Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Tôi Tư Duy, Nên Tôi Tồn Tại. Tôi Tỉnh Thức, Là Tôi Không Tư Duy

Tôi Tư Duy, Nên Tôi Tồn Tại. Tôi Tỉnh Thức, Là Tôi Không Tư Duy

Email In PDF

Cư Sĩ: Minh Đạt

1. Con người có hai mối quan hệ lớn lao. Một: quan hệ giữa Con người với Cỏ cây, với Dòng sông, với Đỉnh núi, với Môi trường, với Chim muông, với Thú dữ, với Trái đất, với Mặt trời, cả với Vũ trụ và gọi chung là với Thiên nhiên. Hai:

quan hệ giữa Con người với những Con người khác, với Vợ, với Chồng, với Anh Em, với Bạn bè, với Gia đình, với Trường học, với Cộng động, với Tôn giáo và gọi chung là với Xã hội. Đó là hai mối quan hệ lớn lao và cơ bản nhất. Không còn mối quan hệ nào khác. Tất cả các mối quan hệ, đều nằm trong hai mối quan hệ lớn lao này.

Cá thể và Tha nhân, đó là ngôn ngữ của các nhà Triết học, ngôn ngữ của những Triết gia Hiện sinh, ngôn ngữ của các Học giả, ngôn ngữ của Søren Kierkegaard, Friedrich Nietzsche, Jean-Paul Sartre, Albert Camus và Simone de Beauvoir… Cá thể và Tha nhân, cụm từ này các Triết gia, các Học giả dùng để thể hiện mối quan hệ giữa Con người với Xã hội. Tôi thích sử dụng cụm từ: mối quan hệ giữa Con người với Xã hội, nó Đời hơn.

Trong bài: Cá thể và Tha nhân,( http://tincaytinhyeu.wordpress.com/2012/11/30/ca-the-va-tha-nhan/) rất ngắn gọn và xúc tích, bạn Cô Tử đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển của mối quan hệ Con người với Xã hội, là như vậy. Các Học giả, các Triết gia đã viết lên như vậy. Cái mà bạn Cô Tử đã khái quát đó là cách tiếp cận của Trí tuệ. Hai ngàn năm nay lịch sử phát triển Triết học của Phương Tây, trò chơi Trí tuệ này, với cách làm sáng lên Tâm trí, các Học giả, các Triết gia đã viết lên như vậy.

Trò chơi Trí tuệ này, của phương Tây rồi phát triển sang phương Đông. Nó đã trải qua rất nhiều cái tên rất Trí tuệ, nó đã trải qua rất nhiều những Tư tưởng cao siêu: Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa duy danh, Chủ nghĩa duy lý, Chủ nghĩa kinh nghiệm, Chủ nghĩa hoài nghi, Chủ nghĩa lý tưởng, Chủ nghĩa thực dụng,… Hai ngàn năm Trò chơi Trí tuệ này đã có hai bước nhảy vĩ đại. Bước nhảy đầu tiên: phương pháp Biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Bước nhảy thứ hai: Chủ nghĩa Hiện sinh của Thế kỷ XX. (Xin xem thêm bài Khoa hoc, Triết học và Phật giáo). Hai bước nhảy vĩ đại đã giúp cho Trí tuệ Nhân loại có cái nhìn của Con người; đưa Con người vượt qua tầm của Con vật. Đó là cách tiếp cận của Con người. Con vật không có cách tiếp cận đó. Đưa Con người trở thành Con người, theo đúng nghĩa của nó.

Thực sự Triết học cổ Tây phương trong nhiều trăm năm, trong cả ngàn năm, đã được hiểu như một môn Khoa học về vạn vật. Cá thể Con người không có chỗ đứng riêng. Con người bị coi là trong hàng vạn vật. Trong cả bộ triết học Aristote, không dành phần nào cho con người hiện sinh hết. Không bàn đến tự do, không bàn đến nhân vị, không bàn đến định mệnh và những gì đợi chúng ta sau khi chết. Vũ trụ quá to lớn, lấn át tất cả. Con người bị bỏ quên. Vũ trụ quan của Aristote: con người bị chìm trong vũ trụ. Triết học Aristote và triết học Kinh viện trung cổ có tên là triết học tự nhiên.

Descartes với sự khám phá ra chủ thể tính con người và tự do mang tính chất hiện sinh, đã hé mở đường đi của triết học. Đối với Descartes, không thể có triết học về vũ trụ mà chỉ có khoa học về vũ trụ và triết học về tinh thần. Nhưng rồi ông cũng chỉ dừng lại ở tinh thần con người, và không tìm hiểu con người như một thực thể sinh tồn, có thần, có xác.

Kant còn đẩy xa tinh thần hơn nữa thành thử triết học vẫn luẩn quẩn trong thái độ ý niệm, coi con người chưa phải là chủ thể chính.

Thế kỷ hai mươi, Hiện Sinh là triết học chủ yếu, đã đưa con người trở lại với con người. Đây là một đường ranh lớn nhất trong lịch sử Triết học phương Tây. Người đầu tiên đưa triết lý hiện sinh là Kierkegaard. Phương pháp để phân tích thực tại là do Husserl sáng tạo, gọi là phương pháp Hiện tượng luận. Triết học Hiện sinh coi con người là chủ thể, đứng trên vũ trụ, và cấp cho vũ trụ một giá trị tuỳ theo cái nhìn của mỗi một con người! Con người là chủ thể, con người không phản ứng như một sự vật. Sự vật không phản ứng theo một cách nhất định, ứng xử theo nhiều cách, theo sự chủ động lựa chọn, bởi con người là một cá nhân tự do. Người tự do là người tự chịu trách nhiệm hành động của mình. Con người làm vì không phải thấy người khác làm như thế. Con người làm không phải vì mọi người khác nghĩ nên làm như thế và. Con người làm không phải vì con người quen làm như thế! Bởi thế, Jaspers mới nói: “Hiện sinh là chủ thể tự nhận mình độc đáo. Thay vì mải nhìn vũ trụ, chủ thể tự xét mình để tìm ra ở trong mình cái nguồn khả năng vô tận: Hiện sinh của con người không phải là cái vốn do thiên nhiên cấp cho; hiện sinh của con người chính là hữu thể mà con người phải dùng một chuỗi những lựa chọn để tác thành và hoàn thành. Như vậy, phải luôn vươn lên khỏi cái thường nhật để tới chỗ trung thực của con người, cái chủ thể.”

Chủ nghĩa Hiện sinh lấy con người làm Chủ thể. Nó đã đưa Con người vượt qua tầm của Con vật. Đó là cách tiếp cận của Con người. Con vật không có cách tiếp cận đó. Nhưng, nó đã không làm cho con người BIẾT. Nó chỉ làm cho con người Hiểu. Hiểu được một phần giá trị của con người, khi được đứng vai: Chủ thể của Vũ trụ. Và rồi cũng Hiểu được trong Hệ quy chiếu mà con người đã Tự lập ra để nâng Con người lên, lại cũng chính Hệ quy chiếu đó đã tự cương tỏa Tâm trí và Trí tuệ của Con người, kìm hãm Con người Tự do và Phát triển. Hiểu được những Mâu thuẫn những khắc khoải nảy sinh, khi có nhiều Chủ thể mạnh mẽ trong một Thế giới Hỗn mang! Hiểu ra được rất nhiều thứ, nhiều thứ lắm,… Nhưng, nó không thể làm cho Con người hết khắc khoải về các mâu thuẫn của cuộc đời. Nó không thể làm cho Con người vơi đi Khổ đau. Nó thậm trí còn sô đẩy con người Nổi loạn; Nổi loại để phá tan vòng cương tỏa do chính Con người lập ra. Nổi loạn và Tự chịu trách nhiệm với hành động của mình; và rồi để bảo vệ Trách nhiệm Tự chiu của mình, Con người lại lập ra một vòng cương tỏa mới. Để rồi một Tha nhân khác lại phải Nổi loạn. Nổi loại để phá tan vòng cương tỏa do Tha nhân khác, trước đó đã lập ra! Hiện sinh, Con người làm Chủ thể, Con người vẫn loang quanh trong vòng cương tỏa của Tâm trí, hoang mang với những Mâu thuẫn và khắc khoải! Chồng chất chồng lên chồng chất!

Tất cả cả những Chủ nghĩa này, cho dù là Chủ nghĩa Hiện sinh, nó thực dự chỉ là trò chơi của Trí tuệ. Nó dứt khoát chỉ làm sáng lên Tâm trí. Nó đã đưa Con người thành Chủ thể. Nhưng các Học giả, các Triết gia đã quay lại nghiên cứu, khảo sát Con người Chủ thể đó bằng Cái Đầu, chứ không phải bằng Trái Tim. Họ đã xây dựng rất nhiều Nguyên tắc và Lý thuyết. Họ đã xây dựng rất nhiều Chủ nghĩa và Tư tưởng. Tôn vinh Con người, đưa Con người lên hàng Chủ thể, rồi chồng chất lên Con người những vòng cương toả của Giáo lý, của Luật lệ, của Lề thói,… tất cả chỉ làm sáng lên Tâm trí. Và rồi lại kìm hãm Sáng tạo, kìm hãm Tự do, kìm hãm phát triển trong mớ Hỗn mang Nguyên tắc và Lý thuyết.

Nó chỉ là một Trò chơi của Trí tuệ, nó chỉ làm sáng lên Tâm trí. Nó chỉ đưa Con người vượt qua tầm của Con vật, đưa Con người trở thành Con người, Con người vẫn Khổ đau và vẫn đầy Mâu thuẫn.

Bởi lẽ giản đơn: Tất cả những cái đó là đều hướng ra ngoài. Họ đã đi Ra ngoài, họ không đi Vào trong. Họ đã bỏ lỡ! Các Học giả, các Triết gia đã bỏ lỡ!

2. Từ nhiều ngàn năm trước ở phương Đông, các Bậc Chứng Ngộ đã BIẾT được những Mối quan hệ giữa Con người với Xã hội, mối quan hệ giữa Con người với Tự nhiên bằng con đường Đi Vào trong, bằng con đường đi từ Trái Tim, bằng con đường Phi logic, con đường của Trực giác.

Veda là bộ kinh cổ nhất xuất hiện khoảng 2000 năm tr.CN, Upanishad là bộ kinh cốt lõi tinh tú và tiếp nối của Veda xuất hiện khoảng 1000 năm tr.CN. Không thể coi những bộ kinh này là những cuốn sách Triết học. Nó không chứa đựng những Tư duy logic. Không, nó không so sánh, nó không phân chia Thế giới quan, Nhân sinh quan của nó với những Tôn giáo khác, với những Chủ nghĩa khác, với những Tư tưởng Triết học khác. Nó là duy nhất. Nó không chỉ là những tán ca chúc tụng các vị thần, không phải những giai điệu cho hành lễ,… Nó đã khái quát mối quan hệ Con người với Xã hội, quan hệ Con người với Tự nhiên một cách Minh Triết qua mối tương quan giữa một Tiểu ngã (sa. ātman) và Phạm thiên (sa. brahman), giữa Luân hồi (sa. saṃsāra) và Nghiệp (sa. karman).

Phạm thiên, Brahman, Thuợng đế, Tinh thần vũ trụ tối cao, là thực thể duy nhất, có trước nhất, tồn tại vĩnh viễn, bất diệt, là cái từ đó tất cả thế giới này đều nảy sinh ra và nhập về với nó sau khi chết. Tiểu ngã, Atman, Linh hồn Con người chỉ là sự biểu hiện, là một bộ phận của Tinh thần vũ trụ tối cao. Cơ thể con người chỉ là vỏ bọc của Linh hồn, là nơi trú ngụ của Linh hồn, là hiện thân của Thuợng đế, của Tinh thần vũ trụ tối cao tuyệt đối, bất tử Brahman. Vì toàn bộ vũ trụ là Brahman nên về bản chất Linh hồn là đồng nhất với Tinh thần vũ trụ tối cao bất tử, Thượng đế.

Atman, Linh hồn tồn tại trong thể xác con người trần tục nên ý thức con người lầm tưởng rằng Linh hồn đó khác với Tinh thần vũ trụ tối cao bất tử. Những cảm giác, ham muốn dục vọng và hành động của con người nhằm thỏa mãn những ham muốn đó trong đời sống trần tục đã gây ra những hậu quả, gieo đau khổ ở kiếp này và cả kiếp sau, gọi là Nghiệp, là Karma. Do vậy, Linh hồn bất tử cứ bị giam hãm vào hết thể xác này đến thể xác khác, bị che lấp, ràng buộc bởi thế giới hiện tượng như ảo ảnh, gọi là sự Luân hồi, là Samsara. Linh hồn vướng mắc vào Nghiệp, vướng mắc vào Luân hồi, không nhận ra và không trở về đồng nhất với Chân bản của mình là Brahman, Tinh thần vũ trụ tối cao bất tử, Thượng đế được.

Muốn giải thoát Linh hồn bất tử khỏi vòng vây hãm của Luân hồi và Nghiệp, để đạt tới đồng nhất với Tinh thần vũ trụ tối cao bất tử, thì con người phải dốc lòng toàn tâm tu luyện hành động và tu luyện tri thức. Bằng nhận thức trực giác, thực nghiệm tâm linh, con người mới nhận ra Chân bản của mình, khi đó Linh hồn mới đồng nhất được với Tinh thần vũ trụ tối cao bất tử và thoát khỏi vòng Luân hồi, thoát khỏi Nghiệp và Siêu thoát, Moksa.

Phật Gautama không phủ nhận Brahman, không phủ nhận Atman, nhưng Ngài đưa ra khái niệm Vô Ngã Anatman, Ngài đưa ra Vô thường Anitya.

Vô thuờng, Anitya là Vũ trụ vô thủy, vô chung; vạn vật trong thế giới chỉ là dòng biến hóa vô thường, vô định, không do một vị thần nào tạo nên cả; tất cả đều biến đổi theo luật nhân quả, theo quá trình sinh, trụ, dị, diệt (hay thành, trụ, hoại, không) và chỉ có sự biến hóa ấy là thường hữu. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong vũ trụ đều bị chi phối bởi luật Nhân Quả. Nhân, Hetu nhờ có cái Duyên, Pratitya mà tạo ra thành Quả, Phla. Quả lại do cái Duyên mà thành ra Nhân khác. Nhân mới, lại nhờ có Duyên mà thành Quả mới…và cứ biến đổi mãi mãi, không ngừng.

Vô Ngã, Anatman là khái niệm trùm lên Vô thường. Vạn vật trong Vũ trụ tồn tại, được tạo thành là một sự Giả hợp; hội đủ Nhân Duyên mà thành. Con người cũng do Nhân Duyên đã được Giả hợp từ Ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức). Duyên hợp Ngũ uẩn thì là Con người. Duyên tan, thì Con người không còn, là Diệt. Nhưng không phải mất đi, mà trở về với Ngũ uẩn. Và ngay năm yếu tố cơ bản này, Ngũ uẩn cũng luôn biến hoá; không có sự vật riêng biệt tồn tại mãi mãi, không có cái tôi thường định (Xin xem thêm bài Vô Ngã).

Nếu đã BIẾT là Vô thường, Vô Ngã thì đâu còn Tham, Sân và Si. Không còn Tham, Sân và Si, Phật Gautama nói đó là phá bỏ được Vô Minh. Vì không nhận thức được sự biến ảo vô thường đó, vì còn Vô minh, nên người ta nhầm tưởng là cái tôi tồn tại mãi, cái gì cũng là của ta nên con người cứ khát ái, tham dục, hành động chiếm đoạt nhằm thỏa mãn những ham muốn, dục vọng đó tạo ra những kết quả, gây nên Nghiệp, mắc vào bể khổ triền miên, sam sara, tức là mắc vào kiếp Luân hồi.

Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên là hai Pháp quan trọng của Phật Gautama để giải thoát Con người khỏi mọi Khổ đau, và vòng Luân hồi cùng Nghiệp Nhân Quả. Chủ đề này sẽ xin được tiếp tục trong một lần khác.

3. Khi đã BIẾT là Vô thường, Vô Ngã là phá bỏ được Vô Minh, thì đâu còn Tham, Sân và Si, và khi đó Con người Từ bi ứng xử với nhau. Quan hệ Con người với Xã hội được xây dựng trên thái độ Từ bi. (Xin xem thêm bài: Từ bi, không gian năm chiều.). Khi Tình Yêu tràn đầy bên trong, nó sẽ tự nhiên tuôn trào. Con người tràn đầy, một cách tự nhiên Con người sẽ đem cho, sẽ dâng tặng, không dành giật, không chiếm đoạt. Con người Từ bi với nhau trong mối quan hệ, thì đó chính là Niết bàn, là Thiên đường và Con người đã trở thành Thượng đế.

Thực ra, không phải chỉ có Phương Đông, không phải chỉ có Phật giáo và các Tôn giáo chính thống khác đã nói đến vấn đề này. Tình Yêu Cao cả, Tình Yêu Thuần khiết của Jesus Christ đã là một Chân Lý rõ ràng và mạnh mẽ, để dẫn đường cho các Con chiên ứng sử trong mối quan hệ Con người với Xã hội.

Có một tu sĩ người Ái Nhĩ Lan, kể về một câu rất hay: “Một đêm nọ xuyên qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy vị thiên thần đang ngồi viết vào cuốn sách vàng. Vị tu sĩ vui mừng, rón rén tới gần và lên tiếng hỏi:

– Ngài đang viết gì trong quyển sách này?

Không buồn nhìn vị tu sĩ, thiên thần trả lời:

– Ta đang ghi tên những ai yêu mến Chúa.

Vừa lo lắng, vừa hồi hộp, ông hỏi tên mình có trong quyển sách đó không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên của ông. Dù vậy, câu trả lời của thiên thần không làm cho ông thất vọng. Chân thành, ông nài nỉ:

- Xin Ngài ghi tên tôi như một người lúc nào cũng yêu mến Tha nhân.
Thiên thần chiều theo ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Tối hôm sau, giữa ánh trăng sáng, thiên thần lại hiện ra một lần nữa, và mở cuốn sổ vàng cho vị tu sĩ xem. Lần này, ông thấy tên của mình dẫn đầu trong danh sách những người yêu mến Chúa.

Sau này, khi vị tu sĩ già qua đời, các anh em trong tu viện xem lại nhật ký của ông, thấy dòng chữ đầu tiên là: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” Tiếp theo, ông ghi chú như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và Linh hồn tôi”.

Người Thiên Chúa Giáo luôn hiểu được khi từ chối Tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa. Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính Tha nhân. Thiên Chúa và Tha nhân hòa hợp làm một trong lòng của mỗi Con người. Con người yêu Tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi Tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu thương Tha nhân đến vô cùng. Trong Chúa, Con người nhận ra những Con người khác là anh em con một Cha, là hình ảnh Jesus Christ đang lê bước trong cuộc đời. Trong Chúa, Con người nhận ra phẩm giá đích thực của một Con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân, một người giàu sang hay một người nghèo hèn, một người mất trí. Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa Con người về với những Con người khác, dù đó đã là kẻ thù. Tình yêu thương đòi Con người chìm sâu trong Thiên Chúa, để múc lấy nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao, một sự hiến trao vô hạn. Cuối cùng tình yêu ấy phải quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự Hợp nhất toàn hảo mà Jesus Christ đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin.

Tất cả các Tôn giáo có Tính Tôn giáo đều giống nhau ở điều căn bản nhất: đều lấy Tình Yêu Cao cả, Tình Yêu Thuần khiết, Từ bi làm mối quan hệ giữa Con người với Con người, giữa Con người với Xã hội.
(Xin xem thêm bài: Tình Yêu là Thượng đế. )

4. Khi con người tràn đầy Tình Yêu, không chỉ Con người dâng tặng với nhau, Con người dâng tặng Cỏ cây, dâng tặng Hoa lá, dâng tặng Dòng sồn, dâng tặng Đỉnh núi, dâng tặng Ánh Mặt trời, dâng tặng các Vì sao và Vũ trụ,…

Đó là lẽ Tự nhiên. Chỉ có những Con người Vô minh, điên khùng mới có thái độ thù địch, khủng bố và tàn phá môi trường. Con người tàn phá môi trường, tàn phá cỏ cây, tàn phá rừng núi, tàn phá biển cả,… Con người đã tàn phá chính mình. Vô Ngã của Phật Gautama là vậy. Không có cái Tôi riêng biệt, tất cả đều liên hệ tương quan mật thiết với nhau. Con người có mối liên hệ với Vì sao, Con người có mối liên hệ với dòng sông, Con người có mối liên hệ với Ánh Mặt trời,… Và ngược lại tất cả: Vì sao, Dòng sông, Ánh Mặt trời, Cỏ cây, Chim muông,… tất cả đều ảnh hưởng, tương tác Hữu cơ với mỗi một Cá thể Con người. Con người là một với môi trường, là một với Trái đất, là một với Bầu trời, là một với Vũ trụ,…

Đạo đức kinh của Lão tử, Tác phẩm duy nhất Ngài để lại cho Con người, là dạy cách Con người Hoà nhập với Tự nhiên, là dạy cách con người đến với Đạo, đến với Niết bàn, tới Thiên đường, trở thành Thượng đế bằng cách Phi lựa chọn. Không có bất kỳ lựa chọn nào. Hãy bình thản chấp nhận mọi thứ, khi chúng đến cũng như khi chúng đi. Không có bất kỳ nỗ lực nào, cho bất cứ một mục tiêu nào. Không có quá khứ. Không có tương lai. Ngay Bây giờ và ngay tại đây. Tận hưởng từng khoảng khắc với Tự nhiên. Phi lựa chọn, để hoà vào Tự nhiên, để đồng nhất với Vũ trụ. Đồng nhất với Vũ trụ thì không còn phân chia, không còn mâu thuẫn, không còn Khổ đau, không còn tranh đấu,… Phúc lạc tối thượng.

Tất cả các Tôn giáo có Tính Tôn giáo đều giống nhau ở điều căn bản nhất: đều lấy Tình Yêu Cao cả, Tình Yêu Thuần khiết, Từ bi làm mối quan hệ giữa Con người với Thiên nhiên.
(Xin xem thêm bài: Tình Yêu là Thượng đế). Không có Tình Yêu cao cả, không có Từ bi sao có thể Phi lựa chọn, sao có thể Vô Ngã, sao có thể Hoà nhập Cá thể Con người vào cùng Vũ trụ. Tình Yêu chính là cầu nối, chính là mối quan hệ giữa Con người với Thiên nhiên.

Trái Tim và Tình Yêu chính là con đường giải thoát cho mọi Khổ đau.

5. “Tôi Tư duy, nên tôi Tồn tại”

René Descartes đã nói vậy. Đó là Chân lý. 500 năm sau, nhân loại vẫn nói vậy. Đó vẫn là Chân lý. Làm sao mà không thể là Chân lý được? Tư duy, suy nghĩ, tư tưởng, tâm trí,… tất cả những cái đó không phải là duy nhất của con người sao? Loài vật làm gì có những cái đó. Tư duy, suy nghĩ, tư tưởng, tâm trí,… nâng Con người lên khỏi Loài vật, khảng định Con người là Con người. Có Tư duy, có suy nghĩ, có tư tưởng, có tâm trí,… Xã hội loài người phát triển.

Những cũng chính những Tư duy, suy nghĩ, tư tưởng, tâm trí,… đã tạo ra vòng cương toả kìm nén Sáng tạo, Tư do và Phát triển của con người. Tôi Tư duy, nên tôi Tồn tại. Có gì nhầm lẫn ở đây không? Không, không nhầm lẫn. Nếu bản chất của Đời sống là Khổ. Nếu bản chất của Con người là đồng nhất Tư duy, đồng nhất suy nghĩ, đồng nhất tư tưởng, đồng nhất tâm trí,… với Hiện hữu. Nếu bản chất của Con người là đồng nhất Bản thân Con người với những cái đó.

Đồng nhất tâm trí, đã tạo ra một màn ảnh làm mờ nhạt, làm biến dạng các khái niệm, hình ảnh, từ ngữ, phân chia, phán xét và các định nghĩa phong tỏa các quan hệ đúng đắn. Nó chen vào giữa Con người với Bản thân Con người. Nó vào giữa tâm trí và Tâm thức. Nó chen vào giữa Con người và các Con người khác, với Xã hội. Nó chen vào giữa Con người với Tự nhiên. Chính màn ảnh ý nghĩ này tạo ra ảo tưởng của sự tách rời. Ảo tưởng rằng con người tách rời với Con người khác, tách rời với Xã hội, tách rời với Tự nhiên.

Tin cậy và Tình Yêu là con đường giải thoát khỏi Tâm trí. Tin cậy và Tình Yêu là con đường đi vào Trong.

Theo Phật Gautama, theo Mahavira, theo Jesus Christ, theo Krishnamurti, theo Osho, theo Eckhart Tolle,… Tôi nói rằng:

“Tôi Tỉnh thức, là tôi không tư duy!”

Nếu chấm dứt được sự lệ thuộc khủng khiếp vào suy nghĩ của mình, vào Tư duy của mình, Con người sẽ chấm dứt được Khổ đau, chấm dứt được toàn bộ các xung đột, các mâu thuẫn cả Trong và cả Ngoài. Con người trở thành Con người Tử tế, Con người Siêu Việt.

Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.

Nguồn www.tincaytinhyeu.wordpress.com.