Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Apr 24th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Tấm Phái Quy Y

Tấm Phái Quy Y

Email In PDF

Hải Trình

Ba mẹ con đang râm ran chuyện trò vui vẻ, bỗng nghe tiếng lọc cọc của chiếc xích lô về ngoài ngõ, thế là căn nhà lá lụp xụp đột nhiên lại trở về cái không khí nặng nề trầm uất như mọi ngày.

Toàn thân nồng nực hơi men. Lão Chắc nặng nề bước xuống xe, miệng còn lải nhải những lời văng tục nghe đã nhàm tai. Khi thì nguyền rủa bà khách bủn xỉn, khi thì chửi bới mấy thằng đồng nghiệp giành giật mối mang, đôi lúc lão lại lôi cả con ngõ chật hẹp, gồ ghề có lần đã ném lão xuống đường mương hôi thối ra mà đay nghiến. Mâm cơm tuy đạm bạc nhưng đã được Lam, cô con gái lớn của lão, sửa soạn tươm tất, đậy trong chiếc lồng bàn tre, kề bên là chai rượu và cái ly nhỏ cáu đục. Không cần phải rửa ráy, tắm gội, lão ngồi ngay vào bàn, rót rượu và bắt đầu kiếm chuyện: “Nóng nực thế này mà chẳng nấu cho tao được bát canh, lại cứ mãi cái món cá chiên, rau luộc ai mà nuốt cho trôi. Tao đi làm đầu tắt mặt tối để nuôi cả nhà, mà mẹ con bây đối xử với tao tệ mạt vậy sao?”.

Thế là lão vừa ăn, vừa uống, vừa càu nhàu. Câu dài, câu vắn, giọng cao, giọng thấp lão tha hồ mà gầm gừ chửi bới vợ con.

Để mặc cho lão làm mưa làm gió, ba mẹ con cứ lầm lì người nào việc nấy, cho đến lúc lão nằm lăn ra ngáy như gọi đò sang sông. Lão nói phét thế, chứ ai có lạ gì về con người lão. Tiền kiếm được trong ngày, sau khi trả tiền mướn xe; còn bao nhiêu lão đều nướng cả vào sòng bài với quán nhậu. Có hôm còn phải nợ chủ quán nữa chứ đừng hòng có mà nuôi ai. Chỉ tội nghiệp cho vợ con lão.

Con Lam vừa học xong tiểu học là phải ở nhà lo công việc tiếp mẹ; mấy năm sau phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi em ăn học. Vợ lão, thân gầy gò ốm yếu mà phải  đi gánh nước mướn. Có khi phải đợi đến hàng giờ mới có được đôi nước1 rồi gò lưng mà bước, để đổi lấy dăm ba đồng bạc, vừa bằng giá một ổ bánh mì, nhưng có bao giờ chị dám ăn cái món mà chị cho là “sang như Tây” ấy đâu. Để kiếm được chút tiền kha khá, chị phải thức khuya dậy sớm, tranh thủ những lúc vắng người thì mới gánh được nhiều hơn. Mùa mưa đến, ít người thuê; chị lại xoay sang nghề bán hàng bông dạo. Chân trần, áo mỏng, phải lặn lội trong mưa rét khắp chốn hang cùng ngõ hẹp mà cũng chỉ đong được mấy lon gạo trong ngày, có khi lại còn thiếu hụt.

Chẳng hiểu sao mà bữa nay lão lại cho xe về sớm hơn mọi ngày. Thật hiếm hoi trong cuộc đời chạy xe của lão; về đến nhà mà trong người không có mùi rượu. Ăn cơm xong. Tuy có nhâm nhi đôi chút, nhưng lão vẫn tỉnh táo gọi vợ con ngồi lại để lão bàn một chuyện “quan trọng”. Ba mẹ con hầu như nín thở về thái độ lạ lùng của lão. Bằng một giọng trầm tĩnh khác thường, lão nhỏ nhẹ: “Tôi thấy người mẹ mày ngày càng ốm yếu, mà phải sương nặng gánh đầy; lỡ có đau ốm nằm xuống thì biết lấy gì mà lo đây. Tôi đã nghĩ kỹ rồi, thôi thì cho con Hồng nghỉ học, để nó đi phụ viêc ở chỗ chị nó đang làm, thế là hai chị em nó đủ sống. Tôi thì lây lất ngày hai bữa, vợ chồng mình cũng chẳng đến nỗi nào đâu. Vả lại con gái mà học được như nó cũng đã quá lắm rồi”. Nghe đến đây, con Hồng ôm mặt chạy trốn vào buồng nằm khóc rưng rức. Còn Lam thì chỉ biết buông tiếng thở dài, chạy vào an ủi em.

Đã mấy khi vợ lão lại được nghe những lời ngọt ngào như thế từ miệng người chồng vũ phu, suốt ngày say xỉn. Bà nói trong niềm xúc động: “Vì thương tôi mà ông tính như vậy, tôi cũng biết ơn ông nhiều lắm; nhưng xin ông nghĩ lại. Vợ chồng mình đã cực khổ nhiều để nuôi nó ăn học được tám, chín năm trời. Chỉ còn năm nay nữa là đến bờ đến bến, mình cũng nên cố gắng chút nữa đi, kẻo tội nghiệp con cái. Mà theo tôi nghĩ, nó là con út, ăn sau chạy dọi thì mình cũng nên thương nó nhiều hơn, để cho nó khỏi thua chị kém em; chứ tôi thấy như con Lam đây quá tội nghiệp đi ông ạ”. Vợ vừa dứt lời, lão “hừ” một tiếng trong miệng bỏ ra sân đốt thuốc. Hôm nay lão đi ngủ sớm hơn mọi bữa và tối nay Lam cũng phải bỏ mất một thời kinh. Được sinh hoạt trong Gia đình Phật tử từ lứa tuổi Oanh vũ, đến khi vừa khoác áo Thiếu nữ chưa được tròn năm thì phải nghỉ để đi làm mướn. Tuy công việc bề bộn, nhưng đêm nào nàng cũng dành thì giờ cho một thời kinh Sám hối. Có điều lạ, dù cho lão Chắc có say sưa, rầy rà thế nào đi nữa, mà khi nghe hồi chuông niêm hương của con gái thì lão cũng ngừng ngay cơn thịnh nộ. Nằm nghe kinh độ mươi phút sau là lão yên giấc.

Gặp hên, sáng nay lão bắt được một mối khách sộp. Một đoạn đường chừng hai cây số mà lại được trả đến ba mươi đồng. Thường thì chỉ hai mươi là quá lắm. Vừa bước xuống xe, bà khách trông có vẻ quý phái kia đã nhìn lão chằm chập. Bà nhỏ nhẹ hỏi: “Xin lỗi, hình như mấy hôm trước chú đã chở tôi đến chùa này thì phải?”. “Dạ đúng vậy, lúc bà lên xe tôi đã nhận ra; tôi cũng biết rằng bà có để quên trên xe một quyển kinh, nhưng tôi đã đặt trên bàn thờ Phật ở nhà rồi, chứ không dám mở ra xem. Tôi cũng định có dịp hôm nào lên chùa thì gửi lại. Không ngờ hôm nay lại gặp bà”. Bà khách không giấu được nỗi vui mừng: “Thế thì cảm ơn chú nhiều lắm. Trong cuốn kinh chẳng có vật gì quý cả mà chú phải ngại, ngoài cái phái Quy-y của đứa cháu nội tôi. Vậy thì khi nào có dịp chú gửi cho dì vãi2 trong chùa giúp tôi với, bao nhiêu tiền công tôi xin gửi trước”. Lão ta lắc đầu lia lịa: “Cảm ơn bà, có gì đâu mà công với cán. Chỉ có việc gửi cuốn kinh mà lấy tiền công thì tội chết, tôi không dám đâu. Nội ngày mai tôi sẽ gửi lên chùa cho bà”. “A-di-đà Phật, cảm ơn chú nhiều”.

Để cuốn kinh trên bàn Phật đã mấy hôm rồi mà lão quên bẵng. Tối về xem lại, đúng y như lời bà khách, trong quyển kinh có một tấm phái Quy-y, gần hệt như tấm phái Quy y của con gái lão treo trên vách đã mấy năm trời, đến ám khói, mà có bao giờ lão để mắt đến đâu. Nay cầm tấm phái này lão lại tẩn mẩn đọc từng câu, từng chữ mới lạ chứ. Vừa đọc lão vừa lẩm bẩm một mình: “Ngộ thật, mới hai tuổi mà đã có phái Quy- y, lại có được cái pháp danh nghe sao dễ thương quá: Tâm Phúc”. Giữ đúng lời hứa, sáng hôm sau lão ghé vào chùa, gửi tấm phái Quy-y cho dì vãi.

Tối nay lão về nhà muộn hơn mọi lúc. Cứ ngỡ là lão bận chở khách, nên cả nhà cũng chẳng nôn nóng trông chờ. Đang ngồi tụng kinh, bỗng nhiên Lam giật mình khi nghe một tiếng “bịch” ngoài sân, tiếp theo là tiếng xe ngã. Hai mẹ con cùng đổ xô ra, thấy lão nằm bất động; liền la lên cầu cứu. Từ trong buồng, con Hồng buông cuốn sách chạy ra, nó hoảng hốt khóc rống lên.

Xóm giềng xúm lại, vội vàng đưa lão đi nhà thương. Phải mất đến gần cả tháng trời điều trị mới bình phục. Gia đình nay đã lâm vào cảnh túng quẫn, vợ con lão phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền thang thuốc. Đã nhiều lần Hồng ngỏ ý với mẹ cho em nghỉ học, để tiếp với chị kiếm tiền mà lo chạy chữa cho cha, nhưng đều bị mẹ và chị nó can ngăn, vì chỉ còn mấy tháng nữa là đến ngày nó thi trung học đệ nhất cấp3 rồi.

Một buổi chiều buồn, ngồi nhìn bâng quơ ra ngõ. Lão thấy hai người đàn bà đang xăm xăm bước vào; một người mặc nâu sồng, một người lớn tuổi hơn trông có vẻ quý phái. Đến gần lão mới nhận ra đó là bà khách đã bỏ quên quyển kinh trên xe lão, và dì vãi trên chùa mà lão thường chở khách quen đến. Lão đứng dậy kính cẩn chắp hai tay vái chào. Hai người cũng chắp tay đáp lễ. Vừa bước vào nhà, họ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhà lão lại thờ Phật trang nghiêm đến thế. Lão trịnh trọng mời hai người ngồi vào bàn, vợ lão cũng không khỏi tò mò về hai người khách lạ, mang khay nước ra, khúm núm cúi chào rồi khép nép đứng bên cạnh chồng. Vừa ngồi vào ghế, dì vãi đã từ tốn:

“A-di-đà Phật, chúng tôi mới hay chú bị bệnh mấy ngày nay thôi. Đã lâu không thấy chú chở khách đến chùa. Dò hỏi mới biết sự thể. Hôm nay chúng tôi thay mặt một số đạo hữu giàu từ tâm đến, trước là thăm chú, sau nữa cũng có món quà mọn để gọi là giúp đỡ chú một phần nào trong cơn hoạn nạn. Nhân đây chúng tôi cũng khuyên chú nên nghĩ đến vợ con mà tu tâm dưỡng tánh đi thì vừa. Chỉ có mình tự cứu lấy mình thôi, chẳng có ai làm thay mình được”.

Hiểu ý, lão bưng nước lên mời từng người. Uống cạn chén trà, hai người cáo biệt ra về. Vợ chồng lão rối rít ngỏ lời cám ơn, rồi cùng tiễn khách ra tận ngõ.

Nhờ vào món tiền từ thiện đó, lão đã vượt qua cơn khốn khó. Sức khỏe bình phục, lão lại tiếp tục nghề cũ. Thời gian tĩnh dưỡng, lão thấy tâm hồn mình được thư thả nhiều hơn. Nhìn lại những tháng ngày sống bê tha vất vưởng, lão vô cùng ăn năn hối hận. Điều khiến lão suy nghĩ nhiều nhất là nhờ đâu mà lão lại nhận được sự giúp đỡ bất ngờ như thế; nếu không có lòng tốt của những kẻ biết tu tập và hành thiện. Về sau, trong những lần chở khách đi lại lễ chùa, nhân lúc nhàn rỗi, nhờ dì vãi và mấy đạo hữu nhiệt tâm, nhiệt tình thuyết phục, lão đã quyết định sẽ quy-y Tam bảo. Giờ này lão đã nhận thức được con đường duy nhất để từ bỏ ác nghiệp, sám hối những lỗi lầm và hướng đến một cuộc sống an vui.

Mùa Phật đản năm đó, lão được hoàn thành tâm nguyện, được cùng với mấy mươi Phật tử quỳ dưới đài sen. Thân trang nghiêm, tâm thành kính, lão cúi đầu thọ giới quy-y Tam bảo. Lễ tất, từ trong chánh điện bước ra, tay cầm tấm phái Quy-y còn thơm mùi giấy mới, lão đọc đi, đọc lại pháp danh của mình mấy lượt. Rồi tự giải thích:“Tâm Thiện là‘lòng hiền’”, lão càng thấy tự hào về cái tên Đạo mà từ đây gắn liền với cuộc đời của lão. Sực nhớ đến pháp danh của đứa bé cháu nội bà khách ân nhân. Lão mỉm cười và tự nhủ: “Như thế thì từ nay Tâm Thiện và Tâm Phúc là bạn đồng môn rồi”. Cả hai đều cùng là đệ tử của một ngôi chùa, mà như có duyên nghiệp đã đẩy đưa lão đến một cuộc hạnh ngộ bất ngờ.

Chú thích:

1. Đến đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, các thành phố nhỏ chỉ có vòi nước công cộng.

2. Chỉ người đàn bà đã lớn tuổi, chuyên lo việc bếp núc cho nhà chùa.

3. Tương đương với tốt nghiệp cấp 2 ngày nay.

Nguồn: vanhoaphatgiao