Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Chuyển Đề Thiền Sư Chân Nguyên Con Người Của Thế Kỷ Thứ 17

Thiền Sư Chân Nguyên Con Người Của Thế Kỷ Thứ 17

Email In PDF

Như Hùng

Trích từ: Thiền Sư và Tư Tưởng Giác Ngộ, xuất bản 1987

Chân Nguyên Thiền Sư, một trong những cây đuốc sáng rực và là nhà tư tưởng lớn trong Phật Giáo ở thế kỷ thứ 17. Những tác phẩm của ngài bị bỏ rơi ít được nhắc đến hoặc đề cập đến vẫn còn nhiều thiếu sót không chính xác. " Khi nói đến  tình hình văn học ở những thế kỹ  16- 17,chúng ta thường phàn nàn về sự ít ỏi  của những tác phẩm  cũng như tác giả. Lấy thí dụ cả thế kỷ 17 chỉ có một tập thơ của Trịnh Căn, hai tập diễn ca lịch sử ở đàng ngoài , mấy bài văn của  Đào Duy Từ ở Đàng  Trong "  chúng ta vội kết luận sự nghèo nàn  những tác phẩm. Đáng ra  nếu truy tầm đúng mức  những tác phẩm bị lãng quên hoặc chưa quật khởi thì số lượng sáng tác ở thế kỷ này không đến nỗi nghèo nàn  như chúng ta tưởng.

Chân Nguyên và những tác  phẩm của ngài  là một minh chứng trong việc quên lãng đó. Chân Nguyên rất được những tác giả cổ điển biết đến, không những trong giới Phật Giáo, mà ngay cả lĩnh vực văn học cũng được nhiều người nhắc nhở đến tên ngài. Như Trừng (1696-1733) đã đề cập đến tên ngài nhiều lần trong Ngũ Giới Quốc Âm và Thập Giới Quốc Âm:

Như như vâng giáo Chân Nguyên

Diễn dương luật tạng lưu truyền sâu xa.

Đồng thời Ngô Sỹ Liên(1726-1780)tác giả Việt Sử Tiêu Án đã nhắc nhở đến tên ngài với sự kính cẩn,qui định trong Đại Nghị Quốc Ngữ vai trò kế thừa sự nghiệp trước tác của Chân Nguyên như sau:

Như thị cũng dòng Chân Nguyên

Lịch triều pháp sự quốc ban rõ ràng

Lịch triều nay đã đảm đang

Theo đòi dấu trước mở mang kim thì.

Chân Nguyên được kể như tác giả vĩ đại, có những tư tưởng quan niệm khác thường, những tác phẩm của ngài bàng bạc sâu rộng trong quần chúng và đã tạo nên những điển tích rất có giá trị nhưng, phần nhiều người viết về văn học sử không nắm được tác quyền nên không xác định rõ rệt về vai trò của Chân Nguyên trong nền văn học ở thế kỷ 17.

Thiền Sư Chân Nguyên họ Nguyễn tên Nghiêm, tự là Đình Lân, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1647, nhân đọc sự tích Thiền Sư Huyền Quang dòng Trúc Lâm Yên Tử, ngài thấy " cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, nữa mình là học trò ". Câu này tác động mãnh liệt vào nội tâm của Nguyễn Nghiêm nên ông quyết dứt bỏ tất cả và đi xuất gia năm 19 tuổi.

I. CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ VÀ TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA CHÂN NGUYÊN

Trước tiên, ngài tìm đến chùa Hoa Tiên, học đạo với Thiền Sư Chân Trụ, được pháp danh là Tuệ Thông, nhưng vì Chân Trụ mất sớm, bèn cùng với bạn đồng liêu là Như Niệm đi tham học, thực hành hạnh đầu đà, không ở một chỗ nào nhất định, du phương tham vấn thêm Phật Pháp. Sau đó, Như Niệm bỏ cuộc về trù trì chùa Cô Tiêu. Tuệ Thông bèn đến núi Côn Lương làng Phù Lãng tham kiến thiền sư Minh Lương ở chùa Vĩnh Phúc, vị nầy đệ tử của Thiền Sư Chuyết Chuyết, và được Minh Lương đặt cho tên là Chân Nguyên. Chữ Chân này là chữ thứ hai trong bài kệ truyền pháp của ngài Minh Hành.

Minh Chân như tính hải

Kim Tường Phổ chiếu thông

Chí đạo thành chánh quả

Giác Ngộ chứng chân không.

Dịch:

Thấy chân như biển rộng

Ánh vàng chiếu vô cùng

Đạt đạo thành chánh quả

Giác ngộ chứng chân không.

Theo sách Kế Đăng Lục nói rằng “một hôm ông tham vấn Minh Lương về một điều thâm diệu trong Phật Pháp, thì chỉ thấy Minh Lương nhìn thẳng vào hai mắt ông một hồi lâu nhờ đó mà ông giác ngộ. Minh Lương có để lại một bài kệ phó pháp sau đây cho Chân Nguyên”.

Ngọc xinh ẩn trong đá

Hoa sen nẩy tự bùn       

Nên biết tìm giác ngộ

Nơi sinh tử trầm luân.

(Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

Liên hoa xuất ư nê

Tự tri sinh tử xứ

Ngộ thị tức bồ đề)

Trước khi được tham vấn Minh Lương, Chân Nguyên đã từng tu tập nhiều nhất trong việc dụng công về Thiền, có lẽ là Công Án mà Bách Trượng Thiền Sư (724-814) trao cho Hương Nghiêm. “Hãy nói cho tôi nghe về mặt mũi của chính ông khi mà ông chưa được cha mẹ sinh ra ?

Sau nhiều tháng năm tra vấn với nội tâm, đập tan những lớp phấn sơn bao bọc Vô Minh, cuối cùng mọi lẽ nhiệm mầu bỗng chốc bừng lên, khi được đôi mắt sáng như điện xẹt của Minh Lương chiếu thẳng, quét sạch những tàn dư đang ẩn núp trong tận cùng ngõ ngách, bóng đêm bị đẩy lùi ra khỏi ngưỡng cửa thời gian, ông vụt trong thấy toàn cõi tử sinh trong chốc lát mà không cần phải đi qua thứ lớp, tất cả mọi hiện tượng chứa đầy trong đôi mắt, cứ việc đem ra mà dùng, tìm cầu giác ngộ ở bên ngoài chỉ luống công, nhọc sức, nấu cát thành cơm. Công Án nầy Chân Nguyên có diễn tả trong sách Thiền Tông Bản Hạnh.

Thuở xưa trời đất chưa sanh

Cha mẹ chưa có thật mình Chân Không

Chẳng có tướng mạo hình dung

Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.

Quan niệm về Thiền của Chân Nguyên, có nhiều sắc thái đặc biệt mới lạ hoàn toàn dung hòa giữa hai nền tâm linh của Ấn Độ, và Trung Hoa, tổng hợp trở thành tư tưởng Thiền có nhiều tính chất của Dân Tộc, ngài khai thác nội tâm mang đầy bản tính hiền hòa chất phác của người Việt, không nặng về quan niệm đẩy kẻ ấy rơi vào ngõ bí không lối thoát, nhưng ngài cho thấm nhuần và thấy được giá trị tuyệt vời của nó, một cách từ từ như đi trong sương ướt áo, dù trời không mưa. Chân Nguyên chủ trương then chốt của việc đạt được giác ngộ là thắp sáng liên tục ý thức của mình về sự hiện hữu của tự tính “trạm viên” đó là nguồn gốc chân thật của mình. Ý thức trọn vẹn được điều này tất cả những tương quan hành động, ý tưởng của ta tự nhiên đi vào con đường giác ngộ mà không cần phải suy luận đắn đo, không một cử chỉ nào là không phù hợp với chân lý mầu nhiệm, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý dù tiếp xúc với trần cảnh như vào ngôi nhà rỗng không, chẳng có gì ràng buộc tạo được nghiệp sinh tử. Chân Nguyên đề cập điều này rất nhiều lần trong Thiền Tông Bản Hạnh.

Hậu học đã biết hay chăng

Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời

Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi

Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông.

Chân Nguyên hay nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối thoại, có lẽ thẩm định lại và làm hưng khởi tâm linh của con người ấy, may ra tìm thấy được sự chứng ngộ. Chân Nguyên vì nhờ Minh Lương nhìn thẳng vào mắt mà được giác ngộ. Nên cuộc đời còn lại Chân Nguyên đã dùng đến xảo diệu này. Ngài diễn tả trong Thiền Tông Bản Hạnh

Tam Thế chư Phật tổ sư

Tứ mục tương cố thị cừ Thiền cơ.

Và ở khía cạnh khác bốn mắt nhìn nhau ông nói.

Tứ mục tương cố nhãn đồng

Thầy tớ trao lòng đăng chúc giao huy.

Và                                                                   

Hóa Phật thọ ký vô biên

Tứ mục tương cố mật truyền tâm tông.

Chân Nguyên cũng lưu ý cho chúng ta, về vấn đề ngôn ngữ, theo ngài chỉ là phương tiện để đối trị lại những đảo điên mà ta đang trực diện. Ngài viết: “Xử dụng ngôn thuyết là việc bất đắc dĩ, phải dùng phương tiện để đối trị vọng tưởng của chúng sanh. Nếu không tùy trường hợp mà đối trị những vọng tưởng ấy, tức là không thể có giáo pháp. Mà không có giáo pháp thì không có Phật cũng không có Tăng. Tam Bảo đã không thì không có người thuyết pháp, không có người nghe pháp, cũng không có pháp được thuyết. Giáo Pháp đã từ nhân duyên mà có thì cũng chỉ là phương tiện để làm trẻ con nín khóc mà thôi, đâu phải là chân thực. Người ngu phu thì cần nhiều kinh điển, nhiều giáo pháp, bậc thượng trí thì chỉ cần một tiếng hét hay một nụ cười cũng có thể đốn ngộ tự tính.”

II. NHỮNG TÁC PHẨM CỦA CHÂN NGUYÊN

Chân Nguyên Thiền Sư là một cây bút lớn ở nền văn học thế kỷ thứ 17. Số lượng sáng tác của ngài khá nhiều, những tác phẩm sau đây đã được tìm thấy.

1- An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh – đã được tái bản đến 3 lần, 1745, 1805 và 1932

2- Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh in 1850

3- Ngộ Đạo Nhân Duyên

4- Đạt Na Thái Tử hành, năm 1838

5- Hồng Môn hành, năm “Minh Mạng vạn vạn niên”

6- Thiền Tịch Phú năm1932

Đó là những tác phẩm bằng quốc âm. Sau đây là những tác phẩm bằng Hán Văn.

7- Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới in 1748

8- Tịnh độ yếu nghĩa in ba lần 1747, 1851, và 1860

9- Nghênh sư duyệt định khoa in lại 1887.

Ngoài ra ngài còn viết tựa một số các kinh sách khác do ngài chủ trương hay người khác đứng in như:

- Long thư tịnh độ văn tự

- Trùng san Long thư tịnh độ luận hậu bạt tự.

Đó là những tác phẩm đã được tìm thấy, ngoài ra còn nữa chúng ta chưa khám phá ra. Và sự phát hiện bản in Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh năm 1850. Trước đó đã bị liệt vào loại khuyết danh, đã có những công cuộc nghiên cứu hai tác phẩm phổ biến trong nhân gian có một vài tư liệu phân tích về dữ kiện ngôn từ, ảnh tượng và ý tưởng cho rằng rất có thể tác giả là Chân Nguyên, đó là Quan Âm tống truyện và Phạm Tải Ngọc Hoa. Chúng ta thử đi sâu vào một vài tác phẩm của Chân Nguyên, chẳng hạn như Thiền Tịch Phú: Đây là bài Phú Nôm về Chùa Long Động mang nhiều sắc thái và từ ngữ thuần túy Việt Nam. Bài này được chùa Long Động bảo quản và được Thiền phố phiên âm và in trong Đuốc Tuệ số 7 ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội. Sau đây là một đoạn trong Thiền Tịch Phú:

"Am thờ tổ ngói lấp gỗ lim

Nhà trú tăng vách vôi tường gạch

Mấy bức kẻ chữ tiện mực giồi

Bốn bên diễu câu lơn sóc sách

Gác rộng thênh chuông đưa ba chập, niệm Nam Mô nhẹ tiếng boong boong.

Lầu cao vót trống điểm mấy hồi, đọc thần chú khua tang cách cách.

…..

Chè Bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm

Bánh Tam Thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch.

Quả Bồ Đề ăn ngọt xớt, muôn kiếp hằng no.

Hoa ưu bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch

Sang tây phương bệ ngọc đứng chơi

Về Đông Độ tòa vàng ngồi phịch

Bể từ bi thênh thông rộng rãi, mặc sức chở người

Thuyền Bát Nhã thăm thẳm bao la, giàu lòng độ khách

Thích Ca Phật Tổ ngồi tuyết sơn khô chẳng gầy già

Di Lặc Tiên Quang đi vận thủy đẫy đà phục phịch

Đức Tuệ Năng bát nguyện trung phường

Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích

Thần quan đoạn tý, lúc còn mê mặt khó đăm đăm

Ca Diếp nhãn đồng, thoạt chốc ngộ miệng cười khềnh khệch.

Dù ai quyết lòng học đạo, hỏi cho hay rừng Thỏ lông rùa

Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu cua tai ếch."

Và trong tác phẩm Ngộ Đạo nhân duyên có một đoạn đề cập đến nhân tâm, nhằm hiển lộ nên lối truyền thừa, dĩ tâm truyền tâm, dĩ mục truyền mục, chúng ta thử đọc về hình ảnh này qua cách diễn đạt của Chân Nguyên.

Đèn tâm mắt Phật mới vừa sinh

Tâm Ấn truyền nhau bốn mắt nhìn

Tiếp nối đèn kia về bất tận

Thiền lâm thắp mãi ánh quang minh .

(Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sinh

Tương truyền tứ mục cố phân minh

Liên phương tục diệm quang vô tận

Phổ phó thiền lâm thọ hữu hình)

Đó là điển hình trong việc đi vào một vài tư tưởng cũng như những tác phẩm của ngài. Ở đấy ta thấy được giá trị siêu việt của một văn tài đã bị lãng quên.

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG LĨNH VỰC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA CHÂN NGUYÊN

Chân Nguyên trưởng thành trong thảm trạng, phân hóa chia rẽ, và là bãi chiến trường đẫm máu của những dòng họ thống trị quan liêu, chỉ lo củng cố địa vị, và tạo nên những cảnh tang thương tang tóc, do những tàn dư cuộc nội chiến để lại. Chân Nguyên không thể nào không cảm thấy xót xa trước sự đen tối của đất nước, và những nỗi khổ của dân tộc, mà Chân Nguyên đã chứng kiến tận mắt. Một thanh niên “thông minh, hạ bút thành văn” như Chân Nguyên làm sao an tâm trước những hiện tượng này. Lúc bấy giờ chỉ còn hai phương pháp để giải quyết cho những người trai mới lớn, một là tiếp tay với những kẻ thống trị, để tiếp tục tạo thêm những thảm cảnh tang thương cho dân tộc, và hai là đi làm kẻ chống lại những thế lực cai trị. Nhưng Chân Nguyên đã có cái may mắn hơn nhân đọc cuốn “Thực Lực sự tích Trúc Lâm đệ tam Tổ Huyền Quang” mà Chân Nguyên tìm thấy được con đường cần thiết để dấn thân. Huyền Quang đã từng đỗ Trạng Nguyên, nhưng chán mùi công danh phú quý, nên quyết chí đi tu. Nhờ đó, làm cho Chân Nguyên cảm thấy lại thân phận của mình là chọn con đường như Huyền Quang đã chọn đi vào nẽo xuất gia. Đây là một giải pháp hay nhất, cho việc phát huy đời sống tâm linh an lạc cho chính mình và đồng thời có nhiều cơ hội để chia xẻ những thống khổ của Dân Tộc, hành động của Chân Nguyên được kể như một lối thoát tuyệt hảo. Sau nầy trong Thiền tôn Bản Hạnh Chân Nguyên đã minh định sự bế tắc của xã hội và sự xuất gia của mình có đóng góp cho xã hội nhiều không? Và trong thơ văn của ngài hãy còn vấn vương những nỗi đau thương trong cuộc đời mà ngài đã cảm nhận. Những ưu tư vẫn còn tiềm ẩn trong quảng đời của Chân Nguyên.

Ròng ròng nước mắt nhỏ sa

Một là tiếc đạo hai là thương dân.

Chân Nguyên đã chọn vị thế của mình là đứng trên lập trường của người dân để diễn tả những thảm cảnh nghèo đói, đau khổ mà người dân đang gánh chịu không một lời kêu cứu. Những cảnh tượng này đã từng phủ lên đầu Dân Tộc, từ khi lập quốc cho đến bây giờ luôn sống trong lầm than đen tối, qua những cuộc thống trị đô hộ của Tàu và Pháp. Chân Nguyên diễn tả trạng huống này với giọng thơ bùi ngùi xót xa cho duyên số của Dân Tộc của con người.

Cơm thời chẳng có ăn rày

Áo thời thuở này chẳng có che thân

Cùng là gầy guộc tay chân

Tối thui què quặt muôn phần xót xa.

Và ngài cũng đã đề cập đến nỗi căm phẫn đối với những con người chỉ biết sống trên nỗi đau khổ của đồng loại.

Người ấy ở nết chẳng lành

Cậy cả tranh hành , thấy bé dễ đuôi

Mình nhiều dễ kẻ mồ côi

Cậy giàu để loại đói khờ cười chê.

Đồng thời Chân Nguyên còn thay thế tâm trạng những người áp bức nói lên những ước mơ bình dị, như tâm hồn thanh thản của Dân Việt. Chỉ thích sống một cuộc sống an vui, không xây đắp hạnh phúc của mình trên những đau khổ của kẻ khác, tình thương mến lẫn nhau là một trong những đặc tính của người Việt, dù vẫn có những kẻ đã xử dụng và biến đặc tính này trở nên một thứ tính hung hãn tàn bạo khác, tuy nhiên chắc chắn sẽ bị bánh xe lịch sử của Dân Tộc nghiền nát như chính thân phận của họ sẽ bị tàn phá khủng khiếp bởi thời gian. Chân Nguyên nói lên ước mơ của người dân như sau:

Tích lấy tài bảo làm chi

Cho hay của ấy thật thì của chung

Lòng tôi chẳng muốn Bắc Nam

Lấy làm bốn bể anh em một nhà.

Chân Nguyên đã được huân tập một thứ Thiền do vị vua Trần Nhân Tông khai sáng, mang đặc thù của Dân Tộc là dấn thân trong xã hội để phụng sự con người, đóng góp trong công cuộc phát huy và duy trì văn hóa, đặt sự tồn tại của Dân Tộc trong ý lực vượt thoát tử sinh của mình. Phật Giáo Việt Nam vốn đã gắn liền với vận mạng thịnh suy của Dân Tộc vì thế hầu hết những vị Thiền Sư Việt Nam đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước, nhất là thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần là những thời đại vàng son nhất của Dân Tộc và Phật Giáo.

Thiền Việt Nam vượt hẳn Thiền Trung Hoa ở điểm không nhắm đến việc chỉ biết lo giải thoát cá nhân. Nên Chân Nguyên ước mơ tiếp thu huân tập thật nhiều ý thức Thiền phái Trúc Lâm để tạo lại ý thức mới trong bối cảnh xã hội bây giờ, cứu vãn lại những gì đã đổ vỡ băng hoại, trên tinh thần vượt thoát của Phật Giáo.

Dù rằng Chân Nguyên không thành công nhiều trong việc hoán chuyển thực trạng lúc bấy giờ, nhưng ông dám khơi dậy ý thức này quả cũng vĩ đại và khác thường rồi.  Chân nguyên đã đặt nỗi khổ đau của Dân Tộc như chính nỗi đau trầm thống của riêng mình, chính từ quan điểm ấy tạo cho Chân Nguyên dám đương đầu trước những biến thiên thời đại, và ông đã tạo nên bầu không khí tươi mát hào hứng cho nhiều người. Ngô Thời Sỹ đã nhắc đến tên ngài với niềm ái mộ sâu xa, và phải chăng đã truyền lại những gì mà Chân Nguyên chưa thực hiện được cho người con lỗi lạc của mình là Ngô Thời Nhiệm sau này? Chính Chân Nguyên đã dựng nên luồng sinh khí mới này và nó đã châm ngòi nổ tung trong con người Ngô Thời Nhậm.

Chúng ta không bàn cãi nhiều những suy luận nầy, cần nhất là đi sâu vào những đóng góp trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của Chân Nguyên.

Dù rằng những tác phẩm của ngài nằm trong phạm vi Phật giáo, tuy nhiên không vì thế mà giảm đi giá trị sử học của chúng. Những tác phẩm này đã phản ánh khá nhiều thực trạng xã hội trong thời bấy giờ, những bối cảnh của một xã hội quân vương phong kiến và những suy tưởng của một con người đang cảm nhận nỗi cơ cực lầm than của dân chúng, đã được Chân Nguyên dệt nên một cách khá cụ thể. Ở một khía cạnh khác, đặc biệt nhất là về ngôn ngữ, ngoài một vài tác phẩm bằng Hán Văn, những tác phẩm bằng chữ quốc âm của Chân Nguyên đã đóng một vai trò quan trọng, thiết yếu trong công việc nghiên cứu về ngôn ngữ Dân Tộc nói chung và đặc biệt là văn tự quốc âm về phương diện sử học. Tình hình văn học quốc âm ở thế kỷ thứ 18 phần nhiều viết tay, việc xuất hiện những bản in quốc âm như Thiền Tôn Bản Hạnh, hẳn nhiên đã có một giá trị lớn, rất cần thiết cho những nhà nghiên cứu về quốc âm của thế kỷ thứ 17 nầy. Đối với nền Văn học Phật giáo Chân Nguyên hiệu đính và trùng khắc Thánh Đăng Lục và ngài phú chúc sự nghiệp nầy cho Như Trí trùng san sách Thuyền Uyển Tập Anh (1715) Như Sơn soạn Kế Đăng Lục (1734) Như Trừng và Như Hiện chuyển ra văn nôm những bản văn về giới luật như Sa Di Thập Giới, Hai Mươi Bốn Thiên Oai Nghi. Tịnh Quang trùng san Thánh Đăng Lục (1750) Tuệ Hiền trùng khắc Khóa Hư Lục (1763) Sách Tam Tổ Thực Lục cũng được trùng san năm 1765 do người trong pháp phái thực hiện.

Và tác phẩm An Tử Sơn Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh viết bằng thơ nôm lục bát, dùng làm tư liệu của các sách như Thánh Đăng Lục, Khóa Hư Lục, Tam Tổ Thực Lục.

Đồng thời Chân Nguyên cũng đã xây dựng Đài Diệu Pháp Liên Hoa tại chùa Vĩnh Phúc, và đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm.

Chân Nguyên quả là nhà tư  tưởng lớn ở thế kỷ thứ 17 đúng với sự ca ngợi “thông minh, hạ bút thành văn” ngài đã đóng góp nhiều trong mọi lĩnh vực mà chắc hẳn chúng ta không bao giờ phủ nhận và quên được công nghiệp vĩ đại này.

IV. SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO NGƯỜI KẾ THỪA VÀ TRÙNG SAN NHỮNG TÁC PHẨM ĐỜI LÝ TRẦN

Chân Nguyên đã đào tạo người tiếp nối và đầu tư sự nghiệp giáo dục vào những đệ tử của ngài. Việc làm nầy của ngài có phương sách truyền đăng tục diệm, khai thác và duy trì khía cạnh văn hóa. Chân Nguyên ý thức mãnh liệt về văn hóa vì đó là yếu tố cơ bản quan trọng trong việc hướng dẫn tri thức của con người tìm tới đỉnh cao của suy tư và hành động, từ đó tạo nên những quan niệm thăng hoa con người trước những bao phủ đen tối. Đồng thời hoán chuyển tạo dựng xã hội đặt đúng vị trí của những chủ trương do văn hóa ấy tác động. Nó là đạo quân chinh phục xã hội một cách nhanh nhất và hiệu năng lâu dài nhất. Thân xác con người đã chôn vùi dưới mặt đất cả mấy trăm năm nhưng gia tài văn hóa đã để lại khó mà tan rã, nó sẽ bàng bạc thấm nhuần vào tư tưởng của mấy mươi thế hệ sau. Minh chứng của lịch sử đã cho chúng ta có một quan niệm vững chải về điều này. Có như thế Tần Thủy Hoàng mới chôn sống học trò và đốt sách vở. Có lẽ người ta quá sợ hãi giá trị ảnh hưởng của văn hóa nên đã không ngần ngại tìm cách tiêu hủy những tiềm năng này. Và có những thực trạng trái ngược, nhưng tùy theo người viết hoán cải nó và một vài năm sau thực trạng trước đó đổi thay theo ngòi bút của họ. Điều quan trọng đòi hỏi người xử dụng cây viết phải trung thực và đem lại an vui cho đồng loại. Điều này hoàn toàn tùy thuộc về mức độ tri thức của những quan niệm.

Chân Nguyên là người ôm ấp hoài bão và ý thức thâm thiết về đạo quân Văn hóa nên ngài đã ươm mầm vào những đệ tử và rèn luyện họ trở nên những người đem đóa hoa tâm linh truyền trao cho nhân thế, và thắp sáng hiện hữu bằng ngọn đuốc sáng rực mà ngài đã gởi gắm phó thác, có lẽ ngài là người thực hiện điều này có phương sách lâu dài hơn. Chân Nguyên có rất nhiều đệ tử xuất sắc, đặc biệt ta phải kể đến Thiền Sư Như Hiện và Như Trừng. Như Hiện được kế thừa y bát của phái Trúc Lâm và Như Trừng dựng Thiền phái lấy tên là Liên Tông, sau nầy hai phái tổng hợp làm một, góp phần tích cực vào việc khôi phục những tác phẩm đời Trần.

Như Hiện xuất gia năm 16 tuổi, vào năm 1730 các chùa do ngài trông coi như chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm được chúa Trịnh Giang trùng tu. Và năm 1748 ông được vua Lê Hiến Tông ban chức tăng cang, và năm 1757 được sắc phong Tăng Thống Thuần Giác Hòa Thượng.

Thiền Sư Như Trừng vốn là một vị vương công họ Trịnh tên là Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương. Ông được vua Hy Tông chọn làm phò mã và gả công chúa thứ tư. Sau đó ông dâng sớ xin đi tu được sự chấp thuận của vua. Khi còn là Sa Di Như Như, ông có viết các bài Ngũ Giới và Thập Giới Quốc Âm.

Công tác trùng san những tác phẩm đời Lý Trần

- Thuyền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, tác phẩm nầy bắt đầu vào đời Lý, do nhiều người biên soạn, trong số những vị có công là Thiền Sư Thông Biện, Thường Chiếu, Thần Nghi, Và Ẩn Không. Bản in cổ nhất còn lại là bản in năm 1715 do Thiền Sư Như Trí thực hiện trong khi Chân Nguyên còn sống.

- Kế Đăng Lục: Do Thiền Sư Như Sơn chùa Hồng Phúc soạn, dưới sự bảo trợ của vua Lê Thuận Tông, khắc bản năm 1734.

- Thánh Đăng Lục đã được trùng san ba lần do Chân Nghiêm, Chân Nguyên và Tính Lương.

- Thượng Sỹ Ngữ Lục, sách do Pháp Loa biên tập, Trúc Lâm Điều Ngự khảo đính và Trần Khắc Chung đề bạt. Sách in nhiều lần vào đời Trần và sau Tuệ Nguyên Chùa Long Động trùng san.

- Khóa Hư Lục do Trần Thái Tông soạn, và Tuệ Hiền sau này thực hiện.

- Tam Tổ Thực Lục

- Đại  Nam Thuyền Uyển Truyền Đăng Tập Lục

Sự nghiệp của Chân Nguyên lưu lại cho hậu thế vô cùng to lớn. Ngài có công phục hưng lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Ngài đã từng được vua Lê Hiến Tông ban cho mỹ hiệu Vô Thượng Công, vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống ban hiệu Chính Giác Hòa Thượng năm 1722, Thiền Sư tịch năm 1726 hưởng thọ 80 tuổi, ngài để lại bài kệ truyền pháp được chép ở sách Kế Đăng Lục.

Hiển tích phân minh thập nhị thì
Thử chi tự tính nhậm thi vi
Lục căn vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành chính biến tri.

Chân Nguyên còn lưu lại một bài thơ hay nhất, và đẹp nhất.

Nói ra là bị kẹt
Không nói cũng chẳng xong
Vì anh đưa một nét
Đầu núi ánh dương hồng.

(Hữu thuyết giai thành bảng
Vô ngôn diệc bất dung
Vị quân thống nhất tuyến
Nhật xuất lĩnh đông hồng)

Chân Nguyên đã nằm xuống cách đây mấy thế kỷ, nhưng hình ảnh và tác phẩm của Ngài vẫn lớn dần theo nhịp thời gian.