Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Apr 20th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Khoa Học Trái Đất Mong Manh

Trái Đất Mong Manh

Email In PDF

Phật giáo ngay từ đầu đã hướng đến thế giới tự nhiên, vũ trụ, vạn vật, và cả thân phận con người, tức hiểu tự nhiên bằng cảm nhận, qua hành trình giác ngộ. Thiên văn học thì duy lý, dùng duy lý để khám phá, chỉ ra vận động và quy luật của tự nhiên, vũ trụ. Đạo Phật cũng chỉ sự thay đổi trong trời đất, chuyển dịch của vạn vật, và thiên văn học cũng thấy vậy.

Có sự tương đồng cho cái hướng đến. Triết lý Phật giáo là hiểu đến lẽ vô thường của vũ trụ, còn của thiên văn học là hiểu đến sự liên hệ với các ngôi sao, thiên hà. Cả hai đều là khoa học. Đạo Phật hay nhắc đến trở về cát bụi là vậy - chuẩn xác đến tuyệt vời, kỳ diệu.

TBKTSG: Thưa giáo sư, với thiên văn học, ông chủ động đến với nó, do căn duyên, hay là bị... “đưa đẩy”?

 

- Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận: Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn tự vấn những câu hỏi về thế giới xung quanh, về thiên nhiên, bầu trời. Tôi yêu vật lý từ nhỏ, nhưng tôi thấy mình hợp với thiên văn, trong cảm xúc bản thân là luôn muốn hỏi về trời đất, luôn muốn khám phá, tìm ra quy luật của thiên nhiên - chứ không muốn làm người thực hành (như công việc của một kỹ sư).

Thêm nữa, lúc tôi sang Mỹ là giai đoạn vàng của vật lý thiên văn với hàng loạt khám phá, công bố về vũ trụ... Thật may mắn là tôi được Trời Phật đưa tôi làm cái mình thật thích. Hàng ngày cứ nghĩ về thiên văn, sống cùng thiên văn, trôi đi cùng ánh sáng, là tôi vui rồi.

TBKTSG: Ông thường bảo ánh sáng là bạn tri kỷ?

- Từ ánh sáng tôi có thể liên lạc được với vũ trụ, có thể nhìn về quá khứ vũ trụ cách đây năm tỉ năm, bây giờ thì xa hơn nhiều nữa. Hàng đêm khi mọi người đi ngủ thì chúng tôi làm việc, tôi đi vào vũ trụ, lang thang trong các thiên hà, thả lòng trên các vì sao... Chính ánh sáng cho tôi thấy sự di động của các thiên hà và các sinh tố của thiên hà... Tôi luôn kiếm ra cái mới lạ trong đó.

TBKTSG: Vai trò của ánh sáng đối với con người và trái đất chúng ta?

- Không có ánh sáng thì không có sự tổng hợp vật chất, sự chuyển hóa, duy trì sự tồn tại của vật chất. Ánh sáng tạo ra sự sống. Đơn giản là không có mặt trời, không có con người trên trái đất. Ánh sáng, biểu thị qua trạng thái hạt bụi, và hạt bụi là những sinh linh, là những ngôi sao, là tổ tiên của chúng ta.

Mọi thứ tồn tại trên vũ trụ này, trên mặt đất này đều nhờ ánh sáng, từ ánh sáng, hoặc dựa trên những nguyên lý của ánh sáng, từ giọt nước, cọng rau, đến miếng thịt, cái máy nghe nhạc... Hoặc như ngày nay, các thiết bị số ra đời, đều trên các nguyên lý của ánh sáng và điện từ. Ánh sáng đã làm liền trái đất, kết nối những lục địa, làm phẳng tất cả, ráp nối cả nhân loại lại. Chỉ có con người phân biệt ra những dân tộc, lãnh địa, văn hóa... chứ mọi thứ trên mặt đất đều như nhau, dưới ánh sáng của ánh sáng.

TBKTSG: Chúng ta cũng có thể thấy “thiên văn học” trong thi ca?

- Không có ánh sáng lấy đâu niềm cảm hứng để con người thăng hoa. Tâm trạng con người đi theo ánh sáng, sáng khác, chiều khác, các mùa khác... Những thi phẩm hay nhất cũng là sản phẩm của sự tương tác vạn vật mà ánh sáng là sự khởi nguồn - sự cộng hưởng. Những bài thơ biểu hiện cho sự hân hoan hoặc buồn đau, hay hội họa... là những câu chuyện về thế giới tâm hồn, câu chuyện về ánh sáng, không trực tiếp thì qua những tồn tại khác của ánh sáng, nuôi dưỡng từ ánh sáng. Sáng tác một bài thơ cũng tương tự như đi tìm kiếm cái gì đó trong vũ trụ của nhà khoa học.

TBKTSG: Ánh sáng cũng là thế giới tâm linh. Vậy, giữa thiên văn học và Phật giáo, có mối liên quan?

- Phật giáo ra đời sau, mới hơn 2.500 năm. Nhưng vũ trụ hình thành đã 14 tỉ năm.

Nhưng Phật giáo ngay từ đầu đã hướng đến thế giới tự nhiên, vũ trụ, vạn vật, và cả thân phận con người, tức hiểu tự nhiên bằng cảm nhận, qua hành trình giác ngộ. Thiên văn học thì duy lý, dùng duy lý để khám phá, chỉ ra vận động và quy luật của tự nhiên, vũ trụ. Đạo Phật cũng chỉ sự thay đổi trong trời đất, chuyển dịch của vạn vật, và thiên văn học cũng thấy vậy. Có sự tương đồng cho cái hướng đến. Triết lý Phật giáo là hiểu đến lẽ vô thường của vũ trụ, còn của thiên văn học là hiểu đến sự liên hệ với các ngôi sao, thiên hà. Cả hai đều là khoa học. Đạo Phật hay nhắc đến trở về cát bụi là vậy - chuẩn xác đến tuyệt vời, kỳ diệu.

TBKTSG: Bằng cái nhìn của nhà thiên văn học, ông thấy trái đất - chốn nương thân của loài người - đang như thế nào?

- Đang nguy lắm. Loài người đang xới tung trái đất lên. Dọn đi những thảm thực vật - màu xanh, sự sống. Chặt hạ cây xanh khắp nơi và đào xuống để lấy mọi thứ lên đến mức gần như không còn kiểm soát được nữa. Các loài trên thế giới mất đi liên tục, như con tê giác một sừng vừa rồi ở Việt Nam chẳng hạn, đã biến mất là vĩnh viễn không trở lại. Khí thải cacbon ngày một dữ dội, khủng khiếp hơn. Lũ lụt, thời tiết đang nóng lạnh thất thường lên từng ngày vì cách đối xử đó. Nếu diễn tiến thế này, sẽ đến một ngày loài người cũng như vậy, như con tê giác kia. Ngay cả việc thấy khí thải ô nhiễm là tổn hại rõ ràng với trái đất chung ấy, nhưng con người vẫn cứ mặc cả nhau trong sự cứu lấy nó. Trong khi đó, chúng tôi - các nhà thiên văn học - đi tìm hành tinh khác với hy vọng có sự sống, thì chưa ra, mà chưa chắc có.

TBKTSG: Theo ông vì sao loài người lại dám “bán đứng” tương lai?

- Vì sự ích kỷ... Lòng tham vô độ của từng quốc gia, chỉ nhắm vào cái lợi trước mắt. Họ so đo và tranh nhau để phát triển bằng mọi giá, đánh nhau mãi. Từng con người, từng nhóm người đang đẩy trái đất đến những nguy cơ hủy diệt. Tôi thấy lạ, và đau lòng, rằng sao con người không hiểu rằng trái đất luôn là hành tinh mong manh, yếu ớt lắm. Sao các nước không sẻ chia nhau trên tinh thần hiệp thông, cùng tồn tại có trách nhiệm, cùng nâng niu trái đất, để cùng hạnh phúc trên mặt đất.

TBKTSG: Có lúc người ta đề cập đến “ngày tận thế”, và sự thật có một mối quan tâm như vậy trong đời sống của người bình thường dưới mặt đất này?

- Chúng tôi chưa hề thấy bằng chứng gì từ vũ trụ để nói “tận thế”. Vũ trụ vẫn cứ đang vận hành êm ả theo quy luật của nó. Nếu có quan tâm, là cách cư xử của con người với hành tinh mình đang sống. Như ta biết, mọi nguồn năng lượng đều do ánh sáng tạo ra, từ mặt trời. Mặt trời đã “sống” 4,5 tỉ năm, và còn “sống” được 4,5 tỉ năm nữa.

Nhưng nếu nhu cầu về năng lượng cứ vô hạn như thế này, trái đất nào chịu nổi. Mọi thứ sẽ đổi thay, kết thúc sớm hơn, có khi nội trong vài ngàn năm hoặc vài trăm năm nếu sức tàn phá trái đất tiếp tục dữ dội hơn. Nếu gìn giữ thì trái đất sẽ vững chãi, hài hòa, an lành, bền vững. Tất cả đang tùy thuộc vào loài người.

TBKTSG: Vậy thiên văn học không phải là một... cõi huyễn hoặc, mơ hồ?

- Làm sao mơ hồ được. Vật lý thiên văn là khoa học cho tương lai loài người, hiệu quả của nó không cầm nắm được ngay tức khắc. Tưởng nó mơ tưởng, nhưng thực ra nó rất hiện thực. Chúng tôi nhìn từ quá khứ đến tương lai để chỉ ra cho người ta những cái mà họ không thể thấy. Chúng tôi hoàn toàn có thể cảnh báo những gì nguy hiểm trong vũ trụ, hành tinh con người đang sống, các hành tinh khác, và nhiều thiên hà khác... đang ra sao, tương tác thế nào với trái đất. Tôi đang sống và làm việc trên mặt đất này mà.

TBKTSG: “Quê hương” trong lòng một nhà thiên văn học ra sao, thưa ông?

- Với tôi, cảm tưởng về quê hương là mặt đất này - mặt đất thân thương, đầy đủ buồn vui - chứ không dừng lại ở một đất nước, tỉnh, huyện nào bất kỳ. Tôi nhìn, tôi sống trong thiên nhiên và vũ trụ. Tôi cảm tưởng tôi không thuộc về một nước nào cụ thể cả.

Nhưng tôi cũng yêu quý gia đình nhỏ, người thân, bè bạn. Tôi nhớ và yêu mọi nơi trên mặt đất tôi đi qua. Và làm sao tôi quên được cảm xúc man mác trong lòng về tuổi thơ - giai đoạn quan trọng trong một kiếp người - của tôi ở Đà Lạt, Sài Gòn... Hành trình kiếp người của tôi làm sao không mang theo các nơi như Việt Nam, Pháp, Mỹ...

TBKTSG: Trịnh Xuân Thuận là con người của thế giới, ông sẽ khuyên người khác thế nào về cái “đạo” của người làm khoa học, làm con người chân chính?

- Tôi không phải dạng người muốn đứng trên mọi người để bảo ban. Nếu ai buộc tôi phải khuyên răn thì tôi chỉ tâm sự chân thành: là người, nên lao vào lĩnh vực nào đó mà mình thật sự yêu thích, chân chính, đến với nó bằng sự trong sáng, làm hết mình. Đừng toan tính hay mưu cầu quá nhiều thứ trên cuộc đời này. Và ở đó, luôn phải nghĩ đến cái tinh thần cao cả của Phật giáo, cái đức độ với tha nhân, đồng loại và các loài khác nữa trong công việc của mình...

Nguyễn Hàng Tình

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn