Tất cả chúng ta đều thưởng thức mùa Xuân của loài người, hay của muôn loài, nghĩa là mùa Xuân với cây trổ hoa, nẩy mầm, sanh lộc và tất cả muông thú hướng về sự ấm áp của trời đất. Đó là mùa Xuân sanh diệt của thế gian. Còn người Phật tử nhìn mùa Xuân có gì khác hơn người thế gian hay không, chúng ta hãy cùng suy nghĩ và chia sẻ cho nhau.
Mùa Xuân trong cửa đạo, hay người ta thường nói là mùa Xuân trong nhà Thiền. Thông thường, khởi đầu của mùa Xuân trong nhà Thiền, chúng ta có trà Thiền, hoa Thiền và nâng lên có Thiền của thi họa… Người Nhật thường triển khai Thiền thành nhiều mặt của cuộc sống con người. Từ cuộc sống bình thường có trạng thái sống cao hơn là Thiền. Nếu quan sát cách sống bình thường, chúng ta thấy mọi người đều chạy theo vật chất bên ngoài; nhưng càng chạy theo sự tham muốn vật chất thì càng mất mát, khổ đau, giống như người tìm nước trong sa mạc, vì con người không bao giờ thỏa mãn dục vọng, hoặc sau sự thỏa mãn này sẽ có đòi hỏi khác dẫn đến khổ đau khác.
Trước khi Xuân đến, chúng ta dọn dẹp nhà cửa, chưng bông trái cây, nhưng để thưởng thức Xuân như vậy, chúng ta phải phí sức quá nhiều. Có một vườn hoa Nguyễn Huệ thì phải có bao nhiêu người bảo vệ, chăm sóc rất mệt và khi hoa tàn phải dọn dẹp đường phố. Như vậy, thưởng thức mùa Xuân thế gian phải tốn hao công sức và tiền của, nhưng người ta gặt hái được gì. Rõ ràng mọi người luôn phải vật lộn với cuộc sống và cuộc sống càng cao thì càng khổ. Từ đó, dưới mắt người đắc đạo thấy khác.
Nếu mùa Xuân là cái gì tươi đẹp nhất thì đó phải là sự tốt đẹp của tâm hồn chúng ta. Nói cách khác, tìm được nơi an trú của tâm hồn, cảm nhận sự an lành trong khoảnh khắc, hay trong miên viễn; đó là mùa Xuân của đạo. Điển hình như Mãn Giác thiền sư nhìn thấy cành mai khiến ngài nhận ra thật tướng của các pháp và cảm nhận sự an lành. Sự thấy biết tỉnh giác như vậy được coi là mùa Xuân trong cửa đạo, hay mùa Xuân của sự tỉnh thức, của sự yên lặng, không hoạt động bên ngoài, nhưng hiện hữu ngời sáng thế giới tâm linh là nét đẹp của mùa Xuân dưới mắt thiền sư.
Kế tiếp, rời bỏ thế giới vật chất, đi sâu vào Thiền, tức đứng ở lập trường không sanh diệt, hay ở Vô sanh mà nhìn xuống bờ sanh tử, chúng ta thấy muôn loài trong sanh tử và cũng thấy thân sanh diệt của chính ta trong đó. Thấy được sự vận hành trong sanh tử như vậy thì bấy giờ mùa Xuân của người tu bắt đầu mở ra. Như vậy, thế giới Xuân mở ra với điều kiện hành giả ở chốn không sanh diệt nhìn xuống thế giới sanh diệt. Bấy giờ thấy thế giới sanh diệt muôn màu muôn vẻ cũng có cái đẹp của nó, không phải chỉ toàn một màu ảm đạm như khi chúng ta còn kẹt ở sanh diệt mà thấy sanh diệt.
Thế giới của kinh Hoa nghiêm mà Đức Phật đã khám phá và Ngài vẽ ra lộ trình tu từ thế giới sanh diệt, chúng ta đi lần vào thế giới Vô sanh, nhận thấy trước tiên trong thế giới sanh diệt hiện ra ngũ ấm, quốc độ và chúng sanh. Và ta nhìn chúng sanh sanh diệt cũng thấy thân ta trong nhiều kiếp sanh diệt và thế giới này cũng biến đổi không ngừng; cho nên có thể nói rằng thế giới sanh diệt cũng đẹp nhờ có sự biến đổi, chứ nó không phải là thế giới chết. Như vậy, đứng ở lập trường Vô sanh mà nhìn sanh diệt mới thấy cuộc sống có cái đẹp. Anh Võ Đình Cường đã diễn tả ý này rằng cuộc sống này đẹp đối với những đạo sĩ biết nhìn đời, vì thấy thế giới sanh diệt luôn đổi mới nên nó đẹp như một bức tranh. Nhưng cần nhắc lại rằng muốn thấy thế giới sanh diệt một cách đúng đắn như vậy thì phải đứng ở bờ Vô sanh, như các vị Thanh văn tu Tứ Thánh đế chứng được quả Vô sanh mới nhận thấy giá trị thực của thế giới sanh diệt. Đó là thân Thanh văn thấy như vậy, không phải thân phàm phu thấy. Thân Thanh văn có được do thành tựu pháp Tứ Niệm xứ quán; cho nên tâm đi vào cửa Không, bấy giờ đối với thiền sư, trước khi tu thấy núi là núi, sông là sông. Và tu thì thấy núi không là núi, sông không là sông. Nghĩa là trong thế giới Không của người tu, không còn vật nào vướng bận, nên mới đứng ở bờ giải thoát Niết-bàn mà chứng được thân thứ tư là Thanh văn thân và bắt đầu nhìn lại thế giới sanh diệt thấy muôn màu, trong đó có ta cũng sanh diệt, nhưng ta lại Vô sanh. Có Thanh văn thân quán sát lại thế giới sanh diệt và khám phá ra được nguyên nhân của sanh diệt, hợp chất của sanh diệt, cái nào hợp với cái nào và sanh ra cái nào, là quán Nhân duyên.
Dưới kiến giải của Hoa Nghiêm, ở Vô sanh nhìn xuống thấy cá bơi, chim hót đều là pháp, đều đẹp; nhưng con người ở Niết-bàn rồi mới thấy được cái đẹp đó, cho nên kinh Hoa nghiêm thấy “Chúng hoa”, tức thấy tất cả các loài đều thể hiện nét đẹp. Thật vậy, khi chúng ta an lạc giải thoát rồi mới thấy cuộc đời đẹp, thấy người và vật nào cũng đẹp trong sanh diệt, nên người tu thấy an vui là mùa Xuân nở hoa. Đối với mùa Xuân này, họ không khổ công tạo, cũng không thấy mệt mỏi với nó như người phàm phu chuẩn bị Xuân thì khổ, đón Xuân cũng khổ và sau Xuân, dọn dẹp cũng khổ. Còn bước trên lộ trình Hoa Nghiêm thì ngược lại, khám phá ra ai cũng dễ thương, loài nào cũng đẹp, đó là sự hiện hữu của bức tranh tuyệt mỹ của Pháp giới.
Và bước thứ hai, khám phá ra nguyên nhân của kiếp sống này, nên Phật tuyên bố ta lang thang trong kiếp luân hồi, từ thân này đổi thành thân khác; nghĩa là thấy được con người thực của ta khi đắc đạo, bấy giờ ta không lang thang trong luân hồi, không khổ lụy như người; vì đứng ở bờ Vô sanh nên quán sát sự vật trên Vô sanh, nhận chân được nguyên nhân làm người, làm chư Thiên, làm Phật, hay nguyên nhân dẫn vào ba đường ác. Hành giả thấy rõ như vậy là mùa Xuân thứ hai hiện ra. Một khi đã khám phá được tất cả nguyên nhân tái tạo thân như thế nào, đương nhiên ta không vào ba đường ác nữa, mà chỉ qua lại chốn nhơn thiên để giáo hóa chúng sanh. Kinh Pháp hoa gọi là “Vãng hoàn tam giới trường ngự bạch ngưu chi xa” để làm một việc duy nhất là độ chúng hữu duyên, giống như ông trưởng giả vào Nhà lửa tam giới để cứu độ những người con có duyên với ngài. Như vậy, đối với ta, thế giới sanh tử chấm dứt, nhưng vì nguyện mà hiện vào sanh tử ở trong loài người, loài trời thôi, không vào địa ngục, vì ở đó khổ quá, họ không tu được.
Trên bước đường tu, theo Phật, độ người có duyên thôi, không phải ta độ được người khổ. Phật thấy nguyên nhân khổ và nguyên nhân vui, Ngài mới chỉ rõ cho tất cả mọi người con đường dẫn đến quả khổ và con đường dẫn đến sự an lạc. Những người muốn theo con đường an lạc, Phật mới dìu dắt họ. Người muốn theo con đường khổ là người không có duyên với Phật, Ngài không độ được họ, huống gì là ta.
Khi học đạo, phát tâm Bồ-đề muốn độ tận chúng sanh, thậm chí ta nghĩ ta không vào địa ngục thì ai vào, đó là ý chí mạnh mẽ của tôi lúc mới phát tâm. Nhưng Hòa thượng Trí Tịnh cảnh tỉnh tôi rằng “Trí Quảng có nghĩ mình có lòng thương chúng sanh hơn Phật, hơn Bồ-tát hay không?”. Tôi không bao giờ quên lời dạy này của ngài. Tôi suy nghĩ Phật và Bồ-tát thương chúng sanh rất nhiều, nhưng tại sao các Ngài không xuất hiện. Tôi thấy Phật, Bồ-tát xuất hiện trước mặt, thuyết pháp cho tôi nghe và các Ngài dang tay cứu tôi, không cứu người khác. Người nào có duyên với Ngài, Ngài mới độ, mới cứu.
Khi quán Nhân duyên, chứng được quả vị Bích chi Phật là ta có thân thứ năm là thân Bích chi Phật thấy được người có duyên, ta độ; không có duyên mà độ là tự chuốc họa vào thân. Có người tu nhiệt tình hơn tôi, nhưng họ càng nhiệt tình thì lại càng dễ bất mãn và dễ bỏ cuộc. Vì vậy, ta phải theo lời Phật dạy là quán Nhân duyên, xem có duyên với mình mới độ. Duyên chưa tới có độ cũng không được, ví như trái chưa chín không ăn được. Có người phải đợi bị đọa địa ngục, sa cơ thất thế mới phát tâm. Phật và Thánh La-hán đắc đạo đều hành đạo theo nhân duyên. Điển hình như ngài Ưu Ba Cúc Đa được một vị đại thí chủ thỉnh đến cúng dường, nhưng ngài từ chối và bảo rằng chưa đúng lúc. Đây cũng là bài học cho tôi. Khi được thỉnh, tôi cũng suy nghĩ đúng lúc hay chưa và tới để làm gì, có độ được họ hay không. Khi người thí chủ tán gia bại sản, bị mang ra bãi thi lâm, thì ngài Ưu Ba Cúc Đa mới tới. Thí chủ thoi thóp nói rằng trước kia con giàu có quyền thế cúng dường thì ngài không tới. Nay con không còn gì, ngài lại tới. Ngài trả lời rằng bây giờ mới phải lúc, vì không còn gì mới toàn tâm toàn ý theo Phật và ngài dùng tâm thanh tịnh độ được bà này về thế giới an lạc.
Quán Nhân duyên, chứng được thân thứ năm là Bích chi Phật, thấy chính xác rồi, thì độ được người có duyên, tạo thành niềm vui của Bồ-tát là vui cứu được người, giúp được đời. Đó là mùa Xuân của Bồ-tát do thành tựu việc làm có ý nghĩa, đưa người về nẻo đạo, cho nên sanh ra Bồ-tát thân là Bồ-tát xuất hiện ở đâu cũng mang an vui lợi ích cho đời.
Bồ-tát đi vào đời
Sen nở khắp muôn nơi
Trang nghiêm cho cuộc sống
Ôi! Thật đẹp tuyệt vời.
Tôi hình dung Bồ-tát đi vào đời cứu người, đẹp biết bao, đó chính là mùa Xuân vĩnh hằng. Dấn thân hành Bồ-tát đạo, Bồ-tát tạo được muôn ngàn công đức, cứu được một người, là thêm một phần công đức, cứ như vậy, Bồ-tát trải thân khắp Pháp giới. Theo kinh nghiệm của tôi, càng hoạt động thì sự hiểu biết càng tăng thêm và có thêm nhiều bạn tốt, nhờ vậy ta mới làm nên Phật sự. Kinh Pháp hoa nói duy nhất Phật thừa, tức không có con đường nào khác ngoài việc làm lợi ích cho đời thì càng sanh trí tuệ và tạo thêm quyến thuộc Bồ-đề. Đi trên lộ trình này cho đến đầy đủ công đức và tròn đủ tâm đại bi cứu độ chúng sanh, chúng ta mới hiện ra thân Như Lai là thân thứ tám. Nghĩa là Bồ-tát có phước đức trí tuệ và lấy phước đức trí tuệ làm thân, nên giáo hóa chúng sanh cũng bằng phước đức trí tuệ; lúc ấy, Bồ-tát đứng ở lập trường chúng sanh mà độ chúng sanh, mà thuyết pháp, không phải đem sự hiểu biết của ta mà áp đặt cho người, nhưng lấy hoàn cảnh của người dạy người, nên gọi là Như Lai, tức tâm chơn như bất động nhưng tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nghiệp và tùy yêu cầu của chúng sanh mà giáo hóa. Vì vậy, Như Lai vẫn an nhiên tự tại là Vô sanh mà hiện sanh, hay vào trần lao, không bỏ Pháp giới, hoặc độ sanh nhưng vẫn ở Niết-bàn.
Và từ thân thứ tám là Như Lai thân tuy như như bất động nhưng thông suốt muôn vật, tạo thành thân thứ chín là Trí thân; bấy giờ, lấy trí tuệ làm thân, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, vì có trí tuệ mới giáo hóa được mỹ mãn. Hành giả sống với trí tuệ và dùng trí tuệ quán chiếu các pháp thì các pháp đều là Phật pháp. Thí dụ trí tuệ đầu tư vô phiến đá thì phiến đá chuyển thành Phật, đầu tư vô viên ngọc thì viên ngọc là Phật. Trí tuệ đầu tư vô con người chúng ta, chúng ta cũng thành Phật. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm nói rằng không có gì không phải là Phật mới là Phật. Đứng ở lập trường Phật huệ quán sát Pháp giới, không gì không phải là Phật pháp. Và như vậy, gộp lại trí và vật tạo thành Tỳ Lô Giá Na thân là thân cao nhất theo Hoa Nghiêm, đạt đến đỉnh điểm này mới có mùa Xuân vĩnh hằng bất tử, một nguồn vui vô tận hằng hữu trong khắp Pháp giới.
Mong rằng tất cả đệ tử Phật cùng nỗ lực tu hành để sống được trong mùa Xuân vĩnh hằng bất tử này.
HT.Thích Trí Quảng
- Huệ Năng Với Niềm Cô Đơn Vô Cùng
- Dòng Sông Tâm Thức
- Hai Quyến Rũ Lớn Trong Lịch Sử Tư Tưởng Phật Giáo
- Đôi Điều Chia Sẽ Kinh Nghiệm Tu Tập Chánh Pháp
- Nhà Khoa Học Nắm Tay Nhà Đạo Học
- Xuân Đời Xuân Đạo
- Lời Này Năm Xưa
- Lời Ước Nguyện Đầu Xuân
- Thực Và Ảo
- Sống Tử Tế Với Nhau
- Gía Trị Lời Nói
- Học Theo Hạnh Của Đất