Làng Chùa Đại Ninh

In

Vĩnh Minh Tự Viện, đầu hạ năm Qúy Tỵ

Thích Nguyên Hiền

Có lẽ còn rất ít người Việt Nam biết rằng có một “làng chùa” nằm trên tuyến đường du lịch Sài-gòn Đà Lạt. Gọi là “làng chùa” bởi lẽ đó là ngôi làng có rất nhiều chùa, dọc hai bờ sông Đại Ninh hiền hòa thơ mộng. Có khoảng vài mươi ngôi chùa và rất nhiều am thất ở đây. Số lượng Tăng ni tu tập ở đây đông đến hàng ngàn. Phật giáo vùng này như thế có lẽ rất thịnh?

Không! Chẳng biết lấy tiêu chuẩn gì để nói đến sự thịnh suy của Phật giáo. Nếu nhìn từ hình thức bên ngoài, Phật giáo ở đây có vẻ đìu hiu, quạnh quẽ, Thậm chí khách du lịch hàng ngày với hàng ngàn chuyến xe đi ngang qua tuyến đường này, nhiều người vẫn không hề biết có một ngôi làng với hàng ngàn Tăng ni đang sống và tu tập. Không một bảng hiệu, không một cổng chào, thậm chí nhiều ngôi chùa lớn mà dân trong làng còn không biết tên gọi, đến nỗi họ lấy tên trụ trì ra gọi tên chùa, giống như kiểu miền Tây thường gọi chùa Bà Ba, chùa ông Tư vậy. Đó chính là điểm đặc biệt của làng chùa này. Chư Tăng ni ở đây không thích phô trương, không thích người ta biết nhiều về mình, không thích ồn ào đông đảo. Ai biết thì đến, Phật vẫn ngồi im đó cho người ta lạy, cổng chùa không có cửa, ai muốn ra thì ra, muốn vào thì vào. Sự bình yên , thanh vắng là tiêu chí, là sở thích. Chư Tăng ni Tịnh xứ chuyên bề tu học, lấy giới đức làm nền tảng, câu niệm Phật làm công phu. Hòa hợp, tiêu sơ, đạm bạc là nếp nhà, nên ai bảo thịnh cũng được, nói xuy cũng chả sao!

Nến kinh tế thị trường cùng sự phát triển đến chóng mặt của xã hội cũng làm xáo trộn ít nhiều ngôi làng thơ mộng này. Từ thời bao cấp, nhiều dân chúng ngoài đường đã vào đây phá rẫy canh tác, trồng mía, cà phê. Khi kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã cắt đất bán cho người ngoài. Nhiều đại gia từ Sài Gòn lên, nhiều Việt kiều ở nước ngoài về. Họ xây nhà, cất village biệt thự, chen chúc vào những khoảng trống, những mảng cây xanh là những ngôi nhà có vẻ bề thế. Nhu cầu đời sống làm mọc thêm trong xóm chùa nhiều quán xá, vài dịch vụ ăn theo, làm sự thanh bình của Tịnh xứ có phần xáo trộn. Đó là điều đáng tiếc nhất. Để giữ được sự bình yên của mình, nhiều ngôi chùa và am thất phải xây rào, cất giậu nhằm bưng bít với thế giới bên ngoài. Môi trường xã hội đã đặt những Tăng ni trong Tịnh xứ trước những thách thức về tư duy và lối sống, làm sao phù hợp với tinh thần hoằng pháp mà vẫn giữ được nét truyền thống của mình.

Khắp nơi người ta rêu rao, nào là quý Thầy cô hãy bước ra khỏi cổng chùa để nhìn vào cuộc đời, xem thử vị thế Phật giáo bây giờ ra sao. Cứ ngồi im trong chùa tụng kinh gõ mỏ thì Phật giáo phát triển chắc? Hay để cho Thiên Chúa, Tin Lành thu phục hết tín đồ, lúc ấy mình có tồn tại được không? Cũng có người cho rằng Phật giáo rần rần khắp phố phường quận huyện đấy, Tăng ni cũng ra xây chùa cất viện, thuyết pháp giảng kinh, tổ chức lễ hội, đạo tràng đông nghẹt đấy, Phật giáo có phải là thịnh hay không, hay chỉ chạy theo danh tướng để rồi bị tha hóa, tục hóa, mất hết phẩm hạnh, mất hết sự uy nghiêm của một vị Tăng sĩ, lợi bất cập hại, cái nào đáng hơn?

Thật đó là một thách thức rất lớn!

Thôi thì! Mỗi người mỗi hạnh, mỗi thời mỗi khác. Quý vị nào có khả năng hoằng pháp lợi sanh, thì hãy ra làm việc để ích đời lợi đạo. Điều đó hẳn đã được mọi người ý thức rất rõ. Còn hãy để cho cái làng chùa Đại Ninh này được ủ trong cái quạnh quẻ, tịch mặc, đìu hiu cũng được, ai bảo buồn bã cũng chả sao. Xin các đại gia đừng đầu tư địa ốc, đừng mở đường mở xá, xây cất tràn lan, điều đó đang được làm khắp trên mảnh đất Việt Nam này rồi, hãy chừa một chỗ cho những con đường đang cần sự tiêu sái, hoang sơ. Rồi ai đến thì đến, ai đi thì đi. Biết cũng được, không biết cũng chả sao. Chỉ cần những tu sĩ ở đây biết, biết rõ chính mình, biết mình đang làm gì, đang muốn gì. Rất biết.

Hãy nhìn những bông hoa dại ven đường, đủ duyên thì nở, hết duyên thì rụng, đâu cần ai đưa tay với hái. Vẫn sớm mai sương, vẫn chiều nhạt nắng, còn có chuông ngân, mỏ vọng, tiếng kệ lời kinh. Trẻ em ra đường ai cũng biết chắp tay Nam mô chào nhau, và thấp thoáng bên sườn đồi dăm ba chú tiểu, một vài Tăng ni với nâu sòng sạm vạt, lần chuỗi, đi dạo quanh đồi, hay vài vị Tăng trẻ ngồi trà đàm bên ngôi tháp cổ sau mỗi chiều công quả. Vẫn còn đó, bây giờ, mong rằng đó không phải là ước mơ của một ngày mai xa lắm.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: