Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Chuyển Đề Chiếc Đũa Thần Chánh Niệm

Chiếc Đũa Thần Chánh Niệm

Email In PDF

Khổ đau là chất liệu của hạnh phúc

Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Bụt tại Vườn Nai có nói tới Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Tứ Đế và Bát Chánh Đạo là giáo lý căn bản. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình đã hiểu được giáo lý Bốn Sự Thật và Tám Phép Hành Trì Chân Chính, nhưng càng hành trì thì cái hiểu của chúng ta càng sâu hơn. Mình đừng bao giờ cho rằng mình đã hiểu đầy đủ.

Mình có thể hiểu giáo lý Bốn Sự Thật (khổ, tập, diệt, đạo) một cách sâu hơn. Đức Thế Tôn bắt đầu bằng sự thật về khổ đau vì Ngài muốn bàn tới những chuyện rất thực tế: Có những khổ đau ở trong mình và chung quanh. Khổ là ngược lại với vui, mình nhận ra khổ đau vì mình so sánh nó với hạnh phúc. Sự thật thứ ba (diệt) là sự vắng mặt của khổ tức khổ diệt, sự vắng mặt của khổ là sự có mặt của hạnh phúc.

Khi giảng về Tứ Đế, Bụt không chỉ nói tới khổ mà còn nói tới lạc. Mình nhận ra lạc là nhờ so sánh nó với khổ cũng như bên trái và bên phải, không có bên trái thì không có bên phải. Có lạc là có khổ, công nhận có khổ thì đồng thời mình cũng công nhận có lạc, chỉ có khổ mà không có lạc là chuyện không hợp lý. Nếu công nhận có tay trái thì đồng thời mình cũng công nhận có tay phải. Công nhận sự có mặt của khổ thì đồng thời cũng công nhận sự có mặt của lạc.

Chúng ta thường rất ngây thơ, muốn đi tìm chỗ chỉ có lạc mà không có khổ. Tìm chỗ chỉ có tay phải mà không có tay trái, chỉ có trên mà không có dưới thì làm sao có? Vậy mà hầu hết chúng ta đều mơ ước tìm tới chỗ chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau.

Ngày xưa có em bé nói: Con muốn tới ở chỗ nào mà buổi sáng có hạnh phúc, buổi trưa có hạnh phúc, buổi chiều cũng có hạnh phúc. Em bé đó về sau xuất gia và trở thành Sư cô Nho Nghiêm. Những người theo đạo Chúa nghĩ rằng Thiên quốc là chỗ hoàn toàn không có khổ, chỉ có lạc. Những người cầu sinh Tịnh độ nghĩ rằng cõi của Đức Phật A-di-đà không có khổ vì có câu kinh chứng minh điều đó: “Này Xá Lợi Phất, đất nước ấy vì sao có tên là Cực Lạc? Bởi vì dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ mọi thứ an lạc, cho nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc”. Tưởng tượng rằng có một cõi mà nơi đó chỉ có hạnh phúc không có khổ đau là tri giác sai lầm gọi là tà kiến. Sự thật hễ có trái là có phải, không có trái thì không có phải. Mình được nghe nhiều lần rằng chính với chất liệu của khổ đau mà mình làm ra an lạc. Nhờ có bùn mà nuôi lớn hoa sen. Mình biết đau khổ đóng vai trò nào đó trong sự tạo dựng hạnh phúc. Đau khổ là chất liệu cần thiết để tạo dựng hạnh phúc cũng như bùn là chất liệu cần thiết để làm ra hoa sen. Trong một bài giảng tôi có nói tôi không muốn gửi con cháu, đệ tử của tôi tới chỗ không có khổ đau. Tôi không tin có cõi như vậy, nhưng giả dụ có cõi đó đi nữa thì tôi cũng không muốn gửi con cháu, đệ tử của tôi tới đó vì tôi biết ở đó các đệ tử và con cháu của tôi sẽ không có cơ hội lớn lên. Sống trong khổ đau người ta mới tìm hiểu khổ đau, có hiểu rồi mới có thương. Không có hiểu, không có thương thì không có hạnh phúc. Vì vậy tôi biết nơi đó không phải là cõi hạnh phúc dù cho đó là Thiên quốc cũng như tôi biết chỗ nào không có bùn thì chắc chắn nơi đó không có sen. Tư tưởng Thiên quốc hay Cực lạc là một chỗ không có khổ đau, chỉ có toàn hạnh phúc, trong đạo Bụt gọi đó là tà kiến.

Chế tác hạnh phúc

Là những người thực tập mình phải có khả năng đối diện với khổ, phải chuyển hóa khổ đau và chế tác hạnh phúc. Mình đừng nên nghĩ là mình giỏi đến độ có thể làm cho khổ đau hoàn toàn vắng mặt chỉ còn lại hạnh phúc đứng một mình. Chỉ có hạnh phúc đứng một mình là chuyện không thể có. Trong sự sống phải có khổ đau, bất cứ ở đâu hễ có sự sống là có khổ đau, ở Thiên quốc hay Cực lạc cũng vậy. Người tu thì không sợ hãi khổ đau, biết xử lý khổ đau và tạo dựng hạnh phúc từ những khổ đau. Người tu không có vọng tưởng lấy hết khổ đau đi để còn lại chỉ toàn hạnh phúc. Mình phải có chánh kiến đối với vấn đề khổ đau và hạnh phúc, chính khổ đau làm ra hạnh phúc. Nếu không biết cách duy trì thì hạnh phúc sẽ biến thành khổ đau giống như hoa và rác. Tu là nghệ thuật giúp mình chuyển khổ đau thành hạnh phúc, khi hạnh phúc trở thành khổ đau thì mình có thể chuyển nó thành hạnh phúc trở lại. Mình sử dụng những chất liệu khổ đau để tạo dựng hạnh phúc. Hạnh phúc cũng vô thường như khổ đau. Người tu không mong ước chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau. Người tu mong ước mình có đủ khả năng để có thể chuyển hóa khổ đau khi hạnh phúc trở thành khổ đau.

Trong năm uẩn có cảm thọ: Khổ thọ (苦受), lạc thọ (樂受) và xả thọ (捨受). Xả thọ là cảm thọ không khó chịu cũng không dễ chịu. Trong quá trình tu tập mình khám phá ra xả thọ là một cảm thọ rất ngộ nghĩnh. Xả thọ là cảm giác trung tính, nhưng bằng kinh nghiệm mình tìm ra nếu mình chạm vào xả thọ với chánh niệm thì xả thọ có thể trở thành lạc thọ. Ví dụ mình đang ngồi dưới gốc cây cổ thụ, không có tin vui cũng không có tin buồn. Người bạn hỏi:

- Anh làm gì đó?

- Tôi không làm gì cả.

- Có gì đặc biệt không?

-Thường thôi, không vui cũng không buồn.

Người bạn nói:

- Anh có biết không, gốc cây anh đang ngồi rất mát. Ngồi đó nhìn lên, anh thấy trời xanh mây trắng. Hiện bây giờ bên Nga đang rất nóng, có nhiều người chết ở đó. Anh đang ngồi dưới gốc cây tận hưởng không khí mát mẻ.

Đó là  điều rất mầu nhiệm!

Đó là ý thức, là chánh niệm mà người bạn đem tới và tự nhiên mình thấy cảm thọ trung tính kia trở thành lạc thọ. Ngón tay của chánh niệm giống như chiếc đũa thần của nàng tiên chấm vào, biến áo quần xơ mướp của cô Tấm thành xiêm y lộng lẫy. Đũa chánh niệm có phép thần thông, người tu dùng đũa chánh niệm điểm vào, biến xả thọ trở thành lạc thọ. Làng Mai nói chánh niệm là nguồn suối của hạnh phúc. Chuyện này không khó, ai cũng có thể làm được và lúc nào cũng có thể làm được. Ngồi trên bờ sông cảm thọ mà quán sát chúng ta thấy thường là ta có chừng 10% khổ thọ, 5% lạc thọ và 85% xả thọ. Với chiếc đũa chánh niệm mình biến 85% xả thọ trở thành lạc thọ.

Chúng ta ai cũng đã từng làm được việc đó, có điều chúng ta không tiếp tục, không được khuyến khích, nâng đỡ để làm việc đó. Ai cũng có khả năng nhận diện được điều kiện hạnh phúc hiện đang có mặt, không cần đi tìm trong tương lai. Trong dòng sông cảm thọ của ta, đa số là cảm thọ trung tính, nếu biết dùng chiếc đũa thần mình sẽ biến cảm thọ trung tính thành lạc thọ nuôi dưỡng và trị liệu cho mình.

Sống trong Tăng thân, người nào cũng nên có chiếc đũa thần. Mình lấy đũa thần chạm vào người kia cho họ có hạnh phúc. Kỹ thuật sử dụng là sự đối chiếu, mình thấy rất rõ khi đem cảm thọ đó đối chiếu với cảm thọ khác. Ví dụ sáng hôm nay mình đang đi thiền hành trong thiền đường Hội Ngàn Sao và đột nhiên mình nhớ tới thiền đường Cánh Đại Bàng. Cánh Đại Bàng bây giờ không còn nữa, mình đã bao lần mong ước được trở về đi trên sàn của thiền đường Cánh Đại Bàng. Nhưng hiện giờ mình đang đi trên sàn của thiền đường Hội Ngàn Sao.

Sàn này cũng rất mầu nhiệm, mỗi bước chân đặt lên sàn cũng có thể đem lại cho mình hỷ lạc cũng như ngày xưa mình đã từng cảm thấy hỷ lạc khi bước lên sàn của thiền đường Cánh Đại Bàng. Tùy theo cách Sư cô bước mà bước chân đó có hỷ lạc hay không. Đem bối cảnh của Bát Nhã tới để so sánh, mình nhận ra rằng được an tịnh, cùng chị em bước đi trong thiền đường mà không có sự đe dọa, truy bức, đập phá của những người quá khích là hạnh phúc rất lớn, nghĩ như vậy thì tự nhiên mỗi bước chân có hỷ lạc liền. Cũng bước chân đó, cũng sàn gỗ đó nhưng có chiếc đũa chánh niệm chạm vào thì có hỷ và lạc. Chánh niệm là nhớ lại những lúc mình không có tự do, không có thanh thản, hạnh phúc để trân quý sự thanh thản, hạnh phúc hiện giờ mình đang có.

Trong Lá thư Làng Mai số 33, thầy Pháp Hữu có viết một bài về quá trình xây dựng thiền đường Nước Tĩnh ở Xóm Thượng. Lúc đang xây cất tôi cũng có mặt chứng kiến các Thầy, các Sư chú và lâu lâu cũng có các Sư cô tới làm việc chung. Tôi nhớ rất rõ, mỗi ngày diện tích sàn thiền đường được lát gỗ tăng lên, cho tới hôm được ngồi nghe pháp thoại trong thiền đường lần đầu tiên thì hạnh phúc của đại chúng lớn vô cùng, nhất là mình biết rằng cả thiền đường là do các anh chị em mình làm ra.

Sáng nay đi trên con đường lát gạch từ thiền đường về Cốc Ngồi Yên, tôi thấy rất rõ những viên gạch đó do các Thầy, các Sư chú, các Sư cô lót chung. Không ai biết viên gạch nào là của Thầy nào hay Sư chú, Sư cô nào lót. Nhưng mình biết trong đó có tình anh chị em, có niềm vui khi ngồi làm việc với nhau. Nếu có chánh niệm mình nhớ lại lúc mình chưa có con đường đó thì tự nhiên hạnh phúc trào dâng lên. Hỷ và lạc là cái mình có thể chế tác rất dễ. Con đường còn đó và sẽ còn lâu dài cho mình đi những bước chân chậm rãi, những bước chân chế tác được hỷ và lạc.

Mình cần được nuôi dưỡng bằng hỷ và lạc để có đủ sức giúp đời, giúp người.

Tôi đề nghị Xóm Hạ và Xóm Mới cũng nên làm những con đường gạch và mời các xóm khác tới làm chung. Khi bước đi trên con đường đó mình biết đây là do Sư anh, Sư chị, Sư em của mình lót gạch. Những bước chân sẽ làm cho trái tim mình ngập tràn tình thương.

Hàng ngày, mỗi sớm mai hay mỗi chiều hôm mình đều đi từ Tăng xá tới thiền đường để ngồi thiền, mình đã có biết bao cơ hội bước đi trên con đường đó. Buổi sáng, trưa, tối mình bước những bước chân thảnh thơi, ý thức và nuôi dưỡng. Mình có rất nhiều cơ hội để chế tác hạnh phúc, niềm vui, chế tác tình anh chị em. Đó chính là chánh niệm. Chánh niệm là trái tim của sự thực tập. Có niệm là có định, có hạnh phúc. Niệm và định đưa tới tuệ và có tuệ thì hạnh phúc càng lớn hơn nữa.

Chữ niệm trước tiên có nghĩa là nhớ lại, đem tâm trở về giây phút hiện tại để tiếp xúc được với giây phút hiện tại và đồng thời cũng tiếp xúc được với giây phút hiện tại trong bối cảnh của quá khứ. Nhiều khi hạnh phúc có đó nhưng mình không nhận diện được. Cái khổ và cái vui chỉ được nhận diện khi có sự so sánh với nhau. Trong bối cảnh của khổ đau, mình nhận diện được hạnh phúc dễ dàng. Dù có nhiều điều kiện hạnh phúc mà không có niệm thì cũng như không có. Sự thật thứ nhất (khổ) và sự thật thứ ba (lạc) có liên hệ với nhau rất mật thiết. Không có khổ thì không có lạc, vì vậy mình đừng nên có tư tưởng sai lầm là phải xóa hết dấu vết của khổ đau thì mới có hạnh phúc. Đó là nhận thức sai lầm gọi là tà kiến. Mình phải học lại Tứ Diệu Đế, đừng nghĩ rằng phải đá cái khổ đi ngàn dặm và chỉ giữ lại cái lạc. Không có cái khổ thì đố anh có cái lạc! Người tu là người khéo léo sử dụng cái khổ để làm thành cái lạc. Với đau khổ, các anh, các chị có thể chế tác ra hỷ và lạc để nuôi mình và giúp cho thế giới. Đó là cái nhìn bất nhị của đạo Bụt về khổ (duhkha) và lạc (sukha).

Mình nên pháp đàm, chiêm nghiệm để viết bài về sự thực tập: Tôi chế tác hỷ lạc như thế nào? Là người tu có nghệ thuật, tôi có thể chế tác hỷ lạc trong đời sống hàng ngày và giúp cho bạn tu cũng chế tác được hỷ lạc như tôi. Hạnh phúc và khổ đau tùy ở tâm mình chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Nếu có pháp môn, có phương pháp thực tập thì trong bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng có thể chuyển hóa khổ đau và chế tác hạnh phúc.

Nếu có hứng, quý vị có thể viết cho tôi một bài ngắn “Con đã chế tác hỷ lạc như thế nào.” Quí vị chắc chắn dùng chánh niệm, nhưng cũng phải dùng phương pháp tương phản: Đem khổ đau lên nhận diện để thấy rõ hạnh phúc mình đang có. Khổ đau rất cần thiết cho sự thực tập của chúng ta.

Thiền Sư Nhất Hạnh