Để Hiểu Bùi Giáng

In

Nhất Thanh

Bùi Giáng ra đi cách đây đã 15 năm, mang theo vô số giai thoại và nhiều điều bí ẩn chưa thể lý giải. Đến thăm ông vào những ngày cuối cùng tại bệnh viện Chợ Rẫy, tôi nghĩ sự ra đi này sẽ khép lại vĩnh viễn một khoang trời tiếu ngạo, hoặc sẽ mở ra bát ngát một thế giới thi ca. Sau vài năm người ta viết bài tưởng niệm (theo Hồ Công Khanh, có khoảng 500 bài viết về thi sĩ Bùi Giáng), Bùi Giáng phôi phai, thỉnh thoảng đó đây người ta nhắc lại như một cách PR cho một nhân vật nào đó, rồi thôi. Nhưng với anh em văn nghệ, Bùi Giáng vẫn là một đề tài muôn thưở trong những cuộc thơ, cuộc rượu cho hội thoại ngân dài.

Vừa qua, Hội thảo khoa học về Bùi Giáng được tổ chức tại trường Đại học KHXH và NV, tiếp theo là 18 số báo Thanh Niên khai thác khá nhiều góc cạnh về cuộc đời của ông. Những tưởng tất cả đã bổ sung một cách cần thiết cho những ai chưa am hiểu Bùi Giáng, cũng như một lời tạ tội với Bùi Tiên sinh vì sự hờ hững của thế hệ sau. Nào ngờ, ngay sau đó, tuần báo văn nghệ ra 2 số liên tiếp với 2 bài “Ai làm Bùi Giáng sống lại sau 15 năm” của tác giả Châu Thị Năm và bài “Chuyện ngược đời” của P.T.Sanh, như những câu hỏi ngớ ngẩn của một bà già quê gặp một ông Tây đi ngang qua ngỏ và hỏi “ai vậy”? Chính điều đó thúc đẩy người viết mạo muội viết bài “Để hiểu Bùi Giáng”.

Bùi Giáng có thể hiểu được không? Đó là 1 câu hỏi khác. Ở đây chỉ muốn đặt vấn đề: Làm thế nào để hiểu Bùi Giáng? Nhiều người đã nhiều năm tìm đọc và nghiên cứu để thốt lên rằng: Bùi Giáng là người không thể hiểu! Không hiểu thì ít nhất bạn phải làm gì để hiểu ra điều đó, không thể đứng ngoài rồi chê bai, phỉ báng, rồi đi đến những kết luận nguy hiểm như “Chỉ tội nghiệp cho con cháu chúng ta, lỡ vào các trường Đại học như thế, sẽ hiểu thế nào là văn hóa dân tộc, và đầu óc chúng sẽ bị nhiễu loạn ra sao?” (Văn nghệ 257, bộ mới, thứ năm, 10/10/2013).

Ngay khi Bùi Giáng còn sống sờ sờ giữa Sài Gòn đô hội, đầu đường xó chợ, ngoài giới văn nghệ, chẳng mấy ai biết đến tên Bùi Tiên sinh. Bao nhiêu thế hệ sinh viên Việt Nam sau 1975 gần như không biết gì “quái kiệt Sài Gòn” ngay khi ông còn sống. Nhiều bạn trẻ hỏi chúng tôi “Bùi Giáng là ai? Nhà thơ điên? Cuồng sĩ? Một ông già bênh hoạn? Nghe nói ông giỏi lắm nhưng vì học nhiều quá nên bị điên, tội nghiệp!” Vậy đó! Người ta biết Bùi Giáng như thế đó! Sau khi Bùi Giáng mất, chính chúng tôi đứng ra vận động làm tập tưởng niệm Bùi Giáng nhân tuần chung thất (một năm sau NXB trẻ đã in lại ấn phẩm này). Trong tuần chung thất tổ chức tại chùa Gìa Lam, chúng tôi ngồi hầu chuyện với nhà văn Sơn Nam và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những người có uy tín lúc ấy. Chính nhà văn Sơn Nam đã nói với chúng tôi: “Bùi Giáng lớn lắm! Làm thế nào để sinh viên ngày nay biết được cái lớn của Bùi Giáng”. Ngay sau đó, được sự hổ trợ của nhiều anh em, một đêm thơ nhạc được tổ chức trọng thể tại nhà văn hóa Lao Động, nhưng thành phần tham dự đều là những người từng mê Bùi Giáng, còn lại hầu hết chỉ biết qua những bản tin. Đó là điều đáng tiếc.

Hầu hết những người viết về Bùi Giáng đều ít nhiều “hiểu”  được Bùi Giáng, dù chỉ là thích thú với những giai thoại. Theo tôi, không khó để hiểu Bùi Giáng. Hiểu Bùi Giáng giống như hiểu thơ. Thơ đấy, ai cũng đọc, nhưng thực ra chẳng mấy ai hiểu. Cũng vậy, như đọc một bài thơ, ngắm một bức tranh, ai cũng khen hay quá, đẹp quá, nhưng hỏi hay thế nào, đẹp ra sao, thì chẳng mấy ai nói được. Còn những người không đọc, không xem thì có gì để bàn.

Như vậy! Để hiểu Bùi Giáng, người ta cần phải:

-      Đọc thơ Bùi Giáng

-      Đọc sách Bùi Giáng

-      Gần gũi Bùi Giáng

-      Sống như Bùi Giáng

Đó là những điều kiện cần để bước vào thế giới của thi sĩ kỳ dị (chữ của Bùi). Trong bài viết này, chúng tôi điểm qua 4 tiêu chí trên.

1. Đọc thơ Bùi Giáng.

Cuối đời cũng như sau khi Bùi Giáng mất, anh Nguyễn Thanh Hoài, cháu rễ của Bùi Giáng đã cho xuất bản một số tập thơ như Rong rêu, Đêm Ngắm Trăng, Như Sương..., vốn sưu tập từ những di cảo của họ Bùi. Những ai tiếp cận Bùi Giáng bắt đầu từ những tập thơ này, tôi dám chắc ít ai đọc đến hết tập, bởi lẽ nó không phải là “phát ngôn viên chính thức” của thơ Bùi Giáng.

Để hiểu Bùi Giáng trước hết là đọc thơ Bùi Giáng, mà đọc thơ Bùi Giáng là phải đọc Mưa Nguồn (Trang Phượng, 1962). Mưa Nguồn là tập thơ sưu tập từ những bài viết từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Trong Mưa Nguồn, tất cả những cảm xúc thi ca, những tâm tình gợi mở, những ẩn mật tuyệt trù, những cuộc chơi hí lộng, tất cả đã phát tiết một cách trọn vẹn, nở hết hương nhụy, đắm đuối bình sinh cho một lần tuôn chảy, như nước trên nguồn tràn về lũ lượt, cuốn phăng những giá trị ảo, cuốn phăng những định kiến. Cổ điển và hiện đại giao hòa làm nên một chân trời thi ca bát ngát. Người ta có thể chép thơ tình Xuân Diệu tặng nhau, ngâm Huy Cận giải sầu, đọc Hàn Mạc Tử để yêu, nhưng người yêu thơ, dù không hiểu, vẫn ôm lấy Mưa Nguồn như “Tâm kinh của thơ” để sống, lay lắt giữa điêu tàn trong từng hơi thở bình sinh. Hãy đọc chào Nguyên Xuân, Phụng Hiến, Người Đi Đâu trong Mưa Nguồn bằng tất cả tình yêu với đời sống, để nghe ra ý nghĩa đích thực của lầm than. Hãy đọc Những Nhành Mai, Áo Xanh, Bờ Lúa…bằng trái tim để cảm được tâm tình của thi sĩ gửi trao, hãy đọc Nỗi Lòng Tô Vũ, Anh Lùa Bò Vào Rừng Sim Trái Chín, Cỏ Hoa Hồn Du Mục để hiểu được tình yêu với hoa cỏ ruộng đồng. Hãy đọc Miền Nam, Về Buôn Bán, Mãnh Quần, Đường Cong để hiểu chất cà rỡn nhưng rất mực thâm nghiêm của Đười ươi thi sĩ. Tôi không có ý định phân tích Mưa Nguồn, nhưng tôi tin chắc rằng những ai thực sự muốn tiếp xúc với thơ, hãy đọc Mưa Nguồn của Bùi Giáng, bạn sẽ cảm được ít nhiều thi vị. “Người nằm ngủ thấy gì? Thấy rất nhiều nắng lạ”. Để hiểu Bùi Giáng, không cần phân tích, hãy đọc trực tiếp vào thơ của ông, tự chúng ta cảm thấy yêu đời chi lạ, và cảm được thế giới có một không hai trong nền thi ca Việt Nam. Còn rất nhiều tập thơ, từ Lá Hoa Cồn, Màu Hoa Trên Ngàn, Ngàn Thu Rớt Hột, Sa Mạc Trường Ca, Sa Mạc Phát Tiết, v.v… Có thể bạn không hiểu Bùi Giáng, nhưng bạn sẽ yêu thơ Bùi Giáng. Mưa Nguồn trước sau đã được tái bản đến 9 lần, một tập thơ đặc biệt.

2. Đọc thơ Bùi Giáng:

Văn nghiệp của Bùi Giáng có đến 71 tác phẩm lớn nhỏ đã được xuất bản gồm nhiều mảng: văn học, triết học, thi ca, tư tưởng, tiểu thuyết, dịch thuật, tùy bút, tạp bút v.v… Riêng mảng văn học, hãy đọc Vài nhận xét của truyện Kiều và truyện Phan Trần. Ngoài ra Bùi Giáng còn bình giảng về Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Quan Âm Thị Kính, Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà  Nguyễn Khắc Hiếu, Tôn Thọ Tường – Phan Văn Trị. Trong các tác phẩm này, có lẽ nhân vật Thúy Kiều có ảnh hưởng đến Bùi Giáng nhiều nhất. Chúng ta thường ca ngợi Truyện Kiều là tác phẩm lớn, là linh hồn của văn học Việt Nam. Qúa nhiều những bình giảng về Truyện Kiều, nhưng chưa thấy tác phẩm nào có cái nhìn độc đáo như Bùi Giáng. Những nhân vật như Thúc Sinh, Hoạn Thư cũng được Bùi Giáng nhìn dưới những góc độ đặc biệt, khiến cho Thúy Kiều trở thành nhân vật đại biểu cho tất mệnh, cho thân phận, và mở ra một thái độ sống, yêu đương và hít thở trong một bầu không khí đặc biệt. Tôi vẫn thường photo tác phẩm này cho các đứa em dạy văn, những sinh viên tìm đọc. Hiểu Kiều như Bùi Giáng thì Truyện Kiều mới thực sự là tác phẩm lớn.

Về tư tưởng và triết lý, Tư tưởng hiện đại là tác phẩm quan trọng của Bùi Giáng. Bùi Giáng đã giảng giải Kierkegaard, Malraux, Jaspers, Heidegger bằng một nhãn quan đặc biệt của một con người Việt Nam cuối thể kỷ 20. Bình giảng chính là đối thoại, Bùi Giáng đã đối thoại với các triết gia Tây phương một cách sòng phẳng và dẫn dắt người đọc đi về Đông phương trọn vẹn, phê phán thẳng thừng các triết gia nổi tiếng bằng một thứ lý luận thâm thúy mà khi ta đọc từng trang sách, ta sẽ cảm nhận sự vĩ đại của họ Bùi. Tác phẩm Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại là tác phẩm lớn của Bùi Giáng. Cuộc hội thoại Đông Tây đã mở ra những chân trời ảo diệu về triết lý và nhân sinh quan, có khả năng định hướng cho tất mệnh Việt Nam. Trong toàn thể văn nghiệp của Bùi Giáng, Heidegger là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất.

Nếu nói về dịch phẩm, Bùi Giáng có một khối lượng dịch phẩm đáng kể. Những dịch phẩm của Bùi Giáng hầu hết nói lên thái độ chọn lựa về triết lý sống của ông. Nhưng nếu ai muốn thưởng thức khả năng dịch thuật độc đáo của họ Bùi, hãy đọc Khung cửa hẹp của Andre Gide và Hoàng tử bé của Saint Exupéry, những tác phẩm nhỏ thôi, qua văn tài, khả năng chuyển ngữ và sáng tạo của Bùi Tiên sinh làm chúng ta sẽ nhớ mãi, và sẽ là một gợi ý đặc biệt cho những người làm công tác dịch thuật.

Về mảng tùy bút, tạp bút, khỏi phải nói sự thú vị của người đọc khi dở những tác phẩm. Ngày tháng ngao du, lễ hội tháng ba. Ông đối thoại từ Thích Ca, Jesus, cho đến Khổng Tử, Nguyễn Du, Nieftche, Heidegger, Phùng Khánh, Kim Cường, Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, đến chuồn chuồn, châu chấu. Những mẫu đối thoại ngắn gọn, thú vị, thi vị, dễ thương, thâm thúy, trào lộng. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, nếu không được đọc những tác phẩm này là một thiếu sót và thiệt thòi rất lớn của chúng ta.

Để hiểu Bùi Giáng không thể không đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không phải để hiểu Bùi Giáng, mà để hiểu cuộc đời bằng tất cả thi vị của đời sống.

3. Gần gũi  Bùi Giáng

Những ai sống ở Sài Gòn trong 4 thập niên từ 60 đến 90 của thế kỷ trước mới có cơ hội tiếp xúc, gần gũi với Bùi Giáng. Ông ra đi vào năm 1998, nhiều anh em nói với tôi “Bùi Giáng đi rồi, Sài Gòn buồn quá”.

Mãi đến 1982, tôi mới thực sự được gặp Bùi Giáng. Trước đó, tôi nghe kể rất nhiều giai thoại về ông qua những bài viết của Mai Thảo, Tạ Tỵ v.v…, cũng như những chuyện kể của anh em văn nghệ thân quen. Nào là chuyện Thầy giáo Bùi Giáng giảng Kiều, đến đoạn Từ Hải chết đứng thì nổi giận, la hét rồi nhảy cửa sổ bỏ đi để lại sinh viên ngồi ngơ ngác. Nào là chuyện Bùi Giáng ăn cứt dê để dụ con nít là thuốc tể v.v… Năm 1982, tôi và người bạn thiết (nhà thơ Trần Huệ Hiền) tìm thăm Bùi Giáng. Đến 1 ngôi trường tiểu học trên đường Lê Quang Định, thấy ông đang đứng đọ sức với một đám học sinh giờ tan trường. Một đám học trò đẩy cổng ra, ông thì đứng đẩy cổng vô, 2 bên giằng co một lúc, rồi kẻ thất bại chính là ông, ông té bật ra sau khi cánh cổng được mở. Đám học trò nhao nhao ùa ra la hét, hí hửng, trong khi ông già họ Bùi té chỏng ngọng, phủi áo đứng lên, xầm xì tiếng Tây tiếng ta gì chẳng hiểu. Sau đó ông đi về trong một con hẻm nhỏ đường Lê Quang Định. Trong một không gian tối của nhà ông, một cây vú sữa, một chuồng chó, và hai con mắt đặc biệt của ông như đang lạc vào một thế giới nào đó. Những câu hỏi “cao siêu” của chúng tôi được ông trả lời một cách cà rỡn. Đại loại: “Nguyễn Du hả? Có lúc tao coi Nguyễn Du như ông trời, có lúc tao coi như hột mít”.

Nhiều năm sau ở Sài Gòn, gần như một vài tháng là tôi tháp tùng vài anh em văn nghệ đến thăm Ông, nhất là thời anh Nguyễn Thanh Hoài, người cháu rễ đã làm cho Ông một căn nhà đàng hoàng. Mối lần đến chơi, ông thường nằm trên một chiếc võng, nói đủ chuyện Nam Tào Bắc Đẩu, từ triết học Tây Phương đến Khổng Tử, Nguyễn Du, Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện. Ngồi với ông thật thú vị. Nếu không phải lúc ông say, ông dễ thương lạ lùng, như một người ông ngồi nói chuyện với các cháu. Ông hỏi thăm người này người kia, ân cần và ra vẻ cận nhân tình lắm. Sau mỗi lúc nói chuyện đã đời ông rũ mọi người đi uống cà phê, uống rượu hoặc dạo chơi. Có lần chúng tôi đi cùng chị Hoàng Hiệp (em dâu Phạm Công Thiện) đến thăm ông, ông đang say mềm, sùi bọt mép. Chị Hoàng Hiệp giặt khăn nóng lau cho ông, ông đón nhận tình cảm của chị như một đứa trẻ đón nhận sự săn sóc của mẹ, từ đó tôi hiểu được chuyện ông nói về chất mẫu thân, huyền tẫn. Cứ đến thăm Bùi Giáng về là ai cũng thấy vui, giống như một Thiền sinh được gặp Thiền sư khai thị. Hạnh phúc này được anh em chia sẻ rất nhiều.

Còn nhớ khoảng năm 1994, 1995 gì đó, lúc diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh chết ở Sài Gòn, đám tang nổi đình nổi đám ở chùa Xá Lợi. Chiều hôm ấy, tôi cùng một người bạn xuống Bùi Giáng chơi. Tôi tí tửng: “Bác Giáng ơi! Lê Công Tuấn Anh tự tử chết rồi”. Ông thản nhiên cười đáp: “Tự tử là phải thôi! Ngày xưa Lý Bạch cũng tự tự mà người ta thơ mộng hóa nói rằng Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng mà chết. Marilyn Monroe cũng tự tử. Tao đây cũng muốn tự tử lắm chứ, nhưng nghĩ đến cái cảnh đi tìm một sợi dây để thắt cổ tao cũng làm biếng, nên thôi. Hihi”. Nói xong ông cười khằng khặc. Tôi vô cùng ấn tượng với cách trả lời của ông. Cuộc đời đáng chết thật! Nhưng ngay cả ý niệm tìm đến cái chết cũng là một trò cười. Câu trả lời như một sự khai thị.

Tôi có cơ hội được đi ăn đám cưới và ngồi cùng bàn với ông (đám cưới anh Nguyễn Thiên Chương và chị Diễm Thi), được đi xích lô cùng ông, và nhiều lần dạo chơi cùng ông trong những con hẻm ở đường Lê Quang Định. Có thể nói, được gần gũi Bùi Giáng là cái cách dễ nhất để hiểu ông, dễ khỏi lầm lạc về ông. “Ông điên mà vui vẻ thập thành, còn ta tỉnh táo mà đành buồn hiu”.

4. Sống như Bùi Giáng.

Còn nhớ đâu đó trong “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện, ông viết: Có 5 giải pháp cho tuổi trẻ hiện nay: 1/ Lao vào đời để tự tạo trách nhiệm, 2/ Lao vào trụy lạc trác táng, 3/ Tự tử, 4/ Đi tu, và thứ 5: Điên. Cách nói của họ Phạm hàm ý điên cũng là một giải pháp, một chọn lựa. Và trên văn đàn Việt Nam suốt trăm năm qua, chỉ có một mình Bùi Giáng là thực sự điên.

Điên như Tế Điên Hòa thượng của Trung Hoa, như Hiện Tử, Trư Đầu, Hàng San, Thập Đắc của Thiền tông Trung Quốc. Điên như Nieztche, cha đẻ thuyết Siêu nhân người Đức, như Vangogh, danh họa Hà Lan, như Hàn Mạc Tử, Phạm Phú Hải, những nhà thơ điên. Nhờ điên, họ đã để cho đời những kiệt tác.

Chợt nhớ một câu nói của ai đó trong “Cái cuời của Thánh Nhân”: “Trong nhà thương điên, dưới cặp mắt của những người điên, thì chỉ có ông giám đốc là điên mà thôi!”.

Đời sống hôm nay chúng ta được trang bị tới tận răng những phương tiện vật chất. Làm sao chúng ta có thể hiểu và nếm trải được thế giới của những người như Bùi Giáng. Không ai dám sống như Bùi Giáng, một thiên tài tự hủy, một kẻ múa may giữa tất cả những định kiến của cuộc đời, những khuôn mẫu, truyền thống, luân lý, thị phi. Ta bằng lòng với hiện tại và tự cho mình là khôn ngoan. Ta chuẩn bị yêu, chuẩn bị sống, chuẩn bị hạnh phúc mà chưa thực sự yêu, thực sự sống và hạnh phúc. Ta dối với chính mình là ta đang hạnh phúc, thực sự ai cũng xao xác tồn sinh bằng những hơi thở ngán ngẫm cuộc đời. Còn Bùi Giáng đã tận hiến từng hơi thở bình sinh trong tinh thần thể nhập. Thế giới của ông làm sao ta cảm hết được.

“Ta chấp nhận ngàn lần trong thổn thức

Ta bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm

Ta cam chịu cuồng si để sáng suốt

Ta đui mù cho thỏa dạ yêu em”.

Những câu thơ ấy trong bài Phụng Hiếu của tập Mưa Nguồn, há chẳng phải là sự hy sinh trọn vẹn để thể nhập bến bờ thực tại.

Lời Kết.

Tôi đã viết khoảng 15 bài về Bùi Giáng, từ tập Thời Văn khi ông còn sống, đến những tập tưởng niệm sau khi ông chết. Tôi không dự định viết về ông nữa. Bởi thực lòng tôi chẳng hiểu gì về ông cả. Không hiểu gì chính là điều tôi hiểu nhất về thi sĩ Bùi Trung Niên, có điều, với tất cả các thế hệ mai sau, để hiểu được con người không thể hiểu ấy, cũng như để hiểu về thi ca, về tất mệnh Việt Nam, chúng ta cần phải đọc, phải ngâm, phải hát, phải gần và phải sống, như hơi thở của chính mình. Còn nếu cứ nhìn bằng con mắt của sự khôn ngoan học thức, ngàn đời cũng không cảm được vầng trăng vằng vặc giữa đêm thu, tiếng suối róc rách đầu nguồn, cũng như nỗi niềm thầm kín trong từng hơi thở hãn hữu của bình sinh.



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: