Huynh đệ chủ yếu là anh em trong đạo có cùng một lý tưởng, khác với anh em ngoài đời là anh em ruột thịt, cùng huyết thống, cùng gia tộc. Tuy là anh em ruột thịt, nhưng chúng ta thấy đôi khi lại có suy nghĩ và hành động không giống nhau, mà còn trái ngược nhau. Chúng ta có thể xa rời anh em này để tìm anh em cùng lý tưởng mà kết bạn. Nếu sống trong xã hội mà không có anh em cùng tư tưởng và cùng việc làm, chúng ta dễ bị cô độc.
Tuy nhiên, trên thực tế tuy cùng đi chung một con đường, nhưng trong số những người này cũng có người có suy nghĩ xấu. Nếu hành động và suy nghĩ tốt nhiều sẽ tạo thành xã hội phát triển cao. Nếu xã hội đó lại có thêm nhiều người thông minh sẽ tạo thành thiên đường trần gian.
Phật dạy xã hội tốt hay xấu, thiên đường hay địa ngục đều do con người tạo ra. Ngày nay chúng ta thấy rõ một quốc gia quy tụ được những người có lý tưởng cao thượng, có trình độ kỹ thuật cao và có đạo đức thì xã hội đó chắc chắn là văn minh. Nước văn minh do con người văn minh hợp lại xây dựng thành phát triển dễ dàng. Nếu một nước quy tụ nhiều người ác tạo thành quốc gia chậm tiến, chậm phát triển, vì trình độ văn minh không có, đạo đức cũng không có, mà chỉ vì quyền lợi cá nhân luôn phá hủy lợi ích của cộng đồng xã hội. Như vậy, những con người văn minh tạo thành xã hội văn minh, những con người cao thượng tạo thành xã hội cao thượng. Nước tương đối văn minh xây dựng quốc gia sạch đẹp, như Singapore chỉ rộng bằng một nửa của thành phố Hồ Chí Minh, nhưng là một quốc gia được xếp vào quốc gia văn minh trong các nước tiên tiến. Nước đó tuy nhỏ nhưng xây dựng trở thành nước văn minh, giàu có, bình quân đầu người một năm có 40.000 USD. Vì ở xã hội đó tập hợp được những con người văn minh, những con người tri thức, những người luôn nghĩ tới việc chung. Tôi sang Singapore thấy thành phố sạch đẹp, ai cũng bảo vệ cái đẹp, không ai nghĩ đến phá hoại. Còn thành phố lạc hậu với những con người chậm tiến đưa ra một cái gì đó thì bị người ta phá, phá nhiều mà xây dựng ít. Tôi nhớ 40 năm trước, tôi đã tới Singapore, lúc đó nước này mới thành lập. Tôi thấy Thủ tướng Lý Quang Diệu muốn xây dựng Cực lạc tại Ta bà theo Phật dạy. Tại sao tôi nói như vậy? Xây dựng Cực lạc tại Ta bà cũng là Tịnh độ, nhưng khác với quan niệm về Tịnh độ của người Việt Nam, người giàu có thì lo chuyển tài sản ra nước ngoài, còn người nghèo đói thì cố niệm Phật để về Cực lạc, đó là có ý niệm bỏ xứ ra đi nhiều hơn là xây dựng. Trong khi ông Lý Quang Diệu có tinh thần xây dựng Cực lạc tại Ta bà, cho nên ông tập hợp những bạn bè khắp nơi về Singapore, lúc đó nước này là một bán đảo nhỏ, là một cảng của Mã Lai. Và người Mã Lai bán hết đất của cảng này cho bạn của Lý Quang Diệu, từ đó họ xây dựng nên nước Singapore trải qua 40 năm do bàn tay và khối óc của những người trí thức, có kỹ thuật cao, mới tạo dựng được xã hội này tốt đẹp.
Tôi hồi tưởng lại pháp môn Tịnh độ của Phật Di Ðà. Xưa Phật Di Ðà cũng làm vua cai trị một nước rất phức tạp, giải quyết việc này xong thì việc khác phát sanh. Ngài thấy không thực hiện được lý tưởng, nên bỏ ngôi đi tu: “Di Ðà xưa cũng làm vua. Bỏ ngôi bỏ nước vô chùa mà tu”.
Nghe vậy, chúng ta tu Tịnh độ cũng muốn bỏ vô chùa tu, nhưng tu gì, làm gì mới là điều quan trọng. Phật Di Ðà đi tu vì thấy có một Ðức Phật ra đời có khả năng cảm hóa được tất cả mọi người, Ngài mới tu theo Phật đó. Ngày nay, chúng ta có làm như vậy không? Vì cảm đức của bậc cao tăng, chúng ta vào chùa để học, nếu ở chùa để giết thời gian thì tu từ nhỏ đến già cũng không được gì.
Phật Di Ðà gặp được Bảo Tạng Như Lai và Ngài xuất gia chính là đi học. Ngày nay chúng ta tu cũng là học làm Phật, không phải tu là ở chùa. Ði tu là làm tôi cho Phật. Tu Tịnh độ là học làm Phật, nên thấy Phật làm gì, chúng ta làm theo, khác với người tu hình thức tới giờ thức dậy, công phu, chấp tác, đi quả đường, ngồi thiền rồi đi ngủ. Tu kẹt hình thức không đạt được kết quả gì cả.
Phật Di Ðà tu chủ yếu xem Phật làm gì, tập nghĩ theo Phật, tập làm theo Phật. Thấy Phật thiền, ta cũng bắt chước ngồi thiền, nhưng thành bệnh, vì ta chỉ bắt chước ngồi thiền mà thôi, còn phần cốt lõi của thiền để đạt được lợi ích gì thì chúng ta không làm được; đó không phải là thiền của Phật. Phật ngồi yên để trần duyên bên ngoài lắng xuống, tâm yên tĩnh để Ngài thấy được ba đời nhân quả, thấy được bề trái của cuộc đời, học Phật là học như vậy. Học thiền chúng ta phải căn cứ trên lời Phật dạy là giáo lý, tức giáo lý chỉ cách tu, cách làm Phật. Vì vậy, đi theo con đường giải thoát của Phật, chủ yếu tu 37 trợ đạo phẩm, học và thực hành 37 trợ đạo phẩm thì thành đạo. Về sau, những bộ kinh lớn như Hoa nghiêm, Pháp hoa, Bát-nhã cũng giải thích rộng 37 trợ đạo phẩm, không phải kinh Ðại thừa khác với giáo lý căn bản.
Pháp Tạng là tiền thân của Phật Di Ðà, Ngài học nhiều biết nhiều, cho nên có người hỏi đạo, Bảo Tạng Như Lai không dạy, nhưng bảo hỏi Pháp Tạng. Ngài có tên Pháp Tạng vì trong tâm Ngài, trong đầu Ngài, tất cả những pháp gì mà Phật nói Ngài đều biết rõ, giống như A Nan thời Phật Thích Ca, Phật Thích Ca nói gì, A Nan ghi nhớ không sót.
Từ chỗ biết rộng của Pháp Tạng phát triển thành hành động lợi ích cho mọi người, nên Pháp Tạng Tỳ-kheo chuyên học trở thành Pháp Tạng Bồ-tát cứu đời, có tầm nhìn về xã hội thấy tất cả mọi người đều là bạn, là huynh đệ trong Phật pháp, là pháp lữ đồng hành, bạn đồng hạnh đồng nguyện. Ý này được Phổ Hiền Bồ-tát nguyện rằng: “Những người cùng tôi đồng một hạnh. Cầu được sanh chung một cõi nước”.
Pháp Tạng nguyện như vậy, nên khi Ngài mở An dưỡng quốc ở phương Tây cách xa Ta-bà mười muôn ức Phật độ, thì những người bạn tâm giao cùng đồng hạnh nguyện với Ngài mới cùng sanh qua An dưỡng quốc là một nước nhỏ. Nước này tập hợp những người tốt là thượng thiện nhân, tức người thông minh nhất, đạo đức nhất, siêng năng nhất, thì chắc chắn nước này phát triển nhanh. Thật vậy, An dưỡng quốc của Ðức Di Ðà bỗng chốc hóa thành Cực lạc, vì kết hợp toàn những người đạo đức là Thanh văn, người trí thức là Duyên giác và người thích làm cho người khác hưởng là Bồ-tát. Ngài chọn ba loại người này, nên chỗ đó nhất định phải thành Cực lạc.
Trước khi Phật Di Ðà đến, nước này nghèo, nhưng Phật Di Ðà đến và Thánh chúng là thượng thiện nhân, hay đa số là Bồ-tát nhứt sanh bổ xứ, tức đã trải qua 52 chặng đường tu chứng, vị trí là Chuyển luân Thánh vương, Ðại Phạm Thiên vương tập hợp, thì cảnh giới Cực lạc được hình thành. Như vậy, chúng ta thấy Phật Di Ðà xây dựng pháp lữ là bạn và dìu dắt nâng họ lên thì những người này cùng chung với Ngài kiến tạo Cực lạc.
Phật Di Ðà xây dựng một nước văn minh, một thế giới Cực lạc có thực do bàn tay và khối óc của Phật Di Ðà tạo nên. Nhiều quốc gia đã theo mô hình này để xây dựng Cực lạc tại Ta-bà. Thánh Vũ Thiên hoàng muốn xây dựng Cực lạc tại Nhật Bản theo mô hình của Phật Di Ðà. Ông cố gắng xây dựng thành phố Kyoto bằng cách tạo những con đường thẳng, hai bên trồng bảy hàng cây báu…
Cực lạc có thực, không phải là thế giới lý tưởng và Phật Di Ðà từ khi thành Phật đến nay trải qua 10 kiếp, Ngài vẫn còn sống. Trong khi thế giới của chúng ta, thọ mạng quá ngắn ngủi, nên khó thực hiện trọn vẹn ý nguyện. Nếu Cực lạc là thế giới vật chất có thực, dù nói vô lượng, nhưng vẫn có giới hạn, tới một lúc nào đó, Ðức Di Ðà vào Niết-bàn, Bồ-tát Quan Âm sẽ thay thế và Quan Âm làm Phật cũng sẽ Niết-bàn thì Ðại Thế Chí sẽ thay Quan Âm. Ðó là thế giới sanh diệt, nhưng không phải diệt là bị mất theo nghĩa ở Ta-bà, nhưng có nghĩa là lớp sau cao hơn lớp trước, Cực lạc cứ như vậy mà phát triển.
Phật Di Ðà tạo thành Cực lạc được nhờ những người bạn tốt là Bồ-tát nhứt sanh bổ xứ, Thanh văn là A-la-hán và Duyên giác là Bích Chi Phật, tức những người đạo đức nhất, thông minh nhất, năng suất cao nhất. Như vậy, việc quan trọng là phải xây dựng bạn tốt, không phải tự nhiên mà có.
Chúng ta học pháp môn Tịnh độ cũng phải tạo bạn tốt và muốn làm như vậy, ta phải tốt với mọi người trước thì người mới tốt lại với mình. Sau đó kiểm lại, chúng ta tốt với mười người, may ra có được một người tốt với ta; thậm chí tốt với một ngàn người, mới có được một người tốt với ta. Vì bạn tốt khó tạo được như vậy, cho nên ta cần phải trân trọng tình huynh đệ.
Hôm nay chúng ta cùng sanh chung một nước, cùng tu trong một đạo tràng. Ðây là những huynh đệ đồng hành trong pháp Phật. Nếu nhìn kỹ từng người sẽ thấy những người mà chúng ta gặp hôm nay là đã từng gặp nhau trong quá khứ. Ví dụ tôi gặp Hòa thượng Ito khi tôi còn là học tăng, nhưng ông nói rằng tôi và thầy đã là bạn trong pháp hội của Phật Thích Ca, chúng mình hiện hữu trên cuộc đời này để tuyên dương Chánh pháp, dù một bên là Hòa thượng lớn tuổi và một bên là chú tiểu. “Thế thế sanh sanh đồng vi pháp lữ” là nguyện chúng ta được bạn tốt, cầu trăm kiếp gặp ở đâu cũng là bạn tốt của nhau.
Quán sát đạo tràng này, thấy ai là bạn chúng ta nhiều đời thì nay gặp nhau chưa nói nhưng đã có cảm tình, mến nhau là pháp lữ từ quá khứ dẫn đến hiện tại. Quá khứ mình là bạn tốt của nhau, đời này mới được làm bạn như vậy, không phải tự nhiên có. Gặp là thương, chưa nói đã hiểu, là bạn tâm giao. Không nói mà hiểu là bạn ở Cực lạc của Đức Di Đà. Họ không cãi nhau vì tất cả đã hiểu nhau. Ở thế giới đó có sự cảm tâm rồi, ở chung với nhau, buổi sáng mỗi người tự biết phải làm gì, không cần phải phân công, chỉ bảo.
Có bạn tốt hiểu nhau, ta phải trân trọng, vì thiếu bạn như vậy, việc tu hành cũng sẽ gặp khó khăn. Phải trân trọng, giữ gìn tình bạn là chúng ta phải để ý xem bạn cần gì, ta sẵn sàng đáp ứng để giữ tình bạn này. Nhưng để giữ tình bạn cho đẹp, nếu bạn hỏi cần gì, ta nói không cần, vì thọ ơn không cầu quả báo; ơn chưa trả được, họ sẽ nhớ mãi. Tôi để ý thấy ơn, hay oán chưa trả được, thì nhớ mãi trong lòng; trả rồi là hết. Ta giúp họ, họ giúp lại là hết.
Trên bước đường tu, ta phát tâm Bồ-đề thích làm cho người khác, không thích người làm cho mình hưởng, như vậy sẽ có nhiều bạn tốt. Còn mong thích hưởng thành quả của người khác, sẽ bị cô độc, vì khi mình hưởng của họ rồi, họ không chơi với mình nữa, có chăng cũng chỉ được vài lần thôi. Nhiều khi ta tu lâu, họ theo hỏi cách tu và quý trọng mình, nhưng ta lại lợi dụng họ thì sau này không còn được quý trọng nữa mà ta trở thành gánh nặng. Nhiều người lúc trẻ có nhiều bạn, nhưng lớn tuổi lại cô độc là như vậy. Người tu đúng, lớn tuổi thì quyến thuộc càng đông, còn tu sai, thành cô độc.
Bạn tri thức rất quan trọng. Gặp nhau kiếp này là bạn tốt do từ nghiệp duyên quá khứ của chúng ta tốt rồi. Phật Thích Ca nói chúng sinh Ta-bà cang cường khó điều phục, nhưng Ngài điều phục được, vì Phật từng xả thân cứu độ họ. Trong kinh Pháp hoa có Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất từ đất vọt lên, những vị này do Phật Thích Ca giáo hóa mà Đức Di Lặc thắc mắc tại sao Phật mới thành đạo mà lại giáo hóa được nhiều đệ tử như vậy. Phật Thích Ca khẳng định rằng Ngài thành Phật lâu rồi và Ngài hiện thân lại cuộc đời, thì những người này đã được Phật giáo hóa từ trước.
Cùng một sự kiện này, nhưng Trung bộ kinh của Phật giáo Nguyên thủy diễn tả khác rằng Đức Phật thuyết pháp độ năm anh em Kiều Trần Như và 50 thanh niên dòng họ Da Xá. Phật mới bảo những vị này mỗi người đi một hướng. Người ta thường chọn con đường lành dễ hóa độ, còn thôn Ưu Lầu Tần Loa thì không ai dám đến, vì ở đó có ông Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp nổi tiếng ác, ông nuôi rắn, ai tới đó là ông cho rắn cắn chết. Chỉ còn một hướng này được Phật Thích Ca đến để độ họ. Phật ở đó một đêm, sáng hôm sau đã có 1.000 đồ đệ của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp xin quy y Phật. Đó là lịch sử hiện thực theo kinh Nikaya khác với lịch sử siêu hình theo kinh Pháp hoa.
Theo lịch sử hiện thực thì Phật có độ Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp và 1.000 đệ tử của ông này đắc quả A-la-hán và Phật độ thêm 100 đệ tử của Xá Lợi Phất, 100 đệ tử của Mục Kiền Liên và 50 thanh niên Da Xá, như vậy tổng cộng có 1.250 A-la-hán theo Phật. Nhưng theo lịch sử siêu hình của Pháp hoa thì những người này đã từng được Đức Phật hóa độ trong kiếp quá khứ, như 60 kiếp trước, Xá Lợi Phất đã được Phật giáo hóa đắc quả A-la-hán, không phải tự nhiên trong đời này mà Xá Lợi Phất thông minh. Tất cả hàng Thánh đệ tử theo Phật trong hiện đời đều là những người đã được Phật giáo hóa và nay tái sanh lại tiếp tục hành đạo với Phật.
Cũng trên tinh thần ấy, những người bạn tốt của chúng ta trong quá khứ thì chúng ta sanh đâu cũng có họ, kinh Pháp hoa gọi là thầy trò cùng sanh một chỗ. Tôi tới hội đoàn Phật giáo Nhật Bản tên Sokkai Gakkai của ông Ikeda có đến 16 triệu tín đồ. Ông này không phải là người xuất gia. Chúng ta thấy trên thực tế một thầy xuất gia độ được 5,10 người đã khó. Vậy mà ông này chưa cạo tóc mà đã có 16 triệu tín đồ. Điều này hiểu theo tinh thần Pháp hoa là ông đã từng giáo hóa họ. Và khi tái sanh đời này, ông chẳng cần học, không cần bằng cấp, nhưng bằng cấp tiến sĩ danh dự mà người ta cấp cho ông có đến 30 bằng. Ông không có bằng tiểu học, nhưng rất thông minh, vì ông đã tu ở những đời trước, đã hành Bồ-tát đạo, đã tạo nhiều quyến thuộc. Cho nên khi ông tái sanh ở Nhật, ông đưa Soka Gakai từ mười ngàn hội viên lên mười sáu triệu người, không phải chỉ ở Nhật Bản, mà trên khắp năm châu đều có hội viên, mạnh nhất là ở Nam Mỹ. Ông đến đâu là được người ta theo đến đó. Đây là Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất trong kinh Pháp hoa, những người này là bạn tốt với ông từ kiếp quá khứ, nay gặp lại thì liền hợp tác chân tình.
Chúng ta phải trân trọng bạn khó gặp, phải làm tốt cho họ. Nói cách khác, không làm được tốt cho bạn thì không nên làm xấu với bạn để mất bạn. Đây là pháp lữ đồng hành, bạn tâm giao hiểu nhau trong Phật pháp.
Bạn thứ hai cũng là bạn, nhưng đối nghịch. Tuy huynh đệ ở chung một chùa, cùng một thầy và tu cùng một pháp, nhưng lại không bằng lòng nhau và chống nhau. Phật Thích Ca dạy rằng những người chống chúng ta hôm nay là họ đã từng chống chúng ta trong quá khứ. Suy nghĩ của ta và suy nghĩ của bạn không đồng, không phải tu chung là suy nghĩ giống nhau. Và khi suy nghĩ cùng cuộc sống của họ không giống ta thì lời nói và hành động của họ cũng không giống ta. Ta nên xử sự với họ bằng cách không làm tốt hơn thì thôi, phải chờ cơ hội đến, ta sẽ làm tốt với họ, để thêm bạn bớt thù, kinh Pháp hoa gọi đó là thệ nguyện an lạc.
Như vậy, ta nên trân trọng bạn sống chết với ta và đối với bạn xấu thì ta tìm cách cải tạo, nói cách khác là vô hiệu hóa sự chống đối. Phật dạy tu Pháp hoa, ta không tranh cãi với họ, nhưng làm sao ta tu có kết quả tốt thì đem thành quả này nói với họ, họ sẽ nghe. Phật cũng có oan gia là Đề Bà Đạt Đa luôn chống phá Phật, trong khi ông là anh em huyết thống với Phật và là anh em trong đạo với Phật. Ông xúi vua A Xà Thế giết cha là vua Tần Bà Sa La để ông làm quốc sư thay Phật, nhưng việc không thành. Phật xử sự tốt với Đề Bà là khi ông sa cơ thất thế, không được vua A Xà Thế ủng hộ như trước và ông nhận ra sai lầm của mình, thì Phật mới độ được ông. Còn ngay hiện tại Đề Bà muốn Phật giao quyền quản lý Tăng đoàn cho ông, nhưng không thể giao được thì đương nhiên ông phải chống đối. Đối với người cực ác, có khi phải chờ họ đọa địa ngục mới cứu được.
Hoặc Ngài Ưu Ba Cúc Đa gặp cô kỹ nữ rất giàu đẹp. Cô này xem thường tất cả mọi người, nhưng đảnh lễ Ngài Ưu Ba Cúc Đa và thỉnh Ngài đến nhà cô chứng trai. Ngài nói rằng chưa phải lúc. Trên bước đường tu cần suy nghĩ điều này. Người ta thỉnh chứng trai, hay cúng dường đất đai, thì phải xem có phải đến lúc nhận hay không. Đến khi cô kỹ nữ này bị bệnh hủi, bị bỏ nằm ngoài bãi tha ma. Ngài mới tới nói pháp cho cô và nói rằng bây giờ mới phải lúc, vì cô này sắp chết nên hết lòng lóng nghe. Đó là Bồ-tát xuất hiện làm cái phao cứu người.
Những người tốt hôm nay là bạn tốt trong quá khứ, ta trân trọng. Người chống là nghịch duyên có điều kiện cho chúng ta làm tốt. Vì vậy, áp dụng pháp Phật, làm tốt với người ác, để điều tốt vào lòng họ, thì ta sẽ hóa giải, chuyển đổi được người ác trở thành người tốt, hết lòng với ta. Điển hình như vua Trần Nhân Tông thắng giặc xong, tổ chức vui chơi. Lúc đó có một trận gió thổi làm tắt đèn, thì một ông quan nhân cơ hội này sàm sỡ với cung nữ. Cô này giựt đứt quai mão của ông quan và tâu với vua xin trị tội ông quan này. Khi đèn sáng lên, nhà vua mới phát biểu rằng hôm nay là ngày vui, ai vui với trẫm thì phải bứt hết quai mão. Ông quan này cảm đức khoan dung độ lượng của vua đã không truy cứu ông, nên ông sám hối với vua. Như vậy là đối với người không tốt, ta cũng phải tìm cơ hội gieo vào lòng họ điều tốt.
Hạng người thứ ba cũng tu, nhưng không nhiệt tình cũng không chống phá, là người đi quan sát. Kinh Pháp hoa gọi đó là người kết duyên với đạo. Muốn cảm hóa họ, ta phải làm được việc tốt để họ nhận ra được điều tốt thì họ mới kết bạn với ta.
Lúc mới tu rất khó, vì chúng ta không có bạn tốt, nhưng chúng ta lại làm ác nhiều, nên người chống phá nhiều, người tốt không có. Bấy giờ chúng ta muốn làm quen, nhưng ai cũng chống ta, đó là nghiệp ác mà chúng ta cần phải vượt qua. Và làm tốt kiếp này chưa được, kiếp tới phải được, như Phật Thích Ca xả thân bao nhiêu kiếp làm việc tốt thì mới thành Phật.
Tóm lại, tình huynh đệ trong đạo tràng quý vị nên cân nhắc, đối với bạn tốt rồi thì nên làm tốt hơn nữa để tình bạn được thắt chặt thêm. Đối với người chống đối, chúng ta nỗ lực làm gương tốt để hóa giải những ác nghiệp và tăng trưởng căn lành thì cuộc sống trong tương lai chắc chắn sẽ được an lành.
HT.Thích Trí Quảng
- Hoằng Pháp Lợi Sanh
- Vài Suy Ngẫm Về Khoan Dung Tôn Giáo Trong Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ Và Phật Giáo Việt Nam
- Niềm Vui Mùa An Cư
- Ba Tháng An Cư Kiết Hạ Của Người Tu Sĩ
- Tứ Chánh Cần
- Vì Hạnh Phúc An Lạc Của Mọi Người
- Tu Trước Khổ Sau Vui
- Đức Phật – Hiện Thân của Hòa Bình
- Vọng Tưởng Luân Hồi - Nguyên Tác The Samsaric Illusion Tác giả: Agnes Jedrzejewska
- Những Yếu Điểm Mà Các Giảng Sư Cần Phải Nhớ
- Tư Tưởng Và Phong Cách Thiền Tông