Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Chuyển Đề Lúa Chín Đúng Thời

Lúa Chín Đúng Thời

Email In PDF

Nguyễn Thi

Đức Phật chỉ dạy cho các học trò mình cách thức tu tập để giải thoát khổ đau luân hồi, cơ bản dựa trên sự phát triển ba phẩm chất tự nội là đạo đức, tâm linh và trí tuệ, thường gọi là Giới Định Tuệ hay còn gọi là Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm, Tăng thượng trí tuệ. Ngài khuyên họ phải chuyển tâm nỗ lực thực hành Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm, Tăng thượng trí tuệ nhưng không nên bận tâm về kết quả, vì tâm giải thoát là kết quả hết sức tự nhiên một khi có sự nỗ lực tu tập đúng đắn. Tựa như người nông phu khéo cày bừa thửa ruộng của mình,rồi đúng thời gieo mạ, đúng thời cho nước vào ra, đúng thời bón phân cho ruộng lúa. Cứ thế, vị ấy kiên trì chăm bón cho ruộng lúa của mình thì đúng thời lúa sẽ trổ hạt và chín vàng.

Thông thường, chúng ta làm một việc gì thì cứ mong sao cho chóng có kết quả. Tâm lý này thường mang lại nhiều hệ quả không hay. Chúng ta thiếu tập trung đầy đủ và chính đáng vào những gì mình đang làm hoặc làm vội làm dối mọi việc cho xong. Hệ quả là những gì chúng ta làm ra không đạt kết quả tốt đẹp như mong muốn. Không biết bao nhiêu hệ quả xã hội đáng buồn và đáng trách cứ liên tục xảy ra khiến chúng ta vô cùng lo lắng, tất cả chỉ là do lòng người quá chú trọng về lợi ích trước mắt. Ngày trước, Đức Phật khuyên người nông phu khéo cày bừa thửa ruộng của mình, rồi đúng thời gieo mạ, đùng thời cho nước vào ra, đúng thời bón phân cho ruộng lúa. Người nông phu phải khéo trông nom chăm bón cho ruộng lúa của mình và không có quyền ra lệnh: “Hôm nay lúa của ta được mọc lên, ngày mai chúng sẽ trổ hạt, ngày kế tiếp chúng sẽ chín”. Nhưng ngày nay, tâm lý nônnóng muốn có được kết quả nhanh chóng đôi khi khiến chúng ta bỏ quên nhiều kinh nghiệm bổ ích. Chúng ta thiếu lòng tin và không đủ sức chờ đợi một kết quả chín muồi tự nhiên khi bắt tay làm điều gì đó. Chúng ta muốn kết quả đến thật nhanh và ngày nay điều đó dễ như trở bàn tay. Rõ là chúng ta có thể thu được những kết quả lợi ích trước mắt, nhưng sự thật thì nhiều sản phẩm chúng ta làm ra không đạt chất lượng, không còn tự nhiên, không bảo đảm độ an toàn lâu bền. Câu chuyện đạo lý “Lúa chín đúng thời” do Đức Phật dạy cho các học trò mình sau đây (1) lưu ý với chúng ta về lòng tin, tính kiên trì và kết quả lợi lạc, tốt đẹp, hết sức tự nhiên, của việc đầu tư thích đáng và nỗ lực đúng đắn:

“Này các Tỷ-kheo, có ba việc cấp thiết này, người nông phu gia chủ cần phải làm. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người nông phu gia chủ mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng; sau khi mau lẹ khéo cày, khéo bừa thửa ruộng, liền mau lẹ gieo hạt giống; sau khi mau lẹ gieo hạt giống, liền mau lẹ cho nước vô, cho nước ra. Này các Tỷ-kheo, đây là ba việc cấp thiết mà người nông phu gia chủ cần phải làm.

Người nông phu gia chủ ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): “Hôm nay lúa của ta được mọc lên, ngày mai chúng sẽ trổ hạt, ngày kế tiếp chúng sẽ chín”. Nhưng chính theo thời gian của người nông phu gia chủ, các cây lúa do sự hướng dẫn của thời tiết được mọc lên, được trổ hạt và được chín”.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba công việc cấp thiết này Tỷ-kheo cần phải làm. Thế nào là ba?

Chánh pháp tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng tâm học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Ba công việc cấp thiết này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm.

Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): “Hôm nay, tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ, ngày mai cũng vậy, ngày kế tiếp cũng vậy”. Nhưng này các Tỷ-kheo, chính do thời gian Tỷ-kheo ấy sử dụng để học tập tăng thượng giới, để học tập tăng thượng tâm, để học tập tăng thượng tuệ, mà tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tâm học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tuệ học”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập”.

(1). Kinh Cấp thiết, Tăng Chi Bộ

Nguồn: http://tapchivanhoaphatgiao.com