Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Luận Xây Dựng Niềm Tin

Xây Dựng Niềm Tin

Email In PDF

Huyền Hương

Trong bất kỳ sự nỗ lực nào của con người thì niềm tin đều đóng vai trò quan trọng.

 

Có niềm tin thì mới có quyết tâm theo đuổi mục tiêu này hay mục tiêu khác trong cuộc sống. Trái lại, không có niềm tin thì không có hướng đi trong cuộc đời. Niềm tin càng vững chắc thì lối đi càng rộng mở và ý chí nỗ lực càng lớn mạnh. Vì vậy mà con người cần nuôi dưỡng và xây dựng niềm tin. Trong đạo giáo của Ngài, Đức Phật nhấn mạnh về lòng tin, xem đó là động lực thúc đẩy mọi ý chí nỗ lực tiến bộ của con người trong đường lối tu tập hướng đến mục tiêu giác ngộ. Ngài nêu rõ:

“Này các Tỷ-kheo, một vị có lòng tin, đi đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai; sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp; sau khi thọ trì pháp, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ lực, vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu không có lòng tin ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự đến gần ấy, thời này các Tỷ- kheo, không có tỏ sự kính lễ ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự lóng tai ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự nghe pháp ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự thọ trì pháp ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự suy tư ý nghĩa ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự chấp thuận các pháp ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự ước muốn ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự nỗ lực ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự cân nhắc ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có sự tinh cần ấy, thời này các Tỷ-kheo, không có tự thân chứng được sự thật tối thượng ấy”1.

Như vậy, theo quan điểm phân tích của Đức Phật thì niềm tin là cần thiết cho việc phát huy các phẩm chất tự nội dẫn đến mục tiêu chứng ngộ chân lý. Nó là khởi điểm của tiến trình tiếp cận và thực nghiệm chân lý hay giải thoát khổ đau. Niềm tin cần thiết và quan trọng như thế, vậy thì niềm tin của người học Phật là gì và do đâu mà có niềm tin? Nói cách khác, người Phật tử tin tưởng những gì và xây dựng niềm tin của mình như thế nào? Đức Phật gợi ý cho chúng ta về tiêu chuẩn và cách thức xây dựng niềm tin:

“Ở đây, này Bharadvàja, Tỷ-kheo sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp. Người này nghĩ rằng:’Không hiểu vị Tôn giả ấy có tham ái hay không, do những tham ái này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: ‘Tôi biết,’ dầu không thấy vẫn nói:‘Tôi thấy’; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài.’ Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như ssau:‘Vị Tôn giả ấy không có những tham pháp, do những tham pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói ‘Tôi biết,’ dầu không thấy vẫn nói: ‘Tôi thấy’; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng tham. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các sân pháp: ‘Không hiểu vị Tôn giả ấy có sân pháp hay không, do những sân pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: ‘Tôi biết’ dầu không thấy vẫn nói: ‘Tôi thấy’; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài’. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: ‘Tôn giả ấy không có những sân pháp, do những sân pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: ‘Tôi biết’ dầu không thấy vẫn nói: ‘Tôi thấy’; hay xui khiến người khác có những hành động, khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng sân. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng sân khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những sân pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các si pháp: ‘Không hiểu Tôn giả ấy có si pháp hay không, do những si pháp này tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói:‘Tôi biết’ dầu không thấy vẫn nói: ‘Tôi thấy’; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài’. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: ‘Tôn giả ấy không có những si pháp, do những si pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: ‘Tôi biết’ dầu không thấy, vẫn nói: ‘Tôi thấy’; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng si. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sanh lòng tin đối với vị ấy, với lòng tin sanh, người này đến gần; khi đến gần liền thân cận giao thiệp; do thân cận giao thiệp, nên lóng tai; do lóng tai, người ấy nghe pháp; sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh; khi ước muốn sanh, liền cố  gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc; sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy”2.

Nhìn chung, niềm tin là rất cần thiết  trong  đường hướng thực nghiệm chân lý và do vậy Đức Phật đã chỉ cho chúng ta về cách thức và tiêu chuẩn để thiết lập niềm tin. Đó là phải tự mình tìm hiểu, xem xét và cân nhắc kỹ về phẩm hạnh của vị đạo sư và giáo pháp do vị ấy tuyên thuyết trên cơ sở có tham pháp, sân pháp và si pháp hay không. Nếu sau khi tìm hiểu, xem xét và nhận ra vị đạo sư còn có tham, sân, si và những gì vị ấy nói chỉ mang lại khổ đau, không đưa đến hạnh phúc an lạc, thì không nên đặt lòng tin vào vị ấy và giáo pháp do vị ấy thuyết giảng. Trái lại, nếu vị đạo sư không có những biểu hiện tham, sân, si và những gì vị ấy thuyết giảng là chơn chánh, hiền thiện, có khả năng đưa đến hạnh phúc, loại trừ khổ đau, thì bấy giờ mới nên đặt để lòng tin. Đức Phật xác nhận rằng những ai xây dựng niềm tin theo cách thức và tiêu chuẩn trên thì lòng tin của vị ấy đạt đến vững chắc, không vì lý do gì mà lay chuyển3.

Vậy nên, người Phật tử được khuyên không cần phải vội vàng tin nghe người khác mà phải tự mình xây dựng và đặt để niềm tin, thông qua việc tìm hiểu và xem xét kỹ về đối tượng (vị thầy hay giáo pháp) muốn tìm hiểu và nhận ra tính chất thiện hay bất thiện của đối tượng ấy. Chỉ khi nào đã biết chắc về đối tượng rồi thì mới quyết định nên tin hay không. Đây là cách thức xây dựng niềm tin của người Phật tử. Đây cũng chính là ý nghĩa trọng tâm của lời khuyên nổi tiếng mà Đức Thế Tôn đã dành cho dân chúng Kàlàmà khi họ tỏ ra hoang mang, không biết nên tin vào đâu, giữa muôn vàn phù phiếm của cảnh dâu bể:

“Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng… Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Kàlàmà, hãy đạt đến và an trú”4.

Chú thích:

1. Kinh Kìtàgiri, Trung Bộ.

2. Kinh Cankì, Trung Bộ.

3. Kinh Tư sát, Trung Bộ.

4. Kinh Các người ở Kesaputta, Tăng Chi Bộ

(TC. Văn Hóa Phật Giáo)