệ giác là yếu tố quan trọng, cần hướng về, chứ không phải hình thức. Nói như thế không có nghĩa là ta bỏ hết tất cả hình thức. Nhiều Phật tử cực đoan, đi học các loại văn học Bát-nhã cao cấp, nói rằng hình thức là phụ nên bỏ hết, đừng có chấp trước vào nó. Họ biện minh rằng, đức Phật còn phá chấp luôn 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, ai bám vào đó, đánh giá là Phật này Phật kia thì người đó đang tu hạnh tà, không thấy được Như Lai, có nghĩa là không chứng đắc giác ngộ được. Từ đó, khi thấy chỗ nào xây chùa to Phật lớn, họ phê bình, cho ông thầy tu này chấp trước, không hiểu được thực tướng Bát-nhã, trí tuệ Bát-nhã, hay quán chiếu Bát-nhã, bám vào văn tự Bát-nhã cho nên xây dựng tốn kém tiền của của đàn na tín thí.
Nếu không có chùa to Phật lớn, lấy đâu có chỗ mình tu? Có dám tu ở ngoài trời mưa không? Có dám tu ở ngoài trời nắng không? Có dám ngủ ở dưới gốc cây như thời Phật ngày xưa không? Đức Phật chủ trương trung đạo, đâu phải khổ hạnh ép xác? Do đó, ta không nên cực đoan về những thứ này. Ngôi chùa Dharmakaya Thái Lan, có sức chứa 1 triệu chỗ ngồi, giảng đường lớn nhất trên hành tinh. Trong các ngày lễ hội văn hóa Phật giáo lớn, số lượng người về tham dự đến 1- 2 triệu người. Thiền đường cũ 500 ngàn chỗ ngồi mà còn bị quá tải. Nếu không có chùa to thì làm sao có đủ chỗ cho số lượng người quá lớn đến thực tập hành trì, để được an vui hạnh phúc? Có nhiều người cực đoan nói ngày xưa Phật đâu có chùa to đâu. Ngài ở đỉnh núi, bây giờ thầy tu không chịu ở núi! Ở núi làm sao độ người ở thành thị được? Ngày nay ai tu núi thì tu, ai tu thành thị thì tu, chứ đừng bắt tất cả mọi người phải tu trên núi! Việc nhập thế, mỗi giai đoạn mỗi khác.
Do đó, học trí tuệ Bát-nhã để ta linh động ứng xử và sử dụng mọi hình thức như một công cụ, để kết quả của sự hóa độ đạt được ở mức độ cao nhất. Nhân danh thực tập trí tuệ Bát-nhã, mà bám chấp vào một bên và phủ định những điều còn lại chỉ là sự cố chấp thôi. Nếu đã cố chấp thì không còn là trí tuệ nữa. Bắt buộc mọi người phải phá hết hình thức lại là một biên kiến, một cố chấp nguy hiểm. Vấn đề còn lại là, ta sử dụng chùa to Phật lớn như thế nào. Chứ không phải là, hễ cất chùa là bị bác, hễ làm Phật lớn là bị chê. Hễ làm cái gì đó là bị phê bình.
Trí tuệ Bát-nhã không phải thế. Trí tuệ Bát-nhã thấy rất rõ, vào lúc nào, ta dùng phương tiện nào được xem là hữu dụng. Nhờ đó, hành giả đạt được khả năng tiếp biến văn hóa, trong từng quốc gia, giúp cho đạo Phật thích ứng với mọi thời đại. Nói tóm lại, phần dẫn nhập của kinh Bát-nhã giúp cho ta có cái nhìn về tầm quan trọng của việc sử dụng đúng trí tuệ và sống bằng trí tuệ Bát-nhã, để giải phóng ta khỏi những ràng buộc của nỗi khổ niềm đau trên nhân thế.
TRÍ TUỆ BÁT NHÃ
Nếu không đạt được từ việc ứng dụng trí tuệ Bát-nhã, để vượt qua tất cả các khổ ách thì ít ra, các hành giả của Bát-nhã Tâm Kinh phải đạt được ở mức độ tương đối là xa lìa hết tất cả các vọng tưởng, những nỗi sợ hãi thầm kín bên trong hay những sợ hãi cụ thể bên ngoài, những tình trạng khủng bố do tự mình tạo ra hoặc người khác tạo ra. Tuệ giác Bát-nhã sẽ giúp cho ta trở thành người có bản lĩnh, nhưng không phải ngoan cố liều mạng. Do đó, không có bất cứ một biến cố nào trong cuộc đời có thể làm cho người đó bị xao động theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến dòng cảm xúc, thái độ, nhận thức, hành động và tương quan xã hội của người đó nói chung.
Bát-nhã Tâm Kinh dạy ta về sự nỗ lực rũ bỏ mọi chấp trước, như một thanh gươm sắc bén, chặt đứt hết tất cả mọi ràng buộc của những sợi dây cảm giác, nhận thức và nhứt là sợi dây thành quả. Tu tập tuệ giác không phải để chất đầy các thành quả chúng ta đạt được, mà chính là để xả bỏ hết tất cả những thứ đó, để ta đạt đến tuệ giác cuối cùng, đó là vô thượng bồ đề.
Và cuối cùng, rất sâu sắc, Bát-nhã Tâm Kinh sử dụng đến một nghệ thuật chơi chữ: Trí tuệ được quan niệm như là thần chú, là một phép mầu, là năng lực giải thoát tất cả mọi khổ đau.
Có trí tuệ là có hạnh phúc, có trí tuệ là dứt khổ đau, có trí tuệ thì mọi việc đều được thành tựu, vì trí tuệ luôn luôn là diễn trình tư duy và hành động tương ứng với nhân quả, với vô ngã, vô thường và phù hợp với mọi quy luật của vũ trụ. Tri thức tuệ giác là một loại tri thức cao nhất mà con người cần phải có. Đó chính là điều mầu nhiệm trong thế giới hiện thực, ai cũng có thể thực tập được, trải nghiệm được và chứng đắc được.
Thần chú Tâm Kinh này khác hoàn toàn với các câu thần chú của nền văn học Mật tông. Trong Mật tông, thần chú được xem như nguồn phép mầu, mà mỗi danh xưng của các vị thiện thần được nêu trong thần chú được xem như một nguồn năng lực giúp con người đạt được điều nguyện cầu, mong ước, để vượt qua được nỗi đau và thành tựu được mọi nguyện ước chân chính trong đời.
Cấu trúc của bài Bát-nhã Tâm Kinh, trong vòng 260 chữ, mà nội dung và giá trị trị liệu của kinh rất cao sâu. Nhưng rất tiếc, trong thực tế, ta sử dụng bản kinh này vào những mục đích rất bình thường, như tụng kinh đám ma, tụng kinh cầu an, trong khi bản thân người tụng cũng không có cơ hội để trải nghiệm những nội hàm của Tâm Kinh. Ngay cả bản thân của người được sử dụng nghi thức này cũng không có cơ hội để hiểu được vì không được ai giải thích.
Giá trị của Tâm Kinh rất sâu sắc, càng ngắn gọn chừng nào thì lại càng khó ngần ấy về phương diện văn học và triết lý. Cho nên, việc học, nghiên cứu bản kinh này, không bao giờ được đặt ra với tham vọng quá lớn là chứng đắc được những điều mà bản kinh hàm chứa, nhưng ít ra, học tập, nghiên cứu, suy tư Tâm Kinh là một ước nguyện rất chân thành.
Ta hiểu Tâm Kinh ở góc độ tương đối với chiều sâu và việc sử dụng sự hiểu biết ấy ở phương diện nào là có giá trị ở phương diện ấy. Chừng đó thôi cũng đã cảm thấy thỏa mãn lắm rồi.
VĂN TỰ BÁT NHÃ
Còn được gọi là danh tự Bát-nhã, được hiểu là phương tiện. Trí tuệ chỉ có thể được hiểu rõ khi ta dùng các hệ thống ngôn ngữ đúng văn phạm, đúng trình tự, mô tả đúng bản chất ở mức độ tương đối về Trí tuệ ấy. Nhờ những khái niệm hàm xúc qui ước trong văn tự này, mà ta có thể hiểu được trí tuệ là gì, như thế nào, vượt trội như thế nào so với các kiến thức thông thường mà con người có thể có từ học vấn, từ nghiên cứu, từ việc sử dụng các kỹ năng tư duy khoa học, bao gồm diễn dịch, quy nạp, tổng hợp, loại suy, v.v…
Các Tổ phân tích ở mức độ rộng hơn. Tất cả các văn học Phật giáo, mô tả, tường thuật lại những lời kinh mà đức Phật giảng, dầu là của truyền thống Nam tông, với văn hệ Pali, truyền thống Bắc tông với văn hệ Sanscrit, hay là các bản dịch bằng chữ Hán, hay chữ Tây Tạng, đều được gọi chung là văn tự Bát-nhã. Từ những văn hệ này, ta khai mở được trí tuệ rất lớn. Nhờ đọc vào kinh điển Phật giáo ta có trí tuệ về vũ trụ luận, trí tuệ về thế giới quan, trí tuệ về nhân sinh quan, trí tuệ về các quy luật vận hành trong vũ trụ nói chung. Mặc dầu điều đó chưa phải là sự chứng đắc, nhưng ít ra, ta có tầm nhìn chuẩn xác về chúng là đã giảm đi được những ràng buộc, dính mắc vào các nỗi khổ niềm đau rồi.
Nhờ các kiến thức từ văn tự Bát-nhã này, ta không còn mê tín dị đoan vào Thượng đế, vốn được các tôn giáo nhất thần quan niệm rằng, đó là nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ. Nhờ kinh điển Phật giáo ta hiểu rất rõ rằng, các vị thần linh trong cuộc đời không có chức năng quản lý các chức trách và ngành nghề, nhưng do con người đã mê tín và gán ghép. Tuy nhiên, nếu các thần linh có thực thì họ vẫn chịu quy luật nhân quả chi phối, như bao nhiêu con người và các chủng loại sinh vật khác có mặt trên hành tinh này trong suốt chiều dài lịch sử. Không có văn tự Bát-nhã, con người luôn chịu đựng và gây ra cho nhau nhiều rắc rối, nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, Thiền học của Phật giáo Nhật Bản và Trung Quốc lại có chiều hướng thiên cực, phê phán quá nhiều về văn tự Bát-nhã. Họ cho rằng, điều gì mà còn bám vào văn tự chữ nghĩa, điều đó chỉ là đàm dãi của những người đi trước, của Phật, Bồ-tát, A la hán, tổ sư, nên không thể làm cho hành giả đạt được trí tuệ ở mức độ cao nhất. Do đó, họ lập ra tông chỉ “giáo ngoại biệt truyền’. Tức là truyền tâm ấn không lệ thuộc vào ngôn ngữ văn tự Bát-nhã, không lệ thuộc vào kinh điển, không nói những gì đã được lặp lại, mà hãy nói bằng sự trải nghiệm chứng đắc của bản thân. Tông chỉ đó dù hay, nhưng gặp rất nhiều vấn đề. Nhiều hành giả, khi chưa trải qua việc nghiên cứu kinh điển bằng danh tự thì sẽ không hiểu biết gì về lịch sử đức Phật, về những giáo pháp Phật dạy và những ứng dụng, những giá trị trị liệu từ kho tàng chánh pháp.
Kết quả là, họ trở thành người cực đoan, chỉ biết đến công án của các thiền sư. Còn Phật là gì, Phật dạy thế nào, giáo pháp ra sao thì họ không cần bận tâm biết đến. Dù thế nào đi nữa, văn tự Bát-nhã vẫn luôn là phương tiện không thể không có.
Ngày nay trên khắp hành tinh, con người dựa vào văn tự, dựa vào văn bản để khai sáng nền triết học, văn học, xã hội học, đạo đức học, v.v... Bất cứ ngành nghề gì muốn phát triển phải dựa vào văn tự. Cán cân luân lý và cán cân luật pháp của xã hội cũng dựa vào văn tự. Các văn bản luật pháp là văn bản chuẩn nhất, ít có sơ hở nhất, rõ ràng nhất, nhất là không được gây hiểu lầm, để trở thành hệ thống chuẩn mực xã hội về đạo đức, về giao tiếp, về ứng xử. Không có văn tự là không được. Do đó, ta không nên quá cực đoan về vấn đề phủ bác văn tự. Trong khi nội dung của văn tự ta chưa nắm, giá trị phương tiện của ngôn ngữ văn tự, ta chưa sử dụng được, mà hủy bỏ, được xem là “chưa qua bờ mà đã bỏ thuyền”. Đó là một cực đoan chấp vào “không”, còn nguy hiểm hơn chấp vào “cái hữu” của văn tự, để đạt được những giá trị chân thiện mỹ. Vấn đề là đừng chấp mắc vào ngôn ngữ, văn tự, hãy “được ý quên lời”.
- Pháp Hoa Tông Yếu
- Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận
- Ngục Tù Của Đời Sống
- Phật Học Và Học Phật
- Thời Mạt Pháp, Pháp Có Mạt?
- Hòa Thượng Hư Vân Khai Thị Tại Thiền Đường
- Lời Khuyên Của Người Tu Tập Phật Giáo
- Phật Hóa Hữu Duyên Nhân
- Lòng Tin Của Người Phật Tử
- Ai Thấy Pháp Người Ấy Thấy Phật, Ai Thấy Phật Người Ấy Thấy Pháp
- Logic Học Trong Phật Giáo
- A-TÌ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ LUẬN